Trung Tâm Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu

Thưa quý thính giả, anh Phạm Văn Hai ở Montréal có người chú là nghệ sĩ ở khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ quận 8 vừa gọi điện thoại báo cho anh biết là Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố vừa ký quyết định giao cho Sở Thương Binh Xã Hội quản lý Khu Dưỡng Lão Nghệ sĩ thay cho Ban Ái Hữu Nghệ sĩ.
Soạn giả Nguyễn Phương, RFA
2009.11.01
khanh-thanh-khu-duong-lao-nghe-si-305.jpg Lễ khánh thành Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu ngày 7 tháng 3 năm 1998
Hình do soạn giả Nguyễn Phương cung cấp

Anh Hai có mấy thắc mắc nên điện thoại hỏi Nguyễn Phương:

Phạm Văn Hai: Allo! Anh Nguyễn Phương ơi, anh có biết khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ ỡ quận 8 không?

Nguyễn Phương: Biết chứ, mấy lần tôi về thăm quê hương, lần nào tôi cũng đến khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu ở đường Âu Dương Lân quận 8 để thăm các bạn cũ của tôi.

Lịch sử thành lập

Phạm Văn Hai: Xin anh cho biết lịch sử thành lập Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu ở quận 8.

Nguyễn Phương: Theo tôi biết, năm 1996, ông Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đến thăm Bà Phùng Há và hỏi Bà có cần giúp đỡ gì không? Bà Phùng Há nói phần của Bà thì Bà không có yêu cầu gì cả. Bà rất vui khi Bà đã vận động xây dựng được Chùa Nghệ Sĩ và Nghĩa Trang Nghệ Sĩ Sân Khấu. Nguyện vọng của Bà là làm sao có thể xây dựng được một Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu để giúp cho các nghệ sĩ về chiều, nghèo yếu neo đơn có nơi để sống cho hết những ngày tàn. Thể theo nguyện vọng của nghệ sĩ Phùng Há và của đại đa số nghệ sĩ sân khấu, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ thị cho Ủy Ban Nhân Dân thành phố cấp khu đất ở đường Âu Dương Lân quận 8 để thành lập khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu. Khu đất này trước kia là viện Tế Bần, bỏ hoang đã lâu.

Bà Phùng Há, Hội Nghệ sĩ, Ban Ái Hữu Nghệ sĩ và các nghệ sĩ tài danh tổ chức hát gây quỹ và vận động các mạnh thường quân, góp nhiều công sức và tiền của, được sự hỗ trợ của thành phố để xây nên khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu này. Khởi công từ ngày 24 tháng 3 năm 1997 đến ngày 7 tháng 3 năm 1998 thì được Bà Phùng Há, Ban Ái Hữu Nghệ sĩ và Hội Sân Khấu tổ chức lễ khánh thành Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu này.

Ngày 07 tháng 3 năm 1998 có nhiều quan chức của thành phố, các Ban Giám đốc bệnh viện kết nghĩa với Hội Sân Khấu, các báo chí và đài phát thanh cùng các nghệ sĩ nhiều thế hệ đến dự. Có 8 nghệ sĩ lão thành được vào ở trong khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu: Đó là ông Mười Vàng, (nghệ sĩ hát bội), bà Ba Vân,(vợ của quái kiệt Ba Vân), nữ nghệ sĩ Sáu Ngọc Sương(nghệ sĩ tiền phong), nữ nghệ sĩ Ngọc Đán,(vợ của nghệ sĩ Hoàng Kinh, đoàn Việt Kịch Năm Châu), nghệ sĩ Văn Sa, nữ nghệ sĩ Lệ Thẩm, họa sĩ Hoài Nam, công nhân sân khấu Hai Hàn tức Huỳnh Thị Nhãn).

Khu dưỡng lão nghệ sĩ. Hình do soạn giả Nguyễn Phương cung cấp.
Khu dưỡng lão nghệ sĩ. Hình do soạn giả Nguyễn Phương cung cấp.

Điều kiện, chế độ

Phạm Văn Hai: Xin anh cho biết lão nghệ sĩ muốn được chấp thuận cho ở trong Khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu phải có điều kiện gì? Chế độ nuôi dưỡng ra sao? Khi bịnh hoạn thì được chữa trị như thế nào? Do nguồn thu nhập nào mà Ban điều hành khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ có thể trang trải các chi phí đó?

Nếu nhà nước thật sự lo cho các văn, thi sĩ nhà báo thì từ năm 1975 đến nay là năm 2009 tức là đã 34 năm qua rồi, Nhà nước sao không có lập khu dưỡng lão cho văn thi sĩ mà đợi bà Phùng Há chết rồi, nhà nước sung công khu dưỡng lão của nghệ sĩ sân khấu để lo cho những nhà văn nhà báo?

Ông Phạm Văn Hai

Nguyễn Phương: Muốn được Ban Ái Hữu nghệ sĩ xét duyệt cho ở trong khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ, phải có 3 điều kiện:

1.       phải có 25 năm hành nghề nghệ sĩ sân khấu,

2.       phải là nghệ sĩ nghèo yếu, không ai nuôi dưỡng,

3.       phải là nghệ sĩ nổi tiếng.

Khẩu phần cấp cho một lão nghệ sĩ ở trong khu dưỡng lão là 8000 đồng một ngày, trong đó bao gồm tiền điện, nước và ẩm thực. Nhà nước yểm trợ cho 4000 đồng, Ban Ái Hữu vận động nghệ sĩ và các mạnh thường quân đóng góp cho 4000 đồng mỗi người(tính ra chưa tới nửa dollar một người).

Khi bịnh hoạn thì lão nghệ sĩ được giới thiệu đến các bệnh viện kết nghĩa với Hội Sân khấu để được chữa trị. Lâu lâu có những Hội từ thiện đến viếng thăm tặng quà thì có bác sĩ của Hội từ thiện khám bịnh và phát thuốc miễn phí. Trong khu dưỡng lão cũng có tủ thuốc trị những bịnh thông thường mà các mạnh thường quân, các nghệ sĩ hải ngoại gởi cho.

Trong 11 năm qua, các nghệ sĩ tài danh thỉnh thoảng hát Hội, gây quỹ giúp khu dưỡng lão nghệ sĩ, có nghệ sĩ tự nguyện giúp mỗi tháng từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, các nghệ sĩ chủ các quán ca nhạc, các nghệ sĩ làm đại lý vé số, các mạnh thường quân ở các chợ An Đông, Bến Thành, Bình Tây, các nghệ sĩ hải ngoại như Nguyễn Phương, Phượng Liên, Văn Chung, Linh Tuấn, Minh Tâm Tài Lương, và nhiều nghệ sĩ định cư tại Pháp, Canada, Hoa Kỳ, Úc Châu hàng năm đều có vận động tiền gởi về giúp khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ (khi nhiều, khi ít, không đều).

Trong 11 năm qua, có 40 lão nghệ sĩ được dưỡng nuôi trong khu dưỡng lão. Có 18 lão nghệ sĩ qua đời, được Ban quản trị khu Dưỡng Lão và Ban Ái Hữu nghệ sĩ tổ chức mai táng tại nghĩa trang nghệ sĩ. Hiện nay còn 22 lão nghệ sĩ và 3 trung niên nghệ sĩ tình nguyện làm lao công đang ở trong khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ.

Sẽ bị tiếp thu

Phạm Văn Hai: Tình hình tài chánh và sinh hoạt của khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ như vậy là ổn định rồi, Sở Lao Động tiếp thu khu dưỡng lão có gì thay đổi không? Sao nghệ sĩ lo sợ quá vậy?

Nguyễn Phương: Ông Giám Đốc Sở Lao Động trả lời phỏng vấn của báo chí, có nói: Hiện khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ có 22 phòng, mỗi nghệ sĩ ở một phòng là quá lãng phí trong khi các nghệ sĩ lão thành neo đơn ở các lãnh vực nghệ thuật khác như thơ văn, xiếc, ảo thuật, nhà báo cũng là đối tượng quan tâm. Trước mắt mỗi phòng sẽ có 2 đến 3 người ở.

Phạm Văn Hai: Đó đó ! Nghệ sĩ thắc mắc là phải! Nếu xếp 2, 3 người vô một phòng thì phải để giường 2, 3 tầng vì mỗi phòng chỉ rộng có 2 thước trên 3 thước, để được một cái giường đơn, bề ngang một thước hai, dài một thước tám, còn lại để một cái tủ nhỏ, bên trên tủ là bàn ăn, một ghế xếp. Bây giờ hai, ba người ở một phòng, phải để giường hai, ba tầng. Nghệ sĩ già mà mỗi khi muốn ngủ phải leo thang lên xuống ở giường tầng hai, tầng ba, gặp người có bịnh tiểu đêm, mỗi đêm leo lên leo xuống ba bốn lượt, nếu không kiệt sức chết thì cũng có ngày té gãy xương chậu. Chưa quản lý mà Sở Lao Động đã thay đổi nếp sống, điều kiện sống tối thiểu của người già thì làm sao mà họ không thắc mắc lo sợ cho được?

Những văn thi sĩ nhà báo đó nếu già yếu, về hưu thì họ đã có lương hưu hàng tháng rồi. Họ được hưởng mọi quyền lợi ưu tiên của Đảng và Nhà nước ban cho.

Ông Phạm Văn Hai

Nguyễn Phương: Nhưng ông Giám Đốc Sở Lao Động nói là còn có những nhà văn, nhà báo, già yếu neo đơn cần quan tâm, nếu không dồn số nghệ sĩ lại 2, 3 người một phòng thì đâu có chỗ cho nhà nước lo cho các văn nghệ sĩ già yếu neo đơn đó?

Phạm Văn Hai: Nếu nhà nước thật sự lo cho các văn, thi sĩ nhà báo thì từ năm 1975 đến nay là năm 2009 tức là đã 34 năm qua rồi, Nhà nước sao không có lập khu dưỡng lão cho văn thi sĩ mà đợi bà Phùng Há chết rồi, nhà nước sung công khu dưỡng lão của nghệ sĩ sân khấu để lo cho những nhà văn nhà báo? Khu dưỡng lão nghệ sĩ do bà Phùng Há thành lập, được các nhà mạnh thường quân, các nghệ sĩ trong và ngoài nước tiếp tay xây dựng lên và điều hành đã 11 năm qua rồi, tuy nhà nước có giúp chu cấp cho phần nào nhưng rõ ràng là các nghệ sĩ sân khấu, thông qua Hội Sân khấu và Ban Ái Hữu nghệ sĩ vận động các mạnh thường quân, những người ái mộ nghệ sĩ và nghệ thuật để chung sức lo dưỡng nuôi những nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn. Nghệ sĩ khi không còn đi ca hát được nữa thì không có nguồn thu nhập nào để sống.

Còn các văn, thi sĩ, nhà báo, phải hiểu là văn thi sĩ và nhà báo của chế độ cũ thì bị tù cải tạo, bị cấm hành nghề hoặc ra định cư ở nước ngoài. Họ không còn là văn, thi sĩ hay nhà báo nữa. Còn văn, thi sĩ, nhà báo mà ông Giám đốc Sở Lao Động nói đây là những cán bộ, đảng viên. Họ sáng tác hay viết báo theo định hướng của Đảng và Nhà nước, viết theo đơn đặt hàng để tuyên truyền cho Đảng. Những văn thi sĩ nhà báo đó nếu già yếu, về hưu thì họ đã có lương hưu hàng tháng rồi. Họ được hưởng mọi quyền lợi ưu tiên của Đảng và Nhà nước ban cho. Bây giờ Khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu bị đổi thành Trung Tâm Dưỡng Lão Văn Nghệ Sĩ thì khi xét duyệt cho vào ở trong Trung Tâm đó, các văn thi sĩ và nhà báo là đảng viên, tự nhiên được ưu tiên chấp nhận, còn các nghệ sĩ sân khấu dù tài danh thì cũng là những người ngoài đảng, những người đã có nhiều năm hát trong thời Việt Nam Cộng Hòa, họ sẽ không được xét đến. Nay mai, khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu khi bị Sở Lao động quản lý, đổi tên thành Trung Tâm Dưỡng Lão Văn Nghệ sĩ thì sẽ không có hoặc có rất ít nghệ sĩ sân khấu được vô ở mà phải nhường chỗ cho cán bộ, đảng viên, công thần của đảng vô ở. Thử hỏi coi như vậy có bất công không? Còn…còn những nguồn thu nhập của khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu xưa nay, khi tiếp thu rồi thì Sở Lao Động sẽ giải quyết như thế nào?

Ngày 5 tháng 7 an táng bà Phùng Há, đại diện chánh quyền đọc điếu văn tuyên dương những việc làm tốt của bà, ngợi khen không ít về hai công trình phúc lợi cho nghệ sĩ là Nghĩa Trang Nghệ Sĩ và khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ. Ngày 7 tháng 7, chỉ có sau đó hai ngày, Nhà nước đã giải tỏa Nghĩa Trang Nghệ sĩ và tiếp thu Khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ.

Ông Phạm Văn Hai

Nguyễn Phương: Thì ông Giám Đốc đã nói là Sở Lao Động sẽ thu hết số đó, quản lý số tiền của những nhà hảo tâm hay nghệ sĩ hải ngoại gởi về, kể cả thu nhập trong các đêm hát của Khu dưỡng lão tổ chức. Nhà nước sẽ quản lý thu chi cho công bằng.

Phạm Văn Hai: Những nhà mạnh thường quân, các nghệ sĩ trong nước và ở hải ngoại giúp tiền về nuôi nghệ sĩ sân khấu. Một nghệ sĩ tài danh như Minh Phụng hay Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Ngân đau bịnh nặng, người ta sẵn sàng giúp tiền bạc hoặc thuốc thang vì họ yêu mến nghệ sĩ sân khấu. Ông Giám đốc Sở Lao Động thử kêu gọi giúp tiền cho nhà văn, nhà báo, cán bộ của đảng thì có mấy ai quan tâm đến giúp đâu. Ngày 5 tháng 7 an táng bà Phùng Há, đại diện chánh quyền đọc điếu văn tuyên dương những việc làm tốt của bà, ngợi khen không ít về hai công trình phúc lợi cho nghệ sĩ là Nghĩa Trang Nghệ Sĩ và khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ. Ngày 7 tháng 7, chỉ có sau đó hai ngày, Nhà nước đã giải tỏa Nghĩa Trang Nghệ sĩ và tiếp thu Khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ.

Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
02/11/2009 18:28

Kinh chao quy vi, theo toi thi nha duong lao nghe si thi chi co nhung nguoi thuoc ve nganh nghe thuat ve san khau hoac la co lien he voi san khau thi moi vo do o duoc ma thoi. Con cac nganh nhu la nha van hoac co lien he voi viet van thi no co su khac biet,nen y kien cua toi thi Khu duong lao nghe si thi chi nen cho nhung nguoi nghe si ve nganh san khau ma thoi.