30 năm căn bệnh AIDS

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, từ khi phát hiện ca bệnh AIDS đầu tiên cách đây 30 năm, tốc độ lây lan của căn bệnh thế kỷ này không hề suy giảm, mà dường như còn có xu hướng gia tăng.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011.06.09
000_GYI0065072232-305.jpg Một cuộc tuần hành bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc đòi hỏi các biện pháp ngăn chặn nạn dịch HIV/AIDS hôm 08/6/2011
AFP photo

Căn bệnh lạ 30 năm trước

Tuy nhiên với đà tiến triển của khoa học kỹ thuật và những nỗ lực đáng kể của các nhà khoa học không ngừng tìm tòi, phát minh những phương thuốc để ngăn ngừa và điều trị căn bệnh này, công tác phòng chống HIV/AIDS đạt được một số thành quả đáng kể.

Đồng thời những cuộc vận động xã hội lớn trên toàn cầu đã góp phần giúp mọi người có được những nhận thức về chứng bệnh này, để có thái độ cư xử đúng đắn đối với những người nhiễm HIV/AIDS, hầu xoá bỏ sự phân biệt đối xử, hay xa lánh người bệnh.

Khi những ca bệnh đầu tiên mới xuất hiện ở Châu Phi, người ta không biết đó là bệnh gì, và do loại vi khuẩn nào gây ra. Chỉ thấy sức khoẻ bệnh nhân ngày một suy yếu, do các chứng bệnh như tiêu chảy hay viêm phổi kéo dài đến kiệt quệ rồi chết, nhưng không một loại thuốc nào có tác dụng điều trị hữu hiệu. Căn bệnh xuất hiện ở vào cuối thế kỷ 20, thời kỳ mà khoa học kỹ thuật có những tiến bộ vượt bực, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhưng lúc đó y học vẫn phải đầu hàng đối với chứng bệnh này. Và người ta gọi đó là căn bệnh thế kỷ.   

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu hiện nay có khoảng 33 triệu người sống chung với HIV/AIDS, và trung bình mỗi ngày, có gần 7.500 ca bị nhiễm mới.
Kể từ khi ca bệnh AIDS đầu tiên được phát hiện vào tháng 6 năm 1981, cho đến nay các nhà nghiên cứu đã tập trung mọi nỗ lực để tìm phương thuốc điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS, và biện pháp tiêu diệt virus HIV để tránh sự lây lan của dịch bệnh.

Bác sĩ Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc gia về các bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng, Hoa kỳ lạc quan nhận định, "sau 30 năm bệnh AIDS xuất hiện, các nhà khoa học Hoa kỳ và trên thế giới đã tích cực tìm biện pháp chặn đứng dịch bệnh này. Và cho đến giờ thì niềm hy vọng sẽ đẩy lùi được căn bệnh chết người này trong một tương lai không xa là hoàn toàn có cơ sở."    

Thành quả đạt được

Năm 2009, Bộ Y tế Thái Lan phối hợp với quân đội Hoa kỳ thực hiện một cuộc thử nghiệm trên 16,000 tình nguyện viên ở Thái Lan trong độ tuổi từ 18 đến 30 trong suốt thời gian 6 năm. Kết quả cho thấy tỷ lệ không bị nhiễm HIV trong số những người tham gia thử nghiệm sau khi được chích vắc-xin là 31,2%. Theo giới khoa học thì đây chưa phải là một tỉ lệ cao, nhưng nó là một bước tiến của khoa học và là một sự khởi đầu hứa hẹn.

aids-china-250.jpg
Các học sinh ở TQ kết chữ SIDA trong một chương trình phòng chống bệnh này
Các học sinh ở TQ kết chữ SIDA trong một chương trình phòng chống bệnh này
Mặc dù nỗ lực không ngừng nghỉ của con người nhằm tìm ra vắc-xin phòng HIV/AIDS chưa mang lại kết quả như mong muốn, các nhà khoa học nghiên cứu tình hình lây nhiễm HIV/AIDS tại các nước ở phiá Nam Sa mạc Sahara đã tìm ra một loại thuốc bôi vào âm đạo giúp phụ nữ có thể chủ động phòng tránh việc lây nhiễm HIV qua đường tình dục.

Kết quả cho thấy đối với những phụ nữ thường xuyên sử dụng loại thuốc bôi này thì có đến 54% giảm tỉ lệ lây nhiễm. Công trình nghiên cứu này được công bố trước Hội nghị quốc tế Phòng chống HIV/AIDS tổ chức tại thủ đô Vienna của Áo hồi tháng 7 năm 2010. Phát biểu về thành tựu này, ông Gottfried Hirnschall, Giám đốc phụ trách vấn đề HIV/AIDS của WHO nói rằng:   

“Dựa vào những thành quả mới được công bố này, chúng ta cần bắt tay thực hiện ngay các chương trình ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ lây nhiễm HIV ở phụ nữ. Nhưng đồng thời chúng ta cũng hiểu rõ rằng trên thực tế vẫn còn tồn tại những khoảng cách cần phải thu hẹp trong công tác phòng chống dịch bệnh này, nên chúng ta không thể tự mãn với những kết quả mới đạt được ban đầu.”

Tháng 11/2010, các nhà khoa học công bố trên Tạp chí Y học New England (New England Journal of Medicine) kết quả nghiên cứu về một loại thuốc điều trị kháng HIV có tác dụng trong việc phòng ngừa sự lây nhiễm HIV trong giới đồng tính nam.

Loại thuốc được sử dụng trong nghiên cứu này có nhãn hiệu là Truvada, kết hợp giữa hai loại thuốc kháng HIV là Emtricitabine và Tenofovir, là một loại thuốc hiện nay còn rất đắt tiền.

Việc sử dụng thuốc điều trị kháng HIV một cách đều đặn thường xuyên có thể ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV.

Tiến sĩ Anthony Fauci

Bác sĩ Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết về nghiên cứu này như sau:

“Chúng tôi vừa mới được thông báo, kết quả một nghiên cứu thực hiện tại 6 quốc gia gồm, Hoa Kỳ, và một số nước ở Châu Mỹ La tinh, Châu Á, và Châu Phi, với các đối tượng tham gia là những người đàn ông đồng tính hoặc những người đàn ông cải giới. Việc sử dụng thuốc điều trị kháng HIV một cách đều đặn thường xuyên có thể ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV.

Trong số những người này, có người được cho sử dụng thuốc điều trị kháng HIV đều đặn mỗi ngày, số khác chỉ sử dụng một liều thuốc chỉ có tác dụng để trấn an mà thôi. Người ta nhận thấy rằng, nguy cơ lây nhiễm giảm 44%, hầu như đối với tất cả những người tham gia nghiên cứu trong nhóm sử dụng thuốc điều trị kháng HIV, so với những người không sử dụng thuốc điều trị.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải sử dụng thuốc 99% đều dặn mỗi ngày trong vòng một năm, thì hiệu quả ngăn ngừa sự lây nhiễm đạt tới 73%. Kết quả này mới được loan báo hôm 23/11. Đây là một kết quả vô cùng khả quan, đầy ấn tượng, và rất phấn kích đối với chúng tôi.”

Một kết quả mang ý nghiã vô cùng quan trọng mà các nhà khoa học đem đến cho các bà mẹ bị nhiễm HIV, là họ có thể sinh ra những đứa trẻ hoàn toàn khoẻ mạnh, nếu được phát hiện và điều trị sớm.   

Phòng chống HIV/AIDS tại VN

Tại Việt Nam, mặc dù các cơ sở y tế, bệnh viện chưa thể có đủ phương tiện để thực hiện công tác phòng tránh lây nhiễm HIV một cách chủ động như ở các quốc gia tiên tiến khác, nhưng tại nhiều nơi những bệnh nhân HIV/AIDS đã được điều trị bằng thuốc ARV. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

000_Hkg4048358-250.jpg
Ở VN, các cơ sở y tế đều có những tấm bảng vận động phòng tránh HIV/AIDS. AFP photo
Ở VN, các cơ sở y tế đều có những tấm bảng vận động phòng tránh HIV/AIDS. AFP photo
“Nói chung các loại thuốc mới gọi là ARV (anti-retroviral drugs), những loại thuốc đấy có hiệu quả. Ở đây bệnh nhân có được nhiều chương trình điều trị miễn phí. Trong đó có chương trình của CDC Hoa kỳ, thiết lập được bốn, năm năm rồi, vẫn phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra còn có một số chương trình khác, ví dụ như chương trình hợp tác với Đại học Harvard, Hoa kỳ để điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam cũng đã sản xuất được thuốc đấy rồi, các thuốc chống lại HIV đã có tương đối khá nhiều ở Việt Nam rồi.

Hiện nay ở đây thì bệnh nhân uống có thể ba, bốn loại phối hợp với nhau. Tuỳ theo từng chỉ định, từng giai đoạn của bệnh, và sự đáp ứng của bệnh nhân, thì bệnh nhân sẽ uống nhiều phối hợp thuốc khác nhau. Nếu bệnh nhân uống thì có thể chận đứng được cái diễn tiến của bệnh.

Đặc biệt là tránh được cái gọi là nhiễm trùng cơ hội thường xảy ra trên các bệnh nhân HIV. Thuốc ấy bệnh nhân phải uống đều đặn. Lẽ tất nhiên cũng có một số trường hợp bệnh nhân không đáp ứng được với một số thuốc, thì người ta phải thay các loại thuốc khác.”         

Một nữ bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại Hà Nội được hưởng phúc lợi từ dự án PEPFAR, do Hoa kỳ tài trợ cho biết:

“Quỹ PEPFAR hỗ trợ thuốc trị ARV miễn phí cho bọn em, đồng thời bây giờ còn có một số thuốc để chữa những bệnh nhiễm trùng cơ hội, cho nên cũng cải thiện đáng kể đời sống của những người bị nhiễm HIV tại Việt Nam. Đặc biệt là những năm gần đây số tử vong đã giảm đi rất nhiều. Có những bạn vượt qua giai đoạn AIDS và bây giờ sống khoẻ mạnh và làm việc.”
Tình hình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam cũng được chú trọng hơn. Ông Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng Phòng Nghiên Cứu Khoa Học và Hợp Tác Qúôc Tế thuộc Cục Phòng Chống AIDS, Bộ Y Tế Việt Nam, cho biết:

“Hệ thống phòng chống AIDS tại Việt Nam đến nay đã có mặt ở 63 tỉnh thành; có 63 trung tâm phòng chống HIV/AIDS của các tỉnh đã được thành lập. Đây là những đơn vị quản lý về HIV/AIDS trên địa bàn từng tỉnh, từng địa phương, từng thành phố. Tuy nhiên lượng người được điều trị thì tuỳ theo, bởi vì bệnh AIDS biểu hiện ra ở rất nhiều bệnh, do vậy bệnh nhân AIDS có thể được điều trị ở hơn 200 phòng khám ngoại trú và tại các bệnh viện đa khoa ở các tỉnh, điều trị trong các khoa truyền nhiễm và được điều trị tại các viện chuyên khoa. Việc điều trị thuốc ARV đối với Việt Nam là hoàn toàn miễn phí.”

Đặc biệt là những năm gần đây số tử vong đã giảm đi rất nhiều. Có những bạn vượt qua giai đoạn AIDS và bây giờ sống khoẻ mạnh và làm việc.

Một bệnh nhân ở VN

Người đứng đầu tổ chức Phòng Chống AIDS của Liên Hiệp quốc, ông Bernhard Schwartlander cho biết, tổ chức này đã dành khoảng 16 tỉ đôla cho những nỗ lực phòng chống AIDS trên toàn cầu.    

Bên cạnh một số thành tựu bước đầu, các tổ chức y tế trên thế giới cũng thận trọng nhắc nhở mọi người không nên chủ quan, trong khi căn bệnh này vẫn tiếp tục hoành hành ở mọi ngóc ngách trên hành tinh của chúng ta. Vì cho đến giờ vẫn chưa có một biện pháp phòng tránh HIV nào là hữu hiệu cho tất cả mọi người, vì vậy việc sử dụng nhiều biện pháp phối hợp là điều cần thiết để tránh nguy cơ bị lây nhiễm.

“Chung tay vì một thế giới không HIV/AIDS”, là khẩu hiệu mà các tổ chức y tế luôn kêu gọi, mọi người hãy tham gia vào việc ngăn chặn sự lan rộng của căn bệnh thế kỷ này. Ngăn chặn HIV/AIDS cần được tiến hành bằng nhiều biện pháp, với nhiều chiến dịch khác nhau để thay đổi tập quán sinh hoạt, thói quen tình dục. Việc phòng chống HIV/AIDS cũng cần được triển khai trên nhiều mặt trận. Bên cạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức, các hoạt động cụ thể trong cộng đồng cũng phải đồng hành cùng nhau để ngăn chặn việc lan rộng của HIV/AIDS.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.