Truyền thông quốc tế (ngày 14-1-2005)


2005.01.14

Bầu cử Palestine, tương lai của Ukraina, tình hình Iraq trước ngày người dân đến phòng phiếu chọn đại biểu Quốc Hội là những đề tài nổi bật trong tuần lễ vừa qua. Như thường lệ, chúng tôi xin ghi nhận dư luận thế giới qua những bài quan điểm được phổ biến và gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế hàng tuần.

Nguyễn Khanh, phóng viên RFA

Năm 2005 bắt đầu với nhiều biến chuyển chính trị quan trọng, trong đó, được giới truyền thông quốc tế chú ý nhất nhiều nhất là hai cuộc bầu cử vừa hoàn tất ở Ukraina và Palestine. Nếu cuộc bầu cử Tổng Thống của Ukraina được ca ngợi là bằng chứng khẳng định lòng khát khao dân chủ của người dân quốc gia từng có thời nằm trong quỹ đạo Sô Viết, thì cuộc bầu cử chọn người điều khiển Chính Quyền Palestine được coi là dấu hiệu xác định hòa bình có thể đến với vùng Trung Ðông.

Với cuộc bầu cử mới hoàn tất ở Palestine, tờ Financial Times xuất bản ở London viết rằng dù đã đoán biết trước, nhưng sự kiện ông Mahmoud Abbas đắc cử chức Chủ Tịch là dấu hiệu cho thấy hòa bình có thể xuất hiện ở vùng đất trong bao nhiêu năm qua vẫn được coi là lò thuốc súng của thế giới. Ngay chính người dân Palestine cũng reo hò, tin tưởng hòa bình rồi sẽ đến. Và Chính Quyền Israel nhanh chóng kêu gọi vị tân Chủ Tịch Palestine phải thật tâm bày tỏ thiện chí:

“Tôi tin rằng thời điểm của ông ta đã đến, để ông ta đưa ra những quyết định đi đến hòa bình. Lời hứa hẹn của ông tân Chủ Tịch Chính Phủ Palestine rất quan trọng, nhưng chúng tôi muốn nhìn thấy bằng chứng cụ thể”.

Tờ Financial Times cũng cho rằng sự có mặt của ông Abbas trên bàn cờ chính trị Trung Ðông vẫn chưa đủ để đem lại hòa bình, nếu Hoa Kỳ và Israel không thay đổi chính sách. Tờ báo đưa ra một số thí dụ mà Washington và Tel Aviv có thể làm, chẳng hạn như Thủ Tướng Ariel Sharon của Israel có thể rút quân ra khỏi Dải Gaza và Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush của Mỹ tái khẳng định ủng hộ thành lập quốc gia Palestine, sống hòa bình bên cạnh kẻ thù cũ Israel. Muốn đi đến mục tiêu tối hậu đó, bài bình luận của tờ Financial Times đề nghị những giải pháp như sau:

”Điều cần phải ngay bây giờ là phải bỏ bớt những chỉ trích cũ kỹ, thay thế bằng những hành động cụ thể.

Thứ nhất, phải đạt được cuộc ngưng bắn mà cả hai bên đều tôn trọng, để Israel có thể rút quân ra khỏi những khu vực đang chiếm đóng và phía Palestine phải chấm dứt ngay những hoạt động nổi dậy chống người Do Thái. Thứ hai, Israel phải trả tự do cho hầu hết những người Palestine đang bị giam giữ và ngưng ngay các kế hoạch mở rộng khu vực định cư cũng như kế hoạch xây dựng bức tường an ninh bao quanh khu vực người Palestine đang sinh sống.

Ðiểm thứ ba cần làm để đem lại hòa bình là phải chú tâm và nhanh chóng đi đến những mục tiêu mọi người mong đợi và nói đến. Mục tiêu đó là đảm bảo an ninh cho Israel và công bằng cho người Palestine, có nghĩa là xây dựng một nước Palestine ở vùng đất thuộc Dải Gaza và phía Bờ Tây, với khu vực của người Ả Rập ở phía đông Jerusalem làm thủ đô”.

Về cuộc bầu cử Ukraina, nhật báo The Washington Times xuất bản ở thủ đô Hoa Kỳ cho rằng chiến thắng của ứng cử viên Viktor Yushchenko vào dịp đầu năm chính là một ngày hội lớn cho Ukraina, dù vị tân Tổng Thống sẽ phải đối đầu với nhiều thử thách:

”Người ta mong đợi tân Tổng Thống Yushchenko đưa quốc gia đến gần với phương Tây hơn và thay đổi hẳn chế độ độc đoán, tham ô của Tổng Thống sắp mãn nhiệm là ông Leonid Kuchma, người đã từng ra lệnh giết một nhà báo được dân chúng quý mến. Ông Yushchenko cũng phải đương đầu với nhiều thử thách khác nữa, chẳng hạn như làm sao có thể lôi kéo được khu vực kỹ nghệ phía Ðông thân Nga về với mình”.

Tờ The Washington Times cũng cho rằng sau cuộc bầu cử Tổng Thống ở Ukraina hoàn tất, đã đến lúc Hoa Kỳ và Nga nên bỏ qua những dị biệt từng có:

”Giờ đây, hai Chính Quyền Bush và Putin nên thảo luận với nhau về những lãnh vực liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hai nước. Khu vực năng lượng của Nga phù hợp với mục tiêu phân phối năng lượng toàn cầu của Tổng Thống George W. Bush. Ngoài ra, Nga ủng hộ, tham gia vào sự phát triển kinh tế ở các quốc gia Trung Á, trong đó có Ukraina, và những nỗ lực này sẽ chận đứng mọi hoạt động của những phần tử Hồi Giáo quá khích ở những khu vực sôi động, và điều kiện chiến lược đó rất quan trọng cho nỗ lực thực hiện cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu mà Washington đang theo đuổi”.

***

Một cuộc bầu cử khác cũng đang được nói đến hàng ngày là cuộc bầu cử Quốc Hội Iraq diễn ra vào cuối tháng này, trong khi bất ổn vẫn xảy ra ở mọi nơi, kể cả thủ đô Baghdad.

Phần lớn dư luận báo giới Hoa Kỳ và Âu Châu vẫn tiếp tục lên tiếng kêu gọi nên hoãn ngày bầu cử cho đến khi tình hình Iraq ổn định hơn và được sự cộng tác của mọi thành phần chính trị, tôn giáo, chẳng hạn như bài bình luận mới nhất được đăng tải trên nhật báo The New York Times:

”Nhiều người dân Mỹ cũng như dân Iraq lo lắng rằng hoãn ngày bầu cử có thể sẽ khiến cho quân khủng bố nghĩ rằng chúng có sức mạnh, chúng đã chiến thắng. Ðiều đó có thể đúng cho một vài tháng tới, những ảnh hưởng của nó không to tát cho bằng chuyện nội chiến ở Iraq có thể xảy ra nếu chúng ta cứ nhất định phải bầu cử đúng thời hạn đã thông báo, vùng đất của người Hồi Giáo Sunni lúc đó sẽ trở thành vùng đất vô chủ, tha hồ cho bọn khủng bố đặt bản doanh để hoạt động. Một số người khác lại đưa ra lập luận cho rằng nội chiến tại Iraq là điều hầu như không thể tránh được, vì thế cứ tổ chức bầu cử, đừng có chần chờ. Lập luận yếm thế này có thể đúng, nhưng chúng ta phải tìm đủ mọi cách để tránh không cho bất trắc xảy ra. Hoãn ngày bầu cử lại, ít nhất, còn tạo được ánh sáng hy vọng, và đẩy Iraq theo đường mà quốc gia này cần phải theo: đó là đi đến dân chủ với sự hợp tác của mọi thành phần tôn giáo, sắc tộc”.

Bài bình luận cũng đưa ra ngụ ý cho rằng có thể, Chính Quyền lâm thời Baghdad cũng muốn dời ngày bầu cử lại, nhưng chưa nhìn thấy đèn xanh từ Washington, trong khi Nhà Trắng ngần ngại không muốn quyết định vì e rằng nếu làm điều này, thế giới sẽ chê trách là dù đã trao quyền điều khiển đất nước cho Chính Phủ của ông Ayad Allawi, nhưng trên thực tế, Hoa Kỳ vẫn kiểm soát mọi chuyện ở Iraq. Giải pháp được tờ báo uy tín hàng đầu ở Mỹ đưa ra như sau:

”Không nhất thiết ông Bush phải đích thân quyết định hoãn ngày bầu cử Iraq. Ông ta chỉ cần làm sao cho Chính Quyền Baghdad biết họ không bị áp lực từ Mỹ, họ có quyền đưa ra những quyết định hợp lý với đất nước của họ. Một số thành viên trong Chính Quyền lâm thời, kể cả những người thân cận với Thủ Tướng Allawi đã bày tỏ ý kiến muốn thấy cuộc bầu cử được hoãn lại để vận động sự cộng tác của thành phần Hồi Giáo Sunni, và một số người khác cũng đồng ý như thế, dù không công khai nói ra”.

***

Không đầy một tuần nữa, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai. Năm 2005 cũng đánh dấu 30 năm ngày Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam, và đánh dấu 10 năm ngày Washington-Hà Nội trao đổi quan hệ ngoại giao và kinh tế.

Tạp chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này xin được kết thúc với nhận định của tiến sĩ Ted Carpenter, một chuyên gia về ngoại giao nổi tiếng của Hoa Kỳ, hiện đang làm việc vơí viện nghiên cứu CATO ở ngay thủ đô nước Mỹ. Theo tiến sĩ Carpenter, ông không thấy dấu hiệu nào để có thể nói rằng trong năm nay, quan hệ quân sự giữa Washington và Hà Nội sẽ nổi bật.

“Tôi không thấy có dấu hiệu nào nổi bật về quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trừ khi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xuống cấp. Nếu điều tôi vừa nói xảy ra, Hoa Kỳ sẽ coi Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Ðộ và các nước đồng minh đang có ở Ðông Nam Á là một đối trọng chiến lược đối với Trung Quốc, và lúc đó thì quan hệ quân sự của Washington với Hà Nội mới tăng. Còn nếu quan hệ Washington-Bắc Kinh vẫn tiến triển tốt như bây giờ thì tôi không nghĩ là Hoa Kỳ sẽ có quan hệ mới với Việt Nam về quân sự”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.