Người lao động nghèo bị ám ảnh bởi công việc không an toàn
2015.08.26
Vì nghèo phải chấp nhận làm những công việc không có bảo hộ lao động, mức lương thấp, vì nghèo, người ta phải cam chịu những bất công từ phía chủ thuê mà làm những công việc nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng… Tất cả đều do nghèo mà ra nếu như đứng trên góc độ của những người lao động. Ngược lại, đứng trên góc độ kinh tế vĩ mô, chính sách bất hợp lý từ phía nhà nước đã tạo ra hàng loạt bất công, làm ảnh hưởng đến số phận của người nghèo bằng những đồng lương ít ỏi và tai nạn lao động rình rập.
Từ bữa cơm đạm bạc đến cái chết
Một người đang hoạt động đấu tranh cho người lao động, hiện đang sống tại miền Nam Việt Nam, không muốn nêu tên lúc này, chia sẻ: “Vấn đề an toàn lao động và bảo hộ lao động ở Việt Nam thì miễn bàn. Đặc biệt là các khu xây dựng hay khu công nghiệp. Ở các khu công nghiệp thì không an toàn về môi trường về xử lý chất thải, bảo hộ lao động cũng có vấn đề. Các khu công nghiệp đang xây dựng thì sử dụng giào giáo của Trung Quốc đưa qua nên không an toàn. Người Việt Nam mình bóp quá các khoản của công nhân, như giào giáo an toàn, chi phí công nhân… do chung chi quá nhiều nên rất nguy hiểm. Hậu quả cuối cùng là người lao động phải nhận. Nguyên nhân sâu xa là do chính sách không được minh bạch, đây là vấn đề đáng nói nhất nhưng lại bị che lấp nhưng người lao động phải chịu. Đó là một chuyện hết sức vô lý.”
Theo vị này, tình trạng lao động nghèo bị áp bức, bóc lột đã là chuyện thường ngày ở Việt Nam. Và chuyện này không những cho thấy nó chưa có dấu hiệu giảm bớt mà còn đang trên đà phát triển. Đồng tiền liên tục trượt giá, thất nghiệp có thể ghé đến bất kì gia đình lao động nghèo nào cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động không còn gì để coi trọng tính mạng bởi bữa cơm hằng ngày của vợ con họ luôn thôi thúc họ làm bất cứ việc gì miễn có tiền để sống.
Và đây cũng là cơ hội để giới chủ tiếp tục mạnh tay bóc lột người lao động. Nhưng đáng sợ nhất là nạn tham nhũng, toa rập và đầu cơ chính trị đã làm thay đổi mọi quan niệm về lao động cũng như thuê lao động. Nghĩa là khi nạn tham nhũng hoành hành, giới chủ dù tốt bụng hay xấu xa đều chịu chung một thứ qui luật đen trước các quan chức nhà nước, tức là chung chi bằng cổ phần ma.
Với cổ phần ma, các quan chức không cần bỏ tiền vốn nhưng lại được chia cổ phần hằng quí. Và khoản tiền cổ phần này buộc giới chủ phải giảm bớt, bóp những khoản tiền khác từ xử lý chất thải cho đến tiền lương, tiền thưởng, tiền chi phí bảo hộ lao động của công nhân để chi trả. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như an toàn của người lao động.
Thậm chí, có nhiều công ty quỵt cả tiền đóng bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm tai nạn lao động của công nhân để chung chi, hối lộ. Bởi các khoản chung chi hằng năm đội lên quá cao, sức ép về tài chính luôn là nỗi ám ảnh của giới chủ, họ chỉ còn cách ép từng đồng của người làm thuê và giảm thiểu tối đa mọi chi phí bảo hộ lao động cũng như xử lý chất thải mới có thể làm giàu được.
Một khi chi phí bảo hộ lao động bị cắt giảm, chất thải không được xử lý tốt thì người lao động chính là nạn nhân đầu tiên. Những vụ tai nạn lao động diễn ra hàng tháng, hằng ngày trong suốt nhiều năm nay có nguyên nhân từ chỗ chế độ bảo hộ lao động quá kém. Người lao động luôn làm việc trong môi trường nguy hiểm.
Trường hợp sụp giàn giáo ở cụm công nghiệp liên hợp Formosa, Vũng Áng, Hà Tỉnh trong những ngày cuối tháng 3 năm 2015 là bằng chứng về vấn đề bảo hộ lao động không có cũng như an toàn lao động quá kém. Bởi không nói ra thì ai cũng có thể biết rằng một công trình lớn như Formosa Vũng Áng đã có hối lộ, tham nhũng, móc ngoặc giữa nhà đầu tư và giới chức chính quyền địa phương rất kĩ lưỡng.
Sự kĩ lưỡng về tham nhũng, hối lộ và móc ngoặc này mở ra nhiều cơ hội làm cẩu thả cho giới chủ. Điều này dẫn đến tình trạng các thông số an toàn kĩ thuật bị bỏ lơ, mọi hoạt động xây dựng đều dựa trên nguyên tắc làm được nhiều nhất mà tốn phí ít nhất. Và điều gì đến cũng đã đến, không phải là hàng trăm sinh mạng mà phải nói đến con số hàng ngàn sinh mạng bị vùi dưới giàn sắt của giới chủ ngoại quốc.
Và cay đắng hơn là không riêng gì giới chủ ngoại quốc mới ép công nhân Việt Nam mà ngay cả giới chủ người Việt cũng không ít người sẵn sàng ép công, bóp ngạt đời sống của người lao động để nâng cao lợi tức của họ. Và cái giá của sự toa rập, hối lộ này là giới quan chức và giới chủ nhanh chóng vinh thân phì gia, người lao động nghèo cố gắng tồn tại bằng những bữa cơm nghèo nàn, đạm bạc, đời sống đi từ khó khăn này đến nguy hiểm nọ.
Những khu công nghiệp miền Nam
Một công nhân tên Quang, làm việc tại khu công nghiệp Tân Bình, thành phố Sài Gòn, buồn bã chia sẻ: “Cũng leo lên cao những tòa nhà cao tầng, cũng có dây nhưng sợ lắm, ít dám leo lên. Ngày được trả 170,000 đồng, tiền ăn, trọ, chi phí xong mỗi ngày dư cũng được 60 ngàn hoặc 70 ngàn. Mình phải leo cẩn thận vì toàn nhà mười mấy tấm không à. Ở đây nó bảo mình đưa chứng minh thôi nhưng rồi không ký hợp đồng, bảo hiểm gì cả. Cứ mỗi tuần họ trả tiền mình mỗi lần vậy đó.”
Theo anh Quang, mức sống hiện tại của người lao động tại các khu công nghiệp miền Nam quá thấp. Công việc mỗi ngày luôn cho cảm giác các khu công nghiệp là những cái tổ mối khổng lồ và mỗi người lao động cần mẫn như một con mối nhỏ, không hơn không kém.
Trong khi mức lương chưa bao giờ đảm bảo đủ sống, điều kiện làm việc tồi tàn và độc hại, không có bảo hộ lao động. Sức khỏe và tâm lý của người lao động nghèo như anh chưa bao giờ tốt, nếu không muốn nói là ngày càng xấu đi.
Tron g thời gian gần đây, đồng tiền liên tục rớt giá, hàng hóa tăng cao, các loại nhu yếu phẩm và tiền điện, tiền nước, tiền xăng cũng liên tục tăng. Các khoản tăng này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động bởi đó là nhu cầu thiết yếu và tối thiểu của con người. Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều lao động chấp nhận mức lương thấp mà cầu mong được tăng ca hoặc kiếm thêm những công việc bên ngoài để làm.
Trong khi đó, những công việc làm thêm thường là những công việc làm chui, không có bảo hộ lao động, không có bảo hiểm lao động và không có hợp đồng cụ thể. Đây cũng là cơ hội để giới chủ ép công người lao động và cũng là lúc nguy cơ, rủi ro về tính mạng của người lao động tăng cao.
Những vụ tai nạn lao động vẫn tiếp tục tăng cao tỉ lệ thuận với nạn thất nghiệp và tỉ lệ nghịch với giá trị đồng tiền cũng như mức uy tín của giới quan chức cầm quyền.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.