GIỚI-CHỨC VN GẶP GỠ VỚI GIỚI ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI NHƯNG KHÔNG HỨA HẸN GÌ LẰM Nguyễn Khanh


1999.03.23

INTRO: Hôm nay tại Hà Nội, nhà nước Việt Nam sẽ gặp gỡ với các nhà đầu tư nước ngoài, để ghi nhận những trở ngại mà giới đầu tư nước ngoài đang gặp phải, đồng thời theo tin đồn thì có thể, Việt Nam sẽ cho công bố một số kế hoạch để thu hút vốn đầu tư. Vấn đề này sẽ được Nguyễn Khanh trình bầy chi tiết hơn trong bài viết chúng tôi gửi đến quý thính giả sau đây. Xin mời anh Nguyễn Khanh. VOICE: Xin cám ơn chị Thy Nga. Thưa quý thính giả, sáng nay, khi Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Nguyễn Mạnh Cầm của Việt Nam bước vào phòng hội ở Hà Nội, giới đầu tư nước ngoài mong mỏi ông sẽ đưa ra những biện pháp nhằm giải quyết tình trạng khó khăn mà những nhà đầu tư đang gặp phải khi họ bỏ vốn làm ăn ở Việt Nam. Quan trọng hơn nữa, các nhà đầu tư hy vọng vấn đề lần này sẽ đổi khác, tức nhà nước Việt Nam không chỉ hứa suông, mà làm đúng những gì sẽ hứa. Theo lời ông Kawashima Shuzo, tổng giám đốc công ty điện toán Fujitsu Computer Products tại Việt Nam thì không cần phải nghe trình bầy, ông phó Thủ Tướng Việt Nam cũng biết rõ là giới đầu tư mong muốn những gì rồi, vì tất cả đã được đưa ra thảo luận hồi tháng Hai năm ngoái. Ông Kawashima nhắc lại là vào lúc đó, các nhà đầu tư đã có dịp trình bầy thẳng với Thủ Tướng Phan Văn Khải và ông bộ trưởng Trần Xuân Giá là hệ thống hành chánh của Việt Nam quá chậm chạp, tham ô, cửa quyền thì đầy dẫy, hệ thống luật pháp không được minh bạch, luật lệ nhà nước ban hành thì mỗi người giải thích một lối khác. Lúc đó, người cầm đầu chính phủ cũng như ông bộ trưởng bộ đầu tư đã lên tiếng hứa hẹn sẽ giải quyết tận gốc rễ mọi vấn đề, nhưng một năm sau, tình trạng cũng vẫn y như cũ. Trong vòng 12 tháng qua, rất nhiều công ty nước ngoài đã quyết định rút khỏi Việt Nam, và số vốn đầu tư của ngoại quốc bỏ vào cũng giảm đến mức đang lo ngại. Năm 1996, trị giá các dự án được cấp giấy phép lên đến 8 tỷ, năm 1997 giảm bớt gần một nửa, còn có 4 tỷ 400 triệu đô la, năm ngoái xuống bớt còn khoảng 2 tỷ và năm nay, con số này chắc chắn sẽ còn giảm hơn nữa. Hồi đầu năm, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu dự đoán số vốn mà các công ty ngoại quốc bỏ vào đầu tư ở Việt Nam trong năm 1999 là 500 triệu đô la, nhưng bây giờ, ngay chính các chuyên gia của ngân hàng đã phải nói là con số này có vẻ hơi cao. Ngay chính Thủ Tướng Việt Nam là ông Phan Văn Khải cũng nhìn nhận là chuyện số vốn đầu tư của nước ngoài càng ngày càng giảm là một mối quan tâm rất lớn mà nhà nước phải giải quyết. Tại sao tình trạng này xảy ra? Câu trả lời mà các nhà các chuyên gia về kinh tế của Châu Á cũng như giới đầu tư đồng thanh đưa ra là Việt Nam vẫn chưa đổi mới đúng mức, do đó, thay vì bỏ tiền vào làm ăn ở Việt Nam, các thương gia nước ngoài đang bắt đầu chú ý đến hai thị trường Thái Lan và Nam Hàn nhiều hơn trước. MC: Xin cám ơn anh Nguyễn Khanh. Có một vài câu hỏi xin được đặt ra với anh. Nghe nói là ông Khải cũng sẽ có mặt trong buổi gặp gỡ ngày hôm nay? KHANH: Thưa chị đúng. Tin tức mà Ban Việt Ngữ thu thập được cho hay là ông Khải sẽ đến dự nhưng không với tư cách chủ tọa, vì người chủ tọa phiên họp là Ngoại Trưởng Nguyễn Mạnh Cầm. MC: Trong phần trên, anh đã trình bầy những trở ngại khiến cho các nhà đầu tư không muốn làm ăn ở Việt Nam nữa. Thế liệu các nhà đầu tư nước ngoài có đưa ra một bản đề nghị nào trong phiên họp này hay không? KHANH: Thưa chị theo chỗ mà chúng tôi được biết thì các Phòng Thương Mại cũng như các Nhóm Thương Gia nước ngoài đã gặp nhau trong một vài tuần qua, để soạn thảo chung một bản đề nghị sẽ được đọc sáng nayẦ. MC: Nếu có thể được, xin anh nói rõ các đề nghị mà giới đầu tư nước ngoài sẽ đưa ra cho nhà nước Việt Nam? KHANH: Thưa chị và thưa quý thính giả, các đề nghị này gồm có thứ nhất là phải bãi bỏ ngay chế độ bắt các công ty nước ngoài trả giá điện, giá điện thoại, hay giá các dịch vụ khác cao hơn giá dành cho các công ty trong nước. Thứ hai là cho các công ty nước ngoài được quyền thuê mướn nhân viên, thay vì phải đi qua các sở tìm việc của Bộ Lao Động, vừa mất thì giờ vừa thêm tốn kém, thứ ba là cho các công ty ngoại quốc trả lương cho công nhân băèng tiền Việt Nam, thay vì phải trả bằng đô la rồi sau đó mới tính ra thành tiền Việt Nam. Thứ tư là phải sửa đổi lại luật lệ, không bắt các công ty phải đổi ngoại tệ ra tiền Việt Nam, mà chỉ phải đổi khi họ thấy cần. Thứ năm là mức thuế đánh trên lương bổng của công nhân làm việc cho các công ty ngoại quốc quá cao, cần phải điều chỉnh lại bằng với mức thuế của các công nhân viên khác, và thứ sáu là cần phải thực hiện ngay các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quy mô, để đẩy mạnh kinh tế. MC: Trở lại với chuyện ông Khải, mới đây ông Khải đã lên tiếng nói là dù có khó khăn đến đâu nhà nước vẫn có thể vượt qua. Anh nghĩ sao về điều này? KHANH: Thưa chị, ông Khải có nói điều đó. Ông Khải đưa ra lời tuyên bố này khi tiếp xúc với các nghệ sĩ và nhà báo ở Hà Nội cách đây 2 ngày. Nhưng nói là một chuyện, có làm được hay không là chuyện khác, đó là nhận xét mà giới quan sát đưa ra ngay sau khi lời tuyên bố của ông Thủ Tướng Việt Nam được phổ biến. MC: Xin cám ơn anh Nguyễn Khanh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.