Nông dân miền Nam đau đầu vì xoài

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014.05.05
xoai-1-305.jpg Xoài ghép có giá 3000 đồng mỗi ký tại Long Thành, Đồng Nai
RFA photo

 

Với nông dân miền Nam, ngoài những cánh đồng lúa bạt ngàn ở Tây Nam Bộ, những vườn xoài, vuờn nhãn, măng cụt, sầu riêng ở khắp các nhà vườn Nam Bộ cũng là nguồn thu giúp nông dân đổi đời. Trước đây, những vườn xoài miền Nam đã giúp không ít nông dân từ chỗ nghèo khổ sang khấm khá, giàu có. Và cũng chính những vườn xoài được chọn làm mũi nhọn kinh tế của nhà nông này, năm nay lại đổi đời những nông dân giàu có sang chỗ khó khăn, nghèo khổ bởi giá xoài rớt thậm tệ, thê thảm. Cuộc khủng hoảng kinh tế của nông dân miền Nam vì giá xoài tụt dốc còn kinh khủng hơn cả dưa hấu miền Trung.

Nông dân thất thu hoàn toàn

Một nông dân, chủ nhà vườn ở Long Thành, Đồng Nai, chia sẻ: “Hôm qua giá xoài keo chỉ có năm ngàn đồng một ký thôi, tại vườn chỉ có hai, ba ngàn một ký thôi. Trồng xoài, đại thu hoạch mà giá xoài thấp như vậy thì phải nói là sao mà vui cho nổi, phải nói là thất bại nặng luôn à. Rớt giá quá thì nhà xoài đâu có sống nổi đâu, mình trồng quá nhiều suốt cả năm trời luôn, rốt cuộc đến mùa thu hoạch thì rớt giá quá chừng luôn, sống sao nổi mà sống, đau lắm!”

Theo người nông dân này, những ngày đầu mùa, mọi nhà vườn đều rất vui và hy vọng năm nay mình trúng lớn vì các vườn xoài đều sai trái, chất lượng trái cũng khá hơn mọi năm vì đầu năm trời mát, có vài cơn mưa đúng thời điểm cây xoài cần nước để phát triển. Như vậy coi như ông trời đã thương nông dân, đã giúp cho nông dân được mùa. Và đến mùa thu hoạch, nhìn những vườn xoài, người nông dân không thể kìm được lòng phấn khởi, lâng lâng hy vọng một mùa bội thu.

Thế nhưng đó chỉ là chuyện của ông trời thương người dân, còn những chuyện khác giữa người và người, giữa nhiều thứ trong đó không loại trừ các chính sách của con người tác động đến con người. Nông dân chuyển từ hy vọng, vui mừng sang buồn bã, tuyệt vọng. Thay vì lứa trái đầu mùa mang lại một lượng tiền đủ để bù cho phân, thuốc và tiền điện bơm nước tưới tiêu. Lứa xoài đầu mùa năm nay chỉ đủ để bù cho tiền mua cà phê, mua trà uống để thức đêm mà đuổi dơi, canh trộm cho vườn xoài.

Rớt giá quá thì nhà xoài đâu có sống nổi đâu, mình trồng quá nhiều suốt cả năm trời luôn, rốt cuộc đến mùa thu hoạch thì rớt giá quá chừng luôn, sống sao nổi mà sống, đau lắm!
- Một nông dân Đồng Nai

Đến giữa mùa, theo thường lệ nhiều năm trước đây, người nông dân đã lấy được tiền lãi khá nhiều, ít nhất là số tiền thu vào đã lên đến 200% so với số tiền đầu tư và chỉ cần trong vòng ba tuần thu hoạch, số tiền thu vào có thể gấp mười lần so với số tiền đầu tư. Nhưng năm nay, đã đến giữa mùa mà số tiền vẫn còn ở mức chưa đầy 50% so với tiền vốn đầu tư.

Người nông dân này lắc đầu chua chát nói rằng thử hỏi một khi thắng lợi thì có bội thu cỡ nào cũng không vượt quá mười lần vốn bỏ ra, trong khi trái cây tụt giá xuống từ mười lăm đến hai mươi lần, nhà buôn chê lên chê xuống, nếu như những trái xoài trước đây được xếp vào hạng nhì thì bây giờ chỉ biết mang đi đổ vì không tiêu thụ được. Với đà này, làm sao mà người nông dân dám hy vọng mình sẽ gở được vốn. Trong khi đó, với người làm vườn, mọi khoản chi phí đều hoàn toàn dựa vào vườn cây, bây giờ vườn cây trở thành gánh nặng thì đương nhiên nhà nông đối diện với đói kém.

Thị trường lên xuống bất thường

Xoài tượng có giá 7000 đồng mỗi ký tại vườn. RFA photo
Xoài tượng có giá 7000 đồng mỗi ký tại vườn. RFA photo
Xoài tượng có giá 7000 đồng mỗi ký tại vườn. RFA photo

Một nông dân khác tên Tiệm, ở Long Khánh, chia sẻ, sở dĩ nhà vườn trở nên bấp bênh trong nhiều năm trở lại đây là vì chính sách xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam – Trung Quốc đã quá bất cập nhưng không thể điều chỉnh được nữa. Sự bất cập này giống như một cổ xe đã bị lún dần xuống sình. Thay vì mang xe cần cẩu về kéo nó lên, người lái xe lại gắng sức nổ máy, sang số cho xe gầm rú, càng gầm rú nó càng lún sâu xuống thêm, cho đến lúc không còn khả năng cứu vãn.

Nói rõ hơn, ông Tiệm cho rằng mọi sự trở ngại của nhà nông trong nhiều năm, trở lại đây là do yếu tố Trung Quốc, hay nói chính xác hơn là do chính sách của nhà nước Việt Nam về xuất – nhập khẩu nông sản qua Trung Quốc quá sức bất cập, hầu như người Trung Quốc được ưu tiên đến mức độc quyền xuất nhập khẩu nông sản với Việt Nam. Bằng chứng của vấn đề này là hàng chục triệu tấn trái cây Trung Quốc đã tuồn sang Việt Nam một cách bất thường trong hai năm trở lại đây và mọi thứ nông sản Việt Nam trồng đều nhắm đến thị trường Trung Quốc.

Và đây là một cái bẫy quá nguy hiểm, vì một khi trái cây Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam, sự kiểm soát hoàn toàn bế tắc thì thị trường trái cây nói riêng, nông sản nói chung của Việt Nam sẽ khủng hoảng, khó điều tiết, đó là chưa muốn nhắc đến mối nguy hiểm về an toàn thực phẩm cũng như các loại hóa chất độc hại trong trái cây, nông sản Trung Quốc.

Với người nông dân Việt Nam, sự tấn công ồ ạt của nông sản Trung Quốc là một trở ngại quá lớn cho việc sản xuất, trồng trọt một cách nghiêm túc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì để cạnh tranh với loại trái cây được nuôi trồng bằng hóa chất và có giá thành rất rẻ, không thể trồng trọt một cách đảm bảo vệ sinh cho ra loại trái cây sạch với giá rẻ bèo được, làm như thế thì nhà nông phá sản ngay tức khắc.

Hơn nữa, một khi trái cây Trung Quốc thao túng thị trường Việt Nam với giá rẻ bèo, trái cây Việt Nam buộc phải tìm thị trường khác, và cái đầu ra có tên Trung Quốc được ưu tiên nhiều thứ để lúa gạo, bầu bí, dưa hấu, bưởi, thanh long, nho, xoài… từ Việt Nam xuất khẩu sang. Nhưng đây là thị trường bất ổn nhất, lúc nhanh lúc chậm, lúc vui lúc buồn, bất kì người nông dân nào của Việt Nam đều có thể trở thành nạn nhân của thị trường Trung Quốc nếu như chấp nhận trồng nông sản theo định hướng của người Trung Quốc thông qua kế hoạch lớn về nông nghiệp của nhà nước.

Kinh nghiệm nhiều năm thất thu từ vườn trái cây đã cho ông Tiệm một bài học nhớ đời: Chơi với Trung Quốc là chơi với con dao hai lưỡi và nghe theo kế hoạch các hợp tác xã địa phương là nghe theo kẻ không đủ khả năng quản lý hành vi.

Sở dĩ ông Tiệm nói nặng lời như thế bởi vì năm nay, giá xoài chỉ có vài ngàn đồng mỗi kí lô, mà với người nông dân, giá xoài như thế thì chẳng còn hy vọng gì. Họ buộc phải nhận ra là chơi với Trung Quốc sẽ có kết cục như ngày hôm nay. Và họ cũng lắc đầu chán ngán cái gọi là kế hoạch lớn mà các cơ quan nông nghiệp đã tha hồ tuyên truyền, chỉ bảo nhân dân làm theo. Nhân dân đã làm theo một cách nghiêm túc đến độ te tua xác mướp!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.