Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Bác sĩ Trương Thìn, nguyên Giám đốc Viện YHDT TPHCM và Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng TPHCM sẽ giới thiệu về một số biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm linh.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011.02.10
sen-305.jpg Hoa sen
RFA

Để tăng cường thể lực, chúng ta có thể dùng các loại thuốc bổ, thuốc trợ lực, hay các loại vitamin. Thế nhưng đối với tinh thần thì phải làm gì để tinh thần được bồi bổ?

Giải độc tinh thần

Cũng giống như cơ thể, trước tiên tinh thần cần được giải độc. Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, chúng ta có thể áp dụng các phương cách sau đây:

“Để giải độc về mặt tâm hồn, chúng ta cần lưu ý không nên nhận rác từ môi trường tiêu cực ở bên ngoài vào. Chúng ta phải học cách, không phải bất cứ điều gì người ta trao chúng ta cũng nhận. Thứ đến, chúng ta không tạo rác ở bên trong bằng việc nghiền ngẫm những điều tiêu cực, những cái đã xảy ra trong quá khứ. Chúng ta phải có khả năng điều khiển bản thân, tập trung chỉ nhìn vào  những gì tốt đẹp, chỉ nghe những gì có giá trị, và chỉ nói những gì đem lại lợi ích.

Nếu chúng ta học cách điều khiển bản thân thì sẽ tránh được rất nhiều điều tiêu cực ở bên ngoài. Và một biện pháp rất tốt để giúp chúng ta tránh nhận những thứ tiêu cực bên ngoài đó là, chúng ta chủ động gom những gì quý giá.

Mặc dù ở bên ngoài xã hội xung quanh ta có rất nhiều điều tiêu cực, nhưng cũng có nhiều điều quý giá ở trong mỗi con người. Trong mỗi con người có thể có những vấn đề tiêu cực nhưng họ cũng có những phẩm chất tốt đẹp nếu chúng ta nhìn vào những phẩm chất tốt đẹp mà thôi, dù họ cư xử như thế nào, chúng ta cũng chỉ nhìn vào những điều tốt đẹp. Thì chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu ở bên trong bản thân mình, và người kia họ cũng cảm thấy dễ chịu.

Nếu chúng ta học cách điều khiển bản thân thì sẽ tránh được rất nhiều điều tiêu cực ở bên ngoài.

BS Nguyễn Thị Kim Hưng

Khi nhìn vào những điều tốt chúng ta lan toả những cảm xúc tốt đẹp ra môi trường bên ngoài. Nhưng để nhìn thấy được những điểm tốt đẹp của người khác, thì đầu tiên chúng ta phải nhìn thấy được những điểm tốt đẹp của chính bản thân mình.”       

Cũng theo chuyên gia này, đôi khi con người hay có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Chúng ta thường nghĩ rằng mình không có khả năng, mình yếu kém, mình không làm được việc này việc nọ, và chúng ta cũng hay nghĩ về những thất bại. Chính lối suy nghĩ này đã lấy đi hết những năng lượng, sức mạnh nội tại vốn có của con người. Do vậy chúng ta cần học cách suy nghĩ tích cực đối với bản thân.    

Bác sĩ Kim Hưng giải thích thêm:

“Quy luật của tâm trí là sẽ thu hút điều gì nó suy nghĩ nhiều. Do vậy chúng ta phải nhận biết suy nghĩ nào tạo nên cảm xúc nào, và nó sẽ dẫn đến những lời nói, hành vi tương ứng, tác động đến cơ thể của chúng ta, đến bầu không khí xung quanh ta, tác động đến mối quan hệ của chúng ta, cũng như cách chúng ta giải quyết các công việc. Thật ra hàng ngày chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn của mình bằng những suy nghĩ.

Chất lượng của suy nghĩ tạo nên chất lượng của cảm xúc. Như vậy nếu như chúng ta không quản lý những suy nghĩ này, và việc suy nghĩ quá nhiều sẽ làm chúng ta cạn kiệt năng lượng. Và nếu chúng ta suy nghĩ tiêu cực thì nó sẽ còn tạo ra những cảm xúc xấu, hủy diệt cơ thể của chúng ta. Như vậy chúng ta phải học cách tạo nên những suy nghĩ tích cực về bản thân mình, về người khác, về cuộc sống để đem lại niềm vui, hạnh phúc, sức mạnh, sự tự tin cho chúng ta.”       

Giữ cho tâm hồn thanh thản

Bác sĩ Trương Thìn, đưa ra nhận định về biện pháp giúp tâm trí yên ổn, thư giãn. Ông nói:

000_Hkg3569332-250.jpg
Tập thể dục ở công viên. AFP photo
Tập thể dục ở công viên. AFP photo
“Muốn tập cho cái tâm yên thì phải tập thiền. Tập thiền có nghiã là xoáy những ý nghĩ của mình vào một chuyên đề gì đó mà mình rất thích. Hãy chú ý tìm những công việc mà mình thích mà thôi, để làm một cách say sưa. Từ đó mình sẽ đạt được một trạng thái bình yên trong đầu óc của mình. Khi mình chú ý, mình thích làm một công việc gì thì toàn bộ thế giới sẽ như bị xoá đi. Tất cả sẽ yên lặng, bởi vì chúng ta chỉ còn tập trung vào chuyện đó mà thôi.

Đấy là những phút thiền định. Cho nên muốn đừng để nó quấy nhiễu thì mình nên chọn những công việc nào mà mình thích, và khi mình thích rồi thì tâm mình sẽ trú ở đó. Chỉ còn một vùng não của mình làm việc thôi, còn toàn bộ được nghỉ ngơi. Đấy là một phương pháp mà tôi đã áp dụng rất hay.”         

Theo Bác sĩ Trương Thìn, cần tạo sự thư giãn thoải mái cho đầu óc thì làm việc sẽ đạt hiệu quả cao. Ông nhận định, người Tây phương thường đề cao sự suy nghĩ, thậm chí người ta còn đưa ra quan điểm “suy nghĩ là tồn tại”. Ngược lại:

"Đông phương không phải như vậy, bởi vì mình gặp cái gì bế tắc mình phải cần gỡ, thành ra mình mới suy nghĩ. Cho nên sự suy nghĩ là thể hiện một sự yếu đuối, tức là mình đang gặp khó khăn. Và khi gặp khó khăn như vậy, không nên tiếp tục giải quyết mà nên nghỉ ngơi, nên đi chơi, khi ta quay trở lại tự nhiên việc đó sẽ trở nên dễ dãi ra. Vậy là làm việc mà không suy nghĩ.

Cũng giống như ban đêm ngồi làm toán, tính toán hoài không ra bài toán. Ngủ một giấc sáng hôm sau thức dậy thấy bài toán dễ ẹt, không cần suy nghĩ cũng giải ra được. Bởi vì khi đó não đã khoẻ rồi, cho nên nhìn vấn đề rất dễ không cần phải suy nghĩ. Bởi vậy trong tu thiền người ta dùng chữ vô trí, đừng suy nghĩ, những suy nghĩ chỉ làm khổ mình ra.”   

Người lương y và cũng là một nhà nghệ sĩ này cũng đưa ra một ví dụ cụ thể về tác dụng của sự thư giãn, thoải mái về tinh thần trong lãnh vực tư duy sáng tạo nghệ thuật

“Đặc biệt trong lãnh vực sáng tác, nếu làm thơ mà suy nghĩ thì thơ không thể hay được. Nếu vẽ tranh mà suy nghĩ tôi sẽ vẽ cái gì thì không hay được. Mình dùng cái trí của mình để sáng tác thì không thể hay được, mà tất cả những cái đó phải bừng cảm. Làm thơ tự nhiên thơ tràn tới, viết nhạc tự nhiên nhạc tràn tới. Hay là vẽ tranh, tự nhiên sắc màu tràn tới thì khi đó những tác phẩm này mới có giá trị.”

Trong tu thiền người ta dùng chữ vô trí, đừng suy nghĩ, những suy nghĩ chỉ làm khổ mình ra.   

BS Trương Thìn

Đề cập đến vấn đề  nghỉ ngơi đối với cơ thể, theo Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh:

“Nghỉ ngơi thật sự đó là trạng thái của sóng não, mà nếu mình bị căng thẳng thì nó sẽ còn tăng hơn nữa.”  

Làm thế nào để tinh thần thư giãn. Đây là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách thư giãn, có người chọn phương cách đi du lịch, tệ hại hơn có người lao vào thú vui chè chén, hoặc giải trí bằng cách sát phạt đỏ đen. Những thú vui đó không hề giúp đầu óc được thư giãn chút nào, mà ngược lại có khi còn nảy sinh ra những vấn đề khác. Theo  Bác sĩ Kim Hưng, việc thư giãn đầu óc rất đơn giản:

“Để thư giãn về mặt tinh thần, chúng ta có thể nghe những loại nhạc relaxation. Đó là một cách dễ dàng để chúng ta đưa mình vào trạng thái thư giãn. Hoặc chúng ta hít thở sâu, chậm; vừa là để thư giãn về mặt tinh thần vừa là giải độc cho cơ thể – cơ thể chúng ta nhận được đầy đủ oxy và thải các chất độc hại. Chúng ta có thể tập thở và theo dõi hơi thở thư giãn, và cách sâu hơn nữa là chúng ta thiền định. Thiền định là chúng ta đi vào nội tâm của chúng ta.”       

Giải thích tầm quan trọng của việc thư giãn, Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Khi chúng ta thư giãn như nghe nhạc, hay đứng trước tự nhiên, chẳng hạn trong trạng thái thư giãn. Chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái. Học nhanh hơn và năng suất lao động tốt hơn, và các quá trình chữa lành bắt đầu xuất hiện trong cơ thể. Cho nên để nghỉ ngơi thật sự chúng ta phải biết cách thư giãn về mặt tinh thần.”     

Bác sĩ Trương Thìn cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thư giãn đối với cơ thể. Ông dùng hình ảnh quả tim hoạt động để so sánh với những hoạt động thể chất, và làm việc của con người. Bác sĩ Trương Thìn nói:   

“Đặc biệt quả tim là nhỏ như vậy nhưng nó làm việc liên tục suốt đời, không có giờ nghỉ, từ khi con người chưa sinh ra cho đến khi chết. Làm sao nó có thể làm việc liên tục được như vậy. Vậy là quả tim có phương pháp làm việc riêng của nó. Bởi vì nó bóp một cái thì nó nghỉ – nghỉ là thời gian tích luỹ năng lượng. Vậy thì sự nghỉ ngơi là một dạng lao động cao cấp.

Chúng ta phải biết nghỉ ngơi, phải biết thư giãn. Chúng ta ít nghỉ ngơi quá, làm việc căng thẳng. Cho nên sự nghỉ ngơi là rất cần thiết.”       
Theo nhà nghiên cứu về thiền học này, một trong những biện pháp giúp cho tâm được tỉnh tại là:

“Khi mình thấy sự việc nhỏ như cát bụi, tự nhiên cái tâm của mình bắt đầu yên rồi. Và phải thấy cho được điều đó, chứ còn mình luyện tâm, luyện thở, luyện gì đi nữa mà mình không thấy được điều đó thì nó vẫn còn đó thôi. Phải tập nhìn cái thế gian này mong manh như bến đò vậy. Còn lại một chút tình tương của mình, thế thôi, chứ còn không có cái gì khó cả, không có cái gì lớn cả, theo tôi nghĩ như vậy.”   

Kiểm soát suy nghĩ

Làm thế nào để luyện tâm. Đây cũng là một câu hỏi đầy thách thức đối với nhiều người trong thời đại xã hội phát triển theo kỹ thuật số. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng chia sẻ:

043_dpa_8433618-250.jpg
Kiểm soát huyết áp ổn định là một cách chăm sóc sức khỏe tinh thần. AFP photo
Kiểm soát huyết áp ổn định là một cách chăm sóc sức khỏe tinh thần. AFP photo
“Quan trọng nhất trong việc luyện tâm là, chúng ta theo dõi suy nghĩ của chúng ta suốt cả ngày. Đầu tiên chúng ta phải biết các suy nghĩ của chúng ta – suy nghĩ nào sẽ dẫn đến cảm xúc nào, dẫn đến lời nói nào, dẫn đến hành vi nào, và nó tác động đến cuộc sống của chúng ta ra sao. Khi những cảm xúc xuất hiện lên, thì chúng ta tách rời khỏi cảm xúc, tách rời khỏi tình huống.”

Bác sĩ Kim Hưng viện dẫn một thí dụ cụ thể để chứng minh:

“Ví dụ khi một cơn giận xuất hiện. Bình thường khi cơn giận xuất hiện chúng ta trở nên giận dữ, nhưng bây giờ khi chúng ta thực hành việc kiểm soát cảm xúc như vậy, chúng ta tách ra quan sát cơn giận xuất hiện ở bên trong mình, để chúng ta nhận biết trong chúng ta có cơn giận, nhưng chúng ta tách ra chứ không để cho nó kiểm soát mình. Nếu chúng ta thực hành như vậy thường xuyên, thì chúng ta có khả năng quản lý được suy nghĩ và quản lý được những cảm xúc ở bên trong của chúng ta được.

Nếu chúng ta kết hợp được với vấn đề thư giãn về mặt tinh thần, nhất là nếu chúng ta thiền định thì trí tuệ của chúng ta trở nên mạnh mẽ nó có thể kiểm soát những suy nghĩ, nếu có những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện chẳng hạn. Những suy nghĩ xấu này sẽ dẫn đến những cảm xúc xấu, những cảm xúc xấu sẽ dẫn đến những lời nói tiêu cực, những hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến mối quan hệ, tác động đến chất lượng công việc, cũng như cuộc sống của chúng ta.”                       

Vì sao chúng ta phải làm như vậy? Bác sĩ Kim Hưng phân tích và giải thích quá trình tự kiểm soát suy nghĩ của con người như sau:

Những suy nghĩ xấu này sẽ dẫn đến những cảm xúc xấu, những cảm xúc xấu sẽ dẫn đến những lời nói tiêu cực...

BS Kim Hưng

“Khi chúng ta tách rời như vậy thì chúng ta có một không gian để chuyển đổi, chuyển đổi từ tiêu cực sang tích cực. Và nếu chúng ta rèn luyện thường xuyên như vậy thì khi gặp những tình huống khó khăn chúng ta có khả năng ứng phó tốt hơn. Như vậy chúng ta bảo vệ được tâm hồn của chúng ta khỏi những suy nghĩ tiêu cực lãng phí, và sức mạnh nội tâm càng ngày càng tăng.

Cũng giống như những người luyện võ, sau một thời gian luyện tập nhuần nhuyễn thì sau này tất cả những phản xạ là tự động. Chúng ta luyện tâm cũng vậy, trong thời gian đầu chúng ta rèn luyện, và sau này nó trở thành thói quen, chúng ta chỉ nhìn vào những điều tốt đẹp, chúng ta chỉ nhìn vào những cơ hội. Thay vì nhìn vào những vấn đề rất phức tạp, thì chúng ta có khả năng nhìn ra những giải pháp và có những quyết định chính xác.  

Kiềm nén cảm xúc là một điều không phải dễ làm, nhưng nếu áp dụng các biện pháp để kiểm soát được tư duy thì con người sẽ không đi vào con đường bế tắc hay ở trong cái vòng lẩn quẩn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.