Những kỷ lục về môi trường và biển, đảo tại Việt Nam

Một số kỷ lục trong lĩnh vực môi trường, cũng như về biển và hải đảo Việt Nam vừa được cơ quan chức năng Hà Nội công bố hồi đầu tháng 6 vừa qua. Đó là những kỷ lục gì? Và thực trạng của một số nơi được mệnh danh là kỷ lục trong lĩnh vực môi trường, cũng như kỷ lục về biển và hải đảo đó ra sao?
Gia Minh, RFA
Bãi biển Trà Cổ Bãi biển Trà Cổ
skydoor.net photo

Bảy kỷ lục môi trường

Bảy kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực môi trường được công bố hồi ngày 2 tháng 6 vừa rồi bởi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Tin Môi trường-Tin nhanh về Môi trường Việt Nam.
Những kỷ lục đó gồm Trung tâm cứu hộ Linh trưởng có số lượng lớn nhất ở Đông Nam Á, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Hồ Ba Bể- Wikimedia Commons photo
Hồ Ba Bể ở Bắc Kạn được xếp là hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đá vôi độc đáo nhất Việt Nam. Hồ Thác Bà thuộc thị trấn cùng tên tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Viện Hải Dương học Nha Trang là nơi lưu trữ và bảo tồn bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất trong nước. Kỷ lục tiếp theo được trao cho Nhà máy xử lý rác tại bãi Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đây được cho là nhà máy chế biến rác thải nilon thành dầu đầu tiên ở Việt Nam. Hệ thống năng lượng mặt trời tại khu công nghệ cao ở quận 9, thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là hệ thống năng lượng mặt trời lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Cuối cùng là kỷ lục dành cho nhà máy điện gió tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là nhà máy điện gió lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Chín kỷ lục biển, đảo

Về biển và hải đảo, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đưa ra chín kỷ lục.
Đó là bãi biển Trà Cổ ở tỉnh Quảng Ninh với chiều dài 17 kilomet là bãi biển dài nhất Việt Nam. Tại tỉnh này, Vịnh Hạ Long cũng được trao kỷ lục là vịnh có nhiều đảo nhỏ nhất. Đầm phá lớn nhất Việt Nam là phá Tam Giang- Cầu Hai. Khu bảo tồn biển lớn nhất là Khu bảo tồn Nam Yết, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Quần đảo Trường Sa cũng được coi là quần đảo xa bờ nhất của Việt Nam. Cụm đảo Hòn Khoai thuộc đơn vị hành chánh xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là cụm đảo gần xích đạo nhất. Quần đảo Cát Bà ở phía nam Vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh là quần đảo có nhiều đảo nhất. Lý Sơn được trao kỷ lục là huyện đảo có mật độ dân số cao nhất. Cuối cùng đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất tại Việt Nam.
Đó là những kỷ lục trong lĩnh vực môi trường, biển, đảo được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, phối hợp với các đơn vị khác liệt kê ra và công bố. Vậy thực tế bảo tồn, giữ gìn môi trường tại một số nơi được trao kỷ lục đó ra sao?

Ramsar 1938 có thành hồ cạn?

Trước hết mời chúng tôi mời quí vị đến lại với Hồ Ba Bể ở tỉnh Bắc Kạn. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đá vôi được cho là độc đáo nhất Việt Nam.
Sách vở ghi lại hồ được hình thành từ cách đây hơn 2,6 tỷ năm. Diện tích mặt nước hồ gần 5 triệu mét vuông, dung tích hờ gần 90 triệu mét khối nước. Chỗ sâu nhất của hồ đo được là 35 mét. Hồi năm 1995,

Hồ Ba Bể được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt trên thế giới cần được bảo vệ. Mới năm ngoái, ban thư ký Công ước Ramsar công nhận khu vực Hồ Ba Bể là khu Ramsar thứ 1938 của thế giới. Hồ Ba Bể nay là một trong bốn khu Ramsar của Việt Nam.

Công ước Ramsar là Công ước quốc tế về đầm, hồ và thuỷ cầm ký kết hồi tháng 2, 1971 tại thành phố Ramsar, Iran. Từ 21 nước ký kết đầu tiên, nay công ước Ramsar đã được 161 nước tham gia.

Giáo sư Chu Hảo, một người từng đến Hồ Ba Bể trước đây mấy chục năm, và gần đây khi trở lại, ông cho biết những nhận xét hết sức đáng ngại về nơi này như sau:
"Chúng tôi đã đến đó và hết sức lo ngại về tình trạng một trong những hồ tự nhiên đẹp nhất Việt Nam đó đang phải đứng trước nguy cơ trở thành một hồ cạn với tốc độ bồi lấp rất nhanh như hiện nay. Cách đây độ 20-30 năm khi chúng tôi đến Hồ Ba Bể, đó là một hồ rất rộng và rất đẹp; nhưng nay hồ bị bồi lấp chung quanh rất nhanh.

Điều đó cho phép chúng tôi nghĩ là chỉ vài ba chục năm nữa, với tốc độ bồi lấp như hiện nay thì hồ sẽ trở thành hồ cạn, tức thành những cánh đồng mà nhân dân có thể canh tác trên đó. Một số bạn bè của chúng tôi đã từng sống tại đó có thể đi thuyền sát vào chân núi; nhưng nay chỉ có thể đi cách những chân núi đó 2-3 cây số thôi.
Chung quanh Hồ Ba Bể là khu rừng đầu nguồn, mà có thể nói là quan trọng để giữ nước cho Hồ Ba Bể, thế nhưng bị tàn phá ghê gớm. Cho nên nếu khu rừng này không còn thì Hồ Ba Bể sẽ chết theo vì không còn cây để giữ nước. Rồi rác, bụi có thể chảy thẳng từ những suối xuống hồ. Đây là nguyên nhân khiến bồi lắng rất nhanh.

Phá Tam Giang- Wikipedia Commons photoChung quanh Hồ Ba Bể có một số mỏ kim loại được khai thác rất ‘mạnh mẽ’; nhưng không có những biện pháp để bảo vệ môi trường và những biện pháp kiểm tra chặt chẽ theo đúng như đã đăng ký về bảo vệ môi trường."

Lại chuyện “rác thải”

Ở khu vực miền Trung Việt Nam, Phá Tam Giang- Cầu Hai được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp vào hàng đầm phá lớn nhất Việt Nam. Chuyên viên Lê Thị Hạnh thuộc Chi Cục Bảo vệ Môi trường của tỉnh Thừa Thiên- Huế nơi có Phá Tam Giang- Đầm Cầu Hai trình bày về thực trạng của khu đầm phá này:
"Chính phủ đã phê duyệt dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội ở đó. Về bảo tồn thì có một số điểm về khu bảo tồn Ramsar, như vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu cũng có đề án thí điểm bảo vệ vùng đất ngập nước. Còn các ngành nghề trên khu vực đầm phá cũng được sắp xếp lại: đó là hỗ trợ các huyện để sắp xếp lại các ‘nò, sáo’, các ngành nghề ngư cụ trên đầm phá để lưu thông dòng nước, bảo vệ môi trường, nuôi trồng thủy sản trên đầm phá được tốt hơn. Mặc dù vậy, vấn đề rác thải do ý thức của người dân và vấn đề kinh tế, hiện vẫn còn vứt rác thải bừa bãi. Đây còn là vấn đề ‘nóng bỏng’ trên đầm phá."

Bảo tồn: vấn đề quan trọng

Một kỷ lục khác nằm ở Nha Trang: đó là Viện Hải Dương Học được cho là nơi lưu giữ và bảo tồn mẫu sinh vật biển lớn nhất. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại, nguyên trưởng phòng sinh vật của Viện, phát biểu về kỷ lục đó dành cho Viện Hải Dương học:

"Bảo tàng ‘chết’ của Viện Hải Dương học có một quá trình lịch sử lâu dài từ những năm 30 của thế kỷ trước. Nó lưu giữ những mẩu vật từ đó, cả cá nước ngọt từ Biển Hồ cũng đưa về đây lưu. Số lượng mẫu, nhất là cá có thể nói phong phú nhất Việt Nam. Những mẫu vật đó có quá trình lịch sử từ thời Pháp nên được lưu giữ rất cẩn thận. Còn phần sau năm 75 không được lưu giữ nhiều như trước đây. Như vậy nói Bảo tàng ‘chết’ của Viện Hải dương học lưu trữ lượng mẫu vật lớn nhất Việt Nam là đúng.

Thường để phân loại, các nhà nghiên cứu có thể đến đó để so sánh, đối chiếu những mẫu thu thập được có đúng với những mẫu trước đây hay không. Tuy nhiên nếu so với những bảo tàng khác trên thế giới cùng loại thì của Việt Nam không đáng kể bao nhiêu. Trong thực tế việc đến để so sánh mẫu cũng không bao nhiêu. Lý do hiện nay tại Việt Nam mạnh ai nấy làm nên cũng không quan tâm đến việc so sánh mẫu. Đúng ra trên thế giới những bảo tàng như thế thu hút rất nhiều nhà khoa học đến.

Hiện nay xu thế nghiên cứu đa dạng sinh học bài bản ở Việt Nam không nhiều, thế hệ trẻ theo những ngành nóng sốt. Cho nên phải nói bảo tàng giá trị như thế nhưng ít nhà khoa học đến nghiên cứu lắm..."   Viện Hải dương học Nha Trang- tournhatrang.com photo

Dù là tài nguyên do thiên nhiên ban tặng hay do chính bàn tay những thế hệ khác nhau gây dựng nên, những kỷ lục trong lĩnh vực môi trường, cũng như biển- hải đảo của Việt Nam đều được xem là vốn quí cần phải bảo tồn và sử dụng hữu hiệu phục vụ cuộc sống con người. Tuy nhiên một thực tế tại Việt Nam là mọi công tác liên quan bảo tồn, sử dụng... chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.