Bà Aung San Suu Kyi sắp thăm Việt Nam

RFA
2018.04.16
000_U43A8_960.jpg Bà Aung San Suu Kyi (phải) đến sân bay quốc tế ở Đà Nẵng dự Thượng đỉnh APEC hôm 9/11/2017
AFP

Cố vấn nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, bà Aung San Suu Kyi sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 20/4 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bộ Ngoại giao Việt Nam loan tin này hôm 16/4.

Đây là chuyến thăm thứ hai tới Việt Nam của bà Aung San Suu Kyi kể từ khi bà lên nắm quyền tại Myanmar vào năm 2016. Trước chuyến thăm này bà Suu Kyi cũng đã từng đến Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái để dự Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng.

Myanmar và Việt Nam có quan hệ từ rất sớm. Năm 1948, Việt Nam đã đặt cơ quan đại diện chính phủ tại Yangon, thủ đô Myanmar lúc đó. Năm 2015, hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Vào tháng 8/2017, nhân chuyến thăm nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Myanmar, hai bên đã ra tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Trước đó vào tháng 10/2016, cựu Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Thương mại hai chiều giữa Myanmar và Việt nam vào năm 2017 đạt hơn 828 triệu đô la, tăng 51% so với năm 2016.

Cả Bộ Ngoại giao Việt Nam và văn phòng bà Aung San Suu Kyi không đưa thông tin cụ thể về mục đích chuyến thăm lần này của bà Suu Kyi tới Việt Nam.

Bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền tại Myanmar sau khi đảng Liên Đoàn Toàn Quốc vì Dân chủ do bà lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội lịch sử tại Myanmar hồi năm 2015.

Bà là khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình vào năm 1991. Bà đã từng bị chính quyền quân đội Miến giam lỏng tại gia từ năm 1990 đến năm 2010.

Tuy nhiên, hiện bà Aung San Suu Kyi đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích của quốc tế về việc quân đội và an ninh Myanmar tiến hành chiến dịch đàn áp đối với người thiểu số Hồi Giáo Rohingya ở bang Rakhine từ tháng 8 năm ngoái.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, tính đến cuối năm 2017, đã có hơn 600.000 người Rohingya phải chạy sang lánh nạn ở nước láng giềng Bangladesh.

Liên Hiệp Quốc gọi chiến dịch này là thanh lọc sắc tộc nhắm vào người Rohingya. Chính phủ của bà Suu Kyi phản bác lại cáo buộc này.

Trong chuyến thăm Bangladesh hồi tháng 3 vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có tuyên bố chung với Thủ tướng Sheikh Hasina, cam kết ủng hộ một giải pháp hòa bình đối với vấn đề người Rohingya.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.