Khi kinh tế suy trầm


2006.06.27

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Tiếp tục đề tài về rủi ro suy trầm kinh tế vào năm tới, Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về hiệu ứng của suy trầm và phương hướng ứng phó. Tiết mục chuyên đề hàng tuần này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.

GasOil200.jpg
Một trạm đổ xăng ở Arlington, Virginia hôm 2-5-2006. AFP PHOTO

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trong kỳ trước, ông có phân tích một số lý do khiến các thị trường tiên báo là kinh tế Đông Á có thể bị suy trầm cùng với một đợt suy trầm toàn cầu. Một số thính giả thắc mắc muốn tìm hiểu thêm về những chỉ dấu theo dõi để có thể dự đoán ra kịch bản bi quan ấy trong bối cảnh đang tăng trưởng tốt đẹp. Vì vậy, kỳ này xin ông trình bày tiếp về những dấu hiệu khiến người ta khả dĩ biết được là mối nguy ấy có thể xảy ra hay không.?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, trọng tâm của kỳ này sẽ là tìm hiểu về việc ấy trước khi nói đến những biện pháp ứng phó nếu như ta có thời giờ. Trước hết, chúng ta cần nhìn ra những mối liên hệ của kinh tế toàn cầu thì sẽ dễ hiểu vì sao mà thị trường nơi này có khi bật ra tín hiệu cho nơi khác. Nhờ vậy mà người ta khả dĩ đọc ra những dấu hiệu tiên báo.

Ta còn nhớ là năm 2001, kinh tế thế giới đồng loạt bị truy trầm và Hoa Kỳ còn bị khủng bố. Khi ấy ngân hàng trung ương Mỹ đã liên tục hạ lãi suất từ 6,50% xuống còn có 1% và Hoa Kỳ còn tung ra nhiều đợt giảm thuế. Tình hình ngày nay lại có chiều hướng đảo ngược. Người ta đang e ngại nguy cơ lạm phát và sản lượng kinh tế Mỹ có thể giảm nhẹ vào cuối năm nay, khiến kinh tế toàn cầu có thể bị suy trầm vào năm tới.

Vấn đề sở dĩ đáng chú ý là vì nếu các nước Đông Á không chuẩn bị thì cùng với nạn suy trầm họ có thể bị nặng hơn về mặt ngoại hối và tai hại hơn thế, một vụ khủng hoảng như thời 1997-1998 vẫn có thể xảy ra.

Việt Long: Theo như ông trình bày thì mọi sự thăng trầm của thế giới có thể xuất phát từ kinh tế Mỹ sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu trả lời ngắn gọn thì đúng như vậy vì một lý do khách quan là dù sản lượng kinh tế Mỹ chỉ ở khoảng 22 đến 25% kinh tế thế giới, Hoa Kỳ là một thị trường lớn cho ngoại thương của các nước, với sức tiêu thụ chiếm tới 70% tổng sản lượng nội địa, nên kinh tế xứ này đóng góp đến 60% vào đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Nôm na là nếu kinh tế thế giới tăng trưởng bình quân 5% thì đến 3% là do kinh tế Hoa Kỳ.

Việt Long: Và người ta cho là nền kinh tế xứ này có thể bị trì trệ vào cuối năm nay. Vì sao lại thế và có những dấu hiệu gì báo trước rủi ro ấy tại Hoa Kỳ hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, dù kinh tế Mỹ đang tăng trưởng rất mạnh, mức gia tăng về lợi tức hay lương bổng lại không tương xứng. Thứ hai, nạn dầu thô tăng giá trên thế giới đã ảnh hưởng đến giá xăng dầu tại Mỹ một cách quá đáng vì chính sách năng lượng và bảo vệ môi sinh của xứ này. Xăng dầu lên giá tất ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của dân Mỹ.

Thứ ba, trong năm năm qua, thị trường gia cư Mỹ phát triển mạnh và giá nhà tăng cao khiến dân Mỹ có cảm tưởng như mình giàu có hơn, tiêu xài rộng rãi hơn. Hiệu ứng phồn thịnh ấy nay đã giảm khi thị trường địa ốc không suy sụp nhưng đang nguội dần và điều ấy có ảnh hưởng đến sức chi tiêu của dân Mỹ.

Thứ tư và quan trọng nhất, khi dầu thô và các thương phẩm đồng loại tăng giá, kinh tế Mỹ bị lạm phát đe dọa. Yếu tố ấy khiến ngân hàng trung ương Mỹ phải nâng lãi suất và có thể sẽ còn nâng lãi suất nữa vào ngày 29 này, lần thứ 17 trong vòng hai năm qua.

Việt Long: Đây là những yếu tố khiến kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nhẹ từ cuối năm nay, nhưng câu hỏi ở đây là có những chỉ dấu gì báo trước hiện tượng ấy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta có thể thấy trước ở thứ nhất nạn sụt giá chứng khoán khá mạnh kể từ mùng 10 tháng trước khiến nhiều người dự đoán là thị trường cổ phiếu bắt đầu đi vào chu kỳ suy thoái. Thứ hai, một số thống kê mới công bố tuần qua cho thấy mức đặt hàng để sản xuất cho tương lai có bị chậm hẳn lại, cũng giống như những chỉ số tiên báo về sản xuất.

Dù sao, cũng xin nói ngay rằng kinh tế Hoa Kỳ có thể bị ngưng trệ nhẹ nhưng không bị suy thoái. Tuy nhiên, điều ấy vẫn có thể ảnh hưởng đến kinh tế xứ khác, nhất là kinh tế Đông Á vì quá lệ thuộc vào nguồn đầu tư từ Mỹ và vào việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, là điều Việt Nam đang muốn.

Việt Long: Một số dư luận tại Đông Á và cả Việt Nam cho rằng các nền kinh tế Á châu nay đều đang tăng trưởng mạnh, thí dụ như Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Hàn, Thái Lan hay cả Ấn Độ cho nên họ đã có sức tự tồn và không còn bị ảnh hưởng nặng từ kinh tế Mỹ. Các nền kinh tế Âu châu có thể cũng vậy. Như thế, liệu thế giới có bị họa lây vì sự đình trệ tại Mỹ không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là vẫn bị, vì một số lý do khác rắc rối mà tôi xin cố tóm lược ở đây. Kinh tế thế giới nay phát triển mạnh nhờ ngoại thương nên cũng do ngoại thương mà bị ảnh hưởng tương hằng biện chứng với nhau. Hoa Kỳ có bị ảnh hưởng về chuyện xăng dầu hay giá thương phẩm tăng vọt, các nước châu Á cũng bị ảnh hưởng mà còn nặng hơn vì hiệu suất tiêu thụ kém. Cùng một sản lượng chế biến ra phải dùng một lượng xăng dầu gấp đôi chẳng hạn.

Một số vấn đề kinh tế Mỹ đang gặp, thí dụ như nguy cơ lạm phát, thị trường địa ốc bị nguội, nạn sụt giá cổ phiếu, v.v… các xứ khác cũng có gặp. Đã thế, nạn sụt giá đồng Mỹ kim lại khiến đồng tiền các xứ khác thành đắt hơn, hàng xuất khẩu của họ cũng cao giá hơn. Khi thị trường nhập khẩu Mỹ bị giảm vì sức tiêu thụ kém tại Mỹ thì các nước xuất khẩu tất bị ảnh hưởng. Đại cương thì ta có cả chục lý do khiến sự thịnh suy của kinh tế Hoa Kỳ vẫn chi phối kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế giao dịch mua bán bằng đồng Mỹ kim.

Việt Long: Sau khi ông trình bày bối cảnh của vấn đề, bây giờ, ta sẽ đi qua phần thứ hai của đề tài. Đó là làm sao dự báo được nạn thăng trầm hay suy thoái tại Đông Á?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu trả lời rất ngắn là khi nào lãi suất liên ngân hàng tại Mỹ được nâng tới mức 6%! Tôi xin giải thích rõ hơn. Sau 16 lần tăng lãi suất kể từ tháng Sáu năm kia, mỗi lần tăng 25 điểm tức là 0,25%, Hội đồng Dự trữ Liên bang tức là hệ thống ngân hàng trung ương Mỹ đã ấn định suất ngắn hạn cho các ngân hàng vay mượn của nhau là 5%. Đấy là lãi suất nền cho mọi thứ lãi suất khác đắp lên trên.

Hầu như mọi người đều dự đoán là tuần này, lãi suất ấy có thể sẽ còn tăng 25 điểm. Nhưng, nếu lãi suất tăng mà lạm phát vẫn còn đe dọa thì sáu tuần sau đấy, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ lại nâng lãi suất, lúc ấy có thể là 5,50% vào tháng Tám. Nếu từ đó đến cuối năm mà lạm phát chưa có hướng thuyên giảm thì lãi suất Mỹ có thể còn lên nữa, cơn ác mộng là sẽ lên tới 6%. Và đấy là chỉ dấu mà các thị trường Đông Á lẫn giới sản xuất hay xuất khẩu đều theo dõi. Tình hình vì vậy thay đổi khá mau và khá nhạy.

Việt Long: Nhưng lãi suất bên Mỹ ảnh hưởng thế nào đến Đông Á mà ta phải theo dõi kỹ vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa là vì vai trò chuyển lực của ngoại hối. Ta đang thấy cả ngân hàng trung ương Hoa Kỳ lẫn Âu châu và Nhật Bản đều theo nhau nâng lãi suất. Khi lãi suất tăng thì tiền lên giá làm tỷ giá hay hối suất tiền Á giảm. Điều ấy đang gây sức ép rất mạnh cho các ngân hàng trung ương của Đông Á ngoài Nhật Bản. Vì sao lại như vậy là câu hỏi ông vừa nêu ra.

Lý do là các nước Á châu bị kẹt ở hai cửa. Nếu nâng lãi suất thì việc sản xuất sẽ thành đắt hơn và vì vậy, các ngân hàng trung ương, kể cả Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam, đang cố trì hoãn việc tăng lãi suất ngân hàng của mình. Ngược lại, nếu không nâng lãi suất thì sai biệt trị giá của đồng bạc sẽ gây ra tai họa khác: tư bản sẽ rút khỏi thị trường Á châu ngoài Nhật để tìm tới nơi có lãi hơn, trong khi tiền nợ trả bằng đô la lại tăng. Hoa Kỳ càng nâng lãi suất trong những tháng tới thì cái thế kẹt giữa hai cửa ấy càng xiết lại cho các nước Á châu.

Việt Long: Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết thì mình có thể nào nghĩ đến việc điều chỉnh nhẹ để đạt cả hai mục tiêu là duy trì sức sản xuất đồng thời giữ cho đồng tiền khỏi mất giá không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy và đây là sự cân nhắc rất khó của các ngân hàng trung ương. Vấn đề lưỡng nan là bảo vệ trị giá đồng bạc bằng cách nâng lãi suất hay bảo vệ sức tiêu thụ và sản xuất của kinh tế bằng cách giữ nguyên lãi suất, cách nào cũng có hậu quả xấu. Nhưng lãi suất liên ngân hàng tại Mỹ mà tăng quá 5,50% thì mọi sự cân nhắc coi như mất hẳn hiệu quả.

Lý do cơ bản là tại Á châu ngoài Nhật, các nước đều giao dịch mua bán bằng tiền Mỹ và bị ảnh hưởng bởi lãi suất Mỹ mà mỗi nước lại có một hoàn cảnh hay mức độ rủi ro kinh doanh khác nhau. Nếu cần nâng lãi suất cùng mức độ để triệt tiêu ảnh hưởng của việc tăng lãi suất tại Mỹ, họ còn phải kể thêm một tỷ lệ tôi xin tạm gọi là "hiểm phí", risk premium, vì yếu tố gọi là rủi ro kinh doanh đó.

Việt Long: Xin ông giải thích thêm về chuyện hiểm phí "risk premium" này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Khi đầu tư vào một thị trường, an toàn như thị trường Mỹ hay đang lên như thị trường Thái Lan hay thậm chí Nam Hàn, giới đầu tư vẫn thấy hai thị trường sau này có nhiều rủi hơn. Vì vậy, ngoài lãi suất ngân hàng có thể là bằng nhau, họ chờ đợi một khoản lời phụ trội để đối phó với rủi ro ở hai thị trường này.

Hậu quả là chẳng những lãi suất ngắn hạn phải tăng mà lãi suất dài hạn cũng tăng và chừng sáu tháng sau sẽ lại ảnh hưởng ngược đến sản xuất và xuất khẩu. Nếu gặp cảnh khó ấy, có bán Mỹ kim ra để chống đỡ cái nạn tiền của mình bị mất giá thì cũng chẳng được lâu.

Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông, chẳng lẽ các nước Á châu ta không thể ứng phó được gì hay sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa không, điều chúng ta đang muốn nói ở đây là chính việc ứng phó ấy có khi mới gây ra suy trầm và có thể khủng hoảng. Sau nhiều năm quen tính toán với bối cảnh tôi gọi là tiền rẻ, Á châu đã thổi lên các trái bóng đầu tư hay đầu cơ về hiện kim, địa ốc và thương phẩm, và nhiều dự án lãng phí khác là điều ta đã trình bày kỳ trước.

Bây giờ tiền đắt hơn nên các trái bóng ấy có thể bị xì và tư bản sẽ tẩu tán ra ngoài, có khi về lại Mỹ. Khi Hoa Kỳ cứ nâng lãi suất thì sức ép ấy càng tăng, trái bóng xì ra càng mạnh. Để ứng phó, người ta phải tăng lãi suất theo, và với mức cao hơn, thì lại sợ ảnh hưởng tới sản xuất. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các nước Á châu sẽ cố trì hoãn việc nâng lãi suất hoặc nâng rất nhẹ.

Kết quả qua năm tới là khi thị trường Mỹ đình trệ, nhập khẩu ít hơn hoặc với yêu sách khó khăn hơn, phản ứng bảo hộ mậu dịch cũng gay gắt hơn, thì tại Á châu, nhiều doanh nghiệp sẽ mất lời, bị lỗ, tư bản sẽ tháo chạy và kinh tế vẫn suy trầm mà có khi còn bị khủng hoảng về ngoại hối. Đấy là lý do của loạt bài cảnh báo này sau khi nhiều nơi đã gióng chuông báo động mà có lẽ Việt Nam còn hồ hởi về chuyện WTO nên không nghe thấy. Trong những kỳ sau, tôi xin đề nghị là ta sẽ đi sâu hơn vào hậu quả và cách chống đỡ đang được các nước cứu xét…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.