Vinashin chỉ là chuyện nhỏ?

Qua kỳ họp Quốc Hội VN vừa rồi, xem chừng như dư luận phần nào bày tỏ vui mừng về phong cách làm việc mới của cơ quan lập pháp này.
Thanh Quang, phóng viên RFA
2010.12.08
thuerung1.jpg Vườn ươm cây Bạch Đàn giống của Công ty Innov Green.
Photo courtesy of Innov Green

Một số đại biểu đã mạnh dạn đặt những câu hỏi thẳng thừng – và cả trách nhiệm – với các quan chức cao cấp trong chính phủ, kể cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, về một số vấn đề bức xúc trong công chúng, nhất là vụ Vinashin.

"Trái bom trên nóc nhà"

Nhưng người dân đồng thời cũng nêu lên thắc mắc rằng sao nhiều vấn đề bức thiết hơn Vinashin, nhất là liên quan đến vận nước, sự toàn vẹn lãnh thổ, lại không thấy các đại biểu nêu lên ?

Chẳng hạn như, trên blog Bauxite Việt Nam, tác giả Vũ Cao Đàm, qua bài tựa đề “Vinashin chỉ là chuyện quá ư nhỏ nhoi”, phân tích rằng:

"Con tàu Vinashin đang làm đất nước tròng trành, khi câu chuyện sốt lên trên diễn đàn Quốc hội và ngay cả trên trang Bauxite Việt Nam, nhạc sỹ Tô Hải đã cảnh báo trên trang blog của mình rằng, các nghị sĩ coi chừng lạc hướng.

Về tình hình đất nước bây giờ thì tôi cho là một trọng tâm chính là VN để cho Tàu nó vào khai thác (bô-xít) ở Tây Nguyên.

Blogger Tô Hải

Ngay sau bài viết của cụ Tô Hải, trên Bauxite Việt Nam có bài hưởng ứng của hai tác giả Đâu Chăng Tá và Hy Tuệ, viết dưới dạng hơi hài một chút trong mục Thư giãn chủ nhật, nhưng khẳng định: Nhạc sỹ Tô Hải đã đúng. Lão cựu chiến binh, nhạc sỹ Tô Hải, tác giả bản hợp xướng bất hủ từng làm rung động trái tim của cả triệu con người, Tiếng hát biên thùy, đã than rằng, các nghị sỹ đã kêu ca về chuyện ăn cắp vặt trong nhà, nhưng quên mất sự hiện diện của trái bom đặt trên nóc nhà chờ phút khai hỏa."

“Trái bom đặt trên nóc nhà” VN ấy hẳn là việc giới cầm quyền VN cho TQ vào khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Blogger Tô Hải cho biết:

"Về tình hình đất nước bây giờ thì tôi cho là một trọng tâm chính là VN để cho Tàu nó vào khai thác (bô-xít ) ở Tây Nguyên.

Hàng ngàn nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ, luật gia, nhà báo – trong cũng như ngoài nước – đã ký kiến nghị tập thể chưa từng có bao giờ, kể cả Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, GS Ngô Bảo Châu, những bậc lão thành cách mạng “đẻ ra” các ông lãnh đạo bây giờ, từng là thầy dạy các ông bây giờ, nhất là tướng võ Nguyên Giáp, yêu cầu phải ngưng ngay chuyện để cho Tàu khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.

000_Par3521108-250.jpg
Nhân viên cứu hộ đi trên một con đường phủ đầy bùn đỏ ở Devecser, cách thủ đô Budapest 150 km về phía Tây, hôm 11/10/2010. AFP photo
Nhân viên cứu hộ đi trên một con đường phủ đầy bùn đỏ ở Devecser, cách thủ đô Budapest 150 km về phía Tây, hôm 11/10/2010. AFP photo
Thậm chí đã có một hội nghị khoa học gồm các bậc thầy, kể cả một loạt viên chức cao cấp ngày xưa như thứ trưởng, phó thủ tướng, đều ký vào việc không tín nhiệm các ông này nữa. Thế thì mấy đại biểu Quốc Hội, nhân phong trào này, nhân đàng sau có rất nhiều ông to như thế - tức thầy của mấy ông lãnh đạo bây giờ, mới nói lên vài câu. Chứ nói thật nếu không có phong trào đó thì Quốc Hội đời nào dám nói."

Qua blog Bauxite Việt Nam, tác giả Vũ Cao Đàm đề cập tới câu hỏi mà dư luận đã đặt ra là: Liệu Quốc hội có tiếp tục phát huy tinh thần dám nói thẳng thắn vào những vụ việc nghiêm trọng hơn vụ Vinashin không? Và, dư luận cũng đã đặt câu hỏi rằng cuộc phê phán dồn dập quanh vấn đề Tập đoàn Vinashin lần này liệu có làm lạc hướng dư luận về những vụ tai tiếng trầm trọng hơn Vinashin không? Tác giả cho là có thể có, và phân tích như sau:

"Trước hết là việc cho nước ngoài vào chiếm đóng Tây Nguyên với danh nghĩa khai thác quặng bauxite? Chúng ta chưa thấy ai hỏi các nghị sĩ Quốc hội vì sao không chất vấn vụ việc này? Đến khi vụ việc về bauxite nổ ra, thì tiếng nói về việc cho Trung Cộng vào khai thác bauxite chủ yếu được bàn từ khía cạnh kinh tế, văn hóa và môi trường. Nói về an ninh quốc phòng thì hầu như chỉ thoáng qua. Tiếng nói về vụ bauxite Tây Nguyên lại rộ lên sau khi nổ ra vụ bùn đỏ do khai thác bauxite ở Hungary. Toàn bộ chất vấn tại Quốc Hội về bauxite Tây Nguyên cũng chỉ quanh chuyện bùn đỏ.

Tôi cân nhắc thử, mới nhận ra rằng, những thứ mà các đại biểu Quốc hội cực kỳ bức xúc, ngẫm ra, chỉ đáng mấy đồng xu so với hàng trăm vụ việc khác tày đình hơn: Ai đã ba lần ký cho Trung Cộng vào chiếm đóng Tây Nguyên không tốn một viên đạn, và cũng không cần đến 31 ngày phát động cuộc chiến tranh tổng lực đánh chiếm Việt Nam như họ đã hăm dọa trên mạng?

Ai là băm nát dự án khổng lồ Bauxite Tây Nguyên để thành mấy cái dự án nhỏ nhoi, không đáng là gì để qua mặt Quốc hội?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quy trách nhiệm: Khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng, vậy Đảng là ai? Là 1 người, 15 người, 181 người hay toàn thể ba triệu đảng viên?"

Người "anh em" Phương Bắc

Rồi có một chuyện có lẽ cũng đáng ngại hơn Vinashin nữa, nhất là gây hệ luỵ cho đất nước, dân tộc, thế hệ mai sau, đó là chuyện cho bên ngoài thuê dài hạn rừng đầu nguồn, như tác giả Vũ Cao Đàm bày tỏ tâm trạng ấy trên blog Bauxite Việt Nam:

"Thế mà chưa thấy các vị đại biểu Quốc hội hỏi đến hơn 300.000 hecta rừng cho Tàu thuê, một cách chuyển nhượng đất đai làm tô giới của bọn thực dân Trung Cộng trong suốt 50 năm...

bauxite250.jpg
Hàng trăm công nhân Trung Quốc đang sống và làm việc ở dự án bauxite Tân Rai, Lâm Đồng. AFP photo.
Hàng trăm công nhân Trung Quốc đang sống và làm việc ở dự án bauxite Tân Rai, Lâm Đồng. AFP photo.
Trong 50 năm chiếm đóng làm tô giới, Trung Cộng hoàn toàn có đủ thủ đoạn để tăng mật độ dân số vùng này ngang với Quảng Đông, và như vậy, họ đã có được khoảng trên 2 triệu dân Tàu Cộng trên lãnh thổ Việt Nam, nghĩa là họ lập được một tỉnh trên đất Việt Nam với số dân gấp đôi số dân của Tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

Sau 50 năm ấy, mấy anh chủ đầu tư” hoàn toàn có thể trả lại đất, nhưng Trung Cộng đã kịp sinh ra một lũ con đàn cháu đống, đã kịp mang mồ mả ông cha cụ kỵ của họ chôn trên những vùng nhượng địa này, nghĩa là đã lập xong trên đất nước này một tỉnh lớn bằng Thái Nguyên về diện tích, và gấp đôi Thái Nguyên về dân số."

Rồi việc TQ liên tục thắng thầu quan trọng ở VN cũng không thấy quan tâm ở Quốc Hội khiến tác giả bất an, vì, theo nhận xét của ông:

"Thủ đoạn của họ là thắng thầu xong, ém quân vào, và ngâm công trình không thực hiện. Vậy hai ngàn anh Tàu khựa này đang làm gì trên đất Việt Nam? Họ ém binh? Họ đi nhậu nhẹt và chơi gái, nhằm nhân giống để phát triển Hán tộc trên đất nước này?"

Nguy cơ từ Phương Bắc thì thường trực từ mấy nghìn năm nay rồi, và bây giờ nó càng rõ hơn.

GS Trần Khuê

Theo tác giả Vũ Cao Đàm, sở dĩ vấn đề Vinashin được “công chúng hoan hô vang dội” vì đã đánh trúng vào cái tâm lý phẫn nộ của người dân về quốc nạn tham nhũng. Nhưng điều đáng âu lo hơn có lẽ là quê cha đất tổ:

"...Chỉ xin các vị đừng bán đất bán nước của Tổ Quốc để nhận những khoản tiền khổng lồ từ nước ngoài, để rồi một ngày nào đó, phải xuất hiện một anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ kêu gọi dân chúng nhất tề đứng dậy chống cái đồng chí kẻ thù đã xâm lược Tổ Quốc ta bằng Mười sáu chữ vàng."

Nhưng rồi tác giả không khỏi băn khoăn tự hỏi rằng “khi Trung Cộng phát động chiến tranh xâm lược, chúng ta còn đâu những vùng rừng núi hiểm trở để lập chiến khu như thời Lê Lợi, Quang Trung? Chạy lên rừng: Trung Cộng đã chiếm.

Rút về trấn trên vùng cao Tây Nguyên: Trung Cộng đã chốt mấy sư đoàn bộ binh trên đó. Chạy xuống biển: Trung Cộng bao vây.
Ở lại các khu công nghiệp: Đâu đâu cũng thấy Trung Cộng. Chúng ta không thể hiểu được, vì đâu đất nước ta bị Trung Cộng xâm lấn và giày xéo như hiện nay? Vì đâu chúng ta bị lâm vào một thế suy yếu kinh khủng về địa-quân sự như hiện nay?”

Về vấn đề hiểm hoạ từ Phương Bắc, GS Trần Khuê, từng bày tỏ âu lo cho vận nước, nhận xét mới đây:

"Nguy cơ từ Phương Bắc thì thường trực từ mấy nghìn năm nay rồi, và bây giờ nó càng rõ hơn. Vấn đề này, từ nhân dân, trí thức rồi các tầng lớp ở trong nước đều bức xúc lắm khi họ thấy nguy cơ và vận mệnh đất nước bị đe doạ cùng với sự toàn vẹn lãnh thổ và nhiều thứ khác.

Nhân dân thấy chính quyền cho thuê rừng đầu nguồn, cho TQ khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, để cho hàng hoá TQ tràn ngập vào VN rồi biển đảo này khác khiến người dân rất bức xúc. Phải nói là có một thời gian chính quyền VN bạc nhược. Nhưng gần đây chính quyền có hiểu được lòng dân và có những lời tuyên bố tương đối mạnh. Chứ còn trước kia người ta bắn chết ngư dân mình thì chính quyền lờ đi.

Giờ thì chính quyền biết lên tiếng phản đối. Đấy là một bước tiến bộ. Nhưng nhân dân đòi hỏi chính quyền phải tiến bộ hơn nữa – phải có một thái độ dứt khoát."

Vì đâu nên nỗi?

Blog Việt Thức hôm Chủ Nhật vừa rồi cũng phổ biến bài “Con đường cứu nước” của tác giả Chu Việt, có đoạn nhận định rằng:

"Mối quan tâm hàng đầu của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) hiện nay không phải là nội dung văn kiện căn bản cho Đại Hội XI sắp tới mà là sự sắp xếp nhân sự trong Bộ Chính Trị sao cho vừa ý đàn anh phương Bắc.

bauxite-TayNguyen-250.jpg
Công trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Photo courtesy of chinhphu.vn
Công trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Photo courtesy of chinhphu.vn
Đường lối chính đã vạch sẵn, chẳng cần phải thay đổi – góp ý… Những vụ ký kết nhượng bộ về biên giới, vùng biển, v.v. do ai tự ý làm?  Đảng. Sự kiện ĐCSVN không thể cưỡng lại ý định của ĐCSTQ cho thấy rõ hiểm họa mất nước cũng từ đó mà ra. Trước mắt là vụ tranh chấp Biển Đông mà cốt lõi là ý đồ sát nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào nội hải của Trung Hoa do đường lưỡi bò khoanh vùng. Đó chỉ là bước đầu.

Tại sao Trung quốc cứ khăng khăng đòi đàm phán song phương? Bởi vì tình đồng chí anh-em (thực chất là thầy-trò) trong một nhà, anh bảo thì em phải nghe, nếu không thì hết tình hết nghĩa. Nhưng nếu thế thì coi như Việt Nam không còn là một quốc gia có chủ quyền lãnh thổ."

Trong mấy ngày nay, nhiều trang nhật ký trên mạng đặc biệt phổ biến bài của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 95 tuổi, Cựu Đại sứ VN tại TQ, nhấn mạnh rằng “Chưa bao giờ Việt Nam bị hại bởi người láng giềng ‘hữu nghị’ như từ 1979 đến nay”.

Theo Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì VN không hề khiêu khích, xâm phạm đất TQ, nhưng Bắc Kinh lại “dạy cho VN một bài học” hồi năm 1979 khiến nhiều người dân vô tội tử vong và 4 tỉnh biên giới bị tàn phá; rồi năm 1988, TQ đánh chìm tàu hải quân VN, chiếm một số bãi đá ngầm thuộc Trường Sa của VN sau khi chiếm Hoàng Sa của VN hồi năm 1974.

Tướng Vĩnh nhấn mạnh đến việc Bắc Kinh hiện “nghiễm nhiên đứng được trên nóc nhà Đông Dương – vị trí chiến lược trọng yếu của VN – qua kế hoạch khai thác bô-xít Tây nguyên, rồi thuê rừng đầu nguồn trong 50 năm, tự ý bày ra “đường lưỡi bò” để chiếm gần trọn biển Đông, cấm đánh cá, bắn giết, bắt, phạt tiền ngư dân VN, thuê dài hạn 1 đoạn bờ biển Đà Nẵng.

Mối quan tâm hàng đầu của ĐCSVN hiện nay không phải là nội dung văn kiện căn bản cho Đại Hội XI sắp tới mà là sự sắp xếp nhân sự trong Bộ Chính Trị sao cho vừa ý đàn anh phương Bắc.

Blog Việt Thức

Đó là chưa kể họ xây đập trên thượng nguồn sông Mekông khiến tác hại đến “vựa lúa”, hoa màu và thuỷ sản ở Nam Bộ. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh kết luận:

"Thế là, trên khắp đất nước ta, từ “nóc nhà Đông Dương”, từ rừng núi tới đồng bằng, đến ven biển đã có hàng vạn người Trung Quốc rải ra, có là mối nguy tiềm ẩn không? Từ những tình hình trên, rõ ràng Việt Nam ta bị hại đủ đường, và bị o ép tứ phía. Vì đâu nên nỗi này? Nhân dân ta nghĩ gì?"

Hồi thứ Năm tuần rồi, trên blog Hãy Dành Thời Gian, nhà thơ Bùi Minh Quốc nhận định rằng “Đúng ra, đối với đất nước ta, chủ nghĩa bành trướng hiện đại Trung Quốc đã có cả diễn biến vũ trang, lúc rộ lên, lúc âm thầm nhỏ lẻ, và trong cái im ắng của những năm tháng bình yên thì kẻ thù nguy hiểm truyền kiếp phương bắc vẫn không ngừng chuẩn bị cho diễn biến vũ trang”. Đó là hiểm hoạ “diễn biến vũ trang” của Bắc Kinh để đe doạ nhất là xứ đàn em “môi hở răng lạnh” VN. Nhưng khi đề cập tới hành động “diễn biến hòa bình” của Phương Bắc, nhà thơ Bùi Minh Quốc cho rằng:

thuerung.jpg
Cán bộ địa phương huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh thăm đất rừng cho Công ty Innov Green thuê. Photo courtesy of Innov Green.
Cán bộ địa phương huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh thăm đất rừng cho Công ty Innov Green thuê. Photo courtesy of Innov Green.
"Lâu nay khi nói đến chống diễn biến hòa bình chúng ta thường chỉ chú ý nhìn về phía tây, phía các nước đế quốc thù địch cũ. Thế là chệch hướng rất tai hại, là mất cảnh giác rất nghiêm trọng, một sự mất cảnh giác chiến lược . . .Trước hết phải vạch ra cho cụ thể, dứt khoát: trong các thế lực thù địch hiện nay, thì thế lực nào là nguy hiểm nhất? Câu trả lời đã rõ như ban ngày: đó là thế lực bành trướng hiện đại trong giới cầm quyền Trung Quốc, chứ không phải những thế lực từ phương tây hay từ cộng đồng người Việt hải ngoại."

Qua blog Hãy Dành Thời Gian, nhà thơ Bùi Minh Quốc nhân tiện trích 4 câu thơ trong “Ký Sự Ngược Sông Thu” của thi sĩ Phan Đắc Lữ có bà con với cụ Phan Khôi, rằng:

Tổ Quốc ta nơi nào cũng đẹp
Từ ải Nam Quan đến Cà Mau
Sông là máu đừng đem mua bán
Núi là xương đừng lấy đổi trao

(Ký sự ngược sông Thu)

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.