Biodiesel sinh học

Trong khuôn khổ công trình nghiên cứu ra các loại nhiên liệu sinh học mà chính phủ Việt Nam đề ra trong mấy năm gần đây nhằm giúp có thể tìm kiếm các loại nhiên liệu thay thế cho sản phẩm xăng dầu, một số đơn vị trong nước cũng tận dụng các loại nguyên liệu để sản xuất ra nhiên liệu sinh học biodiesel. Hoạt động đó đến nay tiến triển ra sao?
Gia Minh, phóng viên đài RFA
2009.10.22
Cây, quả và hạt cây Jatropha Cây, quả và hạt cây Jatropha. Photo courtesy Saga.vn
Photo courtesy Saga.vn

Tin tức trong nước cho biết một công ty tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long là Công Ty Green Biofuel Co., LTD điều chế thành công dầu sinh học từ mỡ cá tra và đã có đơn hàng xuất sản phẩm đều đặn sang Singapore.

Ông Trịnh Minh Tú, Giám Đốc Cty TNHH Minh Tú - Green Biofuel Co.,LTD, cho biết:

Chưa được thuận lợi

Ông Trịnh Minh Tú: Hiện tại bây giờ về cái dầu sinh học thì vấn đề lưu thông trong nước thì nó chưa được thuận lợi lắm do nhà nước chưa có ban hành cái quy chuẩn để pha chế nhiên liệu sinh học phân phối ở ngoài thị trường. Thì bây giờ sản phẩm của nhà máy là phải tìm những đối tác nước ngoài để mà phân phối là chính. Thật ra thì công suất nhà máy mình lắp đặt là 50 tấn/ngày nhưng mà hiện bây giờ thì mình mới sản xuất khoảng 3 tới 50% công suất thôi. Gần đây nhứt thì nó có nhiều tín hiệu rất tốt và có thể là trong cái tương lai gần hơn mình sẽ hoạt động hết trăm phần trăm công suất.

Gia Minh: Vậy thì ông có thể cho biết những tín hiệu tốt đó là những điều gì, thưa ông?

Ông Trịnh Minh Tú: Thứ nhứt là cái quy chuẩn của Việt Nam thì gần đây nhứt là có thông tin là nó sắp được ban hành, và có một số những tập đoàn dầu khí, như tập đoàn dầu khí Petromekong ở Cần Thơ, thì họ đã tiến hành đàm phán với mình về cái việc cung cấp cho họ để họ pha chế vào trong cái nhiên liệu để mà bán rộng rãi ra ngoài cho người tiêu dùng.

Thông tin có nhiều, nhiều là ở mức độ nào, chớ còn nếu mà nhiều để cho mình đủ sản xuất với quy mô công nghiệp thì thực ra vấn đề này là phải xem lại, vì nó không có nhiều đâu.

Ông Trịnh Minh Tú

Gia Minh: Còn đối với vấn đề ban hành cái quy chuẩn pha chế như ông nói là nó chậm, thì theo đánh giá của công ty thì là vì sao?

Ông Trịnh Minh Tú: Cái này thì do bên phía nhà nước thôi chớ còn bên công ty thì thực ra cũng bị ảnh hưởng do cái sự chậm trễ từ phía nhà nước, còn cái chuyện nhanh hay chậm là do cái tổ chức để mà giám định về tỷ lệ pha cũng như là các đối tác, các đơn vị tiêu dùng mà nó có cái pháp lý để mà pha chế. Thì thực ra nó cũng là vấn đề về an toàn khi mà cái này nó lưu thông ra thị trường, tránh những điểm không tốt xảy ra như là cái vụ đã có cái dầu giả. Thật ra thì cái chất lượng của nhà máy mình sản xuất thì nó đã xuất khẩu sang Singapore với tiêu chuẩn hiện bây giờ là đang sử dụng tiêu chuẩn của Mỹ, tiêu chuẩn RFM của Mỹ. Còn cái dầu giả thì thực sự ra là nó không tuân thủ theo một quy chuẩn khoa học nào hết; người ta chỉ là gian lận thương mại thôi. Cái chất lượng thì chắc chắn là nó không có đạt rồi.

Viện Khoa Học Vật Liệu và Ứng Dụng tại TP.HCM lâu nay cũng tham gia trong công tác nghiên cứu công nghệ sản xuất biodiesel từ các loại dầu thực vật. Giáo sư Hồ Sơn Lâm, viện trưởng của đơn vị nghiên cứu này cho biết thực tế hoạt động trong lãnh vực mà ông tham gia lâu nay:

GS Hồ Sơn Lâm: Xí nghiệp Minh Tú họ sản xuất biodiesel từ mỡ cá basa thì đã sản xuất lớn và đã có hợp đồng xuất khẩu sang Singapore rồi, còn đối với các loại dầu thực vật khác thì nói chung là cũng đang nằm ở cái chỗ là đang thực hiện cái chiến lược các đề án nhiên liệu sinh học của chính phủ, do đó cho nên là mới được 2 năm thành thử cũng đang ở trong cái mức độ, tức là đang xây dựng các đề tài, đang triển khai một số cái hướng, cho nên cũng chưa có cái nhà máy nào lớn cả.

Gia Minh: Cái khả năng thì Giáo Sư đánh giá như thế nào ạ?

Tài nguyên phong phú?

GS Hồ Sơn Lâm: Thì tôi nghĩ nó vẫn tốt thôi bởi vì hiện nay một số nước ví dụ như là ở Châu Âu chẳng hạn thì người ta phải định lại cái chuyện này, lý do là vì cái nguồn nguyên liệu của họ không cho phép họ sản xuất được với cái giá có thể cạnh tranh được với cái diesel dầu mỏ. Thế nhưng ở Việt Nam thì tình hình nó khác bởi vì cái tài nguyên dầu thực vật của Việt Nam nó phong phú hơn nhiều và nó là bốn mùa, lúc nào cũng có cả, cho nên là nó khác. Tôi nghĩ là cái khả năng phát triển của Việt Nam nó tốt hơn rất nhiều.

Gia Minh: Đã qua 2 năm rồi nhưng mà sao chương trình thì nó vẫn chưa có thể phát triển nhanh lên, thưa Giáo Sư?

GS Hồ Sơn Lâm: Nó vốn dĩ vẫn chậm, cái gì nó mới thì nó đến và nó đi rất là chậm, ví dụ như công nghệ của chúng tôi nó được hoàn thiện và nó có thể ra sản phẩm quy mô lớn, thế nhưng mà để đầu tư cho một sản phẩm, một công trình như vậy thì nó đòi hỏi phải có vốn, nhưng mà vốn nói chung thì cũng khó, thành thử ra nó chậm là ở cái chỗ đó. Còn mà để được nhà nước hay là để cho ai đó hỗ trợ thì tất nhiên là con đường giải trình, giới thiệu nó phải là rất dài, nhiều khi ở đây công việc đáng làm thì nó chỉ một vài tháng nhưng có khi nó kéo dài hai ba năm thì cũng phải chờ thôi, không còn cách nào khác cả.

Thế nhưng ở Việt Nam thì tình hình nó khác bởi vì cái tài nguyên dầu thực vật của Việt Nam nó phong phú hơn nhiều và nó là bốn mùa, lúc nào cũng có cả, cho nên là nó khác.

GS Hồ Sơn Lâm

Giáo sư Hồ Sơn Lâm tỏ ra lạc quan về nguồn nguyên liệu tại Việt Nam để phục vụ việc sản xuất biodiesel. Ông nói:

GS Hồ Sơn Lâm: Quan điểm của tôi nó khác ở cái chỗ bọn tôi xây dựng công nghệ mà công nghệ đó dựa lên sự đa dạng các loại hạt có dầu, do đó cho nên là nó không quan trọng lắm trong cái chuyện tức là loại dầu này hay loại dầu kia. Các loại dầu thì đều có tinh chất hóa học hoàn toàn giống nhau, nó có thể sản xuất biodiesel được. Còn cái ổn định thì tôi nghĩ rằng là ở nước Việt Nam nó ổn định hàng nghìn năm nay rồi và nó rất là nhiều, nếu như ước tính không thôi thì bình thường ngay bây giờ có thể thu lượm ở trong dân hay là người ta đem đến bán cho mình một cách tự nhiên không thì độ một năm cũng phải là khoảng vài chục triệu tấn hạt, cho nên là cái khả năng sản xuất 2-3 triệu hay 4-5 triệu tấn B 100 thì nó cũng bình thường thôi chứ không khó khăn lắm. Tức là không kể những doanh nghiệp người ta đầu tư để người ta trồng lớn đấy.

Gia Minh: Những loại cây mà có dầu thì như là những cây Jatropha thì nó đều cũng phải được trồng chứ, thưa Giáo Sư?

GS Hồ Sơn Lâm: Tất nhiên, như Jatropha thì nó được trồng và nó đã được trồng từ lâu rồi. Trên Tây Nguyên đồng bào đã trồng rồi; Ninh Thuận, Bình Thuận người ta cũng đã trồng rồi; Đắc Lắc, Gia Lai gì đấy người ta cũng đã trồng rồi; cho nên cái người ta có thể có mà chưa cần phải ra các ruộng lớn - các doanh nghiệp người ta trồng lớn, số lượng đó đã nhiều. Còn ngoài ra ở Việt Nam có rất là nhiều các loại cây tự nhiên nó đã có hạt có dầu rồi. Và những cái đó không phải là dầu thuộc loại dầu ăn được, do đó cho đến nay vẫn chưa sử dụng hết. Và trên cơ sở đó có thể sử dụng để làm nhiên liệu được.

Gia Minh: Dạ, thưa Giáo Sư, đó là những loại cây nào để cho người dân người ta cũng phải biết chứ không rồi người ta cũng phá đi để người ta lấy đất người ta làm những chuyện khác ạ.

GS Hồ Sơn Lâm: Tất nhiên rồi. Cái đó người ta có thể trồng được rất là nhanh hoặc là những cây người ta đã có sẵn, cây rừng ví dụ như là "cây đen lá hẹp" người ta trồng để lấy gỗ chẳng hạn thì nó có rất là nhiều, hay là "cây sở" chẳng hạn cũng rất là nhiều. Dầu chè về mặt nguyên liệu, theo quan điểm của tôi, tức là nếu cứ để tự nhiên hoặc là khuyến khích người ta chăm bón, người ta tận thu tất cả những cái đó thì cả nước này rất là nhiều, chứ không phải là ít. Lẽ tất nhiên khi mà nhà nước chấp nhận một đề án như vậy thì tất nhiên là phải có những cái giới thiệu, những cái thông báo để cho người ta có thể đến người ta bán cho mình hoặc là người ta thu gom người ta bán thì chắc là số lượng nó sẽ rất là lớn.

An ninh lương thực

Trong khi đó thì ông Trịnh Minh Tú có ý kiến ngược lại:

Ông Trịnh Minh Tú: Tôi nghĩ là hiện nay cái nguồn nguyên liệu để làm ra cái nhiên liệu sinh học này thì nó cũng còn rất là hạn chế, và cũng có một số những tranh cãi về an ninh lương thực đối với các nguồn nguyên liệu khi mà trồng rộng rãi, thì cái này là cái việc mà nhà nước cần phải có những quy hoạch cụ thể những vùng nguyên liệu này cho nó phù hợp với cái điều kiện cũng như cái vấn đề đảm bảo được cái an ninh lương thực.

Nói chung, nguyên liệu thì rất nhiều nhưng mà khi sử dụng cho nhiên liệu sinh học thì liệu nó có ảnh hưởng tới các nguồn khác không, mà chủ yếu là các nguồn lương thực.

Ông Trịnh Minh Tú

Gia Minh: Cũng có ý kiến nói rằng là những nguồn nguyên liệu để mà làm nhiên liệu sinh học ở Việt Nam thì nó rất là dồi dào, thưa ông?

Ông Trịnh Minh Tú: Thực ra đó chỉ là thông tin thôi chớ còn theo tôi cũng đã từng nghiên cứu rất là nhiều vùng thì hiện nay ở trong nước mình chỉ có sắn (khoai mì) là có thể làm ethanol, thì cái đó là có thể. Nhưng mà khi dùng sắn làm ethanol thì nó sẽ ảnh hưởng tới một số những cái khác, thí dụ như thực phẩm gia súc hoặc là những cái nguồn để làm bột ngọt đó, thì dĩ nhiên người ta cũng dùng sắn. Mía, đường mía, thì cái này nói chung mình phải tính toán. Nói chung, nguyên liệu thì rất nhiều nhưng mà khi sử dụng cho nhiên liệu sinh học thì liệu nó có ảnh hưởng tới các nguồn khác không, mà chủ yếu là các nguồn lương thực.

Gia Minh: Những cái loại cây, những cái loại hạt có thể cho dầu thì người ta nói là cũng dồi dào lắm, cũng ở khắp nơi ở Việt Nam và nếu mà tận thu được hết thì nó vẫn dư để mà cung cấp đó, thưa ông?

Ông Trịnh Minh Tú: Việc cây lấy dầu thì thực ra ở Việt Nam hiện nay không có nhiều. Thông tin có nhiều, nhiều là ở mức độ nào, chớ còn nếu mà nhiều để cho mình đủ sản xuất với quy mô công nghiệp thì thực ra vấn đề này là phải xem lại, vì nó không có nhiều đâu. Và một cái nữa là hiện nay các cây để lấy dầu thì nó không riêng gì để làm nhiên liệu sinh học mà nó còn để dùng cho thực phẩm, ví dụ như là dầu dừa, dầu đậu nành, hay là một số những loại dầu mà người ta dùng làm thực phẩm được thì khó có thể sử dụng nó làm nhiên liệu sinh học được, tại vì lý do là giá thành rất là cao.

Qua trình bày của một đơn vị tư nhân và một cơ quan nghiên cứu về biodiesel thì dường như con đường đi đến việc tận dụng các nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước để sản xuất ra thêm một loại nhiên liệu phục vụ cuộc sống mà có thể góp phần làm giảm bớt ô nhiễm vẫn còn khá dài.

Mục Khoa Học Môi Trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quý thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
07/12/2009 11:11

tại sao nhiên liệu sinh học thải ra ít khí thải hơn nhiên liệu hóa thạch