Con ong bầu và người nông dân Tây Nam Bộ
2014.03.31
Với người nông dân Tây Nam Bộ, con ong bầu, giàn mướp, con kênh, cây cầu khỉ đã gắn với đời sống của họ bao đời nay, đặc biệt, con ong đi vào thơ ca như một người bạn thiết có thể lắng nghe và chia sẻ tâm trạng với người nông dân miệt vườn. Trong thời đại kinh tế mở cửa, con ong bay từ vườn nhãn bay thẳng sang bên kia đại dương với sữa ong chúa, mật ong và trà sữa ong. Người nông dân kiếm sống dễ dàng hơn, đời sống trở nên thông thoáng và khởi sắc hơn nhờ vào nghề nuôi ong.
Nông dân đổi đời
Với một con ong chúa và bốn đến sáu ngàn con ong thợ quây quần trong chiếc hộp gỗ đặt trong các vườn nhãn, trung bình mỗi vườn nhãn đặt từ mười đến sáu mươi hộp gỗ nuôi ong, mỗi tháng, người nông dân có thể thu hoạch từ sáu đến mười lít mật ong và từ một lít rưỡi đến hai lít sữa ong chúa. Mức thu nhập trung bình của việc nuôi ong có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Một nông dân nuôi ong ở miệt Cửu Long tên Hải chia sẻ, trong điều kiện kinh tế miệt vườn hết sức khó khăn bởi lượng trái cây tuy đạt năng suất cao nhưng vẫn không sinh lãi được bao nhiêu bởi giá thành giảm do trái cây Trung Quốc cướp mất thị trường, tiền phân bón tăng nhanh vùn vụt, tiền công lao động chăm sóc cây cũng tăng theo, mọi thứ dịch vụ chăm sóc cây, kể cả cây giống cũng tăng giá rất nhanh, chính lúc này, con ong cho mật trở thành người bạn cứu rỗi cuộc đời người nông dân.
Theo ông Hải, những vườn nhãn của nông dân miền Tây, nếu chỉ dựa trên sản lượng hằng năm thì e rằng chỉ dư được số lãi rất thấp vì tình hình thị trường trái cây đang rất ảm đạm, thế nhưng từ ngày người nông dân tổ chức nuôi ong lấy mật, vườn nhãn trở nên sinh động và bội thu hơn nhiều so vời trước đây.
Lý giải vấn đề bội thu nhờ nuôi ong, ông Hải nói rằng sở dĩ trước đây những vườn nhãn miền Tây Nam Bộ không cho trái sum suê như mong muốn bởi vấn đề thụ phấn cho hoa chỉ dựa vào gió trời, những luồng gió phân phát phấn hoa và những bông hoa cái có đậu trái được hay không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào luồng gió có đưa phấn hoa được đến với nó, họa hoằng mới có vài con ong, vài con bướm đến hút mật và thụ phấn cho hoa. Nhưng đến khi người nông dân nuôi ong thì mọi chuyện hoàn toàn khác, ong bay khắp vườn nhãn để hút mật, thụ phấn cho hoa, nhãn cho năng suất cao hơn nhiều so với trước.
Theo ông Hải: “Nó đi khu nào có cây đang có bông, đang tới vụ ra bông, nó hút mật, nó hút mật ở trong nhị nó hút luôn cả phấn, nó bay qua cái bông bên kia, thì phấn nó sẽ dính qua,. Như vậy thì thụ phấn sẽ đạt hơn nữa. Thu nhập cũng được lắm á!”
Đồng thời, lượng mật ong và sữa ong chúa cũng giúp cho người nông dân có một nguồn thu nhập mới khá hấp dẫn, công nghiệp du lịch miệt vườn ra đời cũng nhờ một phần rất lớn từ sữa ong chúa và mật ong thợ. Người nông dân vốn cần mẫn, chí khú làm ăn, không biết gì về kinh doanh bỗng chốc đổi đời thành chủ những miệt vườn du lịch với dịch vụ khép kín từ bán mật ong cho đến sữa ong chúa, hướng dẫn khách du lịch thăm quan vườn cây và thưởng thức trà sữa ong chúa.
Du lịch miệt vườn
Một người là chủ vườn nhãn, cũng là khu du lịch miệt vườn ở Bến Tre, tên Lực, chia sẻ kể từ lúc vườn nhãn của ông kiêm thêm dịch vụ du lịch, thu nhập của gia đình ông đã khá hẳn lên nhờ vào việc bán sữa ong và mật ong. Nhưng ông cũng bày tỏ nỗi lo lắng của một người nông dân khi các tour du lịch mỗi lúc càng thêm phức tạp, ăn xổi nhiều hơn là kinh doanh nghiêm túc. Nghĩa là thời gian gần đây, hàng loạt các công ty lữ hành ra đời và hàng loạt tour du lịch miệt vườn cũng ra đời theo nhưng chất lượng của nó rất kém.
Vấn đề kém chất lượng đầu tiên dễ nhận thấy nhất là hầu như ngày nào cũng có vài tour dắt khách về miệt vườn tham quan và điều này làm cho miệt vườn không thể đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu cho một chương trình du lịch vì trái mùa, vì mật ong, sữa ong không thể nào sản xuất kịp và dẫn đến nhiều miệt vườn đã sử dụng sữa ong chúa mua ở nơi khác có chất lượng kém, thậm chí theo ông chỗ ông Lực biết, có nhiều khu du lịch không ngại dùng cả sữa và mật ong kém chất lượng để bán cho khách. Điều này về lâu về dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của mật ong và sữa ong chúa ở miệt vườn Tây Nam Bộ.
Với những nông dân vẫn còn giữ bản tính thật thà của người Nam Bộ, việc nuôi ong lấy mật không đơn giản là kiếm tiền mà còn là nguồn cảm hứng bất tận để tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật đàn ca tài tử, cải lương. Mỗi sáng, bắc một ấm trà sữa ong chúa, ngồi nhâm nhi và nhìn ra sông nước mênh mông để suy tư, ngẫm ngợi về cuộc đời cũng là cái thú vui cố hữu của người miêt vườn Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, do cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh, thay vì ung dung tự tại để khách du lịch tự tìm đến tham quan một cách ngẫu nhiên ngẫu nhĩ, nhà vườn phải chèo kéo khách bằng nhiều cách.
Và cách chèo kèo được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là bắt tay với những hướng dẫn viên du lịch, với công ty du lịch để họ dắt khách đến vườn của mình và chi hoa hồng cho hướng dẫn viên. Một khi chủ miệt vườn phải chi một khoản hoa hồng cho phía đối tác, họ bắt buộc phải nâng giá và bằng mọi cách kiếm lãi trong khu vườn của họ. Thường thì người chịu thiệt thòi đầu tiên trong vấn đề này là khách du lịch nhưng người nhận hậu quả cuối cùng lại chính là các chủ miệt vườn.
Bỡi lẽ, đến một lúc nào đó, khách du lịch sẽ nhận ra rằng họ đã bị lừa trong những chuyến tham quan, thay vì đến một miệt Tây Nam Bộ chân chất, thật thà và hồn hậu, họ đã phải mua những thứ hàng giả và sử dụng nó một cách vô tư nhưng không hề hay biết rằng mức độ độc hại của hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ dẩn đến những nguy hiểm cho sức khỏe. Và một khi khách du lịch mất niềm tin, miệt vườn miền Tây sẽ bị mất khách và phá sản là nguy cơ trong tầm mắt.
Miệt vườn miền Tây Nam Bộ đang đối diện với nguy cơ kém chất lượng mà không thể khắc phục được vì thị trường quá khốc liệt.