Hoà thượng Thích Trí Quang viên tịch

RFA
2019.11.09
thichtriquang Hoà thượng Thích Trí Quang
Courtesy of Giác Ngộ

Hoà thượng Thích Trí Quang, một nhân vật phật giáo quan trọng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, vừa qua đời tại chùa Từ Đàm Huế, tối thứ Sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2019, thọ 97 tuổi. Báo Giác Ngộ của của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh loan tin này vào cùng ngày.

Hoà thượng Thích Trí Quang là người nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và cũng là nhân vật gây nhiều tranh cãi về lập trường của ông. Hoà thượng là một trong những người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khi giáo hội mới thành lập vào năm 1964 tại miền Nam.

Từ năm 1963, Hoà thượng Thích Trí Quang là người tham gia tích cực vào phong trào phản đối chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm vì chính sách phân biệt đối với Phật giáo.

Tuần báo time của Hoa Kỳ số ra tháng 4 năm 1966 đã đăng hình của Hoà thượng Thích Trí Quang với tựa “South Viet Nam: The Buddhist Bid for Power”, tạm dịch là “Nam Việt Nam: Nhà sư muốn quyền lực”. Thậm chí đã có lúc, đã có những tranh cãi cho rằng Hoà thượng Thích Trí Quang là người theo Cộng sản hay là người chống cộng, hay là người theo CIA. Trong một cuốn sách có tựa “Only Religious Count in Vietnam: Thich Tri Quang and the Vietnam War” (chỉ có Tôn giáo là đáng kể ở Việt Nam: Thích Trí Quang và Chiến tranh Việt Nam) của Giáo sư James McAllister thuộc trường đại học Williams ở Hoa Kỳ, tác giả trích phân tích của CIA vào năm 1964, viết rằng: “không một ai trong số nhiều người Việt thù ghét Trí Quang, những kẻ chỉ chờ cơ hội để bôi nhọ ông, hay thậm chí những kẻ hoài nghi về động lực chính trị của ông, có thể đưa ra bằng chứng vững chắc về bất cứ liên kết nào hiện có giữa ông và Cộng sản”.

Sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam vào năm 1975, Hoà thượng Trích Trí Quang đến tu viện Quảng Hương Già Lam (Sài Gòn), viết sách, dịch và chú giải kinh, luật, luận, và khá im tiếng. Người ta không thấy ông công khai lên tiếng về tình hình chính trị tại Việt Nam, những cáo buộc đối với chính quyền về đàn áp tôn giáo, trong đó có Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất mà ông từng là một trong những người đứng đầu.

Năm 2013, ông về chùa Từ Đàm, Huế, tiếp tục công việc dịch thuật kinh điển cho tới ngày viên tịch.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.