Biến đổi khí hậu gây thiên tai nhiều nơi?

Chúng tôi đã điểm qua những thiên tai đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, mà mức độ tàn phá của chúng được cho là khốc liệt và là những thảm họa lịch sử tại những nơi xảy ra biến cố không may đó như đợt lũ lụt tại Pakistan hiện nay.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.09.02
Một nạn nhân lũ lụt Pakistan tại một khu vực bị ngập lụt ở Karampur, ngày 11 tháng 8 năm 2010. Một nạn nhân lũ lụt Pakistan tại một khu vực bị ngập lụt ở Karampur, ngày 11 tháng 8 năm 2010.
AFP PHOTO / Asif Hassan

Có ý kiến cho rằng tình trạng đó có những liên hệ với hiện tượng biến đổi khí hậu do Trái Đất ấm dần lên lâu nay. Mời quí vị theo dõi tiếp quan điểm của các chuyên gia về khí hậu trái đất bàn về vấn đề đó trong Chương Trình Khoa Học - Môi Trường kỳ này.

Trái Đất ấm dần

Một lý giải thường được đưa ra trong thời gian gần đây, mỗi khi xảy ra những hiện tượng thời tiết bất thường và thất thường đó là bởi tình trạng Trái Đất ấm dần lên do các loại khí nhà kính từ hoạt động công nghiệp của con người thải ra.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, người từng tham gia trong các Nhóm Soạn Thảo Báo Cáo Thứ Tư của Ủy Ban Liên Chính Phủ về Biến Đổi Khí Hậu (IPCC), là một trong những người ủng hộ nói có mối liên hệ rõ ràng giữa hiện tượng biến đổi khí hậu với những thiên tai bất thường hiện nay:

Nghe thì có vẻ rằng nhiệt độ tăng một hai độ hay vài độ C thì có vẻ không ghê gớm gì, nhưng một khi giá trị cực đoan nó có thể xảy ra nó lên đến bốn năm mươi độ hay có thể hơn nữa.

TS Nguyễn Hữu Ninh

Theo quan điểm cá nhận tôi thì chắc chắn là có liên quan rồi. Những hiện tượng cực đoan như là vấn đề El Nino rồi các hiện tượng khác nó xảy ra thì thực ra hàng bao năm nay, hàng trăm nghìn năm nay nó xảy ra rồi và bây giờ nó trở lại El Nino, nhưng thực tế trong lịch sử cũng chưa có đợt nóng nào mà nó ghê gớm như đợt nóng vừa rồi, và thực tế không phải có năm nay mà chừng độ ba chục năm nay những cái đợt nóng như thế mùa hè xuất hiện ngày càng nhiều, tần suất ngày càng cao và cái nhiệt độ cũng ngày càng tăng lên.

Tôi nhớ những năm 70, 71 hay 74, hay 77 mà tôi qua Matxcơva hồi đấy ở Liên Xô thì thực ra mùa hè nhiệt độ chỉ độ 30 độ thôi, thậm chí chưa đến, nhưng mà nhiệt độ lên đến gần 40 độ là điều hết sức khác thường. Cái vấn đề nó tác động ở chỗ này, cái biến đổi khí hậu rất là nguy hiểm ở chỗ là nó khiến cho khí hậu trở nên cực đoan rất nhiều, nó tiến đến cái giá trị gọi là "cực trị" đấy, tức là nó có thể có đợt nóng rất là nóng một tuần - hai tuần - có khi cả tháng như ở Nga vừa rồi rất nóng, có thể mùa đông lại rất là lạnh.

Cái nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu chính là cái giá trị cực đoan của nó. Nghe thì có vẻ rằng nhiệt độ tăng một hai độ hay vài độ C thì có vẻ không ghê gớm gì, nhưng một khi giá trị cực đoan nó có thể xảy ra nó lên đến bốn năm mươi độ hay có thể hơn nữa, thì tôi nghĩ rằng đấy là một điều cực kỳ nguy hiểm đối với con người.

Quan điểm các nhân tôi, chắc chắn là hiện tượng vừa rồi mà những đợt nóng bất thường đó, kể cả ở Việt Nam, và những đợt lũ lụt bất thường đó ở các nước, và nó sẽ xảy ra sau này với cường độ thậm chí mạnh mẽ hơn và tần suất có thể là nhiều hơn, chính vì thế mà cái biến đổi khí hậu là một điều cực kỳ nguy hiểm. Và chúng ta bây giờ thấy rất rõ là tất cả các nước phải chung tay trong vấn đề này, không kể vấn đề của nước nào nữa. Thực ra vấn đề này không thể một nước nào tự mình giải quyết được, kể cả nước giàu nhất trên thế giới hiện nay.

Cứu hộ Trung Quốc chuyển thi thể của nạn nhân sau khi lũ bùn đổ vào ngôi nhà trong thị trấn xa xôi của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào ngày 19 tháng 8 năm 2010. AFP PHOTO CHINA OUT.
Cứu hộ Trung Quốc chuyển thi thể của nạn nhân sau khi lũ bùn đổ vào ngôi nhà trong thị trấn xa xôi của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào ngày 19 tháng 8 năm 2010. AFP PHOTO CHINA OUT.
Chính cá nhân tôi là gắn liền với vấn đề quy luật cho dù 2 năm rồi là El Nino có tác động rất là mạnh đến cái nhiễu động chung trên hoàn cầu và nó làm cho vấn đề khí hậu cực đoan diễn biến mạnh hơn, nhưng rõ ràng vấn đề biến đổi khí hậu thì nó cực kỳ nguy hiểm.”

Trong khi đó thì một giáo sư tiến sĩ đang giảng dạy tại Khoa Khí Tượng- Thủy Văn và Hải Dương Học, Đại Học Khoa Học Tự Nhiên Hà Nội, Giáo sư Đinh Văn Ưu, thì cho rằng vẫn chưa có những chứng minh cụ thể về mối liên hệ đó:

“Hiện nay tất cả các công bố của thế giới về thiên tai thì nó xảy ra nhiều thật nhưng mà nó có gắn liền với biến đổi khí hậu hay không thì chưa có cái gì để chứng minh thực sự đâu, vì ngay cả các số liệu đơn giản nhất là số lượng bão xuất hiện, nó biến đổi giữa các năm thì biến đổi nhiều nhưng mà biến đổi dài hạn thì cho đến 50 năm gần đây thì chưa thấy có một biến đổi gì đặc biệt cả, kể cả đối với vùng biển của mình. Đấy là các nghiên cứu đều cho thấy thế, thành ra tôi nghĩ rằng là chưa thấy có một dấu hiệu gì gọi là biến đổi khí hậu. Có thể nó sẽ làm cho quá trình nó xảy ra như người ta nói, tức là giữa các năm nó biến đổi mạnh hơn, chu trình nó ngắn đó mà, chớ còn về dài thì theo tôi chưa có vấn đề gì cả, chưa chứng mình được về cả mô hình tính cũng như là thực tiễn chưa thấy có chứng minh gì cả. Chưa có số liệu gì để chứng minh cả, đấy là cho đến thời điểm hiện tại. Tất nhiên người ta nói thì vẫn có, người ta bảo có thể là nó khắc nghiệt hơn, rồi lạnh thì lạnh hơn, nóng thì nóng hơn chẳng hạn, hay là bão thì tần suất cao hơn, nhưng mà không chứng minh được, số liệu chưa chứng minh được, và đặc biệt là số liệu hiện nay chỉ trong vòng khoảng năm bảy chục năm thì chưa chúng minh được điều ấy.”

Tác nhân con người

Tuy nhiên trước tình hình thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, gây ra những hậu quả nặng nề hơn, Giáo sư Đinh Văn Ưu vẫn nhắc đến tác nhân con người:

Vấn đề phá rừng, vấn đề sa mạc hóa, vấn đề những hiện tượng xảy ra do tác động của con người, thì chắc chắn là có hệ quả xấu lên khí hậu.

GS Đinh Văn Ưu

“Vấn đề phá rừng, vấn đề sa mạc hóa, vấn đề những hiện tượng xảy ra do tác động của con người, thì chắc chắn là có hệ quả xấu lên khí hậu rồi, nhưng mà tôi nói ở đây là một số hiện tượng mà người ta gắn cho nó thì chưa chắc nó đã cụ thể hóa nhưng mà nó có thể gián tiếp thôi, người ta chưa biết, chớ còn theo tôi thì cái chuyện tác động của con người lên khí hậu là không thể phủ nhận được. Và như lúc nãy tôi nói ví dụ, tức là một cái vùng trước đây là rừng nhiệt đới đầy đủ thì lượng mưa mấy trăm ly chưa ảnh hưởng gì cả, nhưng bây giờ người ta làm đường, xây nhà và tất cả mọi cái thì đùng một cái nó xảy ra lũ quét, lũ ống này khác. Chuyện ấy là có thể xảy ra hoàn toàn và thậm chí không những ảnh hưởng đến vùng trực tiếp mà kể cả vùng hạ du, nghĩa là mưa lũ có thể xảy ra nhanh hơn, tần suất nóa có thể ở mức độ nguy hiểm hơn, thì chuyện ấy nó có thể hoàn toàn xảy ra mà đúng là do tác động của con người ta. Hay những biện pháp của con người đề phòng những chuyện ấy thì chắc chắn là chúng ta cần phải làm thì tôi không phủ nhận đâu.”

Hồi tháng 12 năm ngoái, lãnh đạo của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới đã tập trung tại Copenhagen, Đan Mạch, để chuẩn bị đi đến một thống nhất mới giữa các nước nhằm giảm thiểu tình hình phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho Trái Đất ấm dần lên. Từ đó đến nay, có thêm những tiến triển gì so với những kết quả mà nhiều người cho là khiêm tốn tại Hội Nghị Copenhagen?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, hiện cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn - Chương Trình Phối Hợp Quốc Tế về Biến Đổi Khí Hậu và Giảm Thiểu Thiên Tai, có đánh giá về những hoạt động tiếp sau hội nghị Copenhagen, cũng như đưa ra yêu cầu phải kiên quyết hơn trong việc giảm phát thải khí nhà kính:

Bão Conson tấn công Hải Phòng hôm 17/07/2010. AFP PHOTO.
Bão Conson tấn công Hải Phòng hôm 17/07/2010. AFP PHOTO.
“Hội Nghị Copenhagen còn rất nhiều tranh cãi và sẽ gặp nhau tiếp tại hội nghị sắp tới đây  để trao đổi tiếp về những vấn đề đó, nhưng mà tôi nghĩ rằng chính những cái cực đoan mà đang xảy ra trong mùa hè vừa rôi nó sẽ là một cái dẫn chứng rất là cụ thể về cái việc biến đổi khí hậu toàn cầu, và thực tế nó đã chứng minh cho cả thế giới cái nhận định chính xác của cái Báo Cáo Lần Thứ Tư của Ủy Ban Thế Giới về Biến Đổi Khí Hậu là hoàn toàn chính xác, là hoàn toàn đứng đắn, cái xu thế hoàn toàn chính xác. Và điều đó có nghĩa là cái quyết tâm chính trị của các nước có thể mạnh mẽ hơn, và các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế cùng lấy khoa học để nhìn nhận thực tế là việc đó đang diễn ra rồi. Nếu chúng ta không cùng nhau chung sức chung lòng, cùng nhau công tác, mang tính toàn cầu đấy, thì chúng ta sẽ gặp phải những tai họa ngày càng lớn hơn và nó đe dọa an ninh bao gồm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh về nước, rồi vấn đề di dân, tóm lại là an ninh toàn cầu ngày một gay cấn hơn. Tức là nó là một cái việc vô cùng thách đố đối với toàn bộ nhân loại trong thế kỷ 21 này.

Riêng về các diễn biến trong năm nay giới trí thức chúng ta cùng suy nghĩ, đặc biệt là những nhà làm về chính sách của các chính phủ các nước có lẽ sẽ phải ngồi lại với nhau và bàn luận với nhau một cách thực tế hơn trong việc làm sao để đưa ra một cái giải pháp trong chuyện giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, đề ra những giải pháp công nghệ mới để có thể giảm thiểu các mức độ ảnh hưởng hiện nay của vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu đối với cả thế giới.

Sau cái năm 2007 đó, tức 2008 đến giờ, chính phủ rất nhiều nước trên thế giới đã đưa ra một chính sách mà để thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như để giảm thiểu cái vấn đề tác động của biến đổi khí hậu ở mức độ quốc gia, mức độ khu vực, và mỗi một quốc gia đều có chiến lược cụ thể cho vấn đề địa phương của mình. Thực ra cái tác động cụ thể thấy rõ nhất của cái Báo Cáo Lần Thứ Thư đó là tất cả các quốc gia đều nhìn nhận rằng đó là cái xu thế mà đang xảy ra và đã được thừa nhận nó là do con người gây ra và chính nó là cái động lực rất là cơ bản đã đưa ra một chiến lược tổng thể cho quốc gia của mình, cũng như cho khu vực của mình trong vấn đề này. Sau khi Báo Cáo Lần Thứ Tư ra đời thì tất cả các nước và các khu vực, cũng như các quốc gia trên toàn cầu nữa, thấy rằng cần phải đưa ra đường hướng mới, cần phải đưa ra sự hợp tác mới và cách đi mới, mang tính toàn diện hơn, mang tính cụ thể hơn, và có thể làm sao mang tính pháp lý nhiều hơn thì mới giải quyết được vấn đề này.”

Việt Nam đối phó ra sao?

Việt Nam cũng đã đưa ra một số chương trình nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ảnh hưởng cho nhiều vùng miền của Việt Nam. Vậy thực tế triển khai của chương trình đó thế nào?

Sau cái Báo Cáo Lần Thứ Tư đấy thì chính phủ Việt Nam đã đưa ra một Chương Trình Mục Tiêu Quốc Gia để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

TS Nguyễn Hữu Ninh

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh tỏ ra lạc quan với kế hoạch thực hiện của Việt Nam:

“Có thể nói rằng là sau cái Báo Cáo Lần Thứ Tư đấy thì chính phủ Việt Nam đã đưa ra một Chương Trình Mục Tiêu Quốc Gia để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Và cái chương trình đó bao gồm rất nhiều chương trình cụ thể ở cấp trung ương và cấp địa phương. Giảm thiểu cái vấn đề tác động biến đổi khí hậu cũng như phát thải khí hiệu ứng nhà kính. Mặc dù Việt Nam so với trung bình của thế giới hiện nay, trung bình thế giới hiện nay là trung bình độ 6 tấn khí CO2 trên một đầu người trên toàn cầu tính theo tổng thể thì Việt Nam mức độ chừng độ 1 tấn rưỡi đến 2 tấn thôi. Nếu so mặt trung bình thì Việt Nam là nước phát thải thấp, tất nhiên không có nghĩa là chúng ta tăng mức độ phát triển để mà phát thải, không phải như vậy, mà chúng ta sử dụng công nghệ làm sao mà vẫn phát triển kinh tế được mà vẫn giảm phát thải được. Đấy là vấn đề phát thải khí CO2 và khí gây hiệu ứng nhà kính của Việt Nam trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, thì Việt Nam đang hết sức mình trong cái chuyện đó. Tất nhiên nó không phải dễ dàng ngày một ngày hai làm được mà nó yêu cầu một sự quyết tâm của tất cả các phía trong việc này, và kể cả không chỉ Việt Nam nỗ lực mà cộng đồng quốc tế phải giúp đỡ Việt Nam cả về công nghệ, cả về kỹ thuật, và tất cả các vấn đề liên quan khác. Việt Nam đang đi theo một lộ trình như thế.

Giáo sư Đinh Văn Ưu thì chừng mực trong đánh giá của ông về vấn đề này:

Bão Conson gây thiệt hại tại Hải Phòng hôm 18/07/2010. AFP PHOTO.
Bão Conson gây thiệt hại tại Hải Phòng hôm 18/07/2010. AFP PHOTO.
“Ở Việt Nam thì nó cũng đa dạng lắm, tức là về Chương Trình Mục Tiêu Quốc Gia về Biến Đổi Khí Hậu của Việt Nam cũng dự kiến chi gần 2 nghìn tỷ, rồi cái chia cho các địa phương, các ngành cũng phải có chương trình ta gọi là thích ứng riêng của địa phương. Nhưng theo tôi thì những biện pháp cụ thể cũng có thể có ở vùng này vùng khác nhưng nhiều lúc mình mang tính chất người ta gọi là hình thức, mà chưa đi thật sâu vào các nội dung cụ thể, vì nếu mà triển khai một cách ồ ạt, cái gì cũng chưa rõ mà mình làm thì cũng chưa biết đến đâu cả. Nhà nước đầu tư thì đã có rồi nhưng mà nố hệ quả đến đâu thì phải dánh giá cụ thể trong từng vùng. Cái mà ta gọi là tính khu vực hóa, tính địa phương hóa là chưa có. Theo tôi, cái đoạn ấy là cái đoạn về phần nhận thức thì cần phải làm, đúng là phần nhận thức thì mọi người cần phải làm và thông qua nhận thức thì mình mới đi đến chính sách, mới có thể tiến hành được. Nhưng mà cái cơ sở khoa học của nó thì lại cần phải đi sâu hơn vì cơ sở khoa học của mình là chưa vững; chưa đi sâu vào cơ sở khoa học mà sao vào giải quyết trên hiện tượng, và cũng hình dung qua các kịch bản của thế giới thôi. Chứ còn kịch bản của mình thì cũng có kịch bản của mình nhưng kịch bản của mình có độ chính xác đến đâu thì chưa biết, và bản thân các anh cũng nói rằng cần phải thay đổi, nghĩa là trong từng thời điểm một thì người ta có thể chấp nhận nó và việc làm ấy đến đâu theo tôi thì đường lối chung cũng không có gì là sai cả nhưng mà cái cụ thể hóa của nó có vẻ theo tôi là chưa đáp ứng được yêu cầu chung.

Mục Khoa Học- Môi Trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.