Bạo hành trẻ em năm 2010

Năm 2010 đã qua đi và cũng là năm được báo chí Việt Nam coi là năm mà nạn bạo hành trẻ em diễn ra nhiều với mức độ kinh khủng nhất.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.01.04
000_APH2002101513904-305.jpg Các cháu học sinh một trường mẫu giáo ở Hà Nội
AFP photo

Hiện trạng

Từ vài ba năm trở lại đây, báo chí Việt Nam liên tục đăng những câu chuyện thương tâm về các trường hợp trẻ bị bạo hành ở trường học và tại gia đình gây nên bất bình rất lớn trong dư luận. Nhưng có lẽ năm 2010 phải được coi là năm mà nạn bạo hành trẻ em được báo chí nói đến nhiều nhất không những về số vụ án mà còn cả về mức độ dã man.

Theo số liệu thống kê tổng hợp gần đây từ đường dây nóng của Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em cho thấy, các vụ xâm hại và bạo lực đối với trẻ em trong gia đình tăng gấp 3 lần, tại cộng đồng tăng 7 lần và trong trường học tăng 12 lần so với 10 năm về trước. Mỗi năm, cả nước có khoảng 7000 đến 8000 vụ bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em. Đây cũng chỉ là con số được trình báo, còn không ai biết con số cụ thể là bao nhiêu, có thể còn cao hơn nữa.

Điểm đáng chú ý là có những vụ bạo hành trẻ em phát hiện năm 2010 nhưng trên thực tế trẻ đã bị hành hạ từ trước đó nhiều năm. Cụ thể như trường hợp em Hào Anh ở Cà Màu bị vợ chồng người chủ trại tôm giống Minh Đức hành hạ dã man trong một thời gian dài trước khi cơ quan chức năng chính thức vào cuộc và can thiệp. Hay trường hợp gần đây nhất là vụ bảo mẫu ‘tắm đòn’ bé gái 3 tuổi ở Bình Dương cả một năm trời trước khi bị phát hiện.

Chuyện trẻ em đi học trường mẫu giáo hay lớp 1 lớp 2 mà bị giáo viên đánh thì đã xảy ra lâu rồi nhưng trước đây mức độ đánh đập không nặng...

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh

Trả lời báo Dân Trí, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết theo số liệu báo cáo thì có vẻ tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua có xu hướng tăng đáng kể là do công tác thống kê bây giờ đã làm tốt hơn nên nhiều vụ việc không bị bỏ qua như trước kia.

Còn theo chuyên gia tâm lý trẻ Lê Khanh thuộc trường Quản trị cuộc đời Lima ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết số vụ bạo hành trẻ em tăng lên gần đây một phần là do hiệu ứng của báo chí, một phần là do các áp lực tâm lý lên các giáo viên. Ông giải thích:

"Trước hết chuyện trẻ em đi học trường mẫu giáo hay lớp 1 lớp 2 mà bị giáo viên đánh thì đã xảy ra lâu rồi nhưng trước đây mức độ đánh đập không nặng, vì lý do là giáo viên đánh trẻ lúc đó không bị cấm, thứ hai nữa là giáo viên chưa bị áp lực nhiều, sau đó do những quy định từ trên sở trên bộ xuống là không được đánh.

Chính thế mà giáo viên lại bị ức chế, từ đó đưa đến tình trạng là không đánh trực tiếp mà có biện pháp hành hạ khác gây ra chấn thương tâm lý cho trẻ nhiều hơn. Ví dụ như nhốt trẻ vào phòng, dọa trẻ. Mình không đánh mà lại để cho bạn trẻ đánh, hoặc có những hành động ảnh hưởng đến nhân phẩm trẻ, từ đó thì báo chí mới bắt đầu lên tiếng. Khi lên tiếng thì mới có hiệu ứng, người ta mới thấy chỗ này chỗ kia rộ lên."

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh có nói đến chuyện giáo viên là những người trực tiếp tham gia hành hạ trẻ. Thế nhưng trên thực tế, trẻ còn bị hành hạ bởi chính cha mẹ, người thân của mình, bởi những người bảo trợ cho mình. Báo Lao Động hôm 30 tháng 12 năm 2010 đã liệt kê 5 vụ bạo hành kinh hoàng nhất năm 2010 trong đó có một vụ là bé Nguyễn Thị Như Ý, 9 tháng tuổi ở tỉnh Đồng Tháp bị mẹ đẻ của mình đánh đập dã man.

Không những thế, theo công an tỉnh Đồng Tháp, bé còn bị ông bà ngoại và người tình của mẹ đánh. Nguyên nhân là vì mê tín dị đoan. Họ cho rằng ‘nếu để bé sống tới 12 tuổi sẽ đem đến đại họa cho cả gia đình’. Hay trường hợp bé trai Trần Thanh Lực, 20 tháng tuổi ở Tiền Giang bị cô ruột dùng cây sắt nung nóng hành hạ.

Trách nhiệm của giáo viên

Quay lại chuyện giáo viên là những người trực tiếp hành hạ trẻ. Năm 2010, dư luận cũng không thể quên câu chuyện của bé Lê Quang Vinh, 4 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bị cô giáo mầm non  Trần Thị Xuân Nữ thuộc nhóm trẻ tư thục Hoa Lan nhốt vào thang máy hù dọa. Kết quả là vì quá sợ hãi bé đã tự gây ra các vết thương cho cơ thể mình. Điều đáng chú ý là cô Nữ đã có đến 10 năm kinh nghiệm là cô nuôi dạy trẻ và đang học đại học sư phạm.

unicef.org-200.jpg
Trẻ em Việt Nam. Photo courtesy of unicef.org
Trẻ em Việt Nam. Photo courtesy of unicef.org
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh thì những vụ hành hạ trẻ tại trường thường chỉ xảy ra ở các trường tư thục nhỏ vì giáo viên các trường này thường không được đào tạo cơ bản để hiểu về tâm lý trẻ. Ông cho rằng đây là tình trạng đáng báo động:

"Trường tư thường tuyển các giáo viên không được đào tạo bài bản nên họ không có những kỹ năng hiểu biết về tâm lý trẻ. Khi họ làm vậy họ không biết là nó ảnh hưởng đến tâm lý trẻ thế nào, hậu quả thế nào. Họ chỉ nghĩ là làm thế là trẻ nó sợ."

Ông cho rằng tại các trường công cũng có thể xảy ra các vụ bạo hành trẻ nhưng khó phát hiện vì sự che giấu của phòng giáo dục và của sở, tỷ lệ vi phạm tại các trường công cũng không cao vì phần lớn các trường này đều tuyển các giáo viên được qua đào tạo chuyên môn cơ bản.

Cô giáo Lê Thị Dung tại một nhà trẻ công có tiếng ở Hà nội cho biết, tại các trường công, ngoài việc giáo viên được đào tạo chuyên môn đầy đủ, nội quy về trách nhiệm của giáo viên rất nghiêm ngặt nên khó có thể xảy ra các vụ bạo hành trẻ như thường thấy ở các trường tư thục hay nhóm trẻ gia đình. Cô Dung nói:

"Phải có những quy định về trách nhiệm của giáo viên dạy trẻ là chịu trách nhiệm an toàn tuyệt đối đến tính mạng và sức khỏe của trẻ khi bắt đầu được gửi vào trường, từ hành lý đồ dùng của trẻ đến tính mạng của trẻ thì đều là mình hết."

Cô nói, khi trẻ hư, giáo viên cũng có thể áp dụng các hình phạt nhất định nhưng phải cân nhắc rất kỹ để không ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Cô giải thích:

"Mức phạt thì cũng có chứ, bạn nào hư quá thì úp mặt vào tường, thế thôi. Đó là mức phạt nặng nhất rồi, cho ngồi cách xa các bạn một tí. Chiều về thì nói với bố mẹ là hôm nay con cấu bạn hay đánh bạn gì đó. Còn trẻ con nó nghịch nó nhảy từ trên ghế xuống mà bong gân thì mình cũng phải chịu trách nhiệm vì do mình coi sóc không được triệt để, thì mình cũng phải nhận lỗi với phụ huynh là hôm nay em không để ý…. Mình phải có lời nói chứ không được ỉm đi hay đổ tại nó nghịch."

Trường tư thường tuyển các giáo viên không được đào tạo bài bản nên họ không có những kỹ năng hiểu biết về tâm lý trẻ.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh

Trong khi nạn bạo hành trẻ đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng trong năm 2010 thì người ta cũng không thể không nhìn nhận những cố gắng nhất định của chính phủ Việt nam trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ, ít nhất là về mặt giấy tờ, văn bản pháp lý. Từ năm 1990, Việt Nam đã trở thành nước châu Á đầu tiên và nước thứ hai trên thế giới tham gia công ước về quyền trẻ em. Sau đó Việt nam đã thông qua luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ, rồi luật phòng chống bạo lực gia đình cũng xác định nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em phải được ưu tiên bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Các biện pháp chế tài

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi pháp luật lại gặp nhiều khúc mắc. Theo luật sư Nguyễn Bảo Trâm và Trần thị Lệ Thu trong bài viết trên báo Tuổi trẻ, thì nguyên nhân việc đánh giá, xử lý những vụ bạo hành trẻ không tận gốc là do cơ quan chức năng thường mới chỉ tập trung xử lý ‘người dưng’ tức là người thuê lao động trẻ, còn người thân thích, giám hộ trẻ như cha mẹ, anh chị thì dường như bị bỏ qua.

Việc xử lý các trường hợp cha mẹ ngược đãi con cái mới chỉ quan tâm đến góc độ hành chính là phạt bao nhiêu tiền, hoặc hình sự là phạt bao nhiêu tháng, năm tù, mà chưa đề nghị tòa án tước hay hạn chế quyền của cha mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Những người thấy có các hành vi bạo hành trẻ mà không tố giác tội phạm thì vẫn chưa bị khởi tố.

tuoitre.vn-190.jpg
Em Hào Anh bị người lớn hành hạ đến gây thương tích. Photo courtesy of tuoitre.vn
Em Hào Anh bị người lớn hành hạ đến gây thương tích. Photo courtesy of tuoitre.vn
Theo ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thì mạng lưới các cộng tác viên những người làm công tác dân số, gia đình và trẻ em ở Việt Nam còn thiếu làm cho họat động bảo vệ quyền trẻ em tại các địa phương còn hạn chế. Thêm vào đó là ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ hàng năm quá thấp. Mỗi năm ngân sách cả trung ương và địa phương ít hơn 100 tỷ cho 23 triệu trẻ em. Ông Hữu thừa nhận Việt Nam mới chỉ tập trung đến giáo dục, chữa bệnh, còn bảo vệ và vui chơi là 2 vấn đề chưa thực sự được quan tâm.

Để đối phó với tình trạng các vụ bạo hành trẻ, năm 2009, Thủ tướng chính phủ có đưa ra chỉ thị 1408 quy định việc để xảy ra bạo hành trẻ, trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ tịch tỉnh. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ chủ tịch tỉnh nào ở Việt Nam bị xử lý.

Đối với các nhà trẻ, năm 2010, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đưa ra một số các biện pháp như thành phố Hồ Chí Minh đề nghị gắn camera trong lớp học để theo dõi cô giáo. Dư luận có những ý kiến trái ngược nhau về biện pháp này. Chị Nguyễn Thị Huyền, một phụ huynh có con đang đi học mẫu giáo nhận xét:

"Thực ra có camera thì mình cũng thích. Nhưng nói thật là bản thân người có camera nhìn thì một thời gian nào đó họ sẽ làm cách nào đó để làm camera hỏng. Từ khi em làm ngân hàng hay thủ quỹ thì gắn camera, còn hoạt động hàng ngày thì thực ra đó là áp lực cho người ta chứ nó không hay gì cả.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh thì cho rằng biện pháp gắn camera chỉ là biện pháp tức thời, điều quan trọng là phải giải tỏa yếu tố tâm lý cho giáo viên, cần phải trang bị cho giáo viên các kỹ năng và kiến thức về tâm lý trẻ.

Phải có những quy định về trách nhiệm của giáo viên dạy trẻ là chịu trách nhiệm an toàn tuyệt đối đến tính mạng và sức khỏe của trẻ khi bắt đầu được gửi vào trường.

Cô giáo Lê Thị Dung, HN

Ngoài ra theo chuyên gia tâm lý này thì phần lớn các vụ bạo hành trẻ thời gian vừa qua sau khi được phát hiện, cơ quan chức năng mới chỉ gửi trẻ đến bệnh viện để điều trị các tổn thương về thể xác mà chưa chú trọng đến các chấn thương về tâm lý trẻ. Đây cũng chính là nguyên nhân mà có nhiều trẻ khi được đưa đến các chuyên gia tâm lý thì các ảnh hưởng về tâm lý đã trở nên nghiêm trọng.

Có thể nói năm 2010 là năm đáng buồn về tệ nạn bạo hành trẻ em tại Việt Nam. Mặc dù đã có những nhìn nhận nhất định từ phía chính phủ về việc phải bảo vệ quyền lợi của trẻ em nhưng rõ ràng vẫn còn quá nhiều điều phải làm. Trước hết về mặt pháp luật thì ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em đã hứa với báo chí rằng sắp tới Việt Nam sẽ tiến hành sửa luật bảo vệ chăm sóc trẻ em để quy định rõ hơn trách nhiệm của người quản lý khi trẻ em bị bạo hành, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền xã phường. Ít nhất thì đó cũng là một hy vọng để các em có được các quyền cơ bản trong Công ước quốc tế về quyền của trẻ em là quyền được sống còn, được bảo vệ và phát triển.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.