Quảng Bình mùa giáp hạt

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2015.04.03
quang-binh-622.jpg Phơi lương thực ở Bố Trạch, Quảng Bình.
RFA PHOTO

Trong thời gian kể từ lễ hội Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội vào năm 2010 đến nay, Quảng Bình là tỉnh gặp nhiều thiên tai nhất khu vực miền Trung, bão lũ liên tục kéo qua đây. Đến năm 2013, sau khi đón di hài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê, Quảng Bình lại tiếp tục rơi vào nạn đói khó. Không riêng gì ở các huyện nghèo như Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch… mà ngay cả thành phố Đồng Hới cũng không tránh khỏi nạn đói.

Thiên tai liên tục dày vò

Ông Thạnh, cư dân huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, chia sẻ: “Ra Giêng, Hai này là mùa thiếu gạo, mùa giáp hạt, những hộ quá nghèo thì có gạo cứu tế, chứ những hộ không thuộc diện quá nghèo thì làm chi có gạo. Tháng Ba thì ai cũng thiếu gạo, các huyện đều vậy... Hụt mức độ nào đó…”.

Ra Giêng, Hai này là mùa thiếu gạo, mùa giáp hạt, những hộ quá nghèo thì có gạo cứu tế, chứ những hộ không thuộc diện quá nghèo thì làm chi có gạo. Tháng Ba thì ai cũng thiếu gạo, các huyện đều vậy... Hụt mức độ nào đó…
-Ông Thạnh

Theo ông Thạnh, năm năm trở lại đây, Quảng Bình luôn bị thiên tai, thời tiết khắc nghiệt lạ thường. Người nông dân khó bề ổn định làm ăn, ngoài yếu tố tự nhiên, thủy điện Hố Hô cũng góp tay một phần không nhỏ đến sự mất ổn định của người dân vùng hạ lưu.

Mùa nắng thì nguồn nước bị thiếu trầm trọng bởi các con sống cạn nguồn, khô khốc, một phần nước không nhỏ đã bị thủy điện tích vào hồ để phát điện. Gió Lào thổi bạt từ Quảng Trị đến Quảng Bình, đất đai khô khốc, thời tiết nóng như lửa đốt, trâu bò, gà lợn há hốc vì thiếu nước, có nhiều con chịu không nổi phải lăn ra chết. Những đồng ruộng bị bỏ hoang ngày càng nhiều bởi sự khô cằn của nó không những không mang lại lợi tức cho người nông dân mà còn giết quá nhiều ngày công lao động vào đó.

Chính bởi thời tiết khắc nghiệt như vậy nên phần đông người trong độ tuổi lao động di tản vào các tỉnh miền Nam để làm thuê, ở nhà chỉ còn lại người già và trẻ em. Mà một khi ruộng đồng không được chăm sóc, bỏ hoang thì cả một cánh đồng trở thành bãi nhiệt bởi không có nước, lại góp phần làm cái nóng ở đây tăng cao.

Ảnh minh họa chụp tại bến Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình. RFA PHOTO.
Ảnh minh họa chụp tại bến Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình. RFA PHOTO.

Đến mùa mưa thì giông bão, lụt lội triền miên, ba tháng mùa mưa, hết gần hai tháng người dân gánh chịu thiên tai. Nhiều nông dân sắm ghe nan, lưới cá để kiếm sống trong mùa mưa, họ đánh bắt ngay trên đồng ruộng của gia đình. Một số người bơi ghe ra sông vớt củi, mang về tập kết ở bãi đất cao đợi đến xong lụt mang đi bán để mua gạo. Đời sống ở Quảng Bình, theo như ông Thạnh nhận xét thì hiện tại quá nửa nạc nửa mỡ. Nghĩa là công nghiệp cũng chưa hẳn công nghiệp mà nông nghiệp thì đói kém. Chính vì kiểu làm kinh tế chưa định hình như vậy nên phần đông người dân đi làm thuê ở các tỉnh xa hoặc bám trụ với mảnh vườn khô khốc, với mấy luống rau muống, mấy vạt cải còi cọc và những đám ruộng lúa thất bát.

Hiện tại, đã đến mùa giáp hạt, đa phần bà con nông dân rơi vào tình trạng rỗng bồ, không có lúa gạo để ăn từ hôm đầu Xuân cho đến nay. Nguy cơ người ta phải dắt díu nhau đi làm thuê cuốc mướn hoặc ăn xin đang rất cao. Mặc dù nhà nước có hỗ trợ gạo về cho dân nhưng phần gạo đó cũng chỉ đắp đổi dăm bữa nửa tháng chứ không thể kéo dài nhiều hơn.

Bởi mỗi phần gạo cứu trợ của người dân gánh quá nhiều thứ chi phí mờ ám mà theo ông Thạnh là nếu như loại chi phí này còn kéo dài thì dân Quảng Bình sẽ còn ngửa tay xin cứu trợ dài dài, khó mà thoát khỏi cảnh nghèo đói. Những thứ chi phí này không có trong luật định cũng như không có trong chương trình tài trợ, cứu đói của nhà nước.

Những chi phí mờ ám và đất đai bị thu hẹp

Một nông dân tên Nhất, chia sẻ thêm với chúng tôi: “Thường thì sau lụt sau bão thì có đôi hột, đôi bữa thì có mấy cái áo quần thôi, áo quần cũ đó. Thường thì trước đây có chứ bây chừ thì không có. Thỉnh thoảng có đoàn tài trợ về cho mình, mỗi suất một trăm, hai trăm, có suất lên 500 ngàn đồng. Nhưng hiếm lắm, mấy ông ủy ban dẫn đi cho một số gia đình… Nói chung là khó lắm, hạn hán cũng do thủy điện mà lũ lụt cũng do thủy điện”.

Thỉnh thoảng có đoàn tài trợ về cho mình, mỗi suất một trăm, hai trăm, có suất lên 500 ngàn đồng. Nhưng hiếm lắm, mấy ông ủy ban dẫn đi cho một số gia đình… Nói chung là khó lắm, hạn hán cũng do thủy điện mà lũ lụt cũng do thủy điện.
-Ông Nhất

Theo ông Nhất, kể từ năm 2010, sau trận lụt kinh hoàng ngay trong dịp lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, việc cứu trợ tại Quảng Bình có quá nhiều vấn đề mờ ám. Các phương tiện thông tin nhà nước đưa tin về các phần quà dành cho nông dân gặp thiên tai khá cao, mỗi suất có thể lên đến vài trăm ngàn đồng, nhiều nơi lên đến nửa triệu đồng và những phần tiền cứu trợ để tái xây dựng nhà cũng khá lớn, nhiều gia đình nhận được trên 10 triệu đồng.

Nhưng trên thực tế, khoản tiền về đến tay người dân chưa bao giờ quá ba triệu đồng và những suất quà nếu chịu khó ngồi tính nhẩm thì không có suất quà nào vượt quá hai trăm ngàn đồng. Trừ những phần quà của các nhà từ thiện từ miền Nam ra gặp trực tiếp người dân để tặng thì giá trị mỗi suất có thể lên đến năm trăm ngàn đồng. Nhưng chuyện này cũng hiếm hoi vì nhà từ thiện muốn tặng quà cho dân phải thông qua chính quyền địa phương, không thể tự động đến gặp dân để cho.

Ông Nhất là một trong những người nhận phải phần quà áo quần toàn dính dầu nhớt vào mùa mưa lụt năm 2010. Cũng theo ông, những phần quà áo quần thực sự của nhà từ thiện rất đẹp, nó lọt vào nhà các quan chức địa phương và người thân của họ. Những phần quà của dân nghèo đã bị đánh tráo.

Và chuyện này không phải diễn ra một vài lần mà hầu hết năm nào có tài trợ, cứu tế, từ thiện đều có xảy ra tiêu cực. Những cũng theo ông, những phần quà áo quần thực sự của nhà từ thiện rất đẹp, nó lọt vào nhà các quan chức địa phương và người thân của họ. Những phần quà của dân nghèo đã bị đánh tráo.

Và chuyện này không phải diễn ra một vài lần mà hầu hết năm nào có tài trợ, cứu tế, từ thiện đều có xảy ra tiêu cực. Những phần quà có giá trị bị đánh tráo hoặc tùng xẻo theo nhiều cách. Trong đó đáng sợ nhất là sung vào công quĩ sau đó chia đều trên đầu người.

Nghĩa là nhà cầm quyền địa phương sẽ chia số quà cho số người có trong xã, trong huyện để cho ra một con số bình quân đầu người. Sau đó họ lấy con số bình quân đầu người này để tặng cho những gia đình bị thiên tai. Ví dụ như gạo cứu tế trong đợt này, xã của ông Nhất được hai chục tấn dành cho những người thật sự nghèo chẳng hạn, nhà cầm quyền xã sẽ chia con số hai chục tấn này cho hai ngàn người dân trong xã và mỗi người được 10kg gạo. Chia xong, họ sẽ lấy con số 10kg này làm mốc để phát gạo cho chừng 300 người nghèo. Con số còn lại mười bảy tấn gạo không được nhắc đến. Con số báo cáo với cấp trên hoàn toàn hợp lệ sau khi chia đều trên đầu dân.

Người dân thì hoàn toàn không biết gì về những con số này. Hơn nữa, đất đai phì nhiêu đều đã có chủ, những gia đình có tiền, có quyền đã mua những mảnh đất này để xây dựng biệt thự hoặc trang trại, hoặc kinh doanh nuôi tôm. Họ có đủ phương cách để làm giàu. Trong khi đó, đất đai ngày càng trở nên khô cằn và eo hẹp đối với nông dân nghèo chỉ biết hy vọng vào tương lai. Mà tương lai thì mơ hồ và dễ bốc hơi như nước trong đám ruộng khô.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.