Ở một nơi chưa bao giờ có Giáng Sinh.

Trong những ngày này, hầu hết mọi nơi trên đất nước Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, đâu đâu cũng thấy không khí tưng bừng rộn rã của muà Noel.
Phương Anh, phóng viên RFA
2008.12.23
Đời sống vùng sông nước Đời sống vùng sông nước
Photo Vietnamnet

Đời sông nước

Các cửa tiệm đèn đuốc sáng trưng với những sản phẩm Giáng Sinh thật lộng lẫy. Trẻ con thì háo hức với các đồ chơi, bánh kẹo ngon mắt, thanh niên thiếu nữ thì lo sắm sửa thời trang, người lớn thì quà cáp, tiệc tùng…Trong khi hầu như ai ai cũng bận rộn chuẩn bị để đón mừng lễ hội Noel, thì ở một nơi ngay ven đô của thành phố Huế, dọc bên bờ sông Tràng Tiền, gọi là khu Vạn Đò ở Phú Cát, những người dân nghèo khổ đang tạm cư nơi đây, trong nhiều năm qua, chưa hề biết đến Noel là gì. Kỳ này, Phương Anh xin gửi tới quí vị một số chi tiết về họ.

Cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh, hiện ở khu định cư Kim Long, người đã và đang tiếp tục lo cho lớp học tình thương ở đây cho biết:   

Ở dưới họ thì không có Noel. Khung cảnh ở đó làm gì có Noel.  

 Họ lên khu định cư rồi nhưng một cái chiếc thuyền như vậy là 10 người thì trong đó có 3 cặp vợ chồng, trong một cái đò như vậy là có “ tứ đại đồng đường”, bốn năm thế hệ sống chung với nhau…bây giờ nhà nước cấp cho 100 mét vuông thì làm sao mà chia ra cho đủ 4 hộ gia đình ở. Cho nên, họ bán bớt đi 50 mét, rồi chia cho con cái, còn lại, họ làm nhà ở, rồi khi họ lên đất liền thì họ không biết làm ăn nên cuộc sống của họ càng khó khăn hơn.  Lúc đó, họ lại bán luôn 50 mét còn lại và xuống bờ sông. Chính quyền điạ phương lại không chấp nhận họ sống như vậy, cứ bắt bớ thì họ lại xuống đò chèo đi chỗ này chỗ kia, và tập trung thành một cái làng không nơi nương tưạ.

Được biết, ngay khi giải toả khu Vạn Đò để làm đẹp cảnh quan của thành phố Huế, thì chính quyền địa phương cũng có trợ giúp phần nào, thế nhưng, ở khu định cư mới thì lại không có phương tiện để sinh sống, chính vì thế, họ lại gặp khó khăn hơn, cô cho biết:   

 Vẫn có tạo điều kiện cho họ làm ăn, vay vốn xoá đói giảm nghèo, sống bằng nghề sông nước thì vẫn để cho họ có chiếc đò đi làm ăn…nhưng họ quen sống ở dưới đò bằng nghề cát sạn, bằng nghề đánh cá, nhưng bây giờ, họ sống một cảnh hai quê…Con cái lên khu định cư được đi học, nhưng cha mẹ đi làm thì không an tâm. Lúc đầu, lo cho con cái đi học, nhưng đến khi làm theo mùa vì cát sạn thì làm theo muà, đến khi hết vốn thì lần lần bán cả đất luôn…Ở dưới sông thì tốt hơn, nhưng con cái lại không biết chữ. Ở thành phố thì có hội văn hoá này nọ, thi  đua sạch đẹp…nhưng họ không nghĩ rằng muốn cải tạo một con người không phải là dễ, nhất là sinh sống. Trước khi sinh sống thì phải có nghề, một cái nghề thay đổi đối với họ rất lâu, không thể ngày một ngaỳ hai được…nhiều khi đến cả 10 năm. Ở đằng chợ thì còn buôn bán được, còn lên khu định cư này giống như an dưỡng vậy, không làm gì được.

Ông Lệ, một người đã về hưu hiện sống ở thành phố Huế, thường xuyên giúp đỡ một số gia đình quá khốn khổ ở khu này, trong phạm vi của mình, cho biết cuộc sống của người dân tại đó:         

Nhà cửa thì cũng không ra nhà, bây giờ họ sống với nghề đạp xích lô hay làm thuê, đi lượm ve chai…Tôi có tới hai ba nhà ở xóm đó thì tôn rách bươm, ở trong nhà thì ẩm thấp, nhưng nếu nói là cái nhà thì cũng không đúng vì quá nhỏ, không có hệ thống vệ sinh…họ sống rất khổ. Trước đây, họ sống dưới nước, sau đó lên bờ ở khu định cư, nhưng không có đất đai để trồng trọt và cũng không có công việc chi để làm, ngoài đạp xích lô, đàn bà, con nít thì đi lượm ve chai, chứ không biết làm chi cả! Nhưng cũng không phải ai cũng đạp xích lô được cả. Nhà nước cũng trợ cấp nhưng qua thời gian đó thì khó khăn lắm.

Không quen với đời sống trên đất liền

Theo lời của chị Lốp, một cư dân ở làng Vạn Đò, bị giải toả lên khu định cư Kim Long, nhưng sau đó, vì quá khó khăn, gia đình chị lại phải tìm đến vùng đất này tạm cư sống qua ngày, chị nói:   

Em không có hộ khẩu. Họ cũng hỏi vậy thôi, nhưng chưa chu cấp gì hết. Em đi lượm chai bao. Em đi lượm một mình vì chồng em bị bệnh, một ngày khoảng từ hai chục ngàn trở xuống…Đi lượm ở vùng quanh thành phố, chỗ nào có rác thì em vô lượm... Chồng em bị bệnh mạch lươn …cũng bữa đói bữa no, buổi sáng ăn cháo, buổi chiều ăn cơm.. ăn buổi trưa thì không có. Có hai đưá nhỏ cho đi học, lớp ba, lớp 5, vay mượn mỗi ngày góp lại vài ba ngàn để cho cháu đi học.

Còn chị Nguyệt, thì cho hay rằng:

Ở dưới đò, sau đó họ giải thể, họ có cho cha mẹ chồng miếng đất nhưng mà nhỏ quá, trong nhà 7, 8 anh em có vợ chồng nữa, chật quá nên phải trên ni, có mồ mả, cây cối tùm lum mà khai hoang để ở. Họ giải thể, họ chỉ giải quyết cho cha mẹ thôi, chứ hộ em không có…Em đi lượm chai bao, nhưng bị bệnh xuyễn, khi trời động lên cơn thì phải ở nhà. Có cho 3 đưá đi học, nhưng thằng lớn 17 tuổi vì không có tiền nên cho nó nghỉ rồi. Một ngày gửi hai ngàn cho đến khi nhập học, chứ tiền ở  mô!

Riêng với trường hợp anh Lê Văn Mày, năm nay 46 tuổi, cả gia đình gồm 5 miệng ăn, hàng ngày, như bao người đàn ông trong làng, mỗi ngày anh mướn một chiếc xích lô với giá 3 ngàn, để nuôi cả nhà. Cả đời anh chưa bao giờ biết đến Noel là gì, anh nói:  

Em không có hộ khẩu gì hết, em đi xích lô, thuê tháng của họ, một tháng là chín chục ngàn. Đi để kiếm gạo ăn, vợ thì đi lượm chai bao…Nhiều khi ngày có ngày không. Bữa ni mưa gió là không có luôn, cái nhà không có mà ở, lượm mấy tấm tôn mỏng che lên, nhưng nó dột lên dột  xuống… Cơm không có mà ăn nữa thì tiền đâu mà nộp cho trường cho các cháu đi học. Ước ao Noel của em là có một chiếc xe xích lô để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con thôi.  

Thưa quí vị, hiện nay, với hàng trăm người đang sinh sống, chui rúc dưới những túp lều tôn xiêu vẹo, dột nát, bữa đói bữa no, lâu lâu được sự trợ giúp vài chục ký gạo của các cá nhân hay vài hội đoàn từ thiện. Sơ Mỹ Hạnh, người đã và đang giúp cho làng Nước Ngọt chương trình nuôi heo, mới đây, đã đến thăm nơi đây, cho biết:       

Người ta giải toả, phát cho mỗi gia đình được mấy tấm tôn, nên nhà cửa rất tiêu điều, tất cả không có gì hết,  đường đi vào đó là bùn đất, điện thì vài bóng đèn le lói. Tôi đến đó vào buổi chiều, trời thì mưa, tôi thấy rất ảm đạm, ở gần thành phố Huế nhưng khi mình đến đó thì thấy giống như một cái làng nào đó ở trong rừng hay một vùng ngoại ô mà không bao giờ thấy xe cộ. Khu vực đó xa với những ngôi nhà lầu mà chính phủ đã kiến thiết, tôi không thấy một ngôi nhà thờ nào và một ngôi chùa nào.. Đa số là rác và các em bé thì ăn mặc mỏng manh mặc dù trời mưa, có em chỉ mặc quần đùi và đi chân không.

Bên cạnh đó, Sơ cho biết về tình cảnh của họ trong dịp lễ Noel:

Thời gian gần Giáng Sinh thì đồng bào ở đó sống không biết là tối hôm đó sẽ ăn cái gì, chỉ ngồi chờ và mắt thì ngóng nhìn…nhiều bà mẹ bồng con cho con bú nhưng không có sữa vì họ không có cơm ăn. Tôi nghĩ là trong thế kỷ 21 này mà quê hương mình còn có những người quá sức là nghèo, thậm chí không có cơm mà ăn, mặc dù sống rất gần thành phố và tương lai thì mờ mịt. Hàng trăm em nhỏ không được đi học, các em đi lượm rác, chơi với bùn đất. Cha mẹ cũng rất đau khổ vì con cái không được đi học. Vấn đề ăn uống, vệ sinh, giáo dục là 3 vấn đề tôi thấy rất lo cho những người ở làng Vạn Đò đó.

Qúi vị và các bạn vừa nghe một số thông tin về một làng Vạn Đò ở khu Phú Cát, Huế, nơi chưa bao giờ có lễ Giáng Sinh.  Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.       

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.