Phụ nữ Ả Rập đòi dân chủ

Những ngày đầu năm 2011 này, cả thế giới đang hướng về Trung Đông và các nước Bắc Phi, nơi cuộc cách mạng hoa lài đang lan rộng.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.03.15
000_Par6135560-305.jpg Phụ nữ Tunisia tại cuộc họp với gia đình các tù nhân chính trị Hồi giáo được tổ chức hôm 13/3/2011 tại Tunis với khẩu hiệu: "Tra tấn là tội ác, hãy lên tiếng!"
AFP photo

Từ Tunisi, Ai Cập đến Libi, hàng ngàn người dân đã xuống đường để biểu tình đòi đổi mới và dân chủ. Phụ nữ các nước Trung Đông cũng tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình đòi quyền lợi bất chấp những nguy hiểm đến tính mạng. Những diễn biến này đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có thể hy vọng vào những thay đổi lớn về quyền của phụ nữ tại các nước Trung Đông và châu Phi trong thời gian tới?

Phụ nữ xuống đường ...

Lửa cháy, khói bốc cao và những đoàn người biểu tình hô to những khẩu hiệu chống chính phủ, đòi quyền lợi trên các đường phố của Libi là những hình ảnh đang tràn ngập trên youtube và các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều ngày qua. Rất nhiều trong số các đoạn băng video này đến từ những nguồn không thể xác định do việc cắt đứt liên lạc giữa Libi và thế giới bên ngoài từ khi cuộc nổi dậy của người dân xảy ra tại quốc gia này.

Cuộc nổi dậy của người dân các nước Trung Đông và Bắc Phi bắt đầu tại Tunisi từ cuối năm ngoái đến nay vẫn được biết đến với cái tên cuộc cách mạng hoa lài, đã kéo theo những người phụ nữ Trung Đông xuống đường biểu tình đòi quyền lợi.

Chúng ta đã thấy những câu chuyện quả cảm của phụ nữ tại các nước Trung Đông trong nhiều tuần qua. Họ đòi hỏi rằng tiếng nói của họ phải được lắng nghe.

Bà Hillary Clinton

Những người phụ nữ với khăn trùm kín đầu, có người chỉ hở đôi mắt, giương cao những khẩu hiệu viết bằng chữ Ả rập nhiệt tình hô to những đòi hỏi của mình trên đường phố, bất chấp những hiểm nguy.

Trả lời phỏng vấn của hãng truyền hình ABC Mỹ, một phụ nữ tham gia biểu tình ở Benghazi, Libi đã nói có thể cô và những người phụ nữ khác sẽ thiệt mạng nhưng lịch sử sẽ không bao giờ chết. Những người phụ nữ tham gia biểu tình tự hào vì đã dám đứng lên nói điều mà họ tin và điều này sẽ giúp làm thay đổi tương lai của họ.

Đây là lần đầu tiên những người phụ nữ Libi đổ ra đường biểu tình để chống lại sự cầm quyền của tổng thống độc tài Moammar Gaddafi trong suốt 42 năm qua.

000_Was2429166-250.jpg
Những người biểu tình cầm bức chân dung của Neda Soltani, một phụ nữ bị giết trong một cuộc biểu tình ở Iran ngày 28 tháng 6 năm 2009. AFP photo
Những người biểu tình cầm bức chân dung của Neda Soltani, một phụ nữ bị giết trong một cuộc biểu tình ở Iran ngày 28 tháng 6 năm 2009. AFP photo
Những gì đang diễn ra tại Trung đông trong những ngày đầu năm 2011 cũng làm người ta nhớ lại hình ảnh của cô gái trẻ Neda bị bắn chết trên đường phố Tehran của Iran vào năm 2009 khi cô tham gia vào đoàn biểu tình chống lại kết quả bầu cử được cho là gian lận mà theo đó tổng thống Mahmoud Ahmadinejad thắng cử. Hình ảnh cô ngã xuống đã làm cả thế giới chú ý và cô đã được coi là tiếng nói của người dân Iran.

Phát biểu nhân dịp lễ trao giải thưởng dũng cảm cho những phụ nữ tiêu biểu của thế giới hôm mùng 8 tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã ca ngợi những người phụ nữ tại Trung Đông và Bắc Phi. Bà nói:

"Chúng ta đã thấy những câu chuyện quả cảm của phụ nữ tại các nước Trung Đông trong nhiều tuần qua. Họ đòi hỏi rằng tiếng nói của họ phải được lắng nghe. Và trong những tháng năm tới, phụ nữ tại các nước Ai Cập, Tunisi và các quốc gia khác sẽ có các quyền cũng giống như đàn ông để làm lại chính phủ ở nước mình."

Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng nhắc đến những người phụ nữ Ai Cập đã đứng lên đòi được quyền tham gia tích cực hơn trong quá trình chuyển giao sang dân chủ tại nước này kể từ sau khi tổng thống Husni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2 vừa qua. Bà nói:

"Tuần trước, một nhóm phụ nữ Ai Cập đã viết thư lên Ủy ban hiến pháp nước này và hỏi rằng tại sao không có một chuyên gia nữ có tiếng nào của Ai Cập được tham gia vào việc soạn thảo hiến pháp sửa đổi. Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến đang diễn ra tại đây và cả thế giới sẽ tiếp tục dõi theo. Bản thân những người phụ nữ xứng đáng được có đại diện tham gia đưa ra các lựa chọn, mà những lựa chọn này sẽ có ảnh hưởng đến chính cuộc sống của họ, của con cái họ dù đó là chính phủ nào đi chăng nữa."

Cho đến lúc này, vẫn chưa có một phụ nữ nào được chọn vào ban soạn thảo hiến pháp mới của Ai Cập.

... đòi quyền lợi

Cùng với những thay đổi đang diễn ra tại đây, người ta cũng đang bắt đầu nói đến các quyền khác của phụ nữ đạo hồi liên quan đến việc diễn giải luật của đạo hồi dựa theo kinh Quran. Tại các quốc gia hồi giáo, việc diễn giải các luật này thường không đồng nhất. Nói ví dụ như độ tuổi kết hôn của nữ giới ở Maroc được quy định là 18 nhưng tại Ả râp Saudi thì bé gái 8 tuổi đã có thể kết hôn với người đàn ông lớn hơn mình rất nhiều tuổi.

Cuộc cách mạng hoa lài tại các nước Trung đông khiến chính phủ một số nước phải thay đổi. Cũng chính vì lý do này mà người ta cũng không khỏi đặt ra câu hỏi về khả năng một số quyền của người phụ nữ tại đây sẽ bị thay đổi theo chiều hướng xấu đi so với trước đây một khi các nhóm hồi giáo cực đoan có tiếng nói trong chính quyền. Điển hình là ở Tunisi, nước được coi là đã có những tiến bộ nhất định trong việc giải phóng phụ nữ trước kia. Phụ nữ Tunisi có quyền được ly dị ngang với nam giới, không chấp nhận đa thê, được tiếp cận với các biện pháp tránh thai và thậm chí một số trường hợp nhất định còn được quyền phá thai.

Tại Tunisi, một số nhóm Hồi giáo đã bắt đầu lên tiếng đòi phải thay đổi những quyền này của phụ nữ.

bibi-aiesha-grossman-burn-foundation-200.jpg
Cô Bibi Ayesha với một cái mũi giả và nụ cười rạng rỡ trên gương mặt xinh đẹp. Photo courtesy of Grossman Burn Foundation
Cô Bibi Ayesha với một cái mũi giả và nụ cười rạng rỡ trên gương mặt xinh đẹp. Photo courtesy of Grossman Burn Foundation
Khi nói đến những thay đổi đang diễn ra tại Trung Đông và quyền của người phụ nữ tại đây, người ta cũng không thể không nói đến Afghanistan, đất nước đã bị chiến tranh tàn phá trong nhiều năm qua, mặc dù đây không phải là quốc gia chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng hoa lài.

Năm 2010, người dân nhiều nước trên thế giới hẳn không quên câu chuyện của Bibi Ayesha, cô gái trẻ xinh đẹp người Afghanistan bị chồng hành hạ, cắt mũi, cắt tai. Hình ảnh của cô đã được đưa lên trang bìa của tạp chí Time của Mỹ. Cô là một trong vô số những nạn nhân nữ của chế độ Taliban hà khắc.

Những người phụ nữ Afghanistan ngày nay cũng đang tham gia tích cực vào những thay đổi đang diễn ra tại đây. Trong số 10 phụ nữ được trao giải dũng cảm năm nay, cũng có một đại diện phụ nữ từ Afghanistan. Cô là Maria Bashir, công tố viên trưởng thuộc văn phòng tổng trưởng lý ở quận Herat. Cô đã phải trải qua một thời gian sống dưới chế độ Taliban hà khắc. Cô không được làm việc, nhà cô bị đốt cháy, cuộc sống của cô và các con thường xuyên bị đe dọa.

Nhưng cô đã dũng cảm tổ chức các lớp học bí mật cho những phụ nữ, và cô gái trẻ Afghanistan tại nhà mình. Sau khi chế độ Taliban bị đánh đổ, cô đã lấy lại vị trí của mình trước kia là công tố viên điều tra. Và vào năm 2006, cô được bầu là công tố viên trưởng của quận Herat. Và cô vẫn tiếp tục làm việc vì quyền lợi của phụ nữ Afghanistan. Cô cho biết quyền của phụ nữ Afghanistan ngày nay đã có nhiều cải thiện. Cô Maria Bashir nói:

Tình hình của phụ nữ Afghanistan đã có nhiều cải thiện mặc dù vẫn còn những thách thức. Tôi có thể nói là đã có nhiều phụ nữ được tham gia vào quốc hội hơn.

Cô Maria Bashir

"Tình hình của phụ nữ Afghanistan đã có nhiều cải thiện mặc dù vẫn còn những thách thức. Tôi có thể nói là đã có nhiều phụ nữ được tham gia vào quốc hội hơn. Chúng tôi cũng được tiếp cận với giáo dục và giáo dục đại học, được đi làm cho các văn phòng của chính phủ. Chúng tôi hy vọng là mặc dù còn khó khăn nhưng tình hình sẽ tiếp tục được cải thiện."

Tiếng súng vẫn nổ trên các đường phố của Libi, máu của những người phụ nữ vẫn đổ, nhưng không vì thế mà họ ngừng đứng lên đấu tranh đề đòi hỏi các quyền cơ bản của phụ nữ, và cả quyền tham gia vào tiến trình dân chủ tại đất nước của mình.

Nói như ngoại trưởng Hillary Clinton nhân dịp lễ kỷ niệm ngày mùng 8 tháng 3, ‘không một chính phủ nào có thể thành công nếu một nửa dân số của họ không được tham gia vào các quyết định quan trọng. Những người phụ nữ tại quảng trường Tahrir ở Cai rô đã cho thấy rõ ràng rằng họ cũng phải được tham gia tiếng nói và được tham gia bầu cử trong tương lai’.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.