Ngày Nước Thế giới năm 2012

Ngày 22 tháng 3 tới đây là Ngày Nước Thế giới năm 2012. Hoạt động này được Liên Hiệp Quốc đưa ra hằng năm nhằm nhắc nhở con người về tình trạng nguồn nước trên hành tinh trái đất đang có nhiều bất trắc gây ảnh hưởng đến chính cuộc sống của con người.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.03.18
world-water-day-2012-305.jpg Logo Ngày Nước Thế Giới 2012
Photo courtesy of www.unwater.org

Trong chương trình Khoa học - Môi trường kỳ này, mời quí thính giả cùng theo dõi những thông tin liên quan chủ đề Ngày Nước Thế giới năm nay, cũng như tình hình về nguồn nước tại Việt Nam.

Thực tế

Chủ đề được Liên Hiệp Quốc đưa ra cho Ngày Nước Thế giới năm nay là An ninh nguồn Nước và An ninh Lương thực.

Theo tổ chức Lương Nông Thế giới của Liên Hiệp Quốc thì mỗi người trong chúng ta mỗi ngày cần uống từ 2 đến 4 lít nước. Mọi hoạt động của con người đều sử dụng đến nước: uống, nấu nướng, giặt giũ , sản xuất …

Tính toán cho thấy để làm ra số lương thực cần dùng cho mỗi con người trong mỗi ngày thì phải mất từ 2000 đến 5000 lít nước. Cụ thể để sản xuất ra được một kilogram lúa mì, người ta cần đến 1500 lít nước, và để có được một kilogram thịt bò số nước đó phải gấp 10 lần.

Hiện nay nhân loại đã có 7 tỷ người và đến năm 2050 dự kiến số này tăng lên 9 tỷ. Tình hình đô thị hóa nhanh chóng và mức thu nhập tăng lên đang làm cho chế độ ăn uống của con người thay đổi. Lượng thịt tiêu thụ hằng năm dự kiến tăng từ mức 37 kilogram mỗi người vào năm 1999/2001 sẽ tăng lên 52 kilogram vào năm 2050; số này cho các quốc gia đang phát triển là từ 27 kilogram lên 44 kilogram.

Doisongthonque-250.jpg
Nhiều gia đình vẫn sống lệ thuộc vào nguồn nước sông, rạch. RFA photo.
Chính vì lẽ đó mà thế giới hiện nay đang ‘khát nước’ để cung cấp đủ nguồn lương thực cho con người. Nguồn nước cần để sản xuất ra các loại lương thực - từ canh tác nông ngiệp, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây…

Từ đó có thể thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa nguồn nước và vấn đề an ninh lương thực. Nếu không có đủ số lượng nước cần thiết thì chắc chắn không thể nào có thể sản xuất ra đủ nguồn lương thực mà con người hằng ngày cần đến.

Thiếu nước có thể là nguyên nhân chính của tình trạng suy dinh dưỡng và đói kém, đặc biệt tại những nơi mà con người chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp như Việt Nam.

Thực trạng của một số nguồn nước tại Việt Nam được ông Hồ Ngọc Hải, chủ tịch Hội Nước Sạch và Vệ sinh Môi trường nhận định như sau:

“Các nguồn nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hiện nay tại Việt Nam trữ lượng cũng tương đối dồi dào. Nhưng nói chung nguồn nước trên các sông lớn hiện cũng có những ‘vấn đề’. Như Sông Hồng và sông Mê kong đều bắt nguồn từ nước ngoài nên không chủ động được hoàn toàn: có lúc hạn hán, có lúc thế này thế khác. Tức những con sông xuyên quốc gia như vậy có những vấn đề. Như Sông Mê kong có Ủy ban Sông Mê kong của các nước có sông này chảy qua để hằng năm họp tham vấn lẫn nhau; thế nhưng Trung Quốc là nước đầu nguồn lại không tham gia. Sông Hồng thì chưa có ủy ban như thế…”

Nhưng nói chung nguồn nước trên các sông lớn hiện cũng có những ‘vấn đề’.

Ô. Hồ Ngọc Hải

Nạn hạn hán được cho là nguyên nhân chính nhất gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng tại những quốc gia đang phát triển. Đánh giá của Liên Hiệp Quốc cho rằng nạn hạn hán trong thế kỷ qua gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng hơn bất cứ thảm họa thiên tai nào. Châu Á và Châu Phi là hai đại lục có số người bị tác động trực tiếp bởi hạn hán nhiều nhất. Sản xuất lương thực tại một số khu vực tại Bắc Phi hiện rất bấp bênh, không bền vững do nguồn nước ngầm bị suy thoái.

Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 khẳng định quyền có đủ lương thực để dùng của mỗi con người. Tuy nhiên, trên thực tế tại những quốc gia đang phát triển thì quyền này của nhiều người dân tại các vùng nông thôn lệ thuộc nhiều vào việc có tiếp cận được các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có nguồn nước, để sản xuất ra đủ lương thực nuôi sống bản thân và gia đình cũng như để trao đổi tạo nguồn thu nhập để mua sắm những loại lương thực khác mà họ không sản xuất ra được.

Hồi ngày 28 tháng 7 năm 2010, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố việc tiếp cận được nguồn nước sạch và hợp vệ sinh là một quyền con người. Theo luật quốc tế, cũng như hiến pháp của một số nước thì có nước sạch và đủ nước dùng là quyền con người.

Thách thức

Hồ Hoà Bình gần như bị cạn kiệt trong những ngày khô hạn. AFP PHOTO
Hồ Hoà Bình gần như bị cạn kiệt trong những ngày khô hạn. AFP PHOTO
AFP PHOTO
Tuy nhiên hiện có nhiều thách thức đối với nguồn nước trên thế giới. Ngoài vấn đề nhu cầu gia tăng như vừa trình bày thì tình trạng biến đổi khí hậu khiến cho những nguy cơ về nguồn nước tăng lên.

Giảm sút đáng kể về lượng mưa, rồi sông ngòi, hồ ao cạn kiệt diễn ra tại nhiều khu vực, và điều đó có nghĩa là những vùng từng thiếu hụt nước sẽ lại khan hiếm thêm. Tình trạng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những hiện tượng cực đoan như hạn hán, mưa lũ, lụt lội trầm trọng hơn dẫn đến những hậu quả do chúng gây nên cũng dữ dội hơn.

Những cộng đồng dân cư sống tại những vùng có khí hậu thất thường, mà nếu lệ thuộc vào nông nghiệp, thì nguy cơ mất mùa, thiệt hại khi thiên tai xảy đến lại cao hơn.

Tình trạng khan hiếm nước đang diễn ra và gây ảnh hưởng tại khắp các châu lục trên trái đất, với chừng 40% người dân tại những nơi đó đang chịu tác động bởi tình trạng khan hiếm nước. Những quốc gia và khu vực với tình trạng khan hiếm nước tuyệt đối có chừng 1,6 tỷ người. Đến năm 2050 hai phần ba con người sống trên trái đất phải sống trong điều kiện khó khăn về nguồn nước.

Theo Liên Hiệp Quốc, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là do sử dụng quá nhiều nước trong hoạt động sản xuất lương thực. Các khu vực Nam Á, Đông Á, và Trung Đông là những vùng kề cận hay vượt các giới hạn về nguồn nước; trong khi đó dân chúng tại những nơi ấy vẫn tiếp tục tăng lên.

Có một tình trạng cần được nói đến là Cuộc Cách mạng Xanh hồi những thập nhiên 70, 80 với việc tăng cường sử dụng các loại hóa chất làm phân bón, thuốc trừ sâu, cũng như áp dụng hình thức thủy lợi dẫn thủy nhập điền… đã giúp cứu nhiều người khỏi tình trạng đói kém. Tuy nhiên những ảnh hưởng về môi trường cũng xảy ra. Đó là tình trạng một phần tư đất đai canh tác trên thế giới bị xuống cấp. Nhiều dòng sông lớn bị kiệt nước vào một thời điểm trong năm, những biển nội địa, hồ lớn bị thu hẹp. Phân nửa những vùng đất ngập nước tại Châu Áu và Bắc Mỹ đã biến mất. Tình trạng sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu khiến cho nhiều nguồn nước bị ô nhiễm.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước là một nguyên nhân đáng kể làm giảm bớt lượng nước sẵn cho con người sử dụng vào những mục tiêu khác nhau. Ngoài ra tình trạng đó còn gây tác động đến môi trường và an sinh của con người.

Ông Hồ Ngọc Hải nói đến một số biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện để cứu vãn tình trạng ô nhiễm các nguồn nước, nhất là những dòng sông tại Việt Nam:

“Việt Nam cũng đã bắt đầu thành lập những ủy ban như Sông Cầu, Sông Nhuệ, Sông Đáy ở miền Bắc hay Sông Đồng Nai ở miền Nam. Đó là những sông hiện bị ô nhiễm rất nặng, cần có những cải thiện. Các ủy ban lưu vực những sông đó đang tiến hành để phục hồi lại các tính chất hóa lý cũng như độ trong sạch. Nhưng đó đang là vấn đề lớn và phức tạp.”

Biện pháp

world-water-day-2012-250.jpg
Logo World Water Day 2012, mang rất nhiều ý nghĩa với “Nhánh Lúa và Cá” cũng là hai biểu tượng cho nguồn lương thực của con Sông Mekong. Đã có có một nền “Văn minh Lúa Gạo và Cá” trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong/GMS và nền văn minh ấy đang lâm nguy.
Để có thể vượt qua được những khó khăn vừa nêu trước hết cách thức đơn giản nhất là phải sử dụng hiệu quả nguồn nước còn lại hiện nay. Suốt nhiều năm qua, tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp được đánh giá bằng cái thường được gọi là ‘năng suất’. Nhưng nay theo Liên Hiệp Quốc cần phải đánh giá lại theo sản xuất bền vững trên từng đơn vị các nguồn đầu vào gồm có đất đai, hóa chất và đặc biệt là nước. Công nghệ mới về thủy lợi cần được phát triển để dùng nước cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.

Như vừa nêu, tình trạng biến đổi khí hậu đang dẫn đến nhiều tác động bất lợi cho cuộc sống con người, trong đó hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra lương thực nuôi sống họ. Do đó cần phải có những chính sách quản trị nguồn nước nhằm giảm tác động của những nguy cơ của các thảm họa liên quan đến nước. Hoạt động quản trị lũ lụt và hạn hán đòi hỏi có những biện pháp cải thiện trong việc tích trữ nước...

Liên Hiệp Quốc đưa ra biện pháp ‘nông nghiệp bảo tồn’ nhằm duy trì hệ sinh thái nông nghiệp để có được năng suất cao hơn và bền vững, gia tăng lợi tức, và bảo đảm an ninh lương thực; trong khi đó vẫn có thể bảo vệ môi trường và gia tăng cơ sở nguồn nguyên liệu. Ba nguyên tắc có liên quan với nhau của nông nghiệp bảo tồn là liên tục tối thiểu hóa việc gây xáo trộn đất bằng cơ giới, thường xuyên giữ lớp đất phủ hữu cơ, đa dạng các giống cây trồng theo luân canh hay xen canh.

Một biện pháp không phải mới gì là phải bảo vệ rừng vì những lợi ích mà rừng đem lại cho nguồn nước. Rừng giữ nước, chống xói mòn, lở đất, giảm thiểu tác động của lũ lụt, hạn hán, sa mạc hóa và mặn hóa...

Lâu nay người ta thường đề cập đến biện pháp tái chế. Nước dùng rồi cũng có thể được xử lý để dùng lại vào việc khác. Tiết kiệm về nguồn nước, cũng như tiết kiệm lương thực là những điều mà không phải ai ai cũng dễ dàng thực hiện.

Các ủy ban lưu vực những sông đó đang tiến hành để phục hồi lại các tính chất hóa lý cũng như độ trong sạch.

Ô. Hồ Ngọc Hải

Thống kê cho thấy cứ mỗi năm có đến chừng 30% lượng lương thực được sản xuất ra trên khắp thế giới bị thất thoát hay bị phí phạm. Tại nhiều quốc gia đang phát triển đó là tình trạng thất thoát sau thu hoạch do không có phương tiện tích trữ và vận chuyển tốt. Nếu giảm được phân nửa số thất thoát và phí phạm lương thực trên bình diện thế giới thì có thể mỗi năm tiết kiệm được 1350 kilomet khối nước. Con số được đem ra để so sánh là lượng mưa trung bình hằng năm ở Tây Ban Nha là 350 kilomet khối; khả năng trữ nước của Hồ Nasser ở nam Ai Cập và bắc Sudan gần 85 kilomet khối.

Thay đổi chế độ ăn uống cũng là một trong những biện pháp được nêu ra giúp bảo đảm an ninh lương thực cho con người. Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc thì những quốc gia đang phát triển và những nước có nền kinh tế đang trổi dậy hiện phải đối mặt với một nghịch lý về dinh dưỡng đó là những nơi đó có đến chừng 800 triệu người đói ăn, nhưng cũng có số tương đương thừa cân. Chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe sẽ giúp giảm bớt tác động đến môi trường và có thể đóng góp cho an ninh lương thực.

Xin phép được nhắc lại, Ngày Thế Giới Nước hằng năm được tổ chức vào ngày 22 tháng 3. Ngày Nước Thế giới đầu tiên được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cho tiến hành thực hiện hồi ngày 22 tháng 3 năm 1993. Mục tiêu Ngày Thế Giới Nước được Liên Hiệp Quốc cho biết nhằm kêu gọi chú ý đến tầm quan trọng của nguồn nước và cổ xúy cho việc quản trị bền vững nguồn nước.

Ông Hồ Ngọc Hải cho biết việc hưởng ứng của Việt Nam đối với Ngày Nước Thế giới:

“Năm nay Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng sẽ có những hoạt động như mọi năm, và các hội cũng có hưởng ứng chung.”

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.