Dùng chất tẩy rửa công nghiệp trong sản xuất nước mắm

RFA
2020.01.13
nuoc-mam-truyen-thong-622.jpg Sản xuất nước mắm truyền thống, ảnh minh họa
Courtesy photo

48 tấn soda công nghiệp bị thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện và tiêu hủy trong năm 2019,  tại 4 cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TPHCM.

Tin do truyền thông trong nước loan tin hôm 13/1 cho biết, 4 cơ sở nước mắm bị phát hiện đã sử dụng nguyên liệu soda công nghiệp chuyên dùng cho sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh trong sản xuất nước mắm.

Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết, nguyên liệu được các cơ sở dùng trong sản xuất nước mắm gồm dịch bột ngọt của Công ty Vedan Việt Nam dung dịch có tính axit, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm; hoặc dùng dịch nước tôm, dịch bổi cá, là nước đầu của việc ủ cá với muối.

Sau đó các cơ sở này dùng soda công nghiệp, chuyên dùng cho sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh, để khử axit trong dịch bột ngọt.

Được biết, dịch bột ngọt có tính axit với độ pH từ 3 – 4, giá rất thấp, tính cả chi phí vận chuyển chỉ có 500 đồng/lít.

Trả lời báo chí trong nước, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Côn – Giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho rằng, sản xuất nước mắm làm từ con cá tươi chợp muối, nếu  axit HCl dư thừa thì sẽ sử dụng soda trung hòa để tạo thành muối. Tuy nhiên, soda ở đây phải là soda thực phẩm.

Dùng soda công nghiệp để trung hòa axit trong nước mắm là không được phép bởi soda  công nghiệp chứa rất nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng, sẽ gây nên các bệnh mãn tính, ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, gây ung thư…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.