Ngư dân Việt nói gì về cảnh sát biển Indonesia

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2017.07.26
tauveben.jpg Tàu về
Courtesy Citizen

Truyền thông trong nước loan tin vào ngày chủ nhật 23 tháng 7, bốn ngư dân Việt Nam bị Cảnh sát biển Indonesia bắn bị thương khi đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên hai ngày sau phía Indonesia lên tiếng bác bỏ nói rằng chỉ bắn cảnh cáo khi phát hiện một chiếc tàu của ngư dân Việt Nam xâm phạm lãnh hải của Indonesia.

Nhóm phóng viên RFA nói chuyện được với một ngư dân từng mấy lần gặp lực lượng tuần duyên Indonesia cho biết lại thực tế đối với bản thân và những bạn đi biển khác

Bị kéo tàu, chuyện bình thường

Ông Lê Đức Anh, ngư dân Bình Thuận, chia sẻ:

"Họ vào vùng biển của mình gặp chiếc nào là bắt chiếc đó, tàu giã cào cũng bắt. Bắt xong là họ kéo qua vùng biển của họ và quay phim. Quay phim xong rồi họ yêu cầu tài công theo tàu của họ chạy qua bên đảo luôn; nhưng mình không biết đảo nào hết!”

Ông Anh cho biết thêm là trường hợp tàu cá Việt Nam bị tàu cảnh sát biển Indonesia nhầm hoặc cố tình kéo về vùng biển của họ, sau đó chụp ảnh, lùa ngư dân lên tàu cảnh sát và cho chủ tàu lái tàu chạy theo họ vào một đảo nào đó của Indonesia, từ đó nhốt tàu là chuyện xảy ra thường xuyên. Với ba lần bị bắt theo kiểu này, ông Anh cho rằng cảnh sát biển Indonesia hoặc cố ý, hoặc hiểu nhầm do trước đó có một số tàu của Việt Nam tiến sang vùng biển Indonesia để đánh bắt, khi thấy cảnh sát của họ thì chạy trốn về phía Việt Nam, họ tiến thẳng sang Việt Nam và kéo bất kì tàu cá Việt Nam nào mà họ gặp.

Như trường hợp mới xảy ra gần đây nhất với ông Anh, tàu của ông là một tàu giã cào và lặn các loại hải sản ở vùng nước sâu. Ông đang đánh ở ngay vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Lúc các ngư dân đăng lặn nghêu thì tàu cảnh sát biển Indonesia tiến đến cặp vào tàu của ông. Đợi các ngư dân lặn được gần đầy nghêu thì họ móc xích vào tàu, kéo thẳng về vùng biển của họ và chụp ảnh, lập biên bản, bắt ngư dân Việt Nam ký vào đó và kéo thẳng về nước của họ.

Họ vào vùng biển của mình gặp chiếc nào là bắt chiếc đó, tàu giã cào cũng bắt. Bắt xong là họ kéo qua vùng biển của họ và quay phim. - Ngư dân Lê Đức Anh

Tàu của ông bị nhốt ở Indonesia gần nửa năm, trong thời gian đó, các ngư dân được cung cấp gạo, nước mắm để sống qua ngày. Riêng gạo, nhắc đến nó là ông muốn ê răng bởi không hiểu loại gạo gì mà sạn nhiều không thể tưởng tượng được. Cho dù có đãi sạn trước đó rất kĩ thì khi ăn cơm, nếu nhai không nhẹ một chút sẽ bị mẻ răng sau tiếng cốp phát ra từ miệng.

Hằng ngày, các ngư dân bị đánh thức lúc 5 giờ sáng và chạy bộ, tập thể dục để giữ sức khỏe, tránh bệnh tật và không được uống rượu, bia. Có một số chủ tàu Trung Quốc cập bến gần chỗ tàu Việt Nam bị bắt nhốt thường gạ các thuyền viên Việt Nam tháo trộm phụ tùng trên tàu để bán cho họ hoặc đổi rượu, bia, thuốc lá. Và hầu hết các chủ tàu Việt Nam sau khi bị bắt, chiếc tàu được thả ra hoặc không còn gì, phải bỏ luôn, hoặc phải bổ sung phụ tùng, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng mới chạy được.

Thường thì ngư dân Việt Nam ra khơi luôn trong tình trạng cô độc bởi thiếu sự bảo vệ của cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển Indonesia luôn có mặt trên vùng biển của họ thì ngược lại cảnh sát biển Việt Nam hiếm khi có mặt trên vùng biển Việt Nam, đó là một thực tế.

Cảnh sát biển Việt Nam đi đâu?

Bày tỏ quan điểm về tình trạng bốn ngư dân Việt Nam vừa bị tàu cảnh sát Indonesia bắn, ông Anh chia sẻ thêm:

“Không có một cảnh sát biển nào của mình hết. Họ nằm trên vùng Trường Sa chứ còn ráp ranh Mã Lai… không có ai luôn. Nhưng cảnh sát biển của họ thì nhiều lắm, cứ mỗi tuần họ lại thay phiên: anh trực một tuần thì anh vô, tui ra.”

Ông Anh cho rằng bản thân ông không hề ngạc nhiên khi ngư dân Việt Nam bị cảnh sát Indonesia bắn. Bởi việc bắn hay bắt diễn ra quá dễ với họ. Thường thì mỗi nhóm cảnh sát trực một tuần ngoài khơi Indonesia, hết phiên thì có tàu khác ra trực thế và tàu kia lại vào nghỉ ngơi. Vùng biển các nước trong khu vực luôn có tàu cảnh sát biển tuần tra mỗi ngày, riêng Việt Nam thì hiếm khi có tàu cảnh sát biển tuần tra.

Không có một cảnh sát biển nào của mình hết. Họ nằm trên vùng Trường Sa chứ còn ráp ranh Mã Lai… không có ai luôn. - Ngư dân Lê Đức Anh

Và ông Anh cũng khẳng định thêm là chính vì việc ít tuần tra, dẫn đến lượng xăng dầu dư thừa và một số cảnh sát biển bán xăng dầu cho ngư dân để đổi các loại hải sản quí hiếm, tìm một chỗ nào đó kín đáo để tổ chức ăn nhậu. Vì Cảnh sát biển Việt Nam hầu như vắng mặt trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nên mỗi khi các ngư dân bị rượt đuổi, chỉ còn cách bỏ chạy, nếu không chạy kịp thì bị bắt. Mà thường là bị bắt trong lúc đánh cá ngay trong vùng biển Việt Nam, sau đó họ kéo tàu về vùng biển của họ để chụp ảnh làm bằng chứng và bắt nhốt.

Ông Anh cho rằng đó cũng là một chiến thuật xâm chiếm vùng biển một cách khôn khéo. Nghĩa là cứ bắt ngư dân Việt ngay tại vùng biển Việt Nam ở các khu vực giáp ranh, sau đó tìm bằng chứng giả để nhốt, làm nhiều lần như vậy thì ngư lùi dần vào thềm lục địa và phần biển giáp ranh giữa Việt nam và Indonesia sẽ lệch dần về phía Việt Nam.

Ông Anh tỏ ra bức xúc bởi nếu như có sự can thiệp cũng như sự có mặt thường xuyên của lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam thì nhất định cảnh sát biển Indonesia sẽ không thể lộng hành như đang có. Nhưng nghiệt nỗi, mỗi khi có sự cố gì cho ngư dân Việt Nam thì chẳng thấy cảnh sát biển Việt Nam nào có mặt, phía nước bạn muốn làm gì thì làm.

Như để kết câu chuyện, ông Anh khẳng định là cảnh sát biển Việt Nam vắng mặt thường xuyên trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt là vùng giáp ranh Việt Nam với Indonesia, ngược lại, cảnh sát biển Indonesia luôn có mặt tại vùng giáp ranh này. Và hầu hết các cuộc bắt bớ ngư dân Việt Nam đều diễn ra trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng ngư dân Việt Nam đành chịu thua thiệt!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.