Ngày Thế giới không thuốc lá

Thuốc lá là kẻ giết người âm thầm nhưng ghê gớm không thua gì các loại virus nguy hiểm. Để cảnh báo công chúng, Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, đã chọn ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010.06.04

Cảnh báo công chúng

Poster cổ động cho Ngày Thế giới không thuốc lá của WHO. Photo courtesy of who.int
Poster cổ động cho Ngày Thế giới không thuốc lá của WHO. Photo courtesy of who.int
Năm 1987, các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới đã đề ra Ngày Thế giới Không thuốc lá và chọn ngày 31/05 hàng năm, để kêu gọi sự quan tâm của tất cả mọi người đến nạn dịch thuốc lá và các bệnh tật, trong đó có những bệnh đưa đến tử vong do thuốc lá gây ra, nhưng có thể phòng ngừa được.

Ngày Thế giới Không thuốc lá sẽ thông báo cho công chúng biết về mối nguy hiểm của việc sử dụng thuốc lá, tình hình kinh doanh của các tập đòan sản xuất thuốc lá, cùng các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như các hành động mà công chúng trên thế giới có thể làm để đòi quyền gìn giữ sức khoẻ, bảo vệ cuộc sống khoẻ mạnh của mình, và các thế hệ tương lai.

Mỗi năm, Ngày Thế giới Không thuốc lá lại có một chủ đề. Chủ đề Ngày Thế giới Không thuốc lá năm nay là: “Thuốc lá và Giới Tính.”

Bà Nancy Goodman Brinker, Đại sứ Thiện chí của Tổ chức Y tế Thế giới phụ trách Chương trình Kiểm soát về bệnh ung thư đưa ra thông điệp cho Ngày Thế giới Không thuốc lá 2010:

“Ngày Thế giới Không thuốc lá năm nay tập trung vào việc bảo vệ phụ nữ tránh khỏi tác hại của thuốc lá thông qua thực trạng tiếp thị thuốc lá nhằm vào phụ nữ và tình trạng hút thuốc lá thụ động. Phụ nữ là lực lượng trung tâm của xã hội và cộng đồng, ngoài nhiệm vụ đóng góp lao động cho xã hội còn mang trọng trách nuôi dạy con cái, nên các tổ chức y tế có nhiệm vụ phải bảo vệ họ khỏi những nguy cơ có thể làm tổn hại đến sức khỏe. Chúng ta phải coi trọng việc giáo dục các thiếu nữ trẻ để họ có hiểu biết về sự nguy hại của khói thuốc lá đối với cơ thể con người. Một điều tệ hại là hiện nay tại một số nơi trên thế giới tỉ lệ nữ giới hút thuốc lá cũng cao không kém gì nam giới, và những thiếu nữ trẻ này cũng trở nên nghiện thuốc lá.

Thuốc lá cũng nguy hại không kém gì một đại dịch đã cướp đi mạng sống của hàng trăm triệu người trong thế kỷ 20, và sẽ tiếp tục đe dọa đến sinh mạng của hàng tỉ người trong thế kỷ 21 này. Vậy các bạn còn chần chờ gì mà không tham gia vào chiến dịch vận động chống thuốc lá. Đối với những ai hút thuốc lá bạn hãy khuyên họ nên sớm từ bỏ chất gây nghiện này. Hãy nói cho những người thân của bạn, và những người mà bạn biết về tác hại của khói thuốc lá, kêu gọi họ cùng tham gia và ủng hộ chiến dịch Thế giới Không thuốc lá.”

Thuốc lá nguy hại không kém gì một đại dịch đã cướp đi mạng sống hàng trăm triệu người trong thế kỷ 20, và sẽ tiếp tục đe dọa sinh mạng hàng tỉ người trong thế kỷ 21.

Nancy Goodman Brinker

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, nhưng có thể ngăn ngừa được. Mỗi năm có hơn 5 triệu người chết do sử dụng thuốc lá, nhiều hơn cả số người chết do HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại. Thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất gây chết người khi nó được sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Có tới một nửa số người hút thuốc sẽ chết vì những bệnh liên quan đến thuốc lá.

Che đậy tác hại

Mỗi năm các công ty thuốc lá chi hàng chục triệu đô la để làm cho những người mới bắt đầu hút trở thành nghiện thuốc lá và để giữ những người đang hút không bỏ thuốc lá. Thông qua các chiến dịch quảng cáo và khuyến mại sản phẩm, kể cả sử dụng những vỏ bao thuốc được thiết kế công phu, ngành công nghiệp thuốc lá tiếp tục đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi những tác hại chết người của các sản phẩm của mình.

Thuốc lá gây ra các bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch, trong đó có những bệnh rất nguy hiểm như bệnh ung thư có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra thuốc lá còn gây rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hóa, và gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi nếu bà mẹ đang mang thai hút thuốc.

Poster cổ động cho Ngày Thế giới không thuốc lá của WHO. Photo courtesy of who.int
Poster cổ động cho Ngày Thế giới không thuốc lá của WHO. Photo courtesy of who.int
Hút thuốc lá có hại như vậy nhưng vì sao nhiều người vẫn hút? Trong thuốc lá có Nicotin là chất độc hại gây nghiện, tạo thành thói quen hút thuốc lá. Một người nghiện nếu không được hút sẽ có cảm giác thèm thuốc ngày càng tăng. Chính vì vậy dù biết thuốc lá có hại nhưng người nghiện vẫn tìm mọi cách để tự bào chữa và vẫn tiếp tục hút thuốc lá.

Trong khi phần lớn mọi người không biết, hoặc không biết hết mức độ nguy hại mà thuốc lá gây ra, thì, bằng các kỹ thuật quảng cáo tinh vi, đồng thời cách sử dụng bao bì để làm cho thuốc lá trở nên hấp dẫn, các công ty thuốc lá đã đánh lạc hướng người tiêu dùng, khiến họ sao nhãng hoặc quên mất thực tế: thuốc lá hủy hoại sức khỏe.

Những cái lợi của hút thuốc lá đều là cảm giác, không thiết thực, trong khi những cái hại của khói thuốc lá là rất lớn. Ngoài việc tốn tiền, còn cái hại không tính được bằng tiền là sức khỏe, tính mạng của người hút và người hít phải khói thuốc lá.  

Một điểm đặc biệt đáng chú ý, là trong khi tỉ lệ nam giới hút thuốc tại nhiều quốc gia đang giảm dần, thì tỉ lệ nữ giới hút thuốc lại đang gia tăng.

Trong số trên 5 triệu ca tử vong hàng năm do thuốc lá, xấp xỉ 1 triệu 500 ngàn ca xảy ra ở nữ giới. Nếu các biện pháp hữu hiệu không được áp dụng ngay từ hôm nay thì ước tính sẽ có khoảng 2 triệu 500 ngàn ca tử vong do thuốc lá ở nữ giới vào năm 2030. Khoảng 3/4 số ca tử vong ở nữ giới sẽ xảy ra ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, là những quốc gia ít có khả năng nhất trong việc đối phó với những mất mát này.

Ngoài ra, các nghiên cứu mới đây cho thấy, việc hút thuốc lá có hại đối với nữ giới hơn là nam giới. Hút thuốc lá sẽ làm giảm đi 11 năm tuổi thọ của nữ giới, trong khi đối với nam giới chỉ là 3 năm. Đây là kết quả do Chính phủ Hà Lan tiến hành qua một cuộc nghiên cứu những người hút lá ở cả hai giới vào năm 2003.

Hãy nói những người thân của bạn, những người mà bạn biết về tác hại của thuốc lá, kêu gọi họ cùng tham gia và ủng hộ chiến dịch Thế giới Không thuốc lá.

Nancy Goodman Brinker

Cơ quan thống kê của Hà Lan cho thấy những người phụ nữ bị ung thư phổi thường chết trẻ hơn những người đàn ông chết vì nguyên nhân này. Tổng số ca ung thư trong số phụ nữ Hà Lan tăng lên đáng kể từ những năm 1970 có liên quan tới phụ nữ hút thuốc lá nhiều hơn. Trung bình, những người phụ nữ mắc bệnh ung thư phổi sẽ chết ở độ tuổi 70, so với nam giới mắc bệnh ung thư phổi có thể sống tới 73 tuổi. Trong khi đó những người phụ nữ Hà Lan không mắc bệnh thường thọ tới 81 tuổi.

Những lý do mà phụ nữ đưa ra để biện hộ cho hành vi hút thuốc lá thường khác những lý do của nam giới. Thêm vào đó ngành công nghiệp thuốc lá thường làm phụ nữ hiểu sai rằng hút thuốc lá là biểu hiện của tự do và cũng có nhiều phụ nữ tin rằng hút thuốc là một biện pháp giảm cân, giúp giữ dáng.

Hút thuốc thụ động

Ngoài ra, hút thuốc lá thụ động cũng là vấn đề đáng lo ngại cho nữ giới. Các nghiên cứu cho thấy khói thuốc thụ động cũng gây tác hại cho tất cả những người hít phải. Phụ nữ bị phơi nhiễm thường xuyên với khói thuốc lá thụ động từ những người cùng sống trong gia đình và trong môi trừơng làm việc. Và qua đó sẽ gặp phải nhiều nguy cơ đối với sức khỏe bản thân và cho các trẻ sơ sinh.

Bà Nancy Goodman Brinker. Photo courtesy of state.gov
Bà Nancy Goodman Brinker. Photo courtesy of state.gov
Ở nhiều nước, số nam giới hút thuốc lá nhiều hơn gấp nhiều lần so với nữ giới, và phần lớn tại các quốc gia này chưa có các biện pháp bảo vệ đầy đủ cho những người không hút thuốc lá. Do vậy trong thông điệp của Ngày Thế giới Không thuốc lá, bà Brinker nhấn mạnh:

“Ngoài ra, cũng cần bảo vệ phụ nữ khỏi tình trạng hút thuốc thụ động ở các nhà hàng hoặc những nơi công cộng khác. Thực tế là trong khói thuốc lá có chứa nhiều thành phần độc tố, có hại cho sức khỏe con người, trong đó có chất monoxit carbon CO, các kim lọai nặng, và các hoá chất có thể gây ra các bệnh ung thư.

Nhiệm vụ của các tổ chức y tế là phải cảnh báo cho phụ nữ và trẻ em biết rõ hơn sự nguy hại đối với sức khỏe của việc hít khói thuốc lá thụ động từ những người sống hoặc làm việc chung với họ.”   

Nhận thức được sự lan rộng của nạn dịch thuốc lá là một vấn đề toàn cầu với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ cộng đồng, cần phải có sự hợp tác quốc tế và sự tham gia rộng rãi nhất của tất cả các nước trong một nỗ lực quốc tế hữu hiệu, thích hợp và toàn diện để đối phó với nạn dịch này, năm 2003 Tổ chức Y tế Thế giới đã thông qua Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá. Hiện đã có hơn 160 quốc gia tham gia và thực thi Công ước này.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, và Công ước này đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005. Kể từ đầu năm nay chính phủ đã có quy định cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng. Tuy vậy số người hút thuốc lá vẫn chưa giảm nhiều.

Những ai vẫn còn lưu luyến với khói thuốc, xin nhớ rằng để bảo vệ sức khỏe của bạn và sức khỏe những người thân của bạn hãy quyết tâm từ giã thuốc lá.  

Quỳnh Như xin chúc quý vị thành công trong việc cai nghiện thuốc lá.

Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị và Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới. 

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.