Việt Nam cần chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế carbon thấp để tuân thủ Thỏa thuận Paris

RFA
2020.01.08
hoi-thao-khi-hau-630 Hội thảo Tổng kết dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia, hôm 7/1 ở TPHCM.
Courtesy congthuong.vn

Việt Nam phải tiếp tục thực hiện các hành động hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cụ thể để trở thành một nền kinh tế carbon thấp và tuân thủ Thỏa thuận Paris toàn cầu.

Thông tin vừa nói được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Tổng kết dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia, hôm 7/1 ở TPHCM. Hội thảo  do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hiromichi Murakami, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường toàn cầu của JICA cho biết, Việt Nam với tư cách là thành viên của cộng đồng toàn cầu được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris.

Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, là một tín hiệu rõ ràng về việc tăng cường các hành động ứng phó biến đổi khí hậu để hiện thực hóa một xã hội carbon thấp.

Hội thảo này được tổ chức để xem xét dự án SPI- NAMA mà JICA đã bắt đầu khởi động vào năm 2015 về việc hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện các hành động để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, đặc biệt là chuẩn bị thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris. Đồng thời hỗ trợ các nỗ lực để tạo ra một lộ trình giảm phát thải khí nhà kính (GHG).

Tin cho biết, các chuyên gia Nhật Bản đã đào tạo cho nhân viên tại Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố HCM, trong việc sử dụng Mô hình tích hợp châu Á-Thái Bình Dương để biết về xu hướng phát thải GHG trong tương lai.

Theo đánh giá của Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, kết quả mô phỏng theo mô hình lượng phát thải khí nhà kính tại thành phố vào năm 2030 sẽ tăng khoảng 2,6 lần so với năm 2016 nếu không có bất kỳ hành động giảm thiểu nào. Tuy nhiên, nếu có các hành động giảm thiểu hiệu quả, thành phố có thể giảm khoảng 20% lượng phát thải này vào năm 2030.

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong những năm gần đây phụ thuộc vào năng lượng vì hệ thống năng lượng của đất nước này đã trở nên thâm dụng carbon hơn.

Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu do bờ biển dài và các cửa sông rộng lớn, khiến nước này buộc phải xây dựng chính sách cam kết hành động đối với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã nhanh chóng phê chuẩn Thỏa thuận Paris và là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện thỏa thuận, trong đó nêu rõ các biện pháp, trách nhiệm và yêu cầu hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn thiếu kinh nghiệm thực hiện.

Thỏa thuận Paris là một thỏa thuận trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính được ký kết năm 2016.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.