Kiểm Tra Trung Quốc

Cho đến nay, Việt Nam vẫn coi mô hình cải cách và phát triển kinh tế của Trung Quốc là mẫu mực vì đảm bảo mức tăng trưởng cao trong khi vẫn duy trì chế độ độc đảng.
Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2010.12.15
000_Hkg2342111-305.jpg Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Xie Xuren trong buổi họp báo hàng năm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Bali ngày 3 tháng 5 năm 2009.
AFP photo

Thực tế có thể lại không tốt đẹp như vậy cho nên Diễn đàn Kinh tế yêu cầu nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tách cho những mặt trái rất đáng chú ý của nền kinh tế Trung Quốc. Loạt bài có tính chất tổng kết này do Việt Long thực hiện sẽ kéo dài trong nhiều tuần.

Bài học cho VN

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Chúng ta sắp hết năm 2010, như thường lệ, chúng tôi xin đề nghị ông chuẩn bị cho loạt bài tổng kết về kinh tế. Riêng năm nay, ta chú ý đến một sự kiện thống kê là lần đầu tiên mà sản lượng kinh tế của Trung Quốc đã vượt sản lượng Nhật Bản, tức là kinh tế Trung Quốc nay đứng hàng thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản cùng Cộng hoà Liên bang Đức.

Đấy là một sự kiện đáng chú ý mà chúng ta đã có lần đề cập. Thứ hai, lãnh đạo Việt Nam hiện đang chuẩn bị Đại hội đảng, và với nhiều người thì mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc có sự quyến rũ của nó vì đảm bảo một mức tăng trưởng kinh tế cao trong khi vẫn duy trì được quyền lực độc tôn cho đảng Cộng sản. Ông nghĩ sao về đề nghị này?

Nhà nước đã mù mờ mà không chịu nghe lời cảnh báo của người sáng thì sẽ có ngày đâm đầu vào núi, hoặc trôi xuống vực!

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng ta cần làm một loạt bài tổng kết có thể kéo dài từ cuối năm dương lịch cho đến Tết Tân Mão vào đầu Tháng Hai, là khi mà đảng Cộng sản Việt Nam có thể hoàn tất Đại hội của khóa 11 và kỷ niệm ngày thành lập đảng vào đúng mùng một Tết. Nhưng quả rằng trong loạt bài tổng kết này, ta cũng nên tập trung vào tình hình Trung Quốc vì vừa là mẫu mực cho lãnh đạo Việt Nam mà cũng là một mối đe dọa nhiều mặt cho nước Việt Nam.

Nhưng ta không nên đặt nhiều kỳ vọng vào việc phân tích này vì nếu lãnh đạo Bắc Kinh đang gặp khó khăn để định hình cho một chiến lược phát triển mới khi họ chuẩn bị Đại hội đảng cho khóa 18 vào năm 2012, thì dường như lãnh đạo Hà Nội chỉ quan tâm đến vấn đề chiến thuật là nhân sự, là ai lên ai xuống.

Tức là người ta lo việc chiến lược còn mình chỉ nghĩ tới chiến thuật. Dù sao thì ta nên kiểm tra lại tình hình Trung Quốc vì có thể rút tỉa được nhiều bài học hữu ích cho người Việt, và bài học đầu tiên vẫn là nhìn vào thực tế bên dưới các thống kê để biết là mình đang nói về chuyện gì.

000_Hkg1146598-250.jpg
Một người đang dõi theo bảng điện chứng khoán ở VN năm 2008. AFP photo
Một người đang dõi theo bảng điện chứng khoán ở VN năm 2008. AFP photo
Việt Long: Thưa vâng, như vậy ta khởi đầu bằng thống kê và các số liệu cho thấy sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc. Chúng tôi nhớ là trong chương trình ngày 18 Tháng Tám năm nay, khi thống kê về sản lượng kinh tế Nhật lần đầu tiên thua sút Trung Quốc, ông trình bày là nếu tính bằng tỷ giá sức mua của đồng bạc theo phương pháp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn kinh tế Nhật từ cả chục năm trước rồi!

Nhưng vấn đề là phẩm chứ không là lượng và kinh tế Trung Quốc mà bị suy thoái như Nhật Bản thì khủng hoảng chính trị sẽ bùng nổ khiến đảng Cộng sản bị đe dọa sụp đổ. Nếu vậy, thống kê kinh tế Trung Quốc cho ta thấy gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin bắt đầu bằng một câu chuyện lý thú và có ý nghĩa cho Việt Nam.

Tháng Tám vừa qua, là khi kinh tế Trung Quốc chính thức vượt Nhật Bản, trường Kinh doanh Wharton nổi tiếng của Đại học Pennsylvania tại Hoa Kỳ đã phỏng vấn một nhà nghiên cứu Trung Quốc về nguy cơ khủng hoảng xã hội do dị biệt quá lớn về lợi tức. Nhà nghiên cứu Hoàng Tiểu Lục này là phó giám đốc "Sở Nghiên cứu Kinh tế Quốc dân" trong cơ quan độc lập và phi chính phủ ra đời năm 1995 là hội cải cách kinh tế ("Trung Quốc Kinh Tế Cải Cách Cơ Kim Hội) và tác giả công trình khảo sát về lợi tức các hộ gia đình. Ông ta báo động rằng 1) Cục Thống kê Quốc gia của Nhà nước không nắm vững số liệu thật, 2) dị biệt lợi tức ngày càng đào sâu nếu tính cả các khoản "bổng" không hề khai báo vào "lương" và 3) nếu không cải cách, Trung Quốc sẽ bị khủng hoảng xã hội!

Việt Long: Xin hỏi ngay vì sao ông nói chuyện này là có ý nghĩa cho Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sở Nghiên cứu Kinh tế Quốc dân là một bộ phận nghiên cứu quy tụ các chuyên gia Trung Quốc có hiểu biết về chuyên môn. Sở này nằm trong một cơ quan bất vụ lợi của tư nhân, dù có đăng ký hoạt động với Ngân hàng Trung ương và Bộ Dân chính của Hội đồng Chính phủ thì vẫn là một cơ quan độc lập. Kết quả khảo sát của họ khiến báo chí quan tâm và giới chức của Cục Thống kê Quốc gia tìm hiểu để cải sửa.

Việt Nam đã có một cơ quan độc lập là Viện Nghiên cứu Phát triển IDS thì năm ngoái lại phải đóng cửa! Nhà nước đã mù mờ mà không chịu nghe lời cảnh báo của người sáng thì sẽ có ngày đâm đầu vào núi, hoặc trôi xuống vực!

Thống kê ảo

Việt Long: Trở lại chuyện thống kê của Trung Quốc, vì sao lại có những sai lạc như vậy? Vì sao ông cứ hay nói rằng người ta phải "trừ bì" gia giảm với thống kê của xứ này?

000_Hkg3331104-250.jpg
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại phiên khai mạc Quốc hội Trung Quốc bên trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 5 tháng 3 năm 2010. AFP photo
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại phiên khai mạc Quốc hội Trung Quốc bên trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 5 tháng 3 năm 2010. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi lại xin nói đến một chuyện khác có ý nghĩa. Vào dịp lễ lạc này, khi kinh tế Hoa Kỳ còn bị đình trệ và thất nghiệp cao, đa số khách mua các món hàng xa xỉ đắt tiền tại California là dân Á châu, nhưng hết là Nhật Bản hay Nam Hàn, Đài Loan, mà là Trung Quốc, có thể lên tới 90%. Họ tiêu tiền như nước, quăng ra cả vạn đô la tiền mặt mà không thèm đếm, nhưng thực tế là chẳng biết giá trị của đồng tiền vì kiếm ra quá dễ.

Báo chí Mỹ có thể vì đó mà kết luận rằng dân Trung Quốc giàu hơn và kinh tế xứ này quả là có phát triển. Ấn tượng đó có thể làm thiên hạ hiểu lầm và không nhìn ra nguy cơ mà một số người trong cuộc đã báo động.

Lý do là vì người ta chấp vào những thống kê ảo, chúng ta trở lại Cục Thống kê Quốc gia. Nửa thế kỷ trước, thống kê của Trung Quốc vẫn còn là bí mật nhà nước và vì quá bí mật khiến đảng và nhà nước hết biết về thực tế. "Bước Nhảy vọt Vĩ đại" hay "Đại dược tiến" thời 1958-1961 khiến hơn 30 triệu người chết đói giữa thời bình, chữ Hán gọi là "cơ hoang", khi ruộng vẫn cấy mà không có hoa màu. Ngoài sự hoang tưởng chết người của Mao Trạch Đông về công nghiệp hoá còn có lý do là ở trên không nắm vững tình hình thực tế ở các địa phương để kịp ngừng.

Việt Long: Dường như ông chỉ mới gián tiếp trả lời câu hỏi ở trên bằng cách trình bày rằng rằng Trung Quốc có những người cực giàu xài tiền hoang phí không cần đếm ngay ở Mỹ. Nhưng trở lại chuyện thống kê, Trung Quốc bắt đầu thay đổi từ bao giờ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ba chục năm trước, Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách kinh tế và ý thức được yêu cầu hiện đại hoá và tiêu chuẩn hóa hệ thống thu thập số liệu thống kê. Nhưng từ khi biết là sai nên phải sửa cho tới khi lập ra một hệ thống thu thập thống kê khả tín, có thể tin được, là một chặng đường dài. Trong hai chục năm sau đó, ta chỉ cần nhớ tới một câu thành ngữ, rằng "thống kê không dối trá, nhưng kẻ dối trá cũng có thể nặn ra thống kê!"

Mười năm trước, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, Trung Quốc càng thấy ra nhu cầu thống nhất phương pháp thống kê như các nước buôn bán với mình. Tôi còn nhớ là cuối năm 2002, Tổng lý Chu Dung Cơ đích thân tới Cục Thống kê Quốc gia ban chỉ thị là phải thiết lập một bộ máy thống kê khoa học, hiện đại và khả tín. Tức là phải theo tiêu chuẩn quốc tế do Liên hiệp quốc đề ra. Nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, là chẳng ra đâu cả, vì cán bộ phụ trách về thống kê lại tính toán khác.

Kết quả là khi Tổng suy trầm kinh tế bùng nổ năm 2008, Bắc Kinh bàng hoàng phát giác là họ thiếu cơ sở thẩm định hiệu ứng của suy trầm đối với nền kinh tế vì mâu thuẩn quá lớn của các thống kê! Ông Mã Kiến Đường vừa được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Thống kê vào tháng Chín năm 2008 mới xin cải tiến thủ tục thống kê và tháng Sáu năm ngoái, Quốc hội mới sửa lại Đạo luật thống kê năm 1983 để trừng phạt gay gắt tội ngụy tạo số liệu kinh tế hầu ở trên còn biết rõ sự thật ở dưới.

Việt Long: Như vậy, từ khi cải cách vào đầu năm 1979 đến nay, việc cải cách hệ thống thông tin để nắm vững tình hình cho trung thực lại tiến hành chậm nhất, cho nên gần đây Cục Thống kê còn không biết rõ về thực trạng lợi tức của người dân như ông vừa kể lại. Vì sao lại như vậy?

000_Hkg3832193-250.jpg
Trụ sở chính Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh. AFP photo
Trụ sở chính Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trung Quốc có hai hệ thống song hành với cùng nhiệm vụ thu thập thống kê. Hệ thống thứ nhất là Cục Thống kê Quốc gia với chức năng đúc kết số liệu của các chi nhánh ở từng cấp địa phương, tới cấp hương xã. Hệ thống thứ hai là của các phủ bộ trung ương với chức năng thu thập số liệu về lĩnh vực chuyên môn của mình, như bộ Thương mại tìm thống kê về đầu tư nước ngoài, bộ Công an thì về hình sự, số liệu về xuất nhập khẩu thì thuộc Tổng cục Hải quan, v.v.... Đó là về sơ đồ tổ chức nguyên tắc.

Trong sự vận hành thực tế của hai bộ máy thống kê đó, ta đụng vào chuyện chính trị. Các viên chức nhà nước đều do ở trên bổ nhiệm xuống nên có trách nhiệm và quyền lợi với thượng cấp ờ trên hơn là với dân cư ở nơi họ phục vụ. Vì vậy, viên chức về thống kê có nhu cầu đưa lên những thống kê làm thượng cấp vui lòng hơn là trình bày sự thật ở địa phương. Đó là một lẽ và thấy rõ nhất trong loại thống kê thu thập cho các phủ bộ ở trung ương.

Trong bộ máy gọi là hội nhập của Cục Thống kê Quốc gia, viên chức thống kê tại địa phương có quyền khảo sát lại số liệu đáng nghi ngờ do địa phương cung cấp, nhưng thường thì không, vì họ muốn giữ quan hệ thân hữu và tốt đẹp với các đảng viên cán bộ ở mọi cấp cao thấp trong địa phương. Kết quả là họ cũng xác nhận những con số tô hồng từ địa phương rồi gửi lên, và ở trên lại kết hợp những con số tô hồng đó trước khi chuyển về trung ương. Tức là mỗi cấp lại châm thêm một "hệ số tô hồng" và trung ương có thống kê đỏ lòm mà chả phản ảnh gì thực tế.

Lý do chính vì vậy nằm trong hệ thống chính trị khiến đảng viên cán bộ không chịu trách nhiệm với dân mà chỉ cần ở trên vui lòng đẹp ý và trên cùng thì lãnh đạo vẫn mù mờ không rõ!

Viên chức về thống kê có nhu cầu đưa lên những thống kê làm thượng cấp vui lòng hơn là trình bày sự thật ở địa phương.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Việt Long: Ông chịu khó trình bày nguyên ủy xã hội và tâm lý của sự việc khiến cho chúng ta phải hoài nghi và kiểm chứng lại thống kê của Trung Quốc. Nghĩa là lãnh đạo có thấy vấn đề và muốn cải tiến để khỏi bị mù mờ nhưng chính là hệ thống chính trị và hành chính của họ mới đẻ ra cái loại thống kê tô hồng đó, phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, và vì vậy mình mới gặp những chuyện lạ là trong khi sản lượng công nghiệp tăng vọt - vì cơ quan thu thập thống kê công nghiệp tô hồng các con số- thì số tiêu thụ về điện năng lại giảm! Cũng vậy, Tháng Tám năm ngoái trung ương chỉ thị các địa phương phải chấn chỉnh lại khu vực thép vì sản xuất thừa với quá nhiều địa phương tự động lập nhà máy thép có hiệu năng rất thấp, nhất là tại các tỉnh ở miền Tây, bị khoá trong lục địa.

Kết quả thì xứ này vẫn sản xuất quá nhiều thép - làm thế giới khâm phục - mà để rỉ sét trong kho và nhiều nơi thì thép quá tồi không thể xài được, dù là cho loại "dự án tầu hủ", mềm oặt vì bị rút ruột. Nhưng kết quả là hôm Thứ Hai 13 vừa rồi, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia hoan hỉ loan báo rằng tốc độ tăng trưởng sản xuất của các tỉnh miền Tây đã vượt 13%, còn cao hơn các tỉnh duyên hải là chỉ có tốc độ tăng trưởng 10,7% mà thôi!

Tôi nghĩ rằng trong chương trình đầu tiên của loạt bài tổng kết về Trung Quốc ta nên ghi nhớ một sự kiện cơ bản là Bắc Kinh có thể nắm trong tay 2.600 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ, là con số họ đếm được, nhưng lại chưa hẳn nắm vững tình hình thực tế ở nhiều nơi và hiện rất ưu lo điều đó. Trong các kỳ tới chúng ta mới xét tới từng đặc điểm của xứ này để thấy vì sao mình nên thận trọng với chiến lược phát triển kinh tế của họ.

Việt Long: Chúng tôi mong rằng trong những kỳ tới ông trả lời cụ thể và trực tiếp hơn cho câu hỏi là nền kinh tế Trung Quốc được gọi là nền kinh tế đi xe đạp, nhưng thực sự họ đã nắm được 2 ngàn 600 tỉ đô la dự trữ ngoại tệ, và cũng đã gây khó khăn cho người Mỹ về tiền tệ và xuất khẩu, trong khi Trung Quốc cũng chiếm hàng đầu về xuất khẩu trên thế giới. Chúng ta sẽ dành đề tài đó cho những kỳ sau thưa ông.    

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta sẽ lần lượt đề cập đến những đề tài đó.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.