Phim Mùa Len Trâu đoạt nhiều giải thưởng

Mùa Len Trâu là bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh được khởi quay Tháng Chín Năm 2003. Bộ phim có kinh phí khoảng hơn 1 triệu đôla, được trình chiếu ở Pháp với tên Gardien de buffles và ở Hoa Kỳ với tên Buffalo Boy.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2008.09.29

Mùa Len Trâu đã tham dự gần mười liên hoan phim khu vực và quốc tế và đã giành được những giải thưởng đáng kể như: Giải đặc biệt ở Liên Hoan Phim Locarno (Thụy Sĩ). Giải đạo diễn xuất sắc nhất ở Liên Hoan Phim Chicago (Hoa Kỳ). Giải Grand Prix của Liên Hoan Phim Amiens (Pháp). Giải đặc biệt của Liên Hoan Phim Amazonas (Brasil.)

Chủ đề Con Người và Môi Trường

Buffalo Boy
Buffalo Boy
Courtesy The Internet Movie Database
Mùa Len Trâu được hầu hết báo chí trong cũng như ngoài nước khen ngợi. Xin trích vài đoạn trên báo Thể Thao Văn Hóa có nội dung sau:

"Khỏi phải nhắc lại Mùa Len Trâu kỹ càng về dàn dựng, về khâu tạo hình, khâu chiếu sáng, khâu tiếng động và cả âm nhạc. Chỉ nói riêng cốt truyện phim được triển khai trên một đề tài không mới nhưng đã khơi được cái tứ mới. Đặc biệt cần nhấn mạnh đến sức khái quát của chủ đề Con Người và Môi Trường mà bộ phim đã vươn tới.

Dàn diễn viên sắm vai những Kìm, Đẹt, Ban trong Mùa Len Trâu hoàn toàn là những gương mặt mới toanh, tuyệt nhiên không cần tìm tới hàng ngũ những ca sĩ tên tuổi, người mẫu thời trang xinh đẹp
Báo Thể Thao Văn Hóa

Dàn diễn viên sắm vai những Kìm, Đẹt, Ban trong Mùa Len Trâu hoàn toàn là những gương mặt mới toanh, tuyệt nhiên không cần tìm tới hàng ngũ những ca sĩ tên tuổi, người mẫu thời trang xinh đẹp; nhưng với cốt truyện ấy, với cách dàn dựng kỹ lưỡng ấy, với cung cách tạo hình ấy, những người lần đầu xuất hiện trước ống kính kia lại tỏ ra rất chững chạc, rất có nghề, thực sự sống với vai diễn của mình.

Diễn tiến câu chuyện và sự phát triển tính cách của từng nhân vật trong Mùa Len Trâu thật tự nhiên, hoàn toàn hợp lý chứ không sắp đặt, gượng gạo. Phim chân thực đến từng chi tiết mà lại bay bổng, vượt qua cái thực thường tình để đạt tới một tầm cao khác.

Mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện giữa Mặc Lâm và đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, trước tiên anh cho biết nguyên nhân nào dẫn tới việc anh thực hiện cuốn phim này trong khi nghề nghiệp chính của anh là một tiến sĩ vật lý, anh nói:

Con người khoa học chuyển sang điện ảnh 

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh : Tôi cảm thấy cái chuyện tôi đi từ khoa học sang điện ảnh, nhìn bề ngoài thì thấy có vẻ khác nhau rất nhiều, nhưng thật sự bên trong thì cũng không khác nhau nhiều lắm, tại vì chúng tôi làm nghiên cứu về vật lý nên việc làm của chúng tôi là tìm cách làm một cái gì mới mẻ hơn bằng cách thức mới mẻ hơn, hiệu quả hơn mà chưa có ai làm trước đó.

Thì trong điện ảnh cũng vậy, khi tôi viết kịch bản hay khi tôi đạo diễn một cảnh thì tôi cũng cố gắng tìm một cái phong cách, một cách thức kể chuyện, một ngôn ngữ điện ảnh mà tôi nghĩ là nó mới mẻ hơn.

Trong thời nhỏ, ba mẹ tôi quản lý một rạp chiếu bóng, một cái rạp rất nhỏ và chỉ có một phòng chiếu bóng mà thôi, ở một thành phố nhỏ là Vũng Tàu. Thời đó, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, người Mỹ có một phi trường quân sự ngay bên ngoài Vũng Tàu cho nên nó bị pháo kích này kia và lâu lâu đạn pháo kích rơi vào thành phố gây ra những thảm cảnh chiến tranh. Lúc đó mình còn nhỏ thì mình rất là sợ.

Khi tôi viết kịch bản hay khi tôi đạo diễn một cảnh thì tôi cũng cố gắng tìm một cái phong cách, một cách thức kể chuyện, một ngôn ngữ điện ảnh mà tôi nghĩ là nó mới mẻ hơn.

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh

Song sẵn có rạp chiếu bóng nên mình ráng vào xem. Lúc đó mình vào rạp như một hình thức trốn chạy những thảm cảnh chiến tranh, nhưng mà vô tình nó trở thành cánh cửa mở rộng để mình thấy được cái thế giới bên ngoài qua con mắt của điện ảnh, qua con mắt của những người làm phim. Đó là cửa sổ duy nhất cho tôi thấy bên ngoài nhưng mà sau đó thì mình cũng lãng quên mất đi cho tới lớn không bao giờ nghĩ tới chuyện làm phim hết.

Nhưng mà cách đây vài năm tự nhiên như có cái gì nó thúc giục trở lại đối với tôi. Tôi không biết có phải là do những kinh nghiệm trong quá khứ hay không.

Mặc Lâm :   Xin anh cho biết trong hoàn cảnh nào mà anh biết đến tác phẩm Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam trong khi anh đã xa Việt Nam một thời gian rất lâu, thưa anh?

Tâm hồn nghệ sĩ từ thủa trung học 

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh : Khi đọc tác phẩm Hương Rừng Cà  Mau thì tôi được tiếp cận với một tác phẩm mà tôi nghĩ là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất mang nặng bản chất Miền Nam trong thời gian tôi còn đi học ở trung học. Có thể một vị thầy nào đó, một người bạn nào đó đã đọc qua. Tôi nghĩ chắc có lẽ là vị giáo sư Việt Văn trong những năm tôi học ở Trường Trung Học Vũng Tàu đã giới thiệu cho tôi cuốn này hay là tình cờ trong dịp nào giảng bài trong lớp; tôi không còn nhớ rõ một trăm phần trăm nhưng tôi nghĩ có lẽ là như vậy.

Khi tôi đọc tác phẩm này thì tôi rất là say mê. Trong trường tôi thì chỉ có mấy cây điệp thôi, còn ngó ra cửa sổ thì bên kia là một khoảng trống. Khoảng đất trống đó người ta đổ rác bừa bãi rất là thô kệch. Sau khi đọc xong tác phẩm đó thì tôi ngồi học trong lớp và ngó qua cửa sổ đó thì chỉ thấy nước nổi mênh mông thôi.

Tôi không biết là cảnh đó có thực hay không mà tôi chưa bao gìơ thấy trong đời tôi hết.  Đây chỉ là một hư cấu của nhà văn Sơn Nam, nhưng mà trong tâm hồn một đứa nhỏ học trung học lúc đó thì nó đã là một cuộc phiêu lưu, đã là một thực thể rồi, đã là một cái gì đó hiện thực rồi và tôi không cần biết là nó có thực ở bên ngoài hay không nhưng mà trong đầu tôi thì nó đã là một cái gì đó rất thực.

Khi đọc tác phẩm Hương Rừng Cà  Mau thì tôi được tiếp cận với một tác phẩm mà tôi nghĩ là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất mang nặng bản chất Miền Nam

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh

Mặc Lâm :  Khi anh viết kịch bản phim cho Mùa Len Trâu anh có cảm thấy bị tác phẩm gốc chinh phục hay không, và những gì mà anh cho là khó khăn nhất trong việc viết lại kịch bản này, thưa anh?

Nước là biểu tượng của sự Sống và Chết 

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh : Có hai truyện ngắn trong đó, Một Cuộc Biển Dâu và Mùa Len Trâu, là hai truyện ngắn gợi hứng cho tôi viết tác phẩm này. Thực tình bây giờ nhìn lại thì lúc ở trung học tôi đọc tác phẩm Mùa Len Trâu tôi chỉ hiểu nó một cách rất là thôi sơ với đầu óc của một đửa trẻ học trung học lúc đó thôi.

Mình chỉ thấy một cuộc phiêu lưu rất là kỳ thú trong một không gian rất là kỳ lạ. Cái nước nổi nó mênh mông như vậy, rồi trong mấy tháng trời nó rút đi, rồi ruộng lúa xanh mọc lên. Sau này, sau nhiều năm tháng làm việc trong khoa học, rồi lớn lên phải đi sống ở nước ngoài (thì) tôi dần dần khám phá ra những cái ẩn dụ, những điều mà tôi nghĩ là nhà văn Sơn Nam gói ghém đàng sau hai câu chuyện đó; hay là có thể đó là sự tưởng tượng thêm thắt của tôi thôi.

Tôi cảm thấy là cái ý tưởng chính trong truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam trong tập Hương Rừng Cà Mau đó là "nước", là những  hình tượng của nước mang những ý nghĩa rất là sâu sắc. Nước thì có trong nhiều nền văn hoá khác nhau mà trong văn hoá Việt Nam mình thì là một biểu tượng cho sự trong sạch, sự sống. Và trong nhiều nền văn hoá của các nước Tây Phương cũng vậy.

Nhưng mà khi đọc lại tập truyện này trong lúc viết kịch bản thì tôi có một ý là muốn làm ngược lại những điều đó, tôi muốn gắn liền những hình ảnh của nước là một biểu tượng của sự chết. Những hình ảnh như là xác trâu bò, xương mục nát, cây cỏ mục nát làm cho nước vẩn đục lên. Ngay cả xác người cha của Truyền cũng tan rã trong nước (Truyền là nhân vật chánh trong phim).

Mặc dù hết sức cố gắng bóp méo trong chiều hướng đẩy qua chiều hướng ngược với những ẩn dụ thông thường trong văn hoá của nhiều dân tộc trên thế giới, nhưng càng làm như vậy thì tôi càng thấy là mình cũng không có thể tránh được là trong những hình ảnh, trong những câu chuyện của nhà văn Sơn Nam là từ trong những thứ nước đó mới có những lúa gạo, tôm cá : đó là cái nguồn  thực phẩm quan trọng nhứt cho người dân ở trong làng.

"Nước" thật ra là cái biểu tượng hỗn hợp giữa sự chết và sự sống, và tôi cảm thấy hết sức là kỳ thú là hai cái yếu tố đó nó dối kháng với nhau, đối nghịch với nhau.

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh

Thành ra "nước" thật ra là cái biểu tượng hỗn hợp giữa sự chết và sự sống, và tôi cảm thấy hết sức là kỳ thú là hai cái yếu tố đó nó dối kháng với nhau, đối nghịch với nhau nhưng lại được thể hiện bằng chỉ một hiện thực là "Nước". Đó là cái động lực chính thúc đẩy tôi viết kịch bản Mùa Len Trâu và càng viết tôi càng khám phá ra điều này. Tôi cảm thấy hết sức là thú vị với cái động lực chính mà tôi chọn Hương Rừng Cà Mau để gợi hứng cho kịch bản Mùa Len Trâu là cuốn phim đầu tay của tôi.

Mặc Lâm :  Theo anh thì viết kịch bản mới, hay chuyển thể hai truyện ngắn trong Hương Rừng Cà Mau sang Mùa Len Trâu thì cách làm nào hiệu quả hơn?

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh : Tôi không nghĩ là một tác phẩm văn học lớn hết sức là quan trọng, hết sức là sâu sắc như là tập Hương Rừng Cà Mau có thể được chuyển thể, mà nếu mình làm việc chuyển thể thì tôi nghĩ nó sẽ mất đi cái hồn của tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, chớ còn không có ai có thể thay đổi nó, không ai có thể thêm thắt, có thể vẽ vời thêm được vì đó là tác phẩm đã đạt tới mức gần như là toàn hảo rồi mà nếu mình cố gắng làm khác đi thì nó không thể nào sánh được với tác phẩm văn học.

Cho nên chuyển qua môi trường khác, tức là môi trường điện ảnh, thành ra tôi chuyển thể tôi không có khả năng làm chuyện đó, thành ra tôi dùng hai tập truyện ngắn đó là cái ẩn dụ về "Nước", những nhân vật trong đó, những sự cố trong đó, để viết kịch bản một cách hết sức tự do theo trí tưởng tượng của tôi.

Mặc Lâm :  Cuối cùng thì xin anh cho biết nhà văn Sơn Nam đã tiếp sức cho Mùa Len Trâu như thế nào ạ?

Đóng góp không thiếu được của nhà văn Sơn Nam

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh : Sau khi viết kịch bản Mùa Len Trâu thì tôi mới tìm cách liên lạc với nhà văn Sơn Nam và tôi rất e ngại là có thể ông ta sẽ không thích kịch bản của mình, có thể là  ông không muốn tác phẩm của mình được làm thành phim, là bởi vì một tác phẩm văn học mà chuyển sang một môi trường khác thì thường thường rất khó mà đạt tới chiều sâu của sự rung động như vậy, thành thử trong bụng mình rất là lo, nhưng mà cũng may mắn là có một anh bạn giúp tôi tìm được nhà văn Sơn Nam.

Trước nhứt là ông ra còn rất là tốt (mạnh khoẻ) và sau khi trình bày ý đó thì ông ta mặc dù chưa đọc kịch bản đã hoan nghinh cái ý của tôi khi chuyển thể hai tập truyện ngắn đó. Và sau khi viết xong tôi có gửi cho nhà văn Sơn Nam đọc qua và nhờ ông duyệt lại những lời thoại, những chi tiết đặc thù về cách sinh sống, về tâm lý các nhân vật trong kịch bản. Có một số nhân vật không có trong hai truyện ngắn đó và những tình tiết, những diễn biến do tôi thêm thắt vào.

Tôi cảm thấy tôi còn thiếu nhà văn Sơn Nam một món nợ tinh thần rất lớn trong việc thực hiện cuốn phim này.

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh


Đó là một vinh dự vô cùng lớn lao đối với tôi là được nhà văn Sơn Nam duyệt lại kịch bản của mình, đọc qua kịch bản của mình và góp ý. Ngoài việc đọc lại kịch bản, ông ta còn chỉ cho chúng tôi rất nhiều những thông tin, những địa phương nào có nước nổi, thời gian nào trong năm thì mình có thể tìm được những cảnh nước nổi mênh mông như vậy.

Đó là những thông tin vô cùng quý giá cũng những thông tin như là cách trang phục, những vũ khí, những vật dụng bình thường mà những người len trâu, thanh niên đi len trâu họ dùng, mà đó là những chi tiết không có trong hai truyện ngắn đó. Và cũng nhờ những trao đổi đó mà tôi đã học hỏi rất nhiều về phong tục tập quán của Miền Nam.

Còn nói về những kỷ niệm có thể nói là đáng nhớ đốí với nhà văn Sơn Nam thì ông ta hết sức là bình dị. Trong lúc làm phim thì ông ta cũng hết sức vui vẻ, và khi có những câu hỏi thắc mắc mà chúng tôi gọi trở lên Sài Gòn thì ông cũng sẵn sàng giúp đỡ.

Tôi cảm thấy tôi còn thiếu nhà văn Sơn Nam một món nợ tinh thần rất lớn trong việc thực hiện cuốn phim này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.