Kiểm soát nguồn nước sông Mêkông thế nào?

Từ bao đời, hằng năm nước Sông Mêkông tràn về khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long mang lại phù sa bồi đắp cho đất vùng này. Thời gian nước về dâng ngập đất đai được dân cư địa phương gọi là ‘mùa nước nổi’.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.05.24
Một nhánh sông Mêkông ở ĐBSCL. Một nhánh sông Mêkông ở ĐBSCL.
RFA PHOTO

Tuy nhiên hơn chục năm qua, chính quyền tại một số địa phương thuộc vùng ĐBSCL đã phát động phong trào xây bờ bao, đê bao để kiểm soát nguồn nước lũ tràn về. Mục đích được cho biết nhằm tăng sản lượng lúa qua việc tận dụng quĩ đất nông nghiệp, không để cho ngập nước suốt cả nửa năm trời như trước kia.

Thực tế hoạt động canh tác của người dân trong khu vực đê bao ra sao? Hiệu quả của biện pháp bao đê, đắp bờ với mục đích kiểm soát nguồn nước dòng Sông Mêkông thế nào? Đây là đề tài của chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.

Ngăn cản phù sa?

Nếu có làm ruộng thì chỉ một vài công, mà qua tới tháng 10 mới làm. Nước năm rồi ít, do ngăn lại nên không vô được.

Nông dân ĐBSCL

Truyền thông Việt Nam trong mấy năm qua đã có những bài viết về hiệu quả của hệ thống đê bao được dựng lên để kiểm soát nước lũ của ĐBSCL. Có ý kiến cho rằng các bờ bao, đê bao ra đời hơn chục năm qua giúp tăng sản lượng lúa của vùng được cho là vựa lúa lớn nhất nước Việt Nam; trong khi đó cũng có ý kiến nói chính những đê bao đang làm nghèo đi vùng đất màu mỡ giàu phù sa sông nước Cửu Long.

Những người nông dân sống tại các khu vực có đê bao cho biết về tác động của hệ thống kiểm soát nguồn nước lũ của Sông MêKông đổ về hằng năm đối với các vụ mùa của họ ra sao?

Một nông dân tại khu vực Tân Châu, tỉnh An Giang sau vụ mùa đông xuân năm nay, và khi lúa cho vụ hè thu của gia đình ông cũng đã gieo cấy xong đang lên xanh tốt, cho biết thực tế năng suất cũng không tăng lên bao nhiêu; mục đích của Nhà Nước chỉ để tạo công ăn việc làm cho nông dân thôi. Anh nói rõ khi có nước lũ vào thì đất tốt hơn, còn nay đất qua thời gian bị bạc màu phải sử dụng nhiều phân bón.

Bao đê làm được ba vụ xả nước ra dân nghèo không có việc làm. Ở Tân Châu này không thiếu nước vì gần Sông Tiền, Sông Hậu.Nay thì vậy còn tương lai không biết sao. Hiện đang cấy dặm thêm, làm được 40 giạ một công. Ngoài ra còn làm thêm rẫy, chăn nuôi nhỏ nhỏ. Ăn đủ ăn, nhưng tiêu thiếu.

Một đoạn đê bao để không ngập nước vào ruộng ở ĐBSCL. RFA PHOTO.
Một đoạn đê bao để không ngập nước vào ruộng ở ĐBSCL. RFA PHOTO.
Xuôi dọc Sông Hậu về miệt Cần Thơ đến một rạch lớn từ dòng chảy lớn, chúng tôi rời xuồng lên đến khu trồng rau của một gia đình nông dân nằm không mấy xa bờ bao dòng nước. Hai vợ chồng nông dân đang tưới rau cho biết họ không còn canh tác lúa vì lý do không đủ nước sau khi hệ thống bờ bao được đắp lên.

Người vợ nông dân cho biết:

Chúng tôi không trồng lúa nữa vì lâu ăn.

Và chồng tiếp lời về cuộc sống nông nghiệp của họ bao đời qua bên dòng nhánh của Sông Mê Kông:

Ở đây ít ai làm ruộng lắm, từ đường lộ vào đây ít ruộng lắm; đất hầm, gò cao nên người ta làm rẫy. Tháng này đào sâu xuống cũng không có nước vì không có đường nước vô. Nếu có làm ruộng thì chỉ một vài công, mà qua tới tháng 10 mới làm. Nước năm rồi ít, do ngăn lại nên không vô được. Ngoài ra do qui hoạch nên làm vụ mùa ngắn thôi không dám làm đường dài, là, lặt vặt cực hoài.

Cần làm đê bao mở

Có đê bao thì người ta có thể làm hai vụ, ba vụ và thậm chí hơn ba vụ … từ đó sản lượng lúa, trong khi đó về lâu về dài có những hạn chế. Hiện nay có đề xuất phải làm đê bao mở.

TS Trần Thanh Bé

Còn giới khoa học đánh giá thế nào về hiệu quả của hệ thống đê bao nhằm kiểm soát nước lũ của Sông Mêkông đổ về ĐBSCL hằng năm?

Tiến sĩ Trần Thanh Bé, nguyên trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL có đánh giá như sau:

Mặc dù có chủ trương sống chung với lũ, không kiểm soát lũ như ở miền Bắc, thì lại có tư tưởng làm đê bao từng vùng. Thực tế có thể mang lại lợi ích cho những vùng có đê bao: ví dụ khi có đê bao thì người ta có thể làm hai vụ, ba vụ và thậm chí hơn ba vụ … từ đó sản lượng lúa, lương thực tăng lên. Trong khi đó về lâu về dài có những hạn chế. Hiện nay có đề xuất phải làm đê bao mở.

Chưa có tổng kết về tác động của hệ thống đê bao đối với những vùng còn lại; tuy nhiên có thể thấy rõ những vùng ngoài đê bao bị lũ nhiều hơn, sâu hơn, kéo dài hơn; từ đó thiệt hại nghiêm trọng hơn. Đê bao có thể giúp tăng sản lượng ở vùng có đê, nhưng vì nước không vào đồng ruộng được tràn đi chỗ khác gây ngập lụt, cần phải tính toán, cân đối về mặt lợi và hại. Tuy nhiên đó mới chỉ là cảm nhận, chưa có những nghiên cứu cụ thể, cần phải có những nghiên cứu khác nữa, đặc biệt nghiên cứu thích ứng biến đổi khí hậu.

Sông Mêkông ở ĐBSCL. RFA PHOTO.
Sông Mêkông ở ĐBSCL. RFA PHOTO.
Nhiều người cũng đang nghĩ đến giải pháp công trình: làm đê ngăn mặn, cống ngăn mặn. Tuy nhiên giải pháp công trình chỉ có thể thực hiện tại những vùng ít sông nước, một vài cửa sông thôi mới có hiệu quả, còn những vùng có quá nhiều cửa sông từ mọi hướng làm sao có thể bao cho kín? Đối với chúng tôi những người làm công tác phát triển nông nghiệp- nông thôn, cần có những giải pháp phi công trình, giải pháp kỹ thuật để nâng hiệu quả sử dụng nước…

Một chuyên gia khác tại Khoa Môi trường, Đại học Cần Thơ là tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, cho biết cụ thể về những vùng có đê bao ngăn lũ và  có những đề xuất liên quan hệ thống đê bao kiểm soát nước lũ Sông Mêkông về ĐBSCL:

Đê bao ngăn lũ chủ yếu thực hiện tại những vùng thượng nguồn An Giang, Đồng Tháp với một phần của Hậu Giang, Cần Thơ. Mục đích là để tăng năng suất, tăng vụ trên diện tích đất. Chúng tôi cũng có người nghiên cứu tác động đê bao và tổng kết thấy rằng có thể tăng năng suất nhưng về lâu dài chúng tôi thấy không thể dùng đê bao ngăn lũ liên tục. Tác động như tại khu giữi Sông Tiền, Sông Hậu thuộc An Giang do Úc giúp mấy năm trước đây nay cũng phải chỉnh sửa không khép kín nữa, mà phải để nước lưu thông; nếu không hàm lượng ôxy sẽ kém, cũng như trường hợp phân bón tồn đọng nhiều khiến nước sinh ra tảo màu xanh, lục bình, rau mác tức hiện tượng ‘phú dưỡng’… Bây giờ có ý kiến của cả chính quyền địa phương cần có những năm phải xả  để giúp làm thay đổi môi trường; đặc biệt trầm tích.

Nhiều nông dân nay cũng thấy được điều đó: không ngăn lũ hoàn toàn mà chừng hai năm cho lũ vào theo cách thức như chung sống với lũ… Đó cũng là khuyến cáo của các nhà khoa học, tuy nhiên hoạt động này chưa trở thành một chính sách cho toàn vùng ĐBSCL.

Cũng phải chỉnh sửa không khép kín nữa, mà phải để nước lưu thông; nếu không hàm lượng ôxy sẽ kém, cũng như trường hợp phân bón tồn đọng nhiều khiến nước sinh ra tảo.

TS Nguyễn Hữu Chiếm

Hồi năm 2005, tác giả Nguyễn Viết Thịnh thuộc Đại học Tiền Giang cũng đưa ra ý kiến nêu rõ ‘đất đai vốn màu mỡ qua các mùa nước nổi nay đang dần bạc màu vì dòng nước mang nặng phù sa không vào được đồng ruộng. Việc cải tạo đất bạc màu, nhiều sâu rầy bằng cách tăng cường phân bón hóa học, thuốc trừ sâu chỉ thấy lợi trước mắt đôi chút nhưng vô cùng nguy hại về môi trường sinh thái, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.

Nguồn lợi về xuất khẩu thủy sản lâu nay cũng đang mất dần ưu thế do sản phẩm đang dần bị nhiễm nhiều hơn dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Nguyên nhân chính suy cho cùng, do điều kiện tự nhiên vốn có bị xâm hại”

Tiến sĩ Trần Thanh Bé cho biết hiện các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và các cơ quan chức năng có kế hoạch phối hợp để có thể giải quyết những tác động bất lợi do hệ thống đê bao, bờ bao mà một số tỉnh đắp lên lâu nay.

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.