Mỹ đề xuất đưa VN khỏi danh sách trừng phạt nếu mua vũ khí của Nga

RFA
2018.07.26
000_17T5AL Tàu Hải quân của Nga.
AFP

Quốc hội Mỹ ngày 24 tháng 7 đã đồng ý đưa một số quốc gia ra khỏi danh sách bị trừng phạt nếu mua vũ khí của Nga, trong đó bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, và Indonesia.

Một ủy ban gồm các thành viên hạ viện và thượng viện Mỹ đã thống nhất về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2019, trong đó có điều khoản gia hạn lệnh cấm hợp tác giữa các lực lượng quân sự của Washington và Moskva.

Ủy ban Quân vụ Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã đồng ý miễn trừ Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam khỏi luật Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA), nghĩa là những quốc gia này có thể tiếp tục mua sắm thiết bị quân sự từ Nga.

Động thái này xảy ra vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 20/7 đề xuất quốc hội trao cho Bộ trưởng Ngoại giao quyền miễn cấm vận cho một số quốc gia mua vũ khí từ Nga. Theo ông Mattis, điều này sẽ giúp Mỹ xây dựng quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các quốc gia đang sở hữu vũ khí Nga, nhất là khi họ muốn giảm phụ thuộc vào khí tài mua từ Moskva.

Riêng về phía Ấn Độ, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra hai điều kiện miễn trừ CAATSA cho Ấn Độ và yêu cầu New Delhi phải đáp ứng ít nhất một, đó là giảm phụ thuộc vào Nga và tăng cường đáng kể hợp tác với Hoa Kỳ.

Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) được thông qua hồi năm 2017 cho phép Mỹ áp đặt trừng phạt đối với các quốc gia hay doanh nghiệp tham gia vào hợp đồng quy mô lớn với các công ty công nghiệp quốc phòng Nga.

Dự kiến phiên bản Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng NDAA 2019 cuối cùng sẽ được đưa ra Hạ viện bỏ phiếu vào tuần này. Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu vào tháng 8 tới. Nếu lưỡng viện đều thông qua, đạo luật này sẽ được chuyển cho Tổng thống Trump ký ban hành.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.