Tuồng cải lương hoành tráng Quang Trung Hoàng Đế

Thưa quý thính giả, trong tình hình sân khấu cải lương xuống cấp trầm trọng thì nghệ sĩ ngôi sao và nghệ sĩ huy chương vàng lại được sản sinh ra rất nhiều trong khi đó thì rạp hát chỉ còn một rạp duy nhứt để hát cải lương là rạp Hưng Đạo, tuồng tích mới thì không hấp dẫn nên khán giả không đến xem hát cải lương đông đảo như ngày xưa.
Soạn giả Nguyễn Phương, RFA
2009.11.08
tuong-quang-trung-305.jpg Tuồng cải lương hoành tráng Quang Trung Hoàng Đế
Hình CLVN, do soạn giả Nguyễn Phương cung cấp

Những nhà quan tâm đến sân khấu cải lương tìm mọi phương cách để nâng cấp sân khấu, trong đó vấn đề sáng tác thể nghiệm các loại kịch bản được các tác giả tài danh quan tâm. Các ông ấy đã soạn tuồng cải lương có chen vô vài lớp hát bội, thể theo lối viết kịch trong kịch mà hồi trước các soạn giả Năm Châu, Lê Khanh, Tám Vân đã dùng trong các tuồng Hàm Lệ, Thái Tử Nước Đan Mạch, Giấc Mộng Đêm Xuân, Ngôi Nhà Ma… nhưng bình cũ rượu mới không hấp dẫn được khách sành điệu, các tuồng nhại theo kiểu xưa không được khán giả ưa thích.

Hoành tráng hay Tạp Pí Lù?

Trong những năm gần đây, họ viết và dựng những tuồng cải lương hoành tráng nghĩa là cái gì cũng bự thiệt là bự, huy hoàng, tráng lệ. Tuồng hát hoành tráng nầy một năm chỉ hát có một vài xuất rồi dẹp vì muốn hát nó, người ta phải huy động hàng trăm nghệ sĩ và phụ diễn, phải có cả vài chục nhạc sĩ tân và cổ nhạc, diễn trên một sân khấu rộng đến 900 thước vuông tức một sân khấu có bề sâu vô 25 thước và bề dài 36 thước.

Vì sân khấu quá rộng, khán giả ngồi ở xa và nhà hát không thể cung cấp cho mỗi khán giả một cái ống dòm nên để giúp cho khán giả có thể nhìn thấy cái gì đang diễn trên sân khấu, đạo diễn đã dùng kỹ thuật trám cho đầy sân khấu bằng những vai phụ diễn. Ví dụ có một lớp ca vọng cổ giữa hai diễn viên chánh thì đạo diễn cho xuất hiện hàng chục vũ nữ, vũ nam chạy loanh quanh bên hai diễn viên. Họ múa khăn, múa quạt, giơ tay quơ chân, uốn éo để cho khán giả nào nghe ca không rõ hay không thích nghe vọng cổ thì nhìn mấy cô vũ nữ đẹp hay các vũ nam đầy nam tính để đỡ chán lớp diễn đó. Như vậy cũng đáng đồng tiền bát gạo.

Trong tuồng Kim Vân Kiều, lớp Kiều được sư Giác Duyên vớt khỏi dòng nước oan nghiệt Tiền Đường, đạo diễn cho xuất hiện 40 ni sư, tụng kinh đàng hoàng trên một sân khấu hoành tráng. Đó là cách để cho khán giả và cả thế giới thấy rõ là Việt Nam không có đàn áp tôn giáo. Mấy cô vãi được mặc y phục nâu sòng, tụng kinh trước mắt hàng chục ngàn khán giả, dưới ánh đèn điện sáng choang mà không bị ai trấn áp hay dẹp bỏ. Có thể nói là chưa có nước nào trên thế giới có được một tuồng hát mà có bốn chục cô vãi tụng kinh một cách hoành tráng như vậy. Tuồng hát nầy nên được đăng ký để ghi vào sách kỷ lục thế giới về cái màn hát độc nhất vô nhị nầy.

Tuồng hát hoàng tráng thêm cái vụ hát opéra, ca tân nhạc, múa Ba Lê, bê luôn cái dàn nhạc giao hưởng vô chen với tuồng cải lương. Khán giả sồn sồn thích coi cải lương thì tạm chờ một chút cho giới trẻ nghe hát opéra, ca tân nhạc và coi múa Ba Lê với nghe nhạc giao hưởng. Thật là tiện lợi, mua một cái vé xem hát cải lương mà còn được thưởng thức tân nhạc, xem múa Ba Lê và múa chạy xà rầng trên sân khấu, lại có màn bay, rút nghệ sĩ treo tòn ten trên không, coi thật là mãn nhản!

Kỹ thuật của đạo diễn dàn dựng một tuồng cải lương theo công thức Tạp Pí Lù, cái gì cũng nhét vô cho nó đầy, nó hoành tráng, tuy bị khán giả và những nhà viết blog trên internet chê bai nhưng tại Việt Nam thì không có tờ báo nào dám phê phán, vì vậy Tết năm 2009 này, nữ đạo diễn tài kỳ lại thừa thắng xông lên, dàn dựng tuồng cải lương Hoàng đế Quang Trung, hoành tráng gấp năm gấp mười hai cái hoành tráng cũ.

Hoàng đế Quang Trung

Xin tóm tắt chương trình Hội Ngộ Tài Năng lần 3, kịch bản Hoàng đế Quang Trung:

Tây Sơn Tam Hiệp gồm ba anh em ruột Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, xuất thân là nông dân nghèo khó, vì cảnh triều chính suy vi, nhà vua nhu nhược, tham quan nhũng nhiễu, cả ba anh em phất ngọn cờ đào khởi nghĩa lập nên một công nghiệp Tây Sơn lừng lẫy.

Ngày thành đạt, Nguyễn Nhạc xưng đế, Nguyễn Huệ được phong là Bắc Bình Vương, Nguyễn Lữ là Đông Định Vương. Nhưng rồi giữa ba anh em lại sanh ra hiềm khích, nghi kỵ lẫn nhau. Bọn gián điệp nhà Thanh trà trộn trong nội bộ Tây Sơn, gây thêm hiềm khích chia rẽ giữa Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, gây nên cái chết oan ức của Đông Định Vương Nguyễn Lữ.

Trong tình hình rối rấm nội bộ của Tây Sơn, quân Thanh tiến chiếm Thăng Long, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm đánh chiếm thành Gia Định. Được sự tín nhiệm của ba quân và sự hun đúc tinh thần của Ngọc Hân công chúa, Nguyễn Huệ xưng đế, lấy niên hiệu Quang Trung hành quân thần tốc đánh lùi quân Thanh đúng vào ngày mùng 5 Tết năm Kỷ Dậu.

Tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể Hoàng Song Việt, Đạo Diễn Hoa Hạ, giám đốc sản xuất Phan Quốc Hùng.

Thành phần diễn viên có Diệp Lang, Thanh Tòng, Minh Vương, Lệ Thủy, Bảo Quốc, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Thanh Ngân, Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Trọng Phúc, Kim Tiểu Long, Lê Tứ, Lê Hồng Thắm, danh hài Hoài Linh, Tấn Beo, Trung Dân. Ca sĩ tân nhạc có Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Anh Khoa, Minh Thuận, Phương Thanh, Kỳ Phương, Lương Chí Cường, Hồng Ngọc, Quốc Đại, Hà Anh Tuấn, Ngân Quỳnh, Bích Thảo, Hữu Bình.

Có các vũ đoàn, các đội lân, sư, rồng, các nhóm võ thuật.

Sáng kiến đóng góp

Vì đạo diễn áp dụng công thức Tạp Pí Lù nên các blogger thích cải lương xin đóng góp mấy sáng kiến kỹ thuật để đạo diễn tài kỳ tùy nghi sử dụng khỏi trả tiền sáng tạo sáng kiến này.

Sáng kiến thứ nhứt: Vì kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, xin đạo diễn cho mở màn với thành quách Thăng Long xưa, hoành tráng(dài hết sân khấu 36 thước, cao độ bốn thước thôi); Cho con rồng vàng(của đội Lân Sư Rồng ở Chợ lớn) bay từ trên nóc rạp xuống, pháo nổ, khói bay mù mịt giả làm mây, sấm nổ sét giăng, rồng bay múa, nhào lộn, trương nanh khoe vút rồi bay vọt lên trên không. Trong lúc đó thì 1000 quân mặc áo đỏ nẹp vàng, đánh 1000 cái trống cho phù hợp với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đánh trống cho nghe bưng tai điếc óc, cho long trời, lở đất, sau đó thì đạo diễn đọc bài giới thiệu kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và nội dung tuồng Hoàng Đế Quang Trung.

Sáng kiến thứ hai: Trong bài Quang Trung Đại Phá Quân Thanh có câu:Hai mươi vạn hùng binh trẩy nhanh như gió thổi, Cứ hai người võng một, vượt đồi núi không nao”, xin đạo diễn cho ba trăm người đóng vai hùng binh của vua Quang Trung, hai người võng một, như vậy là cần 100 cái võng và 100 gậy tầm vông làm đòn gánh võng, hợp lại thành một đoàn quân 100 người nằm võng, hai trăm quân khiêng võng, cho chạy qua chạy lại trên sân khấu, làm động tác như leo núi xuống đèo( dùng kỹ thuật leo núi của hát bội đó) để biểu dương tinh thần tốc chiến tốc thắng của vua Quang Trung khi hành quân đánh thành Hà Hồi, Ngọc Hồi và tiến chiếm Thăng Long Thành.

Sáng kiến thứ ba: Vua Quang Trung, Giáp trụ uy nghiêm, Cưỡi đầu chiến tượng, Oai Vệ phi thường, Giọng truyền chư tướng. Đề nghị đạo diễn vô Sở Thú ở Thảo Cầm Viên, mượn ba con voi thiệt lớn, có yên ngọc bành vàng, có cờ trướng uy nghi, có các quan quản tượng điều khiển cho người đóng vai Vua Quang Trung và hai bộ tướng cưỡi voi xung trận. Xin chú ý, khi cưỡi voi chạy rầm rầm trên sân khấu, xin đừng đốt pháo, làm cho voi sợ, e voi chạy xuống phía khán giả, voi tưởng là quân Thanh, Voi đạp chết khán giả thì blogger góp ý kiến nầy không chịu trách nhiệm.

Sáng kiến thứ tư: Quân Thanh độ chừng 500, đầu có thắt bính (lại một áp phe lớn cho người nhận thắt 500 cái bính tóc giả nầy) cỡi độ 50 con ngựa thiệt, chạy rầm rập trên sân khấu, múa đao cho thật hùng dũng. Quân ta dùng lăn khiêng và giáo dài, hai bên giao chiến rất hăng. Để cho khác với cách dàn dựng hồi xưa, lớp đánh nhau dàn nhạc đánh trống và đồng lố nghe ồn quá, lần này trong cảnh quân Thanh và quân của vua Quang Trung sát phạt nhau, xin cho Dàn nhạc giao hưởng hòa tấu một bài nhạc êm dịu để giảm bớt cái sát khí đằng đằng đi. Dàn nhạc giao hưởng dùng chỗ này thật là đắc dụng, có thêm vài giọng ca opéra, âm hưởng khi vang lộng, khi xa xôi, khêu gợi cho quân Thanh nhớ nhà, rũn chí, buông vũ khí chạy dài.

Phần hát cải lương và tân nhạc, có thể chia làm hai cảnh diễn cùng một lượt, bên nầy ca vọng cổ nói lối mùi thì cứ diễn theo kịch bản, bên kia ca tân nhạc hát opera thì cũng cứ diễn một lượt, ai thích coi thích nghe điệu hát nào thì tùy nghi mà nghe hát, coi hát. Như vậy nới đúng công thức tạp pí lù.

Phần kết thúc, tướng nhà Thanh Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử. Chỗ nầy xin đạo diễn cho treo cổ 100 thằng tướng Tàu rút lên trên không(như đã từng treo và rút lên trên không diễn viên tuồng Kim Vân Kiều và Chiếc Áo Thiên Nga). Treo cổ mấy thằng tướng nhà Thanh, có bính tòn ten, mặc áo Tàu để cảnh cáo những thằng nào muốn xâm lược Việt Nam.

Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
10/11/2009 20:40

Gởi ông Nguyễn Phương:
Nếu Ông Nguyễn Phương chọn ở lại quê nhà như soạn giả lão thành Viễn Châu kính mến để đem tài sức của mình phục vụ bà con, thì người đời chắc sẽ dành chút cãm mến cho ông. Đàng nầy, ở nước ngoài, ông có cách hành xữ nhỏ nhen như một trẻ con, phê phán chuyện không đâu nhữmg không đâu những về môn nghệ thuật cãi lương tại quê nhà. Không ai phủ nhận môn nghệ thuật nầy không được thịnh hành như trước 75. Thay vì ông ở lại quê để giúp gầy dựng lại nó như soạn giả Viển Châu, ông bõ đi rồi còn có giọng châm biếm như của trẻ con những gì các nghệ sĩ cãi lương trong nước đang cố gắng làm chỉ vì họ không làm theo ý ông nghĩ. Tôi xin lỗi đã không có ấn tượng tốt về ông, nhưng tôi không thể có ấn tượng nào khác được.