Bao giờ người Việt Nam mới có đủ nước sạch?

Là một nước nhiệt đới gió mùa với lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.200 đến 3.000 mm, với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, thế nhưng đối với rất nhiều người Việt Nam, thật khó kiếm được nước sạch để dùng.
Việt Hà, phóng viên RFA
2010.05.04
Người dân ở TPHCM phải mua nước sạch giá cao. Người dân ở TPHCM phải mua nước sạch giá cao.
Photo courtesy of vneconomy

Nước bẩn cũng là một trong nhưng nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ dân số mắc các bệnh liên quan đến nước còn rất cao ở Việt Nam. Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin được gửi đến quý vị những tìm hiểu về tình hình sử dụng nước sạch của người dân Việt Nam hiện nay.

60% dân số có nước sạch

Hãy tưởng tượng khi bạn mở vòi nước trong bồn rửa bát ở nhà mà không có một giọt nước nào, thì chắc chắn đó là điều vô cùng khó chịu, nhất là đối với những người tại các thành phố lớn và ở các nước phát triển. Thế nhưng ở các nước nghèo và đang phát triển như Việt Nam, đa số người dân vẫn đang phải sống thiếu nước sạch hàng ngày.

Tại Việt Nam, việc tiếp cận với nước sạch là hết sức khó khăn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa và nông thôn.

Ông John Anner

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2006, hiện chỉ có khoảng 60% dân số Việt Nam được tiếp cận với nước sạch và nước hợp vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày. Trong số 52% dân thành thị được tiếp cận với nguồn nước được cho là sạch và hợp vệ sinh thì chỉ có 15% thực sự có nước sạch.

Theo quy định của bộ Y tế, nước sạch là nước có đủ 22 chỉ tiêu đáp ứng tiêu chuẩn ‘vệ sinh nước sạch’ bao gồm các chỉ tiêu về màu sắc, mùi vị, độ đục, và các thành phần khác trong nước như asen, sắt, đồng, chì. Nước sạch thường là nước đã qua xử lý. Còn nước hợp vệ sinh là nước không màu, không mùi, không vị, không chứa các thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người , có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi. Loại nước này thường chưa qua xử lý. Cả hai loại nước đều phải đun sôi trước khi uống.

Tại các vùng nông thôn và vùng núi xa xôi của Việt Nam, người dân chủ yếu vẫn dùng loại nước thứ hai là nước hợp vệ sinh được lấy từ sông, suối và nước giếng.

Hiện trung bình mỗi người dân nông thôn Việt Nam chỉ được dùng khoảng từ 30 đến 50 lít nước một ngày, ít hơn 10 lần so với người dân tại các nước phát triển.

Việc tiếp cận nước sạch khó khăn là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật ở Việt Nam. Ông John Anner, Chủ tịch Đông Tây hội ngộ, một tổ chức  phi chính phủ đã có hơn 15 năm thực hiện các dự án cung cấp nước sạch tại các vùng nông thôn miền Trung Việt Nam cho biết:

John Anner: Tại Việt Nam, việc tiếp cận với nước sạch là hết sức khó khăn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa và nông thôn. Những bệnh có liên quan đến nước là nguyên nhân gây ra bệnh tật ở trẻ và người lớn, khiến trẻ không được đến trường do ốm đau, bị đi ngoài do uống nước không sạch. Phần lớn nước ở các vùng nông thôn Việt Nam bị ô nhiễm. Người dân lấy nước từ nguồn nước mặt, nước giếng đào nông. Phần lớn các nguồn nước này đều nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút, vân vân.

Người dân TPHCM phải đem bình đi mua nước sạch, ảnh chụp năm 2010. Photo courtesy of  Datviet.
Người dân TPHCM phải đem bình đi mua nước sạch, ảnh chụp năm 2010. Photo courtesy of Datviet.
Bà Sandra Bisin, Giám đốc truyền thông của Unicef tại Việt Nam cho biết có đến 44% trẻ em ở Việt Nam hiện nhiễm các loại giun như giun móc, giun đũa và đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.

Hiện nay, ở nông thôn Việt Nam, tỷ lệ người nhiễm giun sán, giun đũa, giun móc được xếp vào loại cao nhất thế giới. Những khảo sát gần đây cho thấy 100% trẻ từ độ tuổi 4 đến 14 ở nông thôn miền Bắc nhiễm giun đũa, từ 50 đến 80% nhiễm giun móc.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2008 cho thấy có 20.000 người Việt Nam bị chết hàng năm do nguyên nhân từ nước ô nhiễm và mất vệ sinh.

Quốc tế giúp đỡ

Nhận biết được tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khoẻ người dân và sự phát triển bền vững, ngay từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, chính phủ Việt Nam với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Unicef, World Bank, … đã thực hiện các dự án cung cấp nước sạch cho người dân, lập ban chỉ đạo quốc gia về chương trình nước sạchvà vệ sinh môi trường. Nhận xét về những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong 15 năm qua, bà Sandra Bisin, đại diện Unicef Việt Nam cho biết:

Sandra Bisin: Trong khoảng 10 đến 15 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc trong việc cung cấp nước sạch cho các gia đình ở nông thôn và thực hiện điều 24 của công ước về quyền của trẻ em trong đó có nói trẻ cần phải tiếp cận được nước sạch và vệ sinh, trẻ cần được sống trong môi trường an toàn để đạt được tiềm năng phát triển cao nhất.

Người dân lấy nước từ nguồn nước mặt, nước giếng đào nông. Phần lớn các nguồn nước này đều nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút.

Ông John Anner

Tại các tỉnh, việc cung cấp nước đến cho người dân được thực hiện theo cách nhà nước và nhân dân cùng làm. Thường ở các vùng nghèo, người dân không phải bỏ tiền đầu tư xây lắp ống nước, mà chủ yếu chỉ bỏ công đào đường để đưa ống nước vào nhà. Ông Ngô Trọng Lâu, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh An giang cho biết:

Ngô Trọng Lâu: Lắp ống nước vào nhà thì đơn vị nào khai thác thì dựng đồng hồ luôn. Người dân chỉ đóng ít tiền đào hoặc tự đào thì người ta thu khoảng 100.000 đồng là có đồng hồ nước. Đồng hồ nước giá là 300.000 đồng một cái nhưng đơn vị nào cấp nước thì phải chịu phần chênh lệch đó. Còn người dân tộc thì cho luôn, người ta chỉ đào thôi.

Để có đủ tiền vốn đầu tư cho các dự án cấp nước, chính phủ Việt Nam huy động 4 nguồn vốn đầu tư gồm vốn chính phủ, nguồn vốn của các nhà tài trợ quốc tế, của người dân tự bỏ ra, và nguồn vốn từ xã hội hoá cấp nước.

Riêng với phần nguồn vốn của các nhà tài trợ quốc tế, từ khoảng gần hai chục năm nay, Việt Nam đã có nhiều các dự án lớn nhỏ của nhiều tổ chức quốc tế được thực hiện ở các vùng nông thôn Việt Nam. Đông Tây hội ngộ của Mỹ có trụ sở tại California đã bắt đầu thực hiện các dự án nước sạch ở miền Trung Việt Nam từ khoảng 15 năm trước. Ông John Anner, Chủ tịch DTHN giới thiệu về cách thức hoạt động của các dự án cấp nước ở Việt Nam như sau:

John Anner: Vào những ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam khoảng 15 năm trước, chúng tôi chỉ thực hiện các dự án nhỏ ở hộ gia đình, đào giếng sâu và dạy mọi người cách giữ nước sạch. Nhưng khoảng 10 năm trước, chúng tôi đã bắt đầu chuyển sang chương trình phức tạp hơn là xây các hệ thống cấp nước sạch cho làng, xã.

Cách làm là đại diện các địa phương liên hệ với chúng tôi và nói là họ có vấn đề, và họ không có đủ nước sạch cho làng mình. Chúng tôi sẽ đến điều tra xem họ có hội đủ điều kiện hay không. Đó là xem họ có nguồn nước sạch ở gần làng không, thứ hai là họ có sẵn sàng đóng góp công sức đào ống nước hay không bởi vì khoản này chiếm đến 50% giá thành một công trình, và cái thứ ba là họ phải sẵn sàng trả tiền nước hàng tháng mà họ dùng.

Sau khi mọi người đồng ý thì chúng tôi bắt đầu làm việc. Chúng tôi đào giếng, 1 hoặc 2 cái tuỳ theo số dân trong làng, sử dụng loại máy bơm  thả xuống giếng để bơm lên, và đậy kín miệng giếng để giữ cho nước giếng không bị nhiễm bẩn. Nước sau đó được bơm lên hệ thống lọc để loại bỏ các tạp chất, vi khuẩn và vi rút, loại bỏ mùi rồi được bơm lên tháp nước cao khoảng từ 15 đến 20 mét. Từ đó nước sẽ được bơm xuống và đưa về các hộ gia đình.

Theo ông John Anner, cách làm như vậy tiết kiệm được rất nhiều tiền cho người dân. Người dân chủ yếu chỉ bỏ công sức đào ống dẫn nước, trả tiền đồng hồ nước khoảng 10 đô la một cái,  và trả tiền nước hàng tháng. Tính trung bình một gia đình phải trả khoảng 12 đô la một năm. Với cách làm này, sau khi dự án hoàn tất và bàn giao cho địa phương, cơ quan quản lý dự án vẫn có một khoản tiền do dân trả hàng tháng dùng để vận hành hệ thống. Và đây là điều kiện cần và đủ để các dự án nước thành công.

Cho đến nay Đông Tây hội ngộ đã thực hiện được 150 dự án tại Việt Nam cung cấp nược sạch cho khoảng 200,000 dân.

Nhà thờ Phao Lô ở TPHCM cung cấp nước sạch miễn phí cho người dân. Photo courtesy of tinhte.com
Nhà thờ Phao Lô ở TPHCM cung cấp nước sạch miễn phí cho người dân. Photo courtesy of tinhte.com

Quản lý yếu kém

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn, Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đó là các khó khăn liên quan đến các vấn đề về chính sách, nguồn nhân lực, và ô nhiễm nguồn nước. Bà Sandra Bisin, đại diện Unicef Việt Nam nhận xét:

Sandra Bisin: Có nhiều thách thức mà Việt Nam hiện phải đối mặt, ví dụ như vấn đề về luật và chính sách quản lý chất lượng nước ở nông thôn, sự yếu kém về khả năng. Ở một vài nơi chúng ta thấy sự phối hợp chưa tốt giữa các bộ và chính quyền địa phương các cấp, thiếu nhân lực, thiếu thiết bị. Gần đây là việc phát hiện hàm lượng asen và floride cao trong nước ngầm ở lưu vực sông Hồng có thể gây tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ con người. Ngoài ra là sự phát triển của sản xuất công nghiệp cũng khiến nguồn nước mặt bị ô nhiễm.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy ở Hà Nội, mức độ nhiễm amoniac ở một số nơi đã vượt mức cho phép 20 đến 30 lần. Nhiều nơi ô nhiễm asen cao hơn 40 lần cho phép.

Theo các địa phương, thì khó khăn và thách thức lớn nhất là về vốn đầu tư cho các công trình. Ông Phạm Phú Bổn, giám đốc trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Đăk Lăk giải thích:

Có nhiều thách thức mà Việt Nam hiện phải đối mặt, ví dụ như vấn đề về luật và chính sách quản lý chất lượng nước ở nông thôn, sự yếu kém về khả năng.

Bà Sandra Bisin

Phạm Phú Bổn: Nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu năm nay có hạn chế so với mấy năm. Vì mấy năm chỉ có 9 tỉnh làm thí điểm, sau đó mở rộng ra 32 giờ rộng ra 59 tỉnh cho nên phần vốn mình phải mở rộng ra nên giảm xuống. Đó là vốn nhà nước. Còn về chính sách xã hội hoá cũng gặp khó khăn vì ở đây đầu tư cho các doanh nghiệp tư nhân cho cấp nước thì chưa thấy cái nào, gia đình nào bỏ vốn ra cho nước sạch, chỉ có tự là cho mình thì có chứ còn chương trình này thì chưa.

Theo ông Bổn thì tư nhân không muốn xây các công trình cung cấp nước sạch do không thấy có lãi, vì người dân nông thôn còn nghèo, nhiều gia đình không có tiền để trả tiền nước hàng tháng.

Đối với các dự án cấp nước theo kiểu Đông Tây hội ngộ thực hiện, việc đóng góp tiền nước hàng tháng của người dân là rất quan trọng để duy trì hoạt động của công trình. Nhưng đây lại là vấn đề nan giải ở nhiều vùng dân tộc thiểu số nghèo. Ông John Anner cho biết:

John Anner: Chính phủ đã trả rất nhiều cho các đồng bào thiểu số. Vấn đề là họ đã quen với việc được chính phủ trả cho các khoản như giáo dục, chăm sóc y tế, và cả nước nữa, nên họ cũng không sẵn sàng trả tiền nước hàng tháng. Thêm vào đó là họ rất nghèo. Chúng tôi có làm một nghiên cứu ở Tây nguyên tại tỉnh Kon Tum, gần biên giới với Lào để phân tích xem liệu người dân tộc thiểu số có sẵn sàng trả tiền hàng tháng không và thực tế cho thấy là họ không muốn và vì thế chúng tôi đã không thể thực hiện dự án ở đây nơi mà người dân không muốn trả tiền.

Cũng chính bởi những khó khăn này mà tại nhiều tỉnh của Việt Nam, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đề ra. Ông Phạm Phú Bổn cho biết cho đến cuối năm 2009, tỉnh Đăk lăk mới chỉ đạt 50% hộ nông thôn có nước sạch. Tại nhiều vùng sâu vùng xa, các buôn làng, bà con vẫn phải ra sông ra suối lấy nước.

Trong khi đó, mục tiêu mà chính phủ đặt ra là vào năm 2010 sẽ có 85% người dân nông thôn có nước sạch, mỗi người dùng ít nhất 60 lít nước một ngày.

Trong nỗ lực đưa nước sạch đến mọi người dân, đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phải đạt 100% người dân nông thôn có nước sạch vào năm 2020. Bà Sandra Bisin, đại diện Unicef  cho rằng đây là một kế hoạch đầy tham vọng nhưng bà tin Việt Nam, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế sẽ tích cực hơn nữa để đạt được mục tiêu này.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.