Tác động của biến đổi khí hậu

Năm 2012 là thời điểm kết thúc giai đoạn một của Nghị định thư Kyoto về vấn đề cắt giảm khí thải gây hiện tượng ấm nóng toàn cầu lâu nay.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.01.09
000_Par6694346-305.jpg Thành viên của nhóm Sierra trên bãi biển Durban vào ngày 02 tháng 12 năm 2011
AFP photo

Suốt nhiều năm qua Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị các bên chống biến đổi khí hậu để có thể đi đến thống nhất một thỏa thuận mới cho giai đoạn tiếp theo vì tính cấp bách của vấn đề.

Trong chuyên mục Khoa học-Môi trường kỳ này, Gia Minh hỏi chuyện tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Môi trường, gọi tắt là CERED. Ông là một trong hai nhà khoa học Việt Nam tham gia soạn thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu hồi năm 2007.

Phải chung tay giải quyết...

Gia Minh: Các nhà khoa học trong thời gian qua tiến hành nhiều cuộc hội thảo, vậy vấn đề quan trọng nhất đối với trái đất hiện nay là gì, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Ninh: Vấn đề quan trọng nhất mà giới khoa học đưa ra là khí CO2 và các loại khí nhà kính tăng lên một cách đáng kể, và trong năm vừa rồi thấy tăng rõ ràng. Rồi băng ở Bắc Cực cũng tan nhanh hơn dự kiến. Tất cả những điều đó cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với tính toán ban đầu. Rõ ràng tác động của con người, tác động của việc công nghiệp hóa của các nước, tác động của khí thải do sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch rất nhiều.

Bây giờ rõ ràng những nước chủ chốt nhất vẫn chưa muốn cắt giảm khí thải. Lý do khi nền kinh tế thế giới đang bị suy thoái thế này mà phải tham gia vào cuộc cạnh tranh năng lượng mới với giá thành đắt hơn, sẽ khiến cho tính cạnh tranh về kinh tế của họ bị giảm. Chính vì vào thời điểm mà giới kinh doanh và giới chính trị không muốn quá đi sâu vào vấn đề này nên gặp nhiều khó khăn cho vấn đề này.

Gia Minh: Đây là vấn đề ‘sống còn’, vậy cảnh báo của giới khoa học không có tác dụng gì sao?

Dù khó khăn nhưng ai cũng biết nếu không làm thì tất cả sẽ phải gánh chịu hậu quả chưa thể nào lường trước được trong vòng vài chục năm tới chứ chưa nói đến một thế kỷ nữa đâu.

TS Nguyễn Hữu Ninh

TS Nguyễn Hữu Ninh: Thực ra tiếng nói của các nhà khoa học có tác dụng rất lớn. Nhờ đó mà từ năm 2007 đến nay, chính phủ và giới công nghiệp của các nước đều đưa khái niệm ‘nền kinh tế xanh’ vào lộ trình của họ rồi. Trong bốn năm qua, ‘kinh tế xanh’ không còn là khái niệm xa vời nữa. Hầu như nước nào cũng đưa vào lộ trình của họ; vấn đề là thực hiện nhiều hay ít tùy thuộc vào từng nước, tùy thuộc vào nền kinh tế của họ.

Trong thực tế nhưng nước chịu nặng vì biến đổi khí hậu đã nói lên nhiều rồi. Nhưng theo tôi nghĩ những quốc gia ‘chủ chốt’ nhất vẫn là những nước quyết định trong những cuộc đàm phán. Theo tôi nghĩ đây giống cuộc đấu tranh rất quyết liệt. Mà không chỉ giới khoa học, các dân tộc trên thế giới phải cùng nhau đấu tranh, chia sẻ công việc đó. Thực tế đã xảy ra như thế rồi. Dù khó khăn nhưng ai cũng biết nếu không làm thì tất cả sẽ phải gánh chịu hậu quả chưa thể nào lường trước được trong vòng vài chục năm tới chứ chưa nói đến một thế kỷ nữa đâu.

...chuyện "sống còn" của thế giới

Gia Minh: Ngoài tình trạng băng Bắc Cực tan nhanh hơn, trong năm qua tiến sĩ thấy còn có những hiện tượng gì nữa?

000_Par6705981-250.jpg
Một đứa trẻ đứng trước một khu vườn với những vỏ xe tại một thị trấn được thiết lập theo chương trình "Green Street" ở Nam Phi. AFP photo
Một đứa trẻ đứng trước một khu vườn với những vỏ xe tại một thị trấn được thiết lập theo chương trình "Green Street" ở Nam Phi. AFP photo
TS Nguyễn Hữu Ninh: Điều rất rõ là hiện tượng cực đoan của khí hậu trong năm qua. Bão, lũ, hạn hán xảy ra nhiều so với những năm trước. Giá trị cực trị của chúng rất lớn, rồi tần suất nhất là của bão so với trước lớn hơn nhiều. Tại Châu Phi hạn hán xảy ra khiến hằng trăm triệu ngừơi thiếu lương thực. Thế giới nay có bảy tỷ người rồi và trong số này hằng tỷ hoặc thiếu ăn, hoặc ăn không đủ dinh dưỡng. Mục tiêu Thiên niên kỷ về nước uống cho thấy nước uống mỗi ngày một khan hiếm hơn. Số nước ngọt cho mỗi đầu người giảm đi, nước bị ô nhiễm, sản lượng cá đánh bắt cũng giảm đi rất nhiều…

Trên tổng thể các tác động đó được nhìn thấy ở mọi khía cạnh chứ không phải chỉ có băng ở Bắc Cực … Nền kinh tế bị tác động nhiều do biến đổi khí hậu. Bốn năm về trước người ta có thể nghi ngờ; nhưng đến lúc này không một ai có thể nghi ngờ.
Việt Nam là một trong những nước bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong năm qua chúng ta thấy rõ lụt lội, bão tố thế nào rồi. Ở Thái Lan trong suốt những tháng vừa qua phải hứng chịu mưa khác thường trong cả 50 năm qua, bị đổ bộ bởi áp thấp bất thường… Như thế năm nay Thái Lan có thể mất nhiều triệu tấn lương thực.

Gia Minh: Ông có nhắc đến Việt Nam, nhưng trong năm qua bão vào Việt Nam có ít hơn?

TS Nguyễn Hữu Ninh: Vấn đề không phải bão ít hay bão nhiều. Vấn đề là cộng với bão, cộng với mưa thất thường, mưa trên diện rộng; đồng thời lượng mưa đổ xuống, đặc biệt như ở miền Trung trong năm qua, rất lớn. Các kịch bản đưa ra với các giá trị cực đoan bị thay đổi rất nhiều rồi. Trước đây thời tiết thuận hòa, nhưng trong những năm qua bão tố, lụt lội hoàn toàn khác thường. Theo số liệu thống kê là bất thường.

Nay không phải là lúc ngồi bàn nữa. Chúng ta đang chuẩn bị biện pháp mạnh mẽ vì đó là vấn đề sống còn của một quốc gia mà chúng ta phải cố gắng.

TS Nguyễn Hữu Ninh

Gia Minh: Việt Nam có những biện pháp tích cực ra sao?

TS Nguyễn Hữu Ninh: Mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được Việt Nam đề ra từ năm 2009 đến nay. Hiện đang trong giai  đọan thực hiện. Công tác truyền thông giúp nâng cao hiểu biết về biến đổi khí hậu cho toàn thể người dân từ thấp đến cao. Sắp đến cũng đưa chương trình giáo dục về biến đổi khí hậu vào tất cả các cấp học nhà trường. Từ năm 2007 đến nay nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về biến đổi khí hậu  khác trước nhiều lắm rồi. Có thể nói từ ‘biến đổi khí hậu’ hiện rất phổ biến ở Việt Nam.

Theo tôi đó là một thay đổi cơ bản. Qua việc hiểu nước biển dâng lấn vào đất liền, sói lở, triều cường đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh, nên ai cũng thấy đối phó là bình thường rồi. Nay không phải là lúc ngồi bàn nữa. Chúng ta đang chuẩn bị biện pháp mạnh mẽ vì đó là vấn đề sống còn của một quốc gia mà chúng ta phải cố gắng.

Gia Minh: Cám ơn tiến sĩ.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.