Martha Lackritz, thiếu nữ Mỹ say mê ca dao Việt Nam


2005.09.06

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Trong tiết mục Câu chuyện Hàng tuần hôm nay, Phương Anh sẽ gửi đến quí thính giả câu chuyện của một thiếu nữ người Mỹ, hiện đang sưu tầm ca dao của Việt Nam để chuyển dịch sang tiếng Anh và sẽ xuất bản tại Hoa Kỳ. Đó chính là cô Martha Lackritz.

Đối với người Việt Nam chúng ta, các câu ca dao đã trở nên thật quen thuộc và gần gũi trong đời sống hàng ngày. Từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, chẳng mấy ai mà không thuộc lòng dăm ba câu ca dao.

Mối duyên với Việt Nam

Theo các nhà nghiên cứu, thì ca dao được định nghĩa là những sáng tác văn chương, được phổ biến rộng rãi trong dân gian và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Có những bài ca dao được trở thành những bài hát dân ca. Và có lẽ vì quá phổ biến và thông thường nên ít có ai để tâm nghiên cứu về thể loại thơ dân gian này.

Thế nhưng tại Hoa Kỳ, vài thập niên sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, khi đất nước và văn chương Việt Nam được bắt đầu giới thiệu nhiều hơn đến các sinh viên ngoại quốc, vào năm 2001, ở trường Brown University ở miền Đông Bắc nước Mỹ, một cô sinh viên người Mỹ, gốc Nga và Do Thái, đang học năm thứ ba đã hết sức chú ý đến văn chương Việt Nam. Từ Hà Nội, Phương Anh đã được nghe cô kể lại:

“Tên của tôi là Martha Lackritz. Tôi sinh ra ở San Antonio, Texas, năm 80. Tôi lớn lên ở Texas, rồi tôi đi học ở trường đại học Brown, tôi theo lớp Văn Học So Sánh và Văn chương Pháp. Sau đó, tôi xin học bổng Fulbright để sang Việt Nam nghiên cứu về thơ, đặc biệt là về Ca Dao để dịch sang tiếng Anh…”

Theo lời cô kể lại, nguyên do cô quyết định chọn nghiên cứu Ca Dao Việt Nam là vì khoảng năm 2002, khi cô là sinh viên năm thứ ba, cô đến Việt Nam vài tháng trong một chương trình do nhà trường tài trợ, cô được nghe một điã CD dân ca, trong đó có bài Còn Duyên, hát theo lối quan họ Bắc Ninh.

Ngay lập tức, cô thích thú và say mê các làn điệu dân ca phong phú này. Tìm hiểu ra, cô được biết dân ca cũng chính là những câu thơ xuất phát từ các bài ca dao Việt Nam. Thế là vào năm 2003, sau khi tốt nghiệp, cô lập tức xin học bổng Fulbright, để đến Việt Nam nghiên cứu các ca dao Việt Nam. Chúng ta hãy nghe cô kể tiếp:

“Hiện nay, sau khi tôi xong chương trình Fulbright thì tôi vẫn ở lại Việt Nam và làm việc cho tờ Heritage của Việt Nam Airlines. Tôi vẫn đang sưu tầm và dịch sang tiếng Anh bởi vì tôi muốn có một quyển sách Ca Dao vưà tiếng Việt và vưà tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ, nhưng mà bây giờ tôi còn nhiều việc làm, còn muốn dịch thêm nữa và mời biên tập nữa...”

Giới thiệu văn hóa Việt với phương Tây

Khi được hỏi tại sao cô lại quyết định dịch Ca Dao Việt Nam sang tiếng Anh, cô cho biết:

“Tôi muốn tìm một cái gì đấy mới mà chưa được giới thiệu với người Mỹ và những nước bên phương Tây. Đó là một. Và thứ hai nữa là nói chung cái văn chương dân gian thì tôi thấy rất hấp dẫn. Nó thực sự là của người Việt Nam, là một loại văn học mà người ta không để ý lắm.

Tôi thấy cách sống của dân gian Việt Nam rất hợp lý, rất thích hợp với tôi. Còn một điều nữa là tôi thấy ca dao Việt Nam là một kiểu tâm hồn của một dân tộc.

Ca dao Việt Nam là một loại văn học mà ai cũng biết, kể cả những người nghèo, người giầu, người trình độ cao cũng như người không được đi học nhiều… Hỏi bất cứ người Việt Nam nào cũng biết ít nhất là một hai ca dao, cái đó rất là hay. Ở những nước khác thì lại không có.”

Thưa quí vị và các bạn, chắc hẳn nãy giờ quí vị cùng các bạn sẽ thắc mắc rằng tại sao cô lại có thể nói tiếng Việt giỏi như thế và làm sao cô có thể hiểu hết được những ý nghĩa của các câu ca dao Việt Nam? Chúng ta hãy nghe cô tâm sự:

Tôi sang Việt Nam tôi mới học một hai tháng ở Sàigòn, một hai tháng ở Hà Nội… Học ở trường đại học, sau 4 tháng thì tôi thấy mình hiểu cơ sở rồi thì tôi tự đi chơi, rồi gặp nhiều người Việt Nam, rồi tự học, thì nó nhanh hơn và vui hơn.

Thiếu nữ Mỹ trình bày ca dao Việt

Đến đây, Phương Anh mời quí vị cùng các bạn nghe cô Martha Lackritz đọc vài câu ca dao:

Đây là một bài khá là lãng mạn: Anh như cây gỗ xoan đào Em như câu đối dán vào nên chăng? Em như cây kiểng trên chùa Anh như con bướm đậu nhờ nên chăng?

Ngoài ra, tôi cũng có một câu khác nói lên tính chất đuà nghịch ngợm của người phụ nữ Việt Nam và điều đó tôi rất là thích vì nó vừa lãng mạn, vừa nghịch ngầm:

Ước gì dải yếm em dài Để em buộc lấy những hai anh chàng “Đối với tôi, tôi thấy là ca dao phần lớn là do phụ nữ viết, mình không biết tác giả là ai. Nhưng nhiều khi ca dao thường là quan niệm của phụ nữ, đó là cá tính mạnh và tôi thấy điều ấy thật là hay.”

Khi hỏi cho đến nay, cô đã dịch được bao nhiêu bài ca dao và gặp khó khăn cũng như thuận lợi gì trong công việc, cô nói:

“Bây giờ thì tôi đã dịch mấy trăm bài rồi, tôi muốn dịch gần nghìn bài, rồi chọn những cái đẹp nhất và hy vọng sẽ có khoảng 500 bài. Dịch thơ của nước nào cũng khó, ca dao thì nhiều thứ phức tạp.

Nhưng như tôi đã nói, ca dao thì hỏi bất cứ người Việt Nam nào cũng biết nên ai cũng có thể giúp tôi. Có nhiều từ ở địa phương thì khó hơn, phải tìm một người từ miền Trung, từ miền Nam để giúp về chuyện đấy.

Có một điều khó về ngôn ngữ là cái âm thanh, cái âm nhạc của ca dao thì nó rất là khó bắt chước tiếng Anh, vì tiếng Anh không có dấu, và tiếng Việt là một ngôn ngữ nghe rất là thơ và có âm thanh rất là hay…”

Những kỷ niệm về Việt Nam

Để hoàn tất công trình nghiên cứu của mình, cô gái người Mỹ mê ca dao Việt Nam này đã phải bỏ rất nhiều thời gian, rong ruổi đến những vùng quê, vùng cao để tìm tòi những câu ca dao và học hỏi thêm tiếng Việt.

Chiếc máy ghi âm hầu như dính liền bên mình của cô để ghi lại những lời nói của người mình gặp hầu đem về nhà đọc và học theo. Cô đã có thật nhiều kỷ niệm trên đoạn đường mình đã đi qua.

Có một kỷ niệm làm cô vô cùng xúc động và ghi nhớ mãi. Cô kể lại:

“Có một lần tôi lên Hoà Bình, cách Hà Nội mấy trăm cây, tôi ở nhà của người Mường, gần như là ở trong rừng luôn, rất là đẹp, bên cạnh một cái suối, tôi ngồi nói chuyện với một ông già người Mường, có một ông già khác, khoảng 70 tuổi gì đấy, bác cũng hơi hơi lẫn rồi, bác đến xin một tí rượu và 3 bác cháu ngồi nói chuyện… bác này toàn nói về ca dao, mặc dù là một người vưà uống rượu, vừa sống không phải ở thành phố, một người rất là nghèo và rất là già mà cứ nói toàn ca dao…rất là lãng mạn, toàn là hay cả, tôi không thể tưởng tượng bác thuộc nhiều như thế… làm cho tôi rất là xúc động và ấn tượng.

Điều làm cho tôi quí nhất là tôi thấy con người Việt Nam rất mến khách, sống theo tình cảm.. Từ khi tôi sang Việt Nam, tôi cảm thấy mình có duyên với đất nước này.”

Martha Lackritz Thạch Thảo

Thưa quí vị và các bạn, được biết Martha Lackritz còn có tên là Thạch Thảo do bạn bè thân thiết đặt cho và cô rất thích cái tên này. Theo dự dịnh, tuyển tập Ca Dao Việt Nam bằng tiếng Anh mà cô đang thực hiện sẽ được xuất bản tại Mỹ vào năm 2006.

Hiện nay, ngoài thời gian làm việc cho tờ Heritage của Vietnam Airlines, cô dành tất cả thời giờ rảnh rỗi của mình vào công việc sưu tầm và dịch thuật các câu ca dao Việt Nam. Cô còn dự định sẽ viết truyện tranh dành cho thiếu nhi bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Đôi khi bắt gặp những bài thơ hay của một số tác giả Việt Nam, cô lại dịch sang tiếng Anh và gửi đăng trên tạp chí Prospect Literary Journal hay San Antonio Current.

Hy vọng trong năm tới, chúng ta sẽ bắt gặp cuốn Ca Dao Việt Nam bằng tiếng Anh trong các hiệu sách ở Hoa Kỳ cũng như tại Việt Nam, phải không thưa quí vị?

Câu Chuyện Hàng Tuần xin dừng nơi đây và xin chia tay với với quí vị trong giai điệu quan họ Còn Duyên- một bài dân ca đã khiến Martha Lackritz Thạch Thảo - biết đến Ca Dao Việt Nam từ đó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
11/01/2010 09:18

Xin quí vị giúp tôi tìm audio file của bài phóng sự





























Xin quí vị giúp tôi tìm MP3 file của bài phóng sự: Martha Lackritz, thiếu nữ Mỹ say mê ca dao Việt Nam vì link đến phần audio file của trang này không sử dụng được. Xin thành thật cám ơn quý vị.

kim
phamthuykym@gmail.com