Nguy hiểm vận chuyển pháo mùa Tết

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016.12.29
hinh-620.jpg Giáp Tết, lúc cờ hoa rực rỡ cũng là lúc việc buôn bán pháo, súng phát sáng ở Cao Bằng nhộn nhịp nhất.
RFA photo

Dịp gần Tết, lượng pháo và súng hoa cải từ phương Bắc ồ ạt đổ sang Việt Nam, tản ra khắp đất nước đang trở thành mối lo của nhiều người. Bởi vấn đề kẻ trộm, kẻ cướp đang ngày càng lộng hành cộng với tình trạng chất gây nổ ngày càng đổ sang Việt Nam nhiều dẫn đến hệ quả là những kẻ chuyên gây án có thêm phương tiện để hành sự, trong khi đó, luật Việt Nam qui định cấm người dân sử dụng vũ khí dù ở bất kì loại hình nào, điều này càng gây bất an khi Tết đến, khi mà cả miền Trung vừa trải qua cơn hồng thủy, kinh tế khó khăn, dịch bệnh và tệ nạn tràn lan.

Đi đường rừng

Một người dân tộc Nùng, tên Ngọc, sống ở Cao Bằng, từng là cửu vạn chuyên vận chuyển những mặt hàng quốc cấm từ Trung Quốc về Việt Nam bằng cách băng đường rừng, chia sẻ:

"Pháo thì nó đi theo đường rừng thôi, chi phí vận chuyển pháo khá cao đấy, thường thì chỉ vận chuyển mỗi người được chừng 10 ký hoặc 5 ký thôi. Đi rừng, đi bộ, chạy vòng để tránh. Chủ yếu là vận chuyển bằng đường bộ. Xe thì khó đó, nó bắt mở đít xe hết, nên cái này khó nói…”.

Ông Ngọc cho biết thêm hầu hết những người khuân vác hàng gồm pháo, thuốc nổ và súng hoa cải băng đường rừng là những người đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi điểm mạnh của người đồng bào Tày, Nùng là quen với địa hình đường rừng, không sợ rắn rết và chịu rét, sức khỏe dẽo dai hơn so với người Kinh khi khuân hàng trong địa hình rừng núi.

Hơn nữa, người Tày, Nùng biết cách ếm hàng, quen thuộc các hang đá, quả cảm và giữ lời hứa, dám ôm hàng trốn chạy cho đến khi thoát được sự truy đuổi của biên phòng nếu xảy ra, cho đến lúc mọi sự trở lại bình thường mới tiếp tục vận chuyển hàng về cho chủ. Điều này người Kinh hiếm có. Và khuân hàng từ vũ khí đến thuốc nổ, pháo được trả mức thù lao cao gấp ba lần so với loại hàng hóa khác, một thanh niên khỏe mạnh, tháo vác có thể kiếm được ngót nghét ba triệu đồng mỗi ngày. Chính vì vậy mà việc khuân vác những loại hàng hóa này luôn là chỗ béo bở, hấp dẫn của đồng bào thiểu số nghèo.

Pháo thì nó đi theo đường rừng thôi, chi phí vận chuyển pháo khá cao đấy, thường thì chỉ vận chuyển mỗi người được chừng 10 ký hoặc 5 ký thôi.
- Một người dân tộc Nùng

Nhưng ông Ngọc cũng cho biết thêm là hiện tại, việc khuân vác loại hàng nguy hiểm này đã khan hiếm lắm so với trước. Bởi hầu hết các nhà buôn đã khéo léo ém hàng để tránh các camera và máy quét của an ninh. Và việc còn lại là họ chỉ cần chung chi hợp lý cho an ninh cửa khẩu để họ im lặng cho đi qua.

Một container trót lọt chỉ cần bỏ ra chừng mười triệu đồng, thậm chí hai mươi triệu đồng để đi qua, máy tính không phát hiện được vì đã được ngụy trang một lớp chống soi quét, như vậy, cả đôi bên cùng có lợi, an ninh cửa khẩu sẽ không bị khiển trách, được lợi, mà chủ hàng cũng được lợi bởi với một container hàng như vậy, nếu thuê phu khuân vác chẻ đường rừng sẽ mất đi chừng 100 triệu đồng. Mức lãi sẽ thấp lại, buộc phải nâng giá và khó tiêu thụ nhanh, dễ bị phát giác.

Vào vai những người đi buôn, muốn tìm nguồn hàng và đầu mối, hỏi thăm ông Ngọc thử có cách nào giúp chúng tôi làm quen với một đầu mối đưa pháo từ Trung Quốc về Việt Nam. Ông Ngọc cười xòa, nói rằng chúng tôi quá non tay, vì muốn có được những loại hàng này cần phải có đường dây lâu năm và có uy tín trong nghề, thậm chí có số má với an ninh cửa khẩu. Nghĩa là chí ít cũng có một cái dù bự môt chút che chở và đỡ đần. Ông Ngọc hỏi chúng tôi có được thứ đó không, chúng tôi nói rằng chúng tôi chỉ có vốn và chỉ quen với một ông lớn cấp tỉnh.

Ông Ngọc lại cười xòa, khuyên chúng tôi nên mở một quán cà phê hoặc quán nhậu để may thay, nếu muốn thì có thể làm đầu mối nhỏ phân phát hàng độc dị (tức súng hoa cải, vũ khí và các loại thước nổ, gồm cả pháo) cho khách hàng. Nhưng ông Ngọc cũng khuyến cáo chúng tôi không nên dây vào loại này, rất nguy hiểm nếu như không có cái dù cho vững. Vì theo ông Ngọc, an ninh Việt Nam họ rất giỏi, họ biết tất thảy đường đi nước bước của kẻ buôn lậu, họ chỉ ngại những cái dù nên làm thinh bỏ qua chứ không phải họ dễ bị lừa. Chính vì vậy, nếu không có cái dù tốt thì đừng buôn lậu!

Mối nguy rình rập

Một trong những phiên chợ vùng cao - nơi dễ dàng mua pháo, thuốc súng.
Một trong những phiên chợ vùng cao - nơi dễ dàng mua pháo, thuốc súng.
RFA photo

Một bạn trẻ không muốn nêu tên, đang làm việc trong lực lượng công an ở tỉnh Lào Cai, chia sẻ: “Đâu thì nó cũng có cái nạn đó. Lạng Sơn và Mộc Châu, Lai Châu thì nhức nhối lắm, ở đây (Lào Cai) bé tí mà, có thì biết ngay nhưng chả làm gì được đâu!”.

Theo bạn trẻ này, vấn đề các loại hàng quốc cấm, đặc biệt là vũ khí tuồn sang Việt Nam theo đường cửa khẩu đã không còn là chuyện mới mẽ. Và với bạn, một người có cha từng tham gia trận chiến biên giới phía Bắc năm 1979, là thương binh loại một và sau đó mười năm thì qua đời do vết thương cũ hoại thư, bạn từng rất lý tưởng về ngành công an. Bạn thì vào đại học an ninh với nhiều kì vọng, ước mơ sẽ góp phần làm cho đất nước được bình yên. Nhưng rồi mọi chuyện lại đưa bạn vào một ngã rẽ khác.

Hàng hóa tràn ngập từ Trung Quốc sang Việt Nam và nạn xì ke, ma túy, đặc biệt có một số đồng nghiệp lớn tuổi cũng không thoát khỏi tệ nạn này khiến cho bạn trẻ này cảm thấy mình hoàn toàn không thể vói chạm vào ước mơ góp tay làm cho xã hội tốt đẹp hơn được. Và công việc hằng ngày giống như một kiểu câu cơm đối với bạn. Thậm chí, để thoát khỏi những ràng buộc chồng chéo trong việc liên kết với các đường dây xã hội đen chia chác quyền lợi là cả một vấn đề khó vượt qua.

Đâu thì nó cũng có cái nạn đó. Lạng Sơn và Mộc Châu, Lai Châu thì nhức nhối lắm, ở đây (Lào Cai) bé tí mà, có thì biết ngay nhưng chả làm gì được đâu!
- Một bạn trẻ

Hiện tại, khi nghe chúng tôi hỏi thăm về các vấn đề tệ nạn, đặc biệt là nạn pháo nhập lậu và vũ khí, bạn này chỉ lắc đầu, nói rằng đó là một loại bệnh vô phương cứu chữa mà ngành an ninh phải bó tay, chịu thua bởi nếu đụng đến những kẻ tội phạm, có khi những kẻ đó không bị gì mà chính bản thật người phá án sẽ bị vạ lây. Chính vì không muốn bị vạ lây nên hầu hết giới cán bộ an ninh đều chọn hoặc là cùng ăn chia lợi lộc, hoặc là thỏa hiệp và xem như không có chuyện gì xảy ra cho yên chuyện.

Bạn này cho biết thêm là có quá nhiều vấn đề mà theo bạn cảm nhận là đời sống của người dân bất an hơn bao giờ hết. Bởi hầu hết thế giới của dân xã hội đen đã chính thức phủ bóng lên che lấp thế giới pháp luật. Và một khi xã hội đen đã phủ mất tòa án, phủ bóng xuống luật pháp thì vấn đề bất an và mất an ninh trong nhân dân là một hệ quả tất yếu!

Năm hết Tết đến, nghe câu chuyện của những người bạn trên mạn biên giới, cái Tết trở nên xám xịt và chẳng còn không khí lãng mạn, tràn trề sức sống của mùa Xuân!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.