Bệnh Tay-Chân-Miệng ở trẻ em

Thời tiết nóng thường là lúc có nhiều dịch bệnh phát sinh, nhất là tại các xứ nhiệt đới như Việt Nam, và trẻ em luôn là đối tượng bị tấn công trước tiên.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010.07.22
nhidong2-dantri.vn-305.jpg Cảnh đông đúc chờ khám bệnh tại bệnh viện Nhi Đồng II vào mùa nóng bức
Photo courtesy of dantri.vn

Ngoài các bệnh trẻ em thường hay mắc phải như từng nghe nói trước đây như tiêu chảy, sốt phát ban, sốt xuất huyết, nay lại có thêm bệnh Tay-Chân-Miệng. Bệnh này ít được nghe nhắc đến, nhưng cũng là một bệnh hay lây ở trẻ, và có thể nhanh chóng gây biến chứng ở não và tim, với tỉ lệ tử vong cao.

Trong chương trình Sức khỏe và Đời sống kỳ này, Quỳnh Như xin mời các bậc cha mẹ có con nhỏ cùng tìm hiểu về bệnh này.

Theo tổng kết của ngành Y tế Việt Nam, thông thường mỗi năm trong nước bùng phát hai đợt dịch bệnh này, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, và từ tháng 9 đến tháng 12.        

Trong một cuộc họp mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã dự báo, năm nay bệnh Tay-Chân-Miệng có thể tăng 18% so với năm ngoái. Tình hình hiện nay là, số ca mắc bệnh đang ở mức cao, với khoảng 100 ca/tuần, nhưng đáng mừng là ít tử vong. Đặc biệt các ca bệnh tập trung nhiều ở nội thành.

Nguyên nhân gây bệnh

Thưa quý vị, mới thoạt nghe cái tên bệnh Tay-Chân-Miệng, người ta tưởng chừng đó là một chứng bệnh lạ mới xuất hiện gần đây, nhưng bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, y văn đã nhắc đến bệnh này từ lâu. Trong thực tế ở Việt Nam, trước đây ít ai để ý đến bệnh Tay-Chân-Miệng nơi trẻ em vì nó thường lành tính, có thể tự khỏi chỉ sau khoảng 10 ngày.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh Tay-Chân-Miệng ở trẻ, nhưng chủ yếu là do Enterovirus 71 hay Coxsakie, hoặc những loại siêu vi khác. Đa số là do siêu vi, một phần là do vi khuẩn.

BS Nguyễn Thị Mỹ Chi, BV ĐHYD


Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Chi, của Bệnh viện Đại học Y Dược cũng xác nhận bệnh Tay-Chân-Miệng đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng trước đây người ta chưa xác định được nguyên nhân, nên xem đó là hội chứng Tay-Chân-Miệng mà thôi. Sau này có điều kiện nên người ta đã tìm ra được nguyên nhân gây bệnh. Người thầy thuốc của các bệnh Nhi này nói về các tác nhân gây ra bệnh Tay-Chân-Miệng ở trẻ em như sau:  

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh Tay-Chân-Miệng ở trẻ, nhưng chủ yếu là do Enterovirus 71 hay Coxsakie, hoặc những loại siêu vi khác. Đa số là do siêu vi, một phần là do vi khuẩn. ”

Enterovirus 71 là một tác nhân mới, nhưng rất nguy hiểm gây ra bệnh này được các nhà nghiên cứu trên thế giới phát hiện thêm gần đây. Tác nhân này có thể gây biến chứng ở não và tim, đưa đến tử vong rất nhanh, với một tỉ lệ khá cao.

Bệnh Tay-Chân-Miệng thường do siêu vi trùng đường ruột gây ra cho các trẻ dưới 5 tuổi, và trong một đợt dịch, một trẻ có khi bị mắc bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Phải đợi đến sau 5 tuổi, trẻ mới có thể được miễn dịch hoàn toàn với bệnh.

Bệnh lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác từ các chất dịch tiết ra từ mũi, miệng, phân, nước bọt lúc ho, hắt hơi.

Bước vào khoa điều trị các trẻ mắc bệnh Tay-Chân-Miệng, người ta luôn nghe tiếng trẻ kêu khóc.

Triệu chứng

TCM-wiki-250.jpg
Biểu hiện bệnh ở miệng trẻ em 11 tháng tuổi. Photo courtesy of wikipedia
Biểu hiện bệnh ở miệng trẻ em 11 tháng tuổi. Photo courtesy of wikipedia
Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 ngày. Bệnh có những biểu hiện ban đầu là sốt. Có thể chỉ là sốt nhẹ, nhưng cũng có khi sốt cao đến khoảng 40 độ C. Trẻ bị đau họng, và chảy nước bọt liên tục, vì thế trẻ thường biếng ăn, khó ngủ và quấy khóc nhiều. Rồi đến các vết lóet đỏ do các mụn nước ở vòm họng, hay trong miệng vỡ ra. Những nốt nổi trên da khi khô nước để lại vết thâm.

Có người thắc mắc, là các mụn nước ở bệnh Tay-Chân-Miệng trẻ có giống như các mụn nước của bệnh trái rạ không. Bác sĩ Mỹ Chi trả lời rằng: 

Các mụn nước này không giống như ở bệnh trái rạ, nó nổi những hồng ban, dạng lớn hơn cái chấm, là những nốt nổi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở đầu gối, ở vùng sau mông, đặc điểm là trong cổ họng amedan có những nốt đỏ, và loét ra, bé bị sốt, quấy khóc, và có thể tiêu chảy. Nếu triệu chứng nặng thì bé có thể bị sốt cao, co giật, biến chứng viêm màng não. Viêm màng não là biến chứng nguy hiểm nhất với tỉ lệ tử vong rất cao.

100 em bị mắc bệnh này thì khoảng 90 bé vẫn ở nhà uống thuốc điều trị, chỉ có 10 em bé cần nhập viện theo dõi, và trong 10 em này thì có chừng hai bé có biến chứng. Bệnh Tay-Chân-Miệng lây chủ yếu qua đường tiêu hóa.

Chính vì biến chứng của bệnh là rất nguy hiểm nên những người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý đến các triệu chứng khi bệnh trở nặng. Thứ nhất là, các triệu chứng về thần kinh thường thấy như: trẻ có vẻ bứt rứt, lừ đừ, đến co giật, hôn mê. Kế đến, là triệu chứng của đường hô hấp và tim mạch như: mạch đập nhanh, da nổi bông, tay chân lạnh, bé thở nhanh hơn bình thường, sùi bọt hồng ở miệng. Lúc ấy các bác sĩ cần cho tiến hành ngay các xét nghiệm máu cần thiết, kể cả chụp hình X-quang phổi.

Nếu triệu chứng nặng thì bé có thể bị sốt cao, co giật, biến chứng viêm màng não. Viêm màng não là biến chứng nguy hiểm nhất với tỉ lệ tử vong rất cao.

BS Nguyễn Thị Mỹ Chi, BV ĐHYD


Người ta phân định mức độ của bệnh từ nhẹ tới nặng theo bốn cấp độ như sau:

Độ 1: các bệnh nhân chỉ bị loét miệng hoặc nổi các chấm ở da. 

Độ 2: bệnh nhân rung giật cơ, bứt rứt, chới với.

Độ 3: yếu liệt chi, liệt các dây thần kinh sọ não, co giật, hôn mê.

Độ 4: suy hô hấp, phù phổi, tăng huyết áp, trụy tim mạch.  

Điểm cần lưu ý đặc biệt, chỉ điều trị tại nhà các trẻ bị bệnh Tay-Chân-Miệng độ 1, nhưng phải theo dõi thật sát, phát hiện sớm các triệu chứng của biến chứng để cần thì cho trẻ nhập viện ngay.   

Điều trị

Về thuốc điều trị đối với bệnh Tay-Chân-Miệng ở trẻ, Bác sĩ Mỹ Chi cho biết như sau:

Đa phần nguyên nhân phát sinh bệnh này là do siêu vi, cho nên thuốc đặc trị dùng để chữa trị siêu vi thì tại Việt Nam cũng không có rộng rãi. Thứ hai nữa là, nếu phát hiện sớm, thì chỉ có một số chủng siêu vi nhạy với loại thuốc đó mà thôi, còn đa số nói chung là không có thuốc, mà điều trị triệu chứng là chủ yếu, nhưng có thể điều trị thêm để ngừa bội nhiễm của những con vi khuẩn khác, thừa cơ lúc cơ thể bé bị suy yếu tấn công gây tác hại thêm.”  

benh-TCM-suckhoedoisong.vn-250.jpg
Biểu hiện bệnh ở chân trẻ. Photo courtesy of suckhoedoisong.vn
Biểu hiện bệnh ở chân trẻ. Photo courtesy of suckhoedoisong.vn
Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh Tay-Chân-Miệng, vì vậy cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa tốt nhất đối với bệnh này. Trước tiên, là đảm bảo vệ sinh ăn uống, kế đến là, vấn đề rửa tay sạch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay trước khi chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, và sau mỗi lần thay tã, hoặc làm vệ sinh cho chúng.

Các vật dụng, đồ chơi, hay sàn nhà cũng phải được tẩy rửa sạch bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B 5% (có thể mua tại nhà thuốc tây). Khi hắt hơi hoặc ho phải đeo khẩu trang hoặc che mũi miệng. Đối với trẻ bị bệnh nên tránh tiếp xúc với các trẻ khác cho đến khi khỏi bệnh ít nhất là một tuần lễ để hạn chế việc lây bệnh.  

Do có các mụn nổi trong cổ họng và miệng, trẻ bị bệnh Tay-Chân-Miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn vì các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau rát. Vì vậy nên chú ý đến vấn đề dinh dưỡng của các bệnh nhân trong bệnh này. Thức ăn, thức uống cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi đưa qua vết loét. Như vậy, những thực phẩm có thể dùng cho trẻ là: bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, bánh Flan, tàu hủ đường.

Bệnh Tay-Chân-Miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở cả người trưởng thành. Mọi người đều có thể nhiễm virus nhưng không phải tất cả những người nhiễm virus đều biểu hiện bệnh.

Nếu trẻ ăn kém, nên cho trẻ ăn nhiều lần hơn lúc bình thường để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra. Cần chú ý khi đút cho trẻ nên tránh không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm bé đau dẫn đến sợ hãi, không ăn. Bình thường sau 4-5 ngày trẻ giảm bệnh, nên cho bé ăn trở lại bình thường, không kiêng khem.

Bệnh Tay-Chân-Miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở cả người trưởng thành. Mọi người đều có thể nhiễm virus nhưng không phải tất cả những người nhiễm virus đều biểu hiện bệnh. Trẻ em là những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất vì chúng chưa có kháng thể chống lại bệnh này. Bệnh nhân đã nhiễm bệnh có thể tạo nên kháng thể đặc hiệu chống virus gây bệnh tuy nhiên bệnh vẫn có thể tái diễn do một chủng virus khác gây nên.

Đối với phụ nữ có thai, không có dữ kiện nào chứng tỏ việc nhiễm virus trong quá trình mang thai gây nên các hậu quả xấu lên thai như sẩy thai, thai chết lưu, hay dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên nếu thai phụ nhiễm bệnh trong một thời gian ngắn trước khi sinh, thì có thể truyền virus cho trẻ sơ sinh. Đa số những trẻ này có thể chỉ biểu hiện bệnh nhẹ nhàng. Nhưng nếu bệnh xuất hiện ở trẻ trong hai tuần đầu sau khi mới sinh ra thì nguy cơ bệnh nặng cao hơn.

Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.