Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đoạt giải thưởng Henri Queffélec của Pháp

Tiểu thuyết "Biển và Chim Bói Cá" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa giành được Giải thưởng Henri Queffélec tại liên hoan "Sách và Biển" năm 2012 (Festival Livre et Mer) của Pháp tổ chức trong 3 ngày từ ngày 6 đến ngày 8/4.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012.04.15
bui-ngoc-tan-305.jpg Nhà văn Bùi Ngọc Tấn trên dốc Lombard – San Francisco trong chuyến đi Mỹ năm 2009.
Photo courtesy of blog Bùi Ngọc Tấn.

Tiểu thuyết "Biển và Chim Bói Cá" bản Việt Ngữ được dịch giả Tây Hà dịch ra tiếng Pháp và do nhà xuất bản l'Aube phát hành năm 2011, có tựa đề là "La mer et le matin-pêcheur". Giải thưởng của Festival mang tên nhà văn Henri Queffélec, một trong những tác giả nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20 và ông cũng là người sáng lập giải thưởng văn học uy tín này.

Trong dịp này Mặc Lâm có cuộc trao đổi với nhà văn Bùi Ngọc Tấn về giải thưởng này sau đây:

Tự hào

Mặc Lâm: Trước tiên xin chúc mừng nhà văn Bùi Ngọc Tấn về giải thưởng mới nhất này. Xin ông cho biết cảm xúc của ông khi nhận được tin Biển và Chim Bói Cá đạt được giải thưởng tại liên hoan sách tại Pháp vừa qua?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Khi tôi nhận được tin đầu tiên báo từ Paris về, cảm giác đầu tiên là rất vui mừng nhưng hơi ngạc nhiên vì tôi không chờ đợi điều đó. Thế nhưng về sau nói chung từ những thông tin của Liên Hoan Livre et Mer cũng là lần đầu tiên tôi được biết. Khi nhận được tin đó thì cảm giác của tôi rất là vui mừng, cảm thấy rằng có một chút tự hào khi mình biết rằng có 6 người vào chung kết đều là những nhà văn chuyên nghiệp, đều là những người rất có trình độ, và khi phát biểu thì trình độ của họ rất cao.

Đây là một sự lựa chọn mà tôi tin chắc là rất khách quan và không có điều gì ngoài văn chương, nên cái cảm giác của tôi là cảm thấy hạnh phúc lẫn tự hào.

Tiểu thuyết sử thi thời sự tan rã

bui-ngoc-tan-250.jpg
Ông François Bourgeon, Chủ tịch danh dự Festival và Trưởng Hội đồng tuyển chọn, trao Giải thưởng cho nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua dịch giả Tây Hà. Photo courtesy of blog Bùi Ngọc Tấn.
Mặc Lâm: Vâng không ai nghi ngờ gì về tính trung thực và uy tín của giải thưởng này. Thưa ông do “Biển và Chim Bói Cá” bản Việt Ngữ không phát hành rộng rãi ở hải ngoại và kể cả trong nước nữa cho nên nếu được xin làm phiền ông khái quát những nét chính chứa đựng trong tác phẩm này để độc giả có thể hiểu được phần nào nội dung của nó, thưa ông.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: “Biển và Chim Bói Cá” là một tiểu thuyết rất khó để kể lại câu chuyện, bởi vì nó không có cốt truyện hẳn và không có nhân vật chính. Quyển tiểu thuyết trước của tôi là quyển “Chuyện kể năm 2000” cũng không có cốt truyện nhưng nó còn có nhân vật chính, cho nên rất khó kể lại câu chuyện như thế nào.

Tôi chỉ có thể tóm tắt lại như thế này, đây là sử thi, quyển tiểu thuyết sử thi thời sự tan rã. Tan rã trong hệ tư tưởng, tan rã trong quan hệ sản xuất, nghĩa là tan rã trong ý thức hệ, tan rã trong quan hệ giữa người với người. Cuộc sống như một dòng sông biến chuyển từ một nền kinh tế chỉ huy, từ một cơ chế sản xuất lạc hậu bắt nhịp với toàn cầu hóa.

Mặc Lâm: Xin nhà văn cho biết “Biển và Chim Bói Cá” được dịch vào lúc nào và người dịch là ai. Nó được tái bản hay chưa và bản Việt Ngữ có được nhiều người chú ý lắm hay không, thưa ông?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Quyển tiểu thuyết của tôi in xong vào khoảng chừng gần một năm sau thì tái bản, chắc rằng nó vẫn được in dưới một dạng nào đó, bên này thường là như thế mà. Ở Việt Nam thường thì người ta in lậu hoặc là chụp ảnh. “Chuyện kể năm 2000” vẫn còn bày bán; mười hai năm rồi vẫn thấy còn bày bán.

Đầu tiên thì “Biển và Chim Bói Cá” được dịch ra, và rất may mắn là tôi được bạn đọc của tôi ở Pháp dịch quyển này ra.

Mặc Lâm: Có phải là anh Tây Hà hay không ạ?

Tôi chỉ có thể tóm tắt lại như thế này, đây là sử thi, quyển tiểu thuyết sử thi thời sự tan rã. Tan rã trong hệ tư tưởng, tan rã trong quan hệ sản xuất, nghĩa là tan rã trong ý thức hệ, tan rã trong quan hệ giữa người với người.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Dạ vâng, vâng, chính anh Tây Hà. Bây giờ nó không có trục trặc giữa ông Tây Hà hay ông Hà Tây vì hai ông cùng là một. In thì in là Hà Tây nhưng ông bảo ông là Tây Hà. Ông mới điện cho tôi, tôi nói không biết lấy tên nào thì ông bảo tên nào cũng được bởi ảnh không muốn giữ tên tuổi gì, ảnh chỉ làm công việc yêu một quyển sách nào đó thì dịch để giới thiệu cho bạn đọc nước ngoài biết thôi.

Mặc Lâm: Chúng tôi được biết là ông không có mặt trong buổi phát giải có phải do sức khỏe yếu làm ông không đi được hay còn vì lý do nào khác? Chẳng hạn như không xin được visa xuất cảnh?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Không ạ. Cái này phải nói thật như thế này, tôi nhận được tin báo qua dịch giả và cái tin đó nói là dịch giả sẽ thay mặt tôi đi nhận giải. Chắc là do kinh phí hay điều kiện kinh tế đang gặp khó khăn do kinh tế thế giới gì đấy, cho nên tôi không được mời mà chỉ được báo tin thôi. Hiện nay tôi nhận được qua email bản sao chụp cái bằng đấy, tức là cái chứng chỉ, chứ còn chưa có thông báo chính thức gì. Tôi nghe dịch giả nói cũng có tiền mấy trăm gì đó.

Mặc Lâm: Ông vừa nhắc đến cuốn “Chuyện kể năm 2000” làm cho nhiều người nhớ lại chuyện của ông, từ lúc cuốn sách này ra đời đến nay đã khá nhiều chuyện xảy đến cho ông sau khi đã bị giam giữ nhiều năm trời… thời gian gần đây thì sự phiền toái có còn theo đuổi ông như lúc trước nữa hay không?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Việc in sách đúng là tôi gặp nhiều khó khăn, như là phải lên Hà Nội, rồi cũng phải lên công an, rồi cũng phải làm các giải trình. Sau đó còn có những khó khăn khác như là dư luận. Ngoài các chuyện đó tôi còn là người bị tập trung cải tạo thì phải trình giấy ra trại, hiển nhiên là nó nằm trong quyển sổ theo dõi từ năm này qua năm khác, từ công an này qua công an khác, mà cái chuyện đó không phải nhằm vào gây khó khăn gì cho tôi nhưng mà nó hiển nhiên trong cuộc sống, nó là như thế. Đến bây giờ nói chung là tôi đã quen với cái việc ấy.

Hạnh phúc được phổ biến

bien-va-chim-boi-ca-200.jpg
Bìa sách "Biển và Chim Bói Cá" dịch sang tiếng Pháp. Photo courtesy of blog Bùi Ngọc Tấn.
Mặc Lâm: Thưa nhà văn, tại Việt Nam thì ông cũng biết là tình trạng vi phạm tác quyền rất nghiêm trọng thế thì những tác phẩm của ông có bao giờ bị in lậu và không trả tiền bản quyền cho tác giả hay không? Nhất là cuốn “Chuyện Kể năm 2000” đã được in ra với con số kỷ lục và tái bản rất nhiều lần…Trong hoàn cảnh hiện nay của ông theo chúng tôi biết thì ông rất khó khăn, có bao giờ ông cảm thấy bị lạm dụng khi sách của mình được in ra mà không nhận được tiền? Có bao giờ ông có ý định đòi công lý cho những tác phẩm của ông hay không?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Không. Cái điều đó nằm ngoài cái phần sở hữu của tôi. Và đó cũng là cái điều mà tất cả các nhà văn đều phải trải qua. Nó gần như là một mê hồn trận. Đã có một lần tôi tự in lấy. Năm 2003 tôi tự in hai quyển sách và xong rồi thì tôi hủy bản kẽm đi, nhưng sách của tôi vẫn bị bán lậu, trên thị trường người ta nói “Ồ, sách của Bùi Ngọc Tấn bán rẻ lắm, ông ơi”. Có nghĩa là bây giờ cái kỹ thuật nó siêu hạng lắm anh ơi! Chúng tôi đành chịu! Chúng tôi đành lấy một điều an ủi rằng sách của mình được mến mộ; thứ hai là nhiều người đọc người ta giúp mình phổ biến.

Mặc Lâm: Xin được hỏi ông là trong số những tác phẩm của ông cho tới nay đã có cuốn nào in ở hải ngoại hay không, kể cả tái bản như cuốn “Chuyện kể năm 2000” chẳng hạn?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Ở nước ngoài, mà ý anh muốn nói là bản tiếng Việt có phải không ạ?

Mặc Lâm: Vâng. Bản tiếng Việt.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Vâng. Bản tiếng Việt thì ở Mỹ theo như tôi nhìn thấy có khoảng gần 10 bản in khác nhau. Tất cả các báo tiếng Việt ở nước ngoài đều in cái quyển “Chuyện Kể Năm 2000”. Cái chuyện ấy thì nhiều ạ. Tôi coi cái đó là một điều rất là hạnh phúc.

Chúng tôi đành lấy một điều an ủi rằng sách của mình được mến mộ; thứ hai là nhiều người đọc người ta giúp mình phổ biến.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Mặc Lâm: Vâng. Bên cạnh cái hạnh phúc mà nhà văn nào cũng ao ước là sách của mình được nhiều người đọc như ông đã trải qua, xin ông cho biết là có chủ nhà sách hay nhà xuất bản nào cho ông biết là họ sẽ in sách của ông cũng như đưa ra những đề nghị cụ thể nào đó về bản quyền mặc dù chỉ là tượng trưng, hay không ạ?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Vâng. Ở vài nước cũng có gửi tiền về cho tôi. Ở Mỹ thì không, ở Đức thì có. Có anh ảnh in và phát không, nên không có gửi tiền cho tôi. Nhưng cũng có một anh gửi một số tiền cho tác giả. Riêng BBC trong vòng mười mấy tháng thì trả cho một số tiền mà tôi cho là lớn.

Nói chung là cũng trong tình trạng xôi đỗ tức là anh có anh không, nhưng tôi lấy cái giá trị phổ biến, tác phẩm của mình được phổ biến ra là một thắng lợi.

Mặc Lâm: Dạ vâng. Chúng tôi không dám phiền nhiều vì biết ông cũng không được khỏe trong người, nhưng mà cũng xin thay mặt thính giả của Đài Á Châu Tự Do trân trọng chúc ông chóng bình phục và nhất là vẫn tiếp tục sáng tác để những tác phẩm vang danh với thế giới, đặc biệt là sau “Chuyện Kể Năm 2000” thì bây giờ tới “Biển và Chim Bói Cá” cũng như những tác phẩm khác của ông. Xin cám ơn nhà văn thật nhiều ạ.

Chuyện kể năm 2000

chuyen-ke-nam-200.jpg
Bìa sách "Chuyện kể năm 2000".
Quý vị vừa theo dõi cuộc nói chuyện ngắn giữa chúng tôi và nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người vừa nhận được giải thưởng cao quý của Pháp và cũng chính là tác giả của cuốn sách nổi tiếng mang tên “Chuyện kể năm 2000” viết về chính kinh nghiệm của ông trong khi bị tù đày.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Hải Phòng. Quê ông ở làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải phòng. Từ năm 1954 ông đã bắt đầu viết báo, viết văn và đã có những bài viết giá trị đăng trên các tờ báo lớn như Văn Học, Tiền Phong, Thanh Niên, Phổ Thông, Lao động.

Là nạn nhân của vụ án xét lại chống đảng mặc dù ông không tham gia vào bất cứ một nhóm nào trong vụ án này, Bùi Ngọc Tấn chịu nhiều năm tù và sau đó từ những kinh nghiệm tù đày đã giúp ông hoàn thành tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” mà cho đến nay số phát hành của nó trong và ngoài nước chưa có tác phẩm nào qua mặt.

“Chuyện kể năm 2000” khi mới in ra và phát hành thì có lệnh thu hồi. Chẳng những bị thu hồi, mà tác giả của nó còn bị nhiều phiền lụy. Sau khi in Chuyện kể năm 2000, ông bị công an sách nhiểu liên tục, điện thoại nhà bị theo dõi. Trong các cuộc họp đảng cơ sở người ta chụp mũ rằng ông là một kẻ phản động đi tù về viết một tập sách chửi Đảng, chửi lãnh tụ.

Có người cho rằng giọng văn của Bùi Ngọc Tấn man mác chất giọng của Dostoevsky vì ông cảm nghiệm và chia sẻ tận cùng số phận con người, đặc biệt trong chế độ mà ông đang sống.

Dù sao thì với một nhà văn Việt Nam, giành chiến thắng trước các nhà văn đối thủ nặng ký của thế giới thì đó là cả một niềm hãnh diện lớn lao. Đối với người Việt nói chung, những ai cùng quan tâm tới nền văn học nước nhà hẳn cũng không kém vui mừng vì đây là những bậc thang quan trọng gây niềm hứng khởi cho những tác phẩm khác trong tương lai.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.