Nghịch lý trong phát triển kinh tế Bắc - Nam


2006.01.25

Mai Thanh Truyết & Đỗ Hiếu, RFA

Từ khi có chính sách đổi mới năm 1986 trở đi, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc phát triển kinh tế toàn quốc. Nhưng khi soi rọi vào công cuộc phát triển chung của cả nước, chúng ta thấy có nhiều điều không ổn trong việc đầu tư, phân phối nguồn vốn phát triển cho các vùng đặc biệt là những vùng ở miền Bắc và Nam Việt Nam.

Những điều không ổn trên lại đưa ra thêm nhiều nghịch lý, khi các số thống kê về lợi tức, và khả năng thu hoạch lại đi theo chiều nghịch với số vốn đầu tư ban đầu.

BankOfAmerica150.jpg
Văn phòng của ngân hàng Bank of America ở Hà Nội. AFP PHOTO

Từ đâu nảy sinh ra những nghịch lý trên? Tạp chí Khoa học & Môi trường kỳ nầy tiếp chuyện với Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam có trụ sở tại California, để phân tích vấn đề này.

Tình trạng nghịch lý

Hỏi : Trước hết, xin Tiến sĩ cho biết tổng quát định nghĩa về hai vùng kinh tế Bắc và Nam trong việc so sánh về các nghịch lý trong phát triển?

Đáp : Trước hết, có thể nói Hà Nội và các tỉnh phụ cận là một trung tâm kinh tế và quyền lực, có những cảng quan trọng ở gần như Hải Phòng, và các tỉnh có tầm vóc kinh tế như Quảng Ninh, Hải Dương, Hà tây, Vĩnh Phúc. Đối lại, ở phiá Nam có thành phố Saì Gòn (Tp Hồ Chí Minh) và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Riạ.

Hỏi : Vì lý do gì TS đã minh định hai ranh giới Bắc Nam trên để phân định vấn đề phát triển?

Đáp : Hai vùng vừa kể trên là hai vùng đứng về mặt địa lý và chính trị có thể được xem như là hai đối trọng Bắc Nam để so sánh về phát triển. Vào năm 2002, Hà Nội và các tỉnh kể trên có 10 triệu cư dân, tăng 2,6% so với năm 1999; trong lúc đó thành phố Saì Gòn và các tỉnh lân cận trong thời điểm nầy có 5,1 triệu cư dân, tăng 5,4% so với năm 1999.

Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam số 4/2004 qua bài viết "Kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh năm 2003", kim ngạch xuất khẩu trung bình tính theo đầu người ở phía Bắc (gồm Hà Nội và các tỉnh lân cận trên) là $50:00/năm và ở phía Nam (Saì Gòn và các tỉnh chung quanh) là $785:00/năm.

Hay nếu tính bằng kim ngạch xuất khẩu, trong năm 2003, phía Nam đạt được 4 tỷ Mỹ kim, không tính đến dầu khí. Còn phía Bắc cũng trong thơì gian nầy chỉ thu được $0,50 tỷ tính luôn cả than đá. Đó là một trong những nghịch lý lớn cho sự phát triển giữa hai miền.

Hỏi : Vì đâu Tiến sĩ gọi đó là những nghịch lý? Đáp : Vì Phía Bắc có nhiều ưu tiên về địa lý, chính trị, và được đặt ưu tiên phát triển hàng đầu về hạ tầng cơ sở như đường xá, cầu cống, ... chiếm ưu thế trong xây dựng so với phía Nam. Thêm nữa, mọi ưu đãi về thủ tục hành chánh, cũng như quy hoạch đều đứng trên và trước so với phía Nam.

Phía Bắc có tất cả những ưu điểm và ưu thế mà vẫn không phát triển được. Như vậy là có vấn đề. Và vấn đề trước mắt là phải kể đến con người và não trạng của cấp điều hành kinh tế phía Bắc. Chúng tôi xin đan cử lần lược ba khía cạnh khác nhau của hai miền Bắc và Nam. Đó là yếu tố nhân sự, trình độ chuyên môn, và chính sách phát triển.

Yếu tố con người

Hỏi : Xin Tiến sĩ nói về khía cạnh về yếu tố nhân sự của hai miền?

Đáp : Nhìn tổng quát và so sánh phát triển của cả hai phía Bắc Nam, hầu hết mọi người đều nhận thức rõ nét rằng: Miền Bắc đã "hấp thụ" chủ nghiã xã hội từ năm 1945 và miền Nam từ năm 1975. Ba mươi năm sai biệt đã tạo cho người dân sống ở miền Bắc nhiều quán tính ảnh hưởng đến cung cách làm kinh tế và phát triển khác hơn so với phía Nam.

Phía Bắc, trong 60 năm qua đã kinh qua hệ thống kinh tế hóa tập trung thể hiện qua các hợp tác xã, công ty quốc doanh. Do đó cung cách tiếp cận với kinh tế thị trường tự do, vốn đã quá quen thuộc trong cung cách làm ăn ở phía Nam, vẫn còn lúng túng và gây thêm phiền toái trong thủ tục nhất là khi giao tiếp với những nhà đầu tư ngoại quốc. Từ đó, các nhà đầu tư nội địa cũng như ngoại quốc vẫn còn e ngại không muốn làm ăn với các tỉnh phía Bắc.

Thêm nữa, quán tính thụ động "Xin - Cho - Chờ" của cấp thừa hành và lãnh đạo kỹ thuật kinh tế đã làm thui chột mọi sáng kiến cải cách kỹ thuật vì sợ sệt cấp trên. Tất cả đều mang tâm trạng thụ động, chỉ chờ lãnh đạo cấp cao nhất ra chỉ thị.

Từ cán bộ cho đến công nhân viên đều mang tâm khảm trên, cho nên bộ máy hành chánh ngày càng nặng nề hơn nhưng hoạt động không hữu hiệu, và chắc chắn sẽ là một cản lực lớn cho việc phát triển kinh tế. Với cung cách hành xử như thế, làm thế nào các nhà đầu tư nội địa và ngoại quốc có can đảm ghé mắt vào.

Hỏi : Còn về trình độ chuyên môn thì sao, thưa TS?

Đáp : Từ hệ quả qua sự chậm phát triển, nhân sự chuyên môn ở phía Bắc bắt buộc phải di chuyển vào phía Nam để xây dựng tương lai, do đó chúng ta có thể hiểu được dân số trong vùng phía Nam tăng cao hơn phía Bắc trong cùng khoảng thời gian (5,4% so với 2,6%) mặc dù dân số ở vùng nầy cao gấp 2 lần dân số sống ở phía Nam.

Sự kiện nầy giải thích được tại sao lực lượng lao động ở phía Nam tăng lên 479.000 lao động từ năm 2000 đến 2003, so với phía Bắc là 264.000.

Việc di dân vào phía Nam, quả thật là một việc hiển nhiên. Người lao động, cũng như những nhân sự chuyên môn phải tìm đến những môi trường có điều kiện làm việc nhiều hơn, dễ dãi hơn, và có một đời sống kinh tế dồi dào hơn. Đó là các tỉnh phía Nam.

Hơn nữa, phía Nam, dù đã chịu 30 năm dưới sự quản lý của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghiã, nhưng vẫn còn mang nặng những "vấn vương" còn lại trong thời kinh tế thị trường trước kia. Đây là những điểm thuận lợi nhất để giải thích lý do phát triển kinh tế mạnh mẽ ở phía Nam.

Vì có đầu óc cởi mở, dễ tiếp cận với doanh thương ngoại quốc, cung cách ứng xử có tính cách chuyên môn và chuyên nghiệp, những rào cản qua thủ tục hành chánh tương đối giản dị hơn phía Bắc, cho nên các tư nhân lớn dễ dàng đầu tư vào vùng nầy.

Trong lúc đó, vì còn nhiều quán tính thụ động, cán bộ quản lý phía Bắc thích điều hành doanh nghiệp nhà nước hơn vì không cần động não để đẩy mạnh sản xuất, hay tăng cường phúc lợi cho cơ sở. Lời hay lỗ đều có "nhà nước" lo. Và điều hành doanh nghiệp quốc doanh hoàn toàn không có ý thức trách nhiệm là mong tìm lợi nhuận tối đa cho cơ sở. Đó là lý do tại sao hầu hết các quốc doanh Việt Nam đều phải được bù lỗ hoặc bị phá sản.

Chính sách phát triển

Hỏi : Còn chính sách phát triển thì khác nhau như thế nào?

Đáp : Chúng ta có thể xét qua chính sách đầu tư của Việt Nam. Đứng về phương diện đầu tư, luật doanh nghiệp đã ra đời từ năm 2000, trong đó ghi rõ điều kiện xin giấy phép hoạt động tương đối có bài bản, quy củ hơn trước. Do đó, số doanh nghiệp tư nhân xin gia nhập tăng lên rất nhiều.

Hiện nay, có vào khoảng trên 70.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Đó là phần do tư nhân, cũng như tư nhân hợp tác với nhà nước theo thể thức liên doanh. Nhưng đó chỉ là những thủ tục trên giấy tờ. Trên thực tế, vẫn còn phảng phất doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp quốc doanh dưới dạng tư nhân.

Một số tỉnh ở phía Bắc có khuynh hướng dễ nhận đăng ký hoạt động của những doanh nghiệp tư nhân nhưng có "liên hệ" tốt với chính quyền, hoặc những nhân sự có quyền lực của chế độ. Từ đó, hệ quả từ các liên hệ trên là, dù cùng là doanh nghiệp tư nhân cả, nhưng những doanh nghiệp tư nhân nào không có liên hệ "tốt" sẽ khó tranh dành được các ưu đãi của cơ quan quản lý địa phương.

Và điều nầy đã biến một số doanh nghiệp tư nhân trở thành một hình thức quốc doanh mà thôi. Sự kiện trên đã xảy ra rất nhiều nơi ở miền Bắc. Dĩ nhiên là phát triển trong điều kiện trên phải bị trì trệ nếu không nói là tụt hậu so với phía Nam.

Hỏi : Để kết luận TS có nhận định bổ túc thêm về các nghịch lý kể trên như thế nào?

Đáp : Qua các phân tích trên, chúng ta nhận thấy rằng các tỉnh phía Bắc, chung quanh Hà Nội, có đủ tất cả điều kiện cần thiết để đẩy mạnh phát triển kinh tế hơn các tỉnh phía Nam, chung quanh Saì Gòn. Các điều kiện gồm cả thiên thời, địa lợi, và nhân hòa.

Thiên thời là do Việt Nam đang ở vào thời điểm toàn cầu hóa và thế giới Tây Phương rất muốn và đang trợ giúp Việt Nam có ổn định về an ninh để làm đối trọng cho các bành trướng đế quốc phương Bắc.

Địa lợi là do địa thế và nhu cầu của người dân ở vùng nầy thuận lợi hơn cho tiến trình phát triển kinh tế vì nhu cầu của người dân sống nơi đây lớn hơn nhiều so với người dân sông ở phía Nam.

Và ưu điểm cao nhất là nhân hòa, vùng phía Bắc được cả một tập thể lãnh đạo Việt Nam tiếp sức và triệt để ủng hộ trong cả chính sách, nhân sự, và ưu tiên đầu tư ... so với phía Nam.

Nhưng ba thuận lợi trên không đem lại ưu thế về phát triển kinh tế cho phía Bắc, mà là một sự phát triển thụt luì so với phía Nam. Chính yếu tố nhân hòa đã làm tiêu diệt tính cạnh tranh về phát triển kinh tế, một đặc tính người Việt ở miền Bắc có ưu điểm cao hơn nhiều so với người miền Nam trước đây.

Nghịch lý trong phát triển giữa phía Bắc và phía Nam ít ra cũng nêu lên được một số bế tắc của Việt Nam trong lãnh vực phát triển quốc gia. Ngày nào các nghịch lý nầy còn tồn tại, niềm hy vọng cho kinh tế Việt Nam cất cánh thành Rồng Đông Nam Á vẫn còn xa vời vợi.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.