Biển Đông không yên tĩnh một năm sau phán quyết của toà PCA

Thanh Trúc, RFA
2017.07.09
biendong.jpeg Một công trình Trung Quốc xây dựng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông, ảnh chụp hôm 15/5/2014.
AFP

 

Tranh chấp lãnh hải nhiều chục năm qua trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc đơn phương vạch đường lưỡi bò chín đoạn để khẳng định phần lớn chủ quyền, đã khiến Philippines quyết định kiện Trung Quốc ra PCA Tòa Trọng Tài Thường Trực hồi năm 2013.

Đến ngày 12 tháng Bảy 2016 PCA phán quyết đường 9 đoạn Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông không có giá trị pháp lý cũng như căn cứ lịch sử. Một năm đã qua, các chuyên gia nói rằng Biển Đông chưa thể sóng yên gió lặng ngày nào khi Trung Quốc còn tiếp tục vừa bành trướng vừa thâu tóm mọi quyền lợi  vào tay họ. Bài do Thanh Trúc thực hiện:

Trung Quốc không hợp tác

Ngay từ đầu bị Philippines kiện ra PCA Tòa Trọng Tài Thường Trực ở The  Hague để yêu cầu giải quyết tranh chấp trên biển, Trung Quốc từng khẳng định PCA không có thẩm quyền xét xử và Trung Quốc sẽ không tuân thủ quyết định của tòa quốc tế này.

Sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực có phán quyết về đường 9 khúc mà Trung Quốc tự động vạch ra nhằm dành hết phần lớn chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam lên tiếng hoan nghênh và những quốc gia đang trong vòng tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc tỏ ra chừng mực trong lời ăn tiếng nói, thì  Trung Quốc giận dữ tuyên bố rằng đây là một phán quyết hồ đồ mà Bắc Kinh không thể chấp nhận.

Theo thạc sĩ Hoàng Việt, Đại Học Luật  Sài Gòn, không chùn bước trước phán quyết của PCA là thái độ mà Trung Quốc muốn chứng tỏ bằng mọi cách:

Phán quyết từ Tòa Trọng Tài ngày 12 tháng Bảy 2016 được coi như một bước tiến rất lớn. Tuy nhiên, sau phán quyết thì chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã coi đó như một tờ giấy lộn. Nói như vậy thôi chứ Trung Quốc đã phải rất nhọc công nghiên cứu để phân tích để đánh giá vấn đề đó.

Hai nhân vật quan trọng đã làm cho phán quyết giảm đi rất nhiều. Thứ nhất là ông Duterte, đã sử dụng phán quyết này như cầu nối nhằm đưa ra chính sách xoay trục về Trung Quốc. Thứ hai, Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump cũng đã bỏ lửng vấn đề này. Một năm trôi qua  cho đến bây giờ thì phán quyết vẫn bị Trung Quốc phớt lờ, thậm chí bất chấp. Trung Quốc không từ bỏ đường lưỡi bò đó, bằng chứng mới nhất là khi Việt Nam cho thăm dò khai thác dầu khí trên lô 136 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và Việt Nam hoàn toàn có quyền theo qui định của Công Ước Luật Biển, thì Trung Quốc đã phản đối, thậm chí còn gây căng thẳng  Điều đó cho thấy khi không có sự lên tiếng đồng lòng của quốc tế, đặc biệt những quốc gia trực tiếp tham gia như Philippines và những siêu cường như Hoa Kỳ thì có lẽ Trung Quốc không ngán gì cả. Nhưng nói gì thì nói, phán quyết  cũng đã gây dấu mốc lớn trong Luật Quốc Tế, không thể xóa được ảnh hưởng của nó nhưng ảnh hưởng của nó sẽ đến rất chậm.

Có lẽ Việt Nam không muốn đối đầu căng  thẳng với Trung Quốc, thạc sĩ Hoàng Việt phân tích tiếp,  nhưng Việt Nam cũng kiên trì cho thăm dò dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của mình, kiên trì vận dụng những qui định sau  phán quyết của PCA để tìm kiếm đồng minh và các đối tác khác trên thế giới ủng hộ phán quyết cũng như ủng hộ Việt Nam theo phán quyết này.

Thạc sĩ Đinh Kim Phúc, tác giả 2 đầu sách “Biển Đông: Luận Cứ & Sự Kiện”, “Hoàng Sa- Trường Sa Trong Thư Tịch Cổ”, nói rằng sau  một năm Tòa Trọng Tài phán quyết đường lưỡi bò của Trung Quốc không hội đủ điều kiện pháp lý cũng như lịch sử để minh chứng chủ quyền thì mọi sự vẫn không thay đổi, Trung Quốc vẫn ngang tàng tung  hoành trên khu vực mà họ gọi  là biển Nam Trung Hoa:

Sau một năm theo dõi thì chúng tôi chưa thấy được quan điểm của Việt Nam về yêu sách của mình trên Biển Đông. Sau phán quyết của Tòa Trọng Tài thì cần hiểu 2 nội dung quan trọng là chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền Việt Nam trên vùng Biển Đông theo Luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 là như thế nào. Vấn đề đó rất gây trở ngại cho các nghiên cứu về lịch sử chủ quyền cũng như Biển Đông theo Công Pháp Quốc Tế.

Sự kiện nóng nhất năm vừa qua mà mới xảy ra là  Mỹ cho tàu đi vào khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm thì chúng ta thấy Trung Quốc phản ứng một cách chừng mục còn Việt Nam thì không hề lên tiếng mà vẫn có một phát biểu rất chung là Việt Nam có đầy đủ quyền lịch sử và pháp lý trên Hoàng Sa và Trường Sa.

Về chủ quyền của quần đảo Hoàng sa và Trường Sa thì mỗi bên tranh chấp, cả Việt Nam cũng như các quốc gia và các vùng lãnh thổ khác đều có những yêu sách khác nhau và những quan điểm khác nhau. Nhưng cái quan trọng nhất hiện nay không phải là chứng cứ về bản đồ, không phải là chứng cứ vào sử sách cách đây vài trăm năm. Quan trọng là phải làm sao đấu tranh vừa là bảo vệ được chủ quền vừa là phù hợp với Công Pháp Quốc Tế, nhất là Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982. Đây là việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi tất cả các chứng cứ khoa học và tất cả các luận điểm phù hợp Công Pháp Quốc Tế. Vấn đề này nói thẳng đối với những nhà nghiên cứu như chúng tôi  cảm thấy mình đuối lý vì không chuyên về Công Pháp Quốc Tế.

Phán quyết không được thực hiện

Chính xác là một năm sau phán quyết của Tòa Trong Tài Thường Trực thì cả Trung Quốc lẫn Philippines chẳng bên nào có những bước đi trên thực tế để thực thi các phán quyết của tòa. Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, hiện là viện phó VIDS Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Phát Triển Của Việt Nam, khẳng định như vậy:

Trung Quốc ngay từ đầu đã bác bỏ hoàn toàn tính chính danh của tòa cũng như các nội dung tòa tuyên. Philippines dưới triều của ông Duterte, trên cả lời nói lẫn hành động, đã gác sang một bên phán quyết, để ưu tiên cho việc xoay trục từ đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ sang đối tác mới là TQ. Tuy nhiên chừng như Phi đã sớm tỏ ra thất vọng với quyết định ấy của mình.

Thứ hai, các nước có liên quan, ở đây là 4 thành viên ASEAN đang có tranh chấp Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, thì cũng không nước nào dám công khai dựa vào phán quyết của PCA để thách thức Trung Quốc cả.  Đây là một nghịch lý đáng buồn trong kỷ nguyên các nước vừa và nhỏ, các tổ chức khu vực như ASEAN đáng ra phải dùng phán quyết của PCA để làm công cụ đấu tranh chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc. Ngay cả vai trò các nước lớn, như là Hoa Kỳ, mà ông ngoại trưởng từng nói không thể để Trung Quốc tự do hành động trên BĐ, hiệu quả trên thực tế cũng hạn chế.

Thứ ba, kết quả của hai điều vừa phân tích ở trên, trong một năm qua, cho thấy Trung Quốc đã thoát khỏi một cách ngoạn mục sự ràng buộc về pháp lý và ngoại giao, tiếp tục củng cố các đảo đã được mở rộng và tiếp tục đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa các đảo cưỡng chiếm được, biến chúng thành các căn cứ quân sự vững chắc, mà cả quá quá trình FONOP của Mỹ cũng không có tác dụng răn đe nào cả.

Tổng kết lại cả ba điều này, mặc dầu có phán quyết, vai trò của Luật Pháp Quốc Tế nói chung và đặc biệt là tác dụng của UNCLOS Hiến chương về Luật Biển  rất bị hạn chế, nếu như không muốn nói đang bị xói mòn trước thực tế phủ phàng sau 1 năm vừa  qua. Hệ quả nhãn tiền của thực tế này là những bước leo thang mới của Trung Quốc, đưa giàn khoan HD981 vào vung biển tranh chấp và cho các tàu lớn của họ tiến sâu vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong bối cảnh Philippines và cộng đồng quốc tế có phản ứng khá là thấp và yếu ớt thì khả năng vận động của phía Việt Nam cũng khá hạn hẹp, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng phân tích tiếp:

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam có  thể làm hai điều, một là đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa nội bộ về mọi mặt, từ công nhận vai trò của tư nhân trong kinh tế, nhưng không nên chỉ dừng lại ở đấy, cho đến công khai hóa mọi âm mưu và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc sợ nhất là Việt Nam dân chủ hóa và công khai hóa, họ không sợ mấy tàu to súng lớn Việt Nam vừa trang bị, tuy nhiên việc trang bị vẫn cần có để răn đe. Hai, đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao các quan hệ đối tác với các nước lớn khác ngoài Trung Quốc. Gần đây ta thấy Việt Nam đang di  chuyển theo hướng này, thể hiện trong ba cái. Lần đầu tiên quân cảng Cam Ranh được lấy làm căn cứ cho các hoạt động diễn tập hải quân Mỹ-Việt. Năm ngoái cuộc thao dượt diễn ra ở cách bờ biển phía bắc Đà Nẵng 300 hải lý. Lần đầu tiên có tin hàng không mẫu hạm Mỹ cập cảng Cam Ranh và cũng lần đầu tiên Việt Nam-Nhật Bản thao diễn chung, thực chất là tập trận trên Biển Đông. Trung Quốc có khuyên Việt Nam chọn bạn mà chơi,  theo tôi Việt Nam nên chọn bên thứ ba,  tức là sự kết nối mới giữa “bộ tam” Nhật—Ấn—Úc, rất quan trọng đối với Việt Nam. Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đi thăm Ấn Độ từ ngày  3 đến ngày  7 tháng này chính là  thực hiện tinh thần đó.

Trong một bài viết trên trang mạng The Diplomat hôm 30 tháng Sáu vừa qua, giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia có bài chi tiết về những diễn biến mới nhất trên Biển Đông thời gian qua, cho rằng những động thái hung hăng bất chấp của Bắc Kinh trên Biển Đông như ngầm đổ thêm dầu vào lửa trong mối tương quan Việt- Trung vốn  đã rất phức tạp và rất nhạy cảm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.