Phụ nữ VN và chuyện lấy chồng xứ lạ

“Má ơi đừng gả con xa, Chim kêu Vượn hú, biết nhà Má đâu". Từ thuở xa xưa, người Việt Nam thường quan niệm là không nên gả con gái đến xứ lạ. Nhưng ngày nay, với sự phát triển của internet và các phương tiện di chuyển, ngày càng nhiều các cô gái Việt Nam lấy chồng ở nước ngoài để rồi mang trong mình cảm giác vui, buồn lẫn lộn.
Khánh An, phóng viên RFA
2009.12.22

Giấc mơ đổi đời

Đối với nhiều cô gái Việt, lấy chồng nước ngoài vẫn là một giấc mơ đổi đời. Nhiều gia đình ở nông thôn thậm chí thế chấp cả nhà cửa, ruộng vườn để “đầu tư” cho con gái một tấm chồng nơi xứ lạ. Nhiều cô dâu sang xứ người chỉ sau một lần tiếp xúc với vị hôn phu của mình. Nhưng cũng có những trường hợp cả hai chủ động quen nhau qua các phương tiện thông tin, internet hay qua trung gian bạn bè.

Thế nhưng, dù với bất cứ hình thức nào, khoảng cách địa lý vẫn không cho phép họ tìm hiểu kỹ lưỡng và biết rõ về vị hôn phu của mình như những cặp tình nhân tại địa phương. Bởi vậy, cuộc sống của các cô dâu Việt Nam sau khi sang xứ người là một câu chuyện dài với rất nhiều màu sắc, gồm cả những gam vui lẫn gam buồn, cả những thú vị, lo lắng, ngỡ ngàng và sốc.

Tạp chí Phụ Nữ kỳ này mời quý vị cùng chia sẻ tâm sự của hai phụ nữ đã kết hôn với Việt kiều và Người nước ngoài, một ở Mỹ và một ở Malaysia để tìm hiểu thêm về câu chuyện “hậu giấc mơ”.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2009 của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, số phụ nữ xuất ngoại lấy chồng ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều gấp 4 lần số phụ nữ đi xuất khẩu lao động.

Điều đó cho thấy, giấc mơ đổi đời của nhiều cô gái Việt vẫn tồn tại, đặc biệt ở các vùng thôn quê. Tuy nhiên, từ những kinh nghiệm của những người đi trước, cộng thêm những tin tức từ báo chí, giấc mơ lấy chồng ngoại của các cô gái bây giờ có phần thận trọng, thực tế và có lựa chọn hơn.

Em thấy chồng nước ngoài có những mặt người ta dễ tính hơn, thoải mái hơn, tôn trọng mình hơn nhưng mà người ta lại không tình cảm, không chăm chỉ bằng chồng Việt Nam.

Cô Trang

Việt kiều hay Ngoại kiều?

Ngay trong thế giới những ông chồng xứ lạ, các cô cũng phân chia ra làm hai dạng: chồng Người nước ngoài và chồng Việt kiều. Các cô so sánh và chia sẻ cho nhau những mặt ưu và khuyết của một chàng trai ngoại quốc và một chàng Việt kiều.

Các anh chàng nước ngoài phương Tây thường đạt điểm số cao về tính ga-lăng, chiều chuộng, tôn trọng phụ nữ. Những anh chàng nước ngoài châu Á lại gần gũi về mặt truyền thống. Còn các chàng Việt kiều nói cùng ngôn ngữ thì phải xem xét về nhiều khía cạnh cuộc sống và tính cách của anh ta.

Trang, lấy chồng người Trung Quốc sinh sống tại Malaysia, nhận xét:

"Em nghĩ là lấy chồng Việt Nam hay nước ngoài thì cũng có cái hay, cái dở. Em thấy chồng nước ngoài có những mặt người ta dễ tính hơn, thoải mái hơn, tôn trọng mình hơn nhưng mà người ta lại không tình cảm, không chăm chỉ bằng chồng Việt Nam. Em thấy chồng em lười lắm (cười).

Ngoài kiếm tiền về nhà, không làm việc gì hết, lười lắm nhưng được cái dễ tính. Ví dụ như nhà cửa, em muốn làm gì cũng được hết, không phàn nàn, không kêu đâu. Chứ như mấy ông Việt Nam, đi làm về, thấy nhà cửa thế nọ thế kia là kêu vợ, mắng vợ luôn đấy."

Thế nhưng, những điểm mạnh của ông chồng ngoại quốc luôn đi kèm với những điểm còn hạn chế. Trang kể tiếp:

"Ngôn ngữ của mình, tiếng Việt, mình có nhiều từ ngữ để diễn tả. Đôi khi mình nói câu chuyện gì, tiếng Anh em cũng đang học với chồng em được 4 năm rồi nhưng khả năng của em cũng không thể được 100%.

Nhiều khi mình muốn nói chuyện hoặc mình muốn diễn tả ngôn ngữ, kể cả lúc yêu thương quan tâm tình cảm hay những ngay cả lúc cãi nhau cũng chả biết nói, nhiều từ mình muốn nói mà không nói được. Nó cứ ấm ức trong lòng, tức lắm chị ạ! Lâu ngày cũng thành quen.

Lúc mới, em cảm giác như mình bị stress đấy chị ạ. Nó mệt mỏi lắm. Nhiều khi mình không nói được. Bây giờ, em có baby rồi nên mình có tình cảm, thời gian mình dành cho baby rồi nên cũng chả quan tâm đến chuyện đấy nữa."

Khi về sống chung rồi thì cái này cái kia, mỗi thứ một chút, cứ xảy ra hết chuyện này đến chuyện kia.

Cô Thủy

Những cô gái thích “làm dâu xứ lạ” còn lập hẳn ra các website, diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm lấy chồng xa. Một cô gái chia sẻ kinh nghiệm kiếm chồng Việt kiều qua chat như sau:

"Những không”: không bàn chuyện chính trị, không tranh luận những chuyện chẳng đi đến đâu, không bàn chuyện tôn giáo, không ca ngợi quá đáng bất cứ ai, không trả lời những nick khiêu khích và tấn công mình, không tỏ ra ghét hoặc giận ai trên forum (lờ họ đi), không lộ ra tên tuổi thật trên forum, không khích bác hay tấn công người khác.

Những nên: nên kể về những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu học đường, nên bàn về những món ăn ngon, nên nói lên những cảm xúc về các bản nhạc yêu thích, nên bàn nhẹ nhàng những văn thơ lãng mạn, nên viết ít sai lỗi chính tả, nên trả lời cái gì mình biết (tránh chính trị và tôn giáo), nên gợi nhớ những kỷ niệm của người khác, nên tôn trọng mọi người cho dù quá khích, nên lờ những sự tấn công mình, như là không tồn tại.

Nói chung là mình luôn luôn là người tế nhị, sâu lắng, có hiểu biết, có học thức,… thì luôn thu hút những nick của nam giới."

Thích ứng và vươn lên

Mặc dù các cô gái khá thận trọng và chủ động trong việc chọn chồng xứ người, chủ động đám cưới rồi hồ hởi, mong ngóng cho đến ngày sum họp, hầu hết các cô vẫn trải qua một giai đọan sốc ban đầu. Tùy mức độ nặng nhẹ mà cú sốc ấy có thể đi qua hay làm tan vỡ cả cuộc hôn nhân của họ.

Trang chia sẻ về thời gian đầu của cô ở Malaysia:

"Cái đầu tiên em nghĩ là mình thiếu thốn tình cảm. Mình xa quê hương, xa bạn bè, ở một thế giới khác hẳn về sinh hoạt, thói quen ăn uống, mọi thứ đều khác hẳn. Em nhớ nhà, nhớ quê hương lắm. Hồi mới sinh em bé, chiều nào em cũng khóc hết. Mình nghĩ vì lúc mình sinh em bé, mình cần được chia sẻ mà mình lại không có gia đình bên đây, không có bạn bè.

Như ở Việt Nam, mình mà sinh em bé là gia đình đến, họ hàng đến, bạn bè đến, vui lắm, được chia sẻ lắm. Bên đây mình cứ một mình, chồng thì lười, hồi đó chồng em đi làm, kinh tế chưa cao nên chưa thuê được người giúp việc nên em phải làm hết, đâm ra tâm trạng vừa mệt mỏi vừa cảm thấy tủi thân."

Nếu thật sự ở bên đây mà có công việc tốt, một gia đình tốt và kinh tế tốt mà cả hai vợ chồng kiếm được thì cuộc sống bên đây nói thẳng ra là tốt hơn Việt Nam.

Cô Trang

Trong khi đó, với Thủy, lấy chồng Việt kiều tại Mỹ lại gặp phải nhiều ngỡ ngàng sau ngày sum họp với chồng:

"Lúc trước thì vui lắm, lúc đang quen mà chưa qua đây đó, vì thường nói chuyện thôi, đâu có gặp nhiều. Một năm gặp chừng vài lần, 1 – 2 lần nhưng rồi khi về sống chung rồi thì cái này cái kia, mỗi thứ một chút, cứ xảy ra hết chuyện này đến chuyện kia. Khi sống chung, những chuyện không biết trước được nhưng khi đụng rồi mới thấy cái nhìn của hai người không cùng quan điểm.

Hồi trước, Thủy quen người Việt Nam thôi, không quen người bên này. Quen cũng mấy người Việt Nam đó, rồi cũng chán, thấy người nào cũng như người nào nên quen người bên này, do người ta giới thiệu. Quen bên này thì thấy cũng có cái hay mà cũng có những cái không thích hợp được với mình."

Trong rất nhiều trường hợp lấy chồng nước ngoài, mặc dù bản thân người phụ nữ gặp không ít những khó khăn, đau khổ và thất vọng trong cuộc sống gia đình nhưng chính những yếu tố xã hội như cơ hội học hành, các điều kiện vật chất, kinh tế đã níu chân họ.

So sánh cuộc sống ở Malaysia và Việt Nam, Trang nhận xét:

"Nhìn chung thì Malaysia và Singapore đời sống đều cao, dân trí, sự hiểu biết của con người bên đây đều cao hẳn hơn Việt Nam. Nếu thật sự ở bên đây mà có công việc tốt, một gia đình tốt và kinh tế tốt mà cả hai vợ chồng kiếm được thì cuộc sống bên đây nói thẳng ra là tốt hơn Việt Nam.

Nhưng khi tất cả những thứ đó mình không có thì so sánh lại thì cuộc sống ở Việt Nam tốt hơn vì ở Việt Nam dù mình như thế nào thì người ta cũng vẫn tình cảm, người ta không nhìn vào đồng tiền nhiều bằng những người bên đây."

Cuộc sống phát triển ở xứ người khiến nhiều phụ nữ phải tự điều chỉnh mình để thích ứng và vươn lên. Chính những thích ứng đó đã “kê” họ lại cho bằng với người phối ngẫu hoặc đôi khi khiến cho khoảng cách giữa họ và vị hôn phu ngày càng lớn.

Tuy nhiên, những nỗ lực thích nghi với cuộc sống cũng tạo ra một hiệu ứng xã hội khác đến những người thân quen của họ tại quê nhà, khiến cho “giấc mơ đổi đời” vẫn cứ là một giấc mơ có nhiều màu hồng hơn là những góc tối đối với không ít cô gái Việt.

Khánh An xin chào tạm biệt. Hẹn gặp lại quý vị trong Tạp chí Phụ Nữ kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.