10 năm xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam-Có gì mới?

RFA
2019.11.19
nông thôn Điện hóa nông thôn xã Điện Quang ở Quảng Nam
Photo: RFA

Miền Trung – chưa phát triển đúng tầm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn Việt Nam vừa thông báo kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới tính đến tháng 10/2019. Theo đó, Việt Nam đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 35.3% so với cuối năm 2015 (thời điểm tổng kết giai đoạn 1) và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Trong đó, tỉnh Đồng Nai ở miền Nam và tỉnh Nam Định ở  miền Bắc của Việt Nam có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam công nhận.

Tại tỉnh Quảng Nam ở miền Trung thì sao? RFA đã thực hiện chuyến khảo sát đến các vùng nông thôn Quảng Nam để mục sở thị sự đổi khác sau 10 năm xây dựng nông thôn mới.

Chúng tôi chọn xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) để ghi hình. Đây là xã được công nhận đạt tiêu chuẩn NTM.

Có thể thấy đường xá nông thôn ở xã Điện Quang đã được bê-tông hóa; nhà cửa khang trang; trường học, chợ, trạm y tế…tương đối đầy đủ. Thoạt nhìn có thể thấy đời sống của người dân có vẻ tốt hơn trước rất nhiều.

Những cư dân xã Điện Quang chia sẻ điều này:

“Nói chung là có thay đổi, trước mắt là thay đổi bộ mặt làng xóm. Như anh vào thấy đó, đổ bê-tông này nọ, sắp xếp lại bờ tường cửa ngõ.”-Nông dân xã Điện Quang.

« Nói chung là có phát triển. Phát triển nhờ nuôi bò, nhờ làm công nhân. Họ mở xí nghiệp, con cái đi làm công nhân còn mình làm nghề này (dâu tằm) với thêm bò. (Cuộc sống) thì nó lên họ mới để biển NTM chứ không lên để chi » - Lời của bà Màu, hộ nuôi dâu tằm – một nghề truyền thống của xã vừa được khôi phục lại những năm gần đây.

Chúng tôi cũng có mặt tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), đây cũng là xã đạt chuẩn NTM. Những người dân nơi đây chia sẻ:

«  Người dân giờ cũng khấm khá, nói chung không ai đói kém »- Lời của một trung niên xã Lộc An.

« Thu nhập bình quân một người ở đây có thể là 250 ngàn/ngày »

« Ở đây nước sạch đầy đủ. Nghĩa là nước sạch không sót một thôn nào »

« Đi đôi với sự phát triển của xã hội, cũng giống như của con người như thu nhập cao, cuộc sống đầy đủ hơn rồi là từ chổ đó nó đem lại ý thức văn minh của người đối với xã hội cao hơn. »- Lời của lão nông dân xã Lộc An.

Nhìn chung, theo tiêu chí nông thôn mới được Chính phủ đề ra thì hầu hết các xã chúng tôi ghé đến đều được cho ra đạt chuẩn khi người được chính quyền địa phương phổ biến kiến thức công nghệ mới và được tham gia các khóa học huấn luyện về cách trồng trọt, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi bò, áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp…v.v…

“Ví dụ như chăn nuôi, nông sản trước đây làm chưa được đạt cho lắm, giờ họ làm theo quy trình mới như trồng cây đậu, mè, bắp là nó đạt tiêu chuẩn. Một sào là 500m2, trước đây làm cầu trời mưa mới làm ra hột bắp, giờ dù có nắng hạn cũng có điện đài để tưới tiêu nên vẫn giữ được cây bắp, cây ngô, cây đậu là mình không bị thua.”- Lời của thanh niên xã Điện Quang.

“Có. Mỗi lần Ủy ban họp các chương trình về nông thôn, mấy ông bên nông nghiệp, mấy ông kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn cách mình chăm bón ruộng đồng”- Trung niên xã Lộc An nói.

Tuy vậy, chúng tôi cũng ghi nhận được những điểm chưa đạt tại các khu vực được “gắn mác” nông thôn mới khi nghe người dân chia sẻ.

“Làm chi đủ. Cô đây làm còn không thấy chi nữa, phải có bò rồi tới mùa làm thêm hoa màu, ớt …chứ làm không ngành nuôi tằm này làm chi”- Lời của bà Màu hộ nuôi tằm.

“Thấy cũng vậy, thậm chí càng ngày càng giảm lần do xuất khẩu không đạt. Ví dụ ngày xưa ở đây người dân làm nhiều lắm nào là ớt, dưa hấu, thuốc lá nhưng bây giờ ba thứ đó người ta làm không đạt nữa rồi vì xuất khẩu không đạt nữa rồi. Giờ tạm thời gắng gượng không phục lại ngành nghề nuôi tằm mà thôi.”-Nông dân xã Điện Quang chia sẻ.

Mô hình nông thôn mới ở VN
Mô hình nông thôn mới ở VN

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn-Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn, thành viên HĐQT Tập đoàn PAN Group nhận xét về chương trình này cho rằng, khoảng cách giữa người thành thị và nông thôn còn quá xa, ông nói tiếp:

“Nghĩa là người nông dân là những người trong chiến tranh hy sinh nhiều nhất, trong hòa bình họ cũng là những người vất vả, phấn đấu và lăn lộn nhiều. Thế nhưng so với mức sống, so với mức tăng thu nhập thì mức của người đô thị cao hơn người nông thôn nhiều. Cho nên xét về thể trạng thì người đô thị vẫn cao, to hơn, khỏe hơn, nhất là về học vấn thì người đô thị cũng giỏi hơn, có cơ hội việc làm nhiều hơn, có cơ hội hưởng lương cao hơn, xét về mức hưởng thụ về y tế, văn hóa, giáo dục thì người đô thị vẫn thuận lợi hơn. Điều này đương nhiên thôi, rõ ràng kinh tế đô thị, kinh tế công nghiệp luôn phát triển hơn kinh tế nông thôn nông nghiệp. Nhưng mà vấn đề khoảng cách giữa hai bên thì nó còn khoảng cách quan trọng nữa là về cơ hội, cái anh nông thôn cơ hội tiếp cận những dịch vụ, tiếp cận các tài nguyên khó khăn hơn, những cơ hội đến từ tương lai để có cơ hội học hành tốt hơn, cơ hội làm việc tốt hơn, có mức lương tốt hơn thì rất là hạn chế đây chính là điều đáng nói.. »

Chính vì điều này, hằng năm có một phần lớn lực lượng lao động trẻ từ nông thôn đổ ra các đô thị như Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội để vào các khu công nghiệp làm công nhân, thậm chí là đi xuất khẩu lao động khiến cho vùng nông thôn dù có những xã đạt tiêu chuẩn NTM nhưng cùng chung cảnh ngộ như bao vùng quê khác chỉ còn lại những người già, người chưa đủ tuổi lao động và trẻ con, ruộng đồng bỏ hoang…v.v…

“Giờ họ ra thành phố sẽ phát triển nhiều hơn. Ở đây cực quá, họ làm không nổi, ra đồng không nổi. Ra thành phố cũng là lao động làm thuê cho người khác nhưng đồng tiền cao hơn chút nữa, dễ sinh hoạt hơn. Còn ở mình đây tới mùa kia mới có tiền.”- Lời của Thanh niên xã Điện Quang.

“Đi Lào, đi miền Nam làm may vá. Nói chung thanh niên ở nhà hiện ít. Ở nhà chỉ mấy ông nông dân, người già cả với các cán bộ , nhân viên nhà nước…”- Lời của trung niên xã Lộc An.

Miền Nam – dân vẫn còn than thở

RFA cũng đã ghi hình tại xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh để nhìn nhận những đổi thay sau 10 năm chương trình nông thôn mới được triển khai tại đây.

Vừa bận rộn bày đồ đạc cùng vợ, chuẩn bị để bán thức ăn chiều, một người dân cho chúng tôi biết:

Có mở mang gì đâu mà nhiều. Đường thì lỗ hang sỏi đá sình lầy đồ không, chứ có đâu mà nhiều.

Thấy có gì đâu mà phát triển đâu. Khổ muốn chết luôn có được phát triển gì đâu.

Người dân ở đây cho biết phần đông dân tự góp sức vá lại những ổ gà trên đường để đi vì chính quyền chỉ trán nhựa những trục đường chính, còn đường liên xã thì chưa được đầu tư.

Bên cạnh hạ tầng còn nhiều khó khăn, người dân cũng than vãn về sự phát triển kinh tế khi chúng tôi đến phường Ninh Sơn, thuộc thành phố Tây Ninh.

Một người dân ở đây cho biết: Xưa nghèo khổ thì cũng nhiều. Giờ thấy ai cũng mần cũng đủ ăn, cũng dư chút đỉnh. Xưa vô đây mới ở cũng khổ thiệt. Mần từ từ thấy ai cũng thoáng lên. Mấy hộ nghèo nói chung không có, không thấy. Trung bình với khá thì nhiều.

Đó là chia sẻ của một nông dân trồng mãng cầu. Tuy nhiên khi chúng tôi tiếp xúc với những nông dân trồng lúa thì họ cho rằng: Mùa màng canh tác thì thực sự bấp bênh lắm. Người nông dân rất là cực khổ khi mà không có nước. Hạn hán, nắng nôi, rồi cộng thêm dịch hại mùa màng, heo thì bị tả lợn Châu Phi, gà thì bị dịch chết.

Không có kỹ thuật gì nhiều hết trơn. Mình làm chủ yếu là thời tiết thôi. Thời tiết nó thuận lợi thì dễ đậu, trái nó đẹp. Thời tiết khó khăn thì trái nó xấu. Còn thuốc thì lại chỗ đại lý người ta bán vậy thôi.

Nói chung ở đây nó xa xã quá hay gì không biết, mình làm tự mình làm mình sống. Không thấy người xã nào lại. Kẹt thì mình đi vay chứ hỗ trợ gì thì mình chưa thấy.

Dọc thôn, xóm ở Tây Ninh, chúng tôi bắt gặp nhiều khẩu hiệu nổi bật ‘Xây dựng nông thôn mới: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ’ nhưng sự thật là quá ít người biết về chương trình xây dựng nông thôn mới. Có biết, cũng chỉ là biết qua các bảng khẩu hiệu.

Nghe qua chứ công việc nhà nông nó lu bu nhiều mình cũng không sâu sát nhiều.

Theo chia sẻ của những hộ dân nơi đây, rõ ràng đời sống của họ nếu có khá lên cũng là do họ tự vươn lên, sự giúp sức của chính quyền gần như rất ít.

Chỉ mấy anh cán bộ ấp lại ghi ghi chép chép, ừ…ông nuôi gà thế này thế này vậy thôi. Ngân hàng thì kẹt vốn vay vốn ngân hàng vậy thôi. Đem sổ sách đất nhà thế chấp đi vay.

Ở đây xứ này nói chung đi làm mướn nhiều lắm con. Người ta làm cái này cái kia, đa số đi theo vườn làm mãng cầu.

Tuy vậy, chúng tôi cũng khá vui khi phát hiện ra các trạm y tế xã được nâng cấp kỹ thuật hơn so với ngày xưa.

Trạm xá cũng phát triển ba cái kỹ thuật, mình vô người ta cũng biết bệnh này bệnh kia nọ người ta trị. Xưa vô người ta chích thuốc đồ thôi.

Nhưng nâng cấp không được đồng bộ, còn rất nhiều hạn chế về thiết bị kỹ thuật, nhân lực.

Thí dụ nha, đứt giò mà đứt sâu thì nó không có khâu vá gì được hết trơn nó cũng chuyển đi ra bệnh viện ngoài làm hết à. Chỉ vô rửa ráy vết thương sơ sơ vậy thôi à.

"Người ta phát triển các doanh nghiệp, phát triển công nghiệp, phát triển dịch vụ ở ngay nông thôn. Chẳng hạn như người ta đưa nhà máy về nông thôn, đưa các trường đại học về nông thôn, đưa các doanh nghiệp lớn về nông thôn thì người dân nông thôn có thể đi làm phi nông nghiệp mà không phải rời khỏi quê hương...", Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

Một thực trạng chung mà chúng tôi nhìn nhận được từ các khu vực nông thôn mới tại VN (miền Nam và miền Trung là khoảng cách giữa thành thị và nông thôn vẫn không thể nào kéo gần hơn được cho dẫu 10, 20 hoặc xa hơn nữa…

Nói chung ở đây lớn lên đi học là xuống thành phố học, ở dưới đó luôn quá. Cũng có một hai người không học thì ở đây đi làm xí nghiệp.

Tại thành phố có công chuyện làm chứ ở đây đâu có gì đâu.

Mức lương với công việc trên này dễ tìm hơn

Về cái thị trường nhân công, giá cả thấp so với Bình Dương hay là Sài Gòn.

Trên này mình nhiều cơ hội phát triển hơn, ở dưới mình làm thì cơ hội nó cũng chậm.

Trước thực trạng người nông dân ở những vùng NTM vẫn bỏ nhà ra đô thị vậy liệu kết quả NTM của Chính phủ 10 năm qua có thực sự tốt?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng hiện tượng người dân ở nông thôn chuyển dịch về đô thị là hiện tượng diễn ra trên khắp thế giới, nó chỉ khác ở mức độ cao hay là thấp mà thôi. Nhiều nước trên thế giới họ làm khá thành công khi có những giải pháp giữ chân người dân ngay tại nông thôn, điển hình nhất là các nước ở Bắc Âu, các nước ở Đông Bắc Á. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn chia sẻ tiếp:

«Thứ nhất, người ta phát triển các doanh nghiệp, phát triển công nghiệp, phát triển dịch vụ ở ngay nông thôn. Chẳng hạn như người ta đưa nhà máy về nông thôn, đưa các trường đại học về nông thôn, đưa các doanh nghiệp lớn về nông thôn thì người dân nông thôn có thể đi làm phi nông nghiệp mà không phải rời khỏi quê hương. Như vậy, xã hội nông thôn nó không đảo lộn, nó không phải chỉ còn lại người già và trẻ em, nó không phải chỉ còn lại phụ nữ mà nó vẫn là xã hội tương đối ổn định và cư dân ở nông thôn ngoài việc làm nông nghiệp thì họ có thể có những thu nhập phi nông nghiệp có khi chiếm đến 50-70% thu nhập của hộ gia đình. »

Nghĩa là chương trình NTM của VN vẫn còn nhiều hạn chế và chưa phát triển đúng tầm. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn kết lời:

« … khi mà cơ sở hạ tầng ở nông thôn tốt và nhất là dịch vụ phục vụ đời sống nông thôn tốt ví dụ như các bệnh viện có chất lượng tốt, các trường học có chất lượng tốt thì ngay cả những người dân đô thị người ta cũng muốn về nông thôn. »

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.