Ăn chặn quà cứu trợ, nỗi đau sau lũ
2016.10.27
Bùn non, cây đổ, nhà đổ và áo quần bị mất, cái đói, cái lạnh sau lũ vẫn còn quanh quẩn đâu đó, nỗi buồn vì mất mát nhà cửa, người thân, mất mát những thứ vốn dĩ đã gắn bó lâu đời với mình vẫn còn canh cánh nơi mỗi người dân vùng lũ đi qua. Những gói hàng cứu trợ, những phong bì chứa chất tình thương đồng loại như một chút lửa sưởi ấm nỗi quạnh quẽ, hoang lạnh nơi vùng lũ. Tuy nhiên, câu chuyện đau khổ, mất mát vì lũ vẫn chưa kịp đi qua thì nỗi đau bị ăn chặn quà cứu trợ lại kéo đến.
Đoàn cứu trợ đi, cán bộ đến thu tiền cứu trợ
Một người dân xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, tên Thiện, chia sẻ: “Trưởng thôn họ gom quà lại rồi chia ra cho đều. Ví dụ như thôn có một trăm nhà mà có sáu chục phần quà thì lấy hết chia lại để một trăm gia đình có đủ quà. Nhưng chưa kịp chia thì bị phanh phui nên mang quà trả lại. Không rõ là họ có trả lại không nhưng mà tịch thu quà thì có, và chẳng biết họ chia kiểu gì nữa! Nói chung là rối rắm lắm!”.
Ông Thiện cho biết thêm là hiện nay, đời sống người dân các xã Quảng Trung, Quảng Thọ, Quảng Văn, Quảng Thiện, Quảng An vẫn chưa kịp hoàn hồn bởi mọi thứ vẫn còn tiêu điều, xơ xác. Hơn nữa, kinh tế chủ lực của các xã này là nông nghiệp, quanh năm suốt tháng bám ruộng đồng, chuyện ăn uống, giỗ chạp, lễ lạc, cho con ăn học, chữa bệnh, hiếu hỉ với xóm làng chỉ dựa vào vài tấn lúa, con trâu, con bò, con gà, con lợn để mà duy trì qua ngày đoạn tháng.
Không rõ là họ có trả lại không nhưng mà tịch thu quà thì có, và chẳng biết họ chia kiểu gì nữa! Nói chung là rối rắm lắm!.
- Một người dân xã Quảng Trung
Thế nhưng chỉ sau một đêm, lũ kéo qua và mang đi tất cả, đời sống đảo lộn, không còn gì để sống, cũng không còn gì để hi vọng bởi chuyện học hành của con cái trong thời gian sắp tới là một chuyện hết sức khó khăn, ngạt thở. Với người dân nơi đây, một phong bì chứa đựng lòng yêu thương, chia sẻ của bà con phương xa, một ký gạo cầm hơi qua đói lạnh hay một viên thuốc cảm mà người trong đoàn cứu trợ đã cho quí còn hơn bất cứ thứ gì. Bởi một miếng khi đói bằng một gói khi no. Hơn bao giờ hết, những suất quà, những đồng tiền chia sẻ giúp cho bà con có cái để tồn tại, để chống chọi với thời tiết lạnh lẽo sau lụt, để có cái mà bỏ vào bụng, kháng chịu bệnh tật vi trùng, môi trường dơ dáy…
Thế nhưng quà chỉ mới trao tay, cầm chưa kịp nóng tay, mừng chưa kịp cười thì cán bộ thôn đã ập đến, yêu cầu bà con phải nộp lại 80% số tiền trong phong bì để họ mang về chia đều cho người trong thôn. Điều làm ông Thiện thấy buồn và thất vọng nhất là tất cả những gia đình được nhận tiền 500 ngàn đồng và một suất quà ở xã Quảng Trung đều là gia đình quá nghèo, mất mát quá nhiều và họ không còn gì để nghèo hơn sau trận lũ này.
Điều này ai trong xã cũng hiểu, cũng biết, nhưng các ông cán bộ thôn lại không biết, lại thu tiền của các gia đình nghèo này để chia đều. Trong khi đó, những người dân khác trong thôn, trong xã đều không muốn chuyện này xảy ra bởi chính họ cũng mong mỏi những gia đình gia đình nghèo khổ kia được nhận nhiều quà cứu trợ hơn nữa để mà tồn tại qua cơn khốn khó.
Thiên hình vạn trạng kiểu chia quà
Khác với việc chia quà đầy tính bất minh ở Ba Đồn, Quảng Bình, có một số nơi ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh lại có những người đấu tranh để lấy lại phần quà từ người đã nhận để chia. Và đương nhiên, khi quyết lấy lại phần quà, họ có lý lẽ riêng. Như lời của một cán bộ Mặt Trận ở Hương Khê, chia sẻ:
"Vừa rồi ở đây cứu trợ ba xã Hương Giang, Hương Thủy và Gia Phố được 90 suất quà. Riêng Gia Phố được 30 suất quà, mỗi suất 3 triệu đồng và một số thực phẩm, nhưng chia chác không minh bạch, dân họ thắc mắc và cán bộ xã chỉ gởi cho dân có 5 suất thôi. Số còn lại chia cho mấy gia đình không đạt tiêu chuẩn, nghĩa là họ không mấy khó khăn, cũng không mất mát trong đợt lũ vừa qua. Mà chỉ có năm phần được chia minh bạch, số quà kia chia đi đâu thì không biết. Tôi cũng có tổ chức họp xóm để lấy ý kiến của người dân. Người dân muốn kiện bởi số lượng quà lần này về không đúng đối tượng, nó mờ ám ngay từ danh sách nhận quà, chính vì vậy mà chúng tôi phải kiện để lấy quà chia đều, có như vậy người nghèo, bị mất mát mới có chút quà chứ! Mà giờ cũng chẳng biết kiện ai nữa!”.
Người dân muốn kiện bởi số lượng quà lần này về không đúng đối tượng, nó mờ ám ngay từ danh sách nhận quà...
- Một cán bộ ở Hương Khê
Theo vị cán bộ giấu tên này thì nếu như nơi nào khác có lấy lại quà để làm những việc bất minh thì ở ông, riêng cá nhân ông, ông đang cố gắng đấu tranh lấy lại rất nhiều phần quà để chia đều cho rất nhiều gia đình khó khăn nơi đây. Vì lẽ, hầu hết các phần quà đều có giá trị rất cao, có một phong bì ba triệu đồng và nhiều loại lương thực. Và khi lấy danh sách người nhận quà, dường như các nhà hảo tâm đã không tìm hiểu cặn kẽ, họ đã trao nhầm quà. Chữ trao nhầm ông nói ở đây không có nghĩa là trao nhầm tên tuổi người nhận mà trao nhầm tiêu chuẩn người nhận.
Mấy chục suất quà với phong bì ba triệu đồng và nhiều loại thực phẩm, lương thực có giá trị kèm theo đã không trao vào tay người nghèo khổ, bị mất mát mà trao vào một số người đã được phía ủy ban xã chỉ định. Trong khi đó, những gia đình nghèo, thật sự cần cứu trợ thì chỉ được nhận lèo tèo vài suất quà nhỏ đã thông qua sự phân chia, sàng lọc và cắt xén từ ủy ban xã.
Chính vì sự vô lý và thiếu công bằng trong cách cung cấp danh sách người nhận quà đã dẫn đến sự đấu tranh đòi công bằng của rất nhiều người dân trong xã, trong thôn.