Xã hội Việt Nam một năm nhìn lại

Vào những ngày cuối năm 2012, nhà văn Thuỳ Linh cảm thấy “chưa bao giờ thần kinh con người bị thử thách với nhiều thăng trầm cảm xúc như trong năm vừa qua”.
Thanh Quang, phóng viên RFA
2012.12.31
000_Hkg8131339-305.jpg Một công nhân quét rác đi ngang qua một pano tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới tại Hà Nội.
AFP photo

Hy vọng để rồi thất vọng

Cách nay ít lâu, vào một buổi chiều cuối năm khi “giá rét và nỗi buồn …tràn ngập tâm hồn khiến nỗi lòng chùng xuống”, làm cho TS Nguyễn Xuân Diện “Chiều cuối năm nhìn lại” để thấy lòng trĩu nặng theo những vụ giết người, cướp của ngày càng táo bạo trong xã hội VN ngày nay, với “kẻ thủ ác tuổi đời càng ngày càng trẻ và cách thức giết người càng ngày càng dã man, độc ác, quyết liệt” hơn.

Qua bài “Khởi tố sự thất vọng”, blogger Thuỳ Linh đề cập tới “nhiều sự kiện, tình huống khiến nhiều người lo lắng, hy vọng, rồi thất vọng và tuyệt vọng” ! Như vậy họ hy vọng để rồi thất vọng, tuyệt vọng về những gì ? Theo tác giả, trước hết, “đỉnh điểm của sự thất vọng là Hội nghị TW6” mà rất nhiều người dân Việt “thắc thỏm” hy vọng, dù mong manh, ở “canh bạc” này của đảng  để sau cùng rồi họ “vỡ oà cùng sự tức giận không thể kiềm chế” vì “canh bạc” ấy  tiếp tục “khẳng định sự sáng suốt của đường lối, của sự lãnh đạo”; “đảng càng tự tin hơn về lòng từ bi dành cho những khuyết điểm, tội lỗi của nhau nên không kiểm điểm, kỷ luật ai” cả. Bằng chứng là, theo nhận xét của bloger Thuỳ Linh, “Thủ tướng tươi cười ngay sau hội nghị. Nụ cười đi vào lịch sử về bài học không trưởng thành dù cỡ tuổi nào, chức vụ nào, từng trải nào…”

Sau một năm qua, tác giả cũng chưa quên tình trạng lạm phát, giá cả gia tăng, “đời sống khốn khó, cơ cực như thời Giá-Lương-Tiền những năm 80 và hơn thế nữa…”;  rồi con số “ấn tượng” là khoảng 55.000 doanh nghiệp bị phá sản trong khi những “con cưng” doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp của các nhóm lợi ích dù bị “lỗ khủng, nợ khủng” nhưng vẫn an nhiên tự tại và “được che chắn, bảo vệ bởi quyền lực”; GDP 5,03% của năm 2012 là mức thấp nhất kể từ 1999; nợ xấu ngân hàng, nợ quốc gia  – một loại “bí mật nhà nước” – ngày càng chồng chất, mà nạn nhân gánh nợ không ai khác hơn là người dân; tham nhũng “ung dung”; giới cầm quyền tiếp tục những “án bỏ túi”, tiếp tục bỏ tù, truy tố, kết những án tù oan khuất và dài lâu, đặc biệt đối với những người yêu nước như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSaigon, Việt Khang, Anh Bình, Nguyễn Phương Uyên, Hoàng Khương cùng nhiều người khác rất có lòng với quê hương dân tộc, qua những “phiên toà vội vàng, cẩu thả, trắng trợn vi hiến…”.

Nhưng người ta cứ di lý hết năm này qua năm khác, để mỗi năm, nỗi tuyệt vọng lớn hơn, hậu quả khủng khiếp hơn…Và “vụ án tuyệt vọng” của năm 2013 sẽ như thế nào?
Nhà văn Thuỳ Linh

Đó là chưa kể tình cảnh dân oan ngày càng nghiệt ngã khiến xảy ra tiếng súng bất đắc dĩ Đoàn Văn Vươn “nã thẳng vào chế độ tham nhũng” nhưng vẫn không lay động được giới cầm quyền – mà ngược lại, còn bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố cả gia đình nạn nhân tội “giết người, chống người thi hành công vụ”, làm trầm trọng thêm “chuyện dài quê hương” về tình cảnh dân oan. Blogger Thuỳ Linh cũng không quên hiểm hoạ phương Bắc trước tình trạng “hèn với giặc, ác với dân” của giới cầm quyền khi TQ, trong năm 2012, “leo thang xâm phạm chủ quyền biển Đông rất trắng trợn”. Những sự kiện tiêu biểu ấy trong năm khiến nhà văn Thuỳ Linh “chợt hỏi”:

Ai sẽ là minh chủ của đất nước gần 90 triệu dân? Ai sẽ lèo lái đất nước vượt qua nghèo đói và sự bạc nhược, hèn kém? tại sao dân Việt mình có thể sống sót trong tuyệt vọng? Và tình cảnh này sẽ kéo dài đến bao giờ? Liệu có thể khởi tố sự tuyệt vọng này? Bị can cũng đã có để có thể khởi tố vì tội lỗi rành rành ra đấy? Nhưng người ta cứ di lý hết năm này qua năm khác, để mỗi năm, nỗi tuyệt vọng lớn hơn, hậu quả khủng khiếp hơn…Và “vụ án tuyệt vọng” của năm 2013 sẽ như thế nào?

Lắm cảnh nhiễu nhương

Đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo
Đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo
Đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo
Nếu blogger Nguyễn Xuân Diện vào một “Chiều cuối năm nhìn lại” khiến nỗi lòng chùng xuống theo sự xuống dốc của xã hội ngày nay, nếu blogger Thuỳ Linh cảm thấy “chưa bao giờ thần kinh con người bị thử thách với nhiều thăng trầm cảm xúc” như một năm vừa qua, thì blogger Huỳnh Ngọc Chênh cũng không tránh khỏi nỗi “buồn” vào một sáng Chủ nhật của những ngày cuối năm 2012. Vào “Chủ nhật buồn” ấy, tác giả “ không hiểu tại sao sáng nay tôi lại thấy buồn” sau khi thức dậy, dù thường vào sáng Chủ nhật ông có tâm trạng vui. Rồi nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh bỗng nhớ lại có lẽ nỗi niềm  của ông “bị tác động bởi vài câu chuyện buồn của tối hôm qua”, dẫn ông ngược dòng thời gian để cảm nhận ra rằng “dân ta có hết lầm than đâu!”, từ chuyện “anh lái taxi than vãn ế ẩm, nhiều bạn anh đã bỏ xe nghỉ việc vì lỗ”, “ chuyện anh bạn là chủ một nhà hàng rất lớn ở Bình Quới: Số lượng thực khách giảm xuống thấy rõ từng ngày”…cho tới “lúc nào ngồi vào với đám bạn bè kinh doanh đều nghe họ thở dài vì nghĩ đến nợ nần”, “giới chứng khoán thì tiêu tùng”, “giới bất động sản thì lao đao…, hầu như sụp đổ”…Tác giả hồi tưởng tiếp:

Rồi hình ảnh hàng vạn dân oan mất đất lê la đi khiếu kiện ngày này qua tháng nọ ở khắp mọi miền đất nước lại ập về trong tôi. Có người bị đánh chết, có người bị bắt tù, có người tự thiêu, có người phải cởi truồng để giữ đất...Ôi dân tôi sao mà gặp hết kiếp nạn nầy đến kiếp nạn khác thế này! Phẫn uất. Rồi buồn. Rồi mọi hình ảnh tăm tối khác, những thứ bao năm nay đã cố quên, lại ập về khi nghĩ lại những gì đã đọc trong " Bên Thắng Cuộc". Nào học tập cải tạo, nào tiêu diệt tư sản mại bản, nào cải tạo công thương nghiệp, nào đổi tiền, nào nạn kiều, nào phương án 2, nào vượt biên, nào chiến tranh biên giới...bao nhiêu số phận dân lành bị vùi dập, bao nhiêu chết chóc tang thương...

Rồi hình ảnh hàng vạn dân oan mất đất lê la đi khiếu kiện ngày này qua tháng nọ ở khắp mọi miền đất nước lại ập về trong tôi. Có người bị đánh chết, có người bị bắt tù, có người tự thiêu, có người phải cởi truồng để giữ đất...
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh

Theo blogger Trần Kinh Nghị thì “ Như thường lệ trong những ngày tháng 12 này, cả nước lại tái hiện không khí thời chiến tranh chống Mỹ” vốn “cũng là lẽ thường” vì, theo lời tác giả, “quên sao được tội ác giặc ngoại xâm !”. Nhưng, GS Trần Kinh Nghị nhấn mạnh, “điều không bình thường” là có một cuộc xâm lược khác không được nhắc đến, đó là những cuộc chiến lớn, nhỏ do phương Bắc gây ra từ biên giới Tây Nam trở lên biên giới phía Bắc và ra tận ngoài biển Đông sau biến cố gọi là “Mỹ cút, nguỵ nhào”, khiến người dân Việt bình thường “ai cũng nhận ra điều vô lý này” nhưng “ ai cũng im lặng”. Mà nếu có thắc mắc, chỉ được trả lời rằng “đó là sách lược mềm dẻo, khôn khéo của ta!”. Tác giả nêu lên vấn đề:

Vậy ra, đối với người Việt Nam, có hai loại chiến tranh xâm lược(?). Chiến tranh do người Pháp, người Mĩ gây ra thì phải ghi xương khắc cốt và tuyên truyền lên án công khai. Nhưng chiến tranh do người Trung Quốc gây ra thì phải cố mà quên đi, thậm chí mấy cái bia tưởng niệm trót dựng lên ở Lạng Sơn cũng phải đục bỏ phi tang; nếu thấy tàu Trung Quốc xâm lấn biển đảo, ức hiếp dân chài ta thì gọi là “tàu lạ”…Chỉ khổ thân những người lính đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh chống quân bành trướng chưa được chính thức vinh danh như các đồng đội chống Pháp chống Mĩ của họ. Nếu nói rằng đó là sách lược mềm mỏng, khôn khéo thì thật trớ trêu!

Dân ngày càng khổ

Người dân buôn bán dạo trên đường phố Hà Nội, ảnh chụp hôm 28/12/2012. AFP photo
Người dân buôn bán dạo trên đường phố Hà Nội, ảnh chụp hôm 28/12/2012. AFP photo
Người dân buôn bán dạo trên đường phố Hà Nội, ảnh chụp hôm 28/12/2012. AFP photo
Qua bài “Lẫn lộn bạn/thù, tù mù chiến lược”, GS Trần Kinh Nghị viện dẫn một số trường hợp cụ thể, như vụ đại tá, phó giáo sư tiến sĩ Trần Đăng Thanh “lên lớp” trước hằng trăm cán bộ lãnh đạo của nhiều trường đại học, rằng “Các đồng chí nhớ người Mỹ…chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta, tội ác của họ trời không dung, đất không tha”, còn “đối với TQ, hai điều không được quên: Họ đã từng xâm lược chúng ta, nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa”; như vụ người cầm đầu Đảng lên tiếng “văn bất thành cú” với cử tri Quận Ba Đình rằng “Nói Biển Đông không phải chỉ là Biển Đông.

Nói Biển Đông không phải quan hệ ta với Trung Quốc. Nói Biển Đông không phải toàn bộ vấn đề Biển đông. Nó chỉ có một cái chỗ đảo Hoàng Sa với lại… quần đảo Hoàng Sa với lại chỗ quần đảo Trường Sa ấy … và cái ranh giới thềm lục địa theo công ước luật biển quốc tế…”; hay vụ một ông Viện trưởng Mác-Lê lập luận rằng “trong quá khứ ông cha ta mỗi lần đánh thắng xâm lược Phương Bắc đều trở lại triều cống …cớ sao bây giờ lại đòi chống Trung Quốc(?)”; hoặc chuyện một ông Phó ban Biên giới đánh giá hành động tàu Trung Quốc cắt cáp tàu dầu khí Bình Minh II của Việt năm hồi năm ngoái là “thương cho roi cho vọt…” (!) Vân vân và vân vân….

Tất cả cho thấy tình trạng mà GS Trần Kinh Nghị gọi là một “sự lẫn lộn bạn/thù, tù mù chiến lược”. Trong khi đó, trên thực tế, Bắc Kinh “gậm nhấm” lãnh thổ, lãnh hải của VN, chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc VN bị xâm phạm ngày càng nghiêm trọng, đó là chưa kể người đàn anh “4 tốt, 16 chữ vàng” này “thuê đất rừng đầu nguồn, đất đai dọc biên giới, đưa hàng nghìn công nhân vào khai thác bô-xit trên Tây Nguyên, du nhập, lưu hành tràn lan văn hóa phẩm cũng như hàng hóa các loại từ Trung Quốc v.v…”.

Câu hỏi cần được nêu lên là vì sao quê hương cùng người dân Việt phải chịu cảnh nhiễu nhương như vậy ? GS Trần Kinh Nghị phân tích:

Phải chăng lý do chính là ở chỗ, Việt Nam tự vận vào mình một vai trò đáng ra không nên có, đó là đứng trên tuyến đầu chống chủ nghĩa đế quốc, đồng thời quá trung thành với ông bạn láng giềng cùng ý thức hệ cộng sản? Hãy xem người Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Mã Lai và nhiều dân tộc khác có cùng cảnh ngộ trong khu vực đã không làm như vậy, và họ đã sớm có hòa bình để phát triển vượt xa Việt Nam vốn từ một mặt bằng như nhau sau Thế chiến thứ Hai. Phải chăng nếu Việt Nam cũng có cách tiếp cận thực tế như các nước láng giềng thì chắn chắn đã có thể phát huy vị thế địa chiến lược một cách có lợi hơn cho mình?

Qua bài “Lưỡi bò và lưỡi liềm”, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh nhận thấy chủ nghĩa Mác-Lênin với biểu tượng búa-liềm áp đặt vào người dân Việt mấy chục năm nay, hiện “đã sinh hoa kết trái trong lòng dân tộc. Tiếc rằng hoa trái của nó đã là những hoa độc và quả đắng”. Vẫn theo blogger Nguyễn Hữu Vinh thì sau mấy chục năm lấy học thuyết Mác-Lênin làm nền tảng quản lý xã hội bằng đấu tranh giai cấp khiến đất nước lâm thảm cảnh:

“Đó là cơ hội cho đường lưỡi bò vươn ra liếm Biển Đông.

Đó cũng là hậu quả của chiếc búa và lưỡi liềm mấy chục năm tung hoành trên đất nước ta.

Như vậy, cái lưỡi bò hôm nay là hệ quả tất yếu của cái lưỡi liềm mấy chục năm qua.”

Tạp chí Điểm Blog tạm dừng ở đây. Và nhân dịp bước sang Tân Niên Dương Lịch 2013, Thanh Quang kính chúc quý vị cùng người thân mọi điều an lành.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.