Việt Nam - Trung Quốc ký bản ghi nhớ hợp tác cảnh sát biển

RFA
2016.06.27
000_CH25C.jpg Ông Dương Khiết Trì (thứ hai bên trái) và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) chứng kiến hoàn tất việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác của lực lượng cảnh sát biển hai quốc gia tại Hà Nội ngày 27 tháng 6 năm 2016.
AFP photo

Ông Dương Khiết Trì, phụ trách ngoại giao của Quốc Vụ Viện Trung Quốc đang ở thăm Hà Nội, để đồng chủ trì một cuộc họp lần thứ 9 về hợp tác song phương Việt Nam Trung Quốc.

Tại đây ông đã có cuộc gặp gỡ với ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam, và hai bên đã ký một bản ghi nhớ về việc hợp tác của lực lượng cảnh sát biển hai quốc gia.

Trong buổi gặp gỡ, ông Phạm Bình Minh nói với người đồng nhiệm rằng dù hai nước có những bất đồng nhưng quan hệ giữa hai bên tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Liên quan đến những xung đột trên biển giữa hai quốc gia, hai bên đã trao đổi những vấn đề liên quan đến việc không hành động để làm tình hình phức tạp thêm, tìm kiếm một giải pháp lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được.

Ngoài ra hai bên còn trao đổi công thư giữa hai chính phủ về việc Trung Quốc sẽ cấp một khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trị giá 129,5 triệu nhân dân tệ để xây dựng Nhà hữu nghị Việt Trung tại Hà Nội.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của mình trên 90% diện tích biển Đông lấn sát vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp nhau hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông. Hiện Hoàng Sa do quân đội Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974 sau một trận hải chiến với quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Và vào năm 1988 Trung Quốc lại tiếp tục lấn chiếm vài hòn đảo do quân đội Việt Nam kiểm soát tại quần đảo Trường Sa.

Chuyến thăm Việt Nam của ông Dương Khiết Trì diễn ra chỉ một thời gian ngắn trước khi tòa trọng tài quốc tế có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, ra phán quyết về vụ kiện của Philippines liên quan đến tuyên bố lãnh hải quá đáng của Bắc Kinh trên biển Đông.

Một cựu viên chức Việt Nam phụ trách vấn đề biên giới là ông Trần Công Trục, trả lời hãng thông tấn AP rằng có thể ông Dương Khiết Trì dùng chuyến đi để vận động Việt Nam ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề này.

Bắc Kinh ngay từ đầu đã tuyên bố rằng Tòa trọng tài quốc tế The Hague không có thẩm quyền phán quyết vấn đề biển Đông, và chuyện tranh chấp biển Đông, theo Trung Quốc là nên thương lượng song phương giữa các quốc gia tranh chấp mà thôi. Tuy nhiên các nhà quan sát cũng cho rằng nếu phán quyết của Tòa này có lợi cho Manila thì Bắc Kinh cũng sẽ thấy thất thế trên trường ngoại giao quốc tế.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.