Trở lại Kỳ Anh (phần 1)


2017.01.20
phununews.jpg-600.jpg Ngư dân vẫn chưa thể đánh bắt hải sản gần bờ
Photo courtesy of phununews.vn

Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh là nơi Nhà máy Gang thép của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tình từng xả hóa chất độc hại trực tiếp ra biển gây nên thảm họa môi trường dọc theo các tỉnh miền Trung kể từ tháng tư vừa qua.

Ngay sau khi xảy ra thảm họa, phái viên RFA đã đến tận nơi ghi nhận tình hình hải sản chết hằng loạt và đời sống người dân bị tác động. Thực tiễn hiện nay cũng được tìm hiểu qua chuyến trở lại mới đây.

Ngư dân chuẩn bị ra khơi

Vào trung tuần tháng 11/2016, chúng tôi quay trở lại xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh - địa phương nằm ngay cạnh Khu liên hợp sản xuất gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Trái với quang cảnh của 3 tháng trước lúc thuyền phủ bạt xếp hàng dài trên bãi, thì nay người dân đã sửa sang, đóng mới những chiếc ghe để chuẩn bị ra khơi. Ngoài biển đã có những chiếc hoạt động trở lại; dù là ít, không nhộn nhịp bằng thời gian trước khi xảy ra thảm hoạ môi trường.

Ngư dân địa phương cho chúng tôi hay, họ mới đi biển trở lại được khoảng hơn 1 tháng, tức là từ đầu tháng 10, sau hơn 6 tháng không có việc làm. Ông Hoàng Văn Tỉnh - 51 tuổi, với 24 năm kinh nghiệm đi biển, cho biết về tình trạng các loài cá trong khu vực biển anh đánh bắt như sau: “Cá còn chết nhiều lắm”

Anh Điểu - một người thợ lặn cho biết ghi nhận của anh: “Rạn san hô nhiều bây giờ chết hết chẳng còn gì cả.  kể cả ông bộ trưởng có nói rằng biển sạch, san hô được ổn định lại, để ông về đây mà xem” .

Những người ngư dân đi biển về cho biết, thu hoạch được số lượng hải sản rất ít so với trước đây, cùng với giá giảm mạnh.

Hôm 16/11/2016 Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bắt đầu thực hiện chi trả cho người dân tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạnh.
Hôm 16/11/2016 Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bắt đầu thực hiện chi trả cho người dân tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạnh.
Courtesy Thanh Niên

Ông Hoàng Nguyên - sinh năm 1960, đi biển từ năm 12 tuổi chia sẻ: “Lượng thu hoạch của tôi đi về cũng được gần 1 chục ký ghẹ và khoảng gần 20 ký cá, lượng tôm cá đánh bắt cũng rất nhiều, tuy nhiên lượng thu hoạch và phần bán thì rất ít”.

Ông Tỉnh cho biết thêm về việc thu hoạch sau mỗi chuyến đi biển: “Cá thì nhiều tiền thì không được ăn thua.  Cá nhỏ thì đi 1 tạ 2 tạ thôi, đi 1 chuyến được 15 cân.  Mọi hồi chuyến được vài 3 triệu bây giờ may được khoảng 1 triệu bạc là nhiều”.

Vì không còn đường nào khác

Dù thu hoạch ít, bán không được giá, có khi không ai mua cho, nhưng ngư dân vẫn quay trở lại với nghề truyền thống. Lý do là vì họ không có nghề nào khác.

Dù chính phủ có Quyết định số 1880 của Thủ tướng bồi thường cho những đối tượng chịu tác động bởi thảm họa môi trường do Formosa gây nên; thế nhưng đến nay chưa thấy khoản bồi thường đâu cả, mà chỉ mới dừng ở kê khai danh sách các đối tượng được nhận.

Với phần lớn người dân ở đây, dù đền bù, hỗ trợ bao nhiêu cũng là không đủ, bởi cái họ cần là môi trường sạch trở lại. “Điều mong đợi nhất là làm thế nào cho biển sạch để chúng tôi có quyền tự do đi lại làm như trước để con em buổi chiều ra tắm biển rồi chúng tôi đi biển về cũng khỏi khi ăn con cá con ghẹ con tôm nó khỏi nghi ngờ trong vấn đề độc hại cả.”

Hải sản đánh bắt lên được tiêu thụ ra sao và lý do gì khiến thị trường “lạnh nhạt” với hải sản đánh bắt từ Kỳ Anh sẽ là nội dung phần kế tiếp của loạt phóng sự “Biển và sinh mệnh người dân”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.