Trăn trở của Nhà giáo về giáo dục Việt Nam

Khánh An mời quý vị hội ngộ với các giáo viên đã và đang giảng dạy ở các cấp trường khác nhau tại Việt Nam để nghe ý kiến, quan điểm của họ về những vấn đề xung quanh nền giáo dục Việt Nam.
Khánh An, phóng viên RFA
2010.06.18
Từ trái qua: GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn, Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Từ trái qua: GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn, Luật sư Cù Huy Hà Vũ.
Photo courtesy of nhkienblog

Riêng trong kỳ đầu tiên, Khánh An mời quý vị gặp gỡ 2 người thầy nổi tiếng, đó là nhà giáo Phạm Toàn, một trong những sáng lập viên của trang bauxite Việt Nam và thầy giáo Đỗ Việt Khoa, vốn được đặt cho biệt danh là “người đương thời” vì đã thẳng thắn đứng ra chống tiêu cực trong thi cử. Kỳ này, mời quý vị nghe cuộc trò chuyện của họ về vấn đề chống tiêu cực trong giáo dục.

Khánh An: Trước tiên, Khánh An xin mời hai vị tự giới thiệu một chút về bản thân mình. Xin mời nhà giáo Phạm Toàn:

Làm điều tích cực

Tôi đang phụ trách một nhóm, tôi tổ chức các bạn ấy soạn lại sách giáo khoa từ bậc tiểu học, từ lớp 1 trở đi. Khẩu hiệu của chúng tôi là "Làm một điều tích cực, tức là chống tiêu cực".

Nhà giáo Phạm Toàn

Nhà giáo Phạm Toàn: Vâng. Tôi tên là Phạm Toàn, năm nay tuổi ta là 79 tuổi, viết văn và viết những tác phẩm thuộc về nghệ thuật thì tôi ký là Châu Diên. Châu Diên là vì ngày xưa hút thuốc lá, tiếng Tàu là "Tchou Yen", được giải thưởng về văn ở Trường Sư Phạm thì thẹn không dám ký, thế rồi ký tên là "Thằng hút thuốc lá" tức là Châu Diên.

Tôi cả đời dạy học, trừ 4 năm xung phong đi lao động để học viết văn. Tôi làm ở Trung Tâm Công Nghệ Giáo Dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và bây giờ thì ngừng rồi. Bây giờ tôi đang phụ trách một nhóm, tôi tổ chức các bạn ấy soạn lại sách giáo khoa từ bậc tiểu học, từ lớp 1 trở đi. Khẩu hiệu của chúng tôi là "Làm một điều tích cực, tức là chống tiêu cực". Hiện nay, chúng tôi vừa mới xong bộ sách lớp 1 và chúng tôi gửi tới nhà xuât bản Tri Thức in. Trong thư giới thiệu, chúng tôi có nói ở câu kết luận thế này "Chúng tôi có một đóng góp khiêm tốn là sau bộ sách này thì tất cả các bộ sách khác đều phải vượt nó". Đấy là đóng góp của chúng tôi cho xã hội.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Tôi là Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội). Năm 2006 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở huyện Phú Xuyên (Hà Tây), tôi đã đứng ra tố cáo vụ tiêu cực thi cử trường đó, sau đó được Đài Truyền Hình Việt Nam đưa lên làm "Người đương thời".

Thầy Đỗ Việt Khoa, hình chụp năm 2007.  Photo courtesy of vietnamnet
Thầy Đỗ Việt Khoa, hình chụp năm 2007. Photo courtesy of vietnamnet
Trong thời gian vừa rồi, tôi cũng có đấu tranh với những vấn đề tiêu cực tại trường tôi, không ngờ lại bị cái tiêu cực nó khỏe, nó mạnh, nó đánh lại tôi tơi tả. Thế là hôm nay cũng báo cáo với các bác là tôi đã làm đơn xin thôi dạy và tôi đã gửi đơn này tới các cấp, từ trường cho đến sở và có khả năng trong một hai tuần nữa họ sẽ ký đơn cho cho thôi việc về. Công việc của tôi chỉ là một giáo viên phổ thông. Việc này kể cũng đau xót là do những việc họ trù dập trong cơ quan rất là cay đắng cho nên tôi đã quyết định là tôi rời khỏi môi trường, rời bỏ công việc mà mình yêu thích. Dư luận trong thời gian vừa rồi cũng có hai chiều, một chiều ủng hộ và coi việc ra đi của tôi là đúng, một chiều khác như cụ Văn Như Cương thì bảo rằng thầy Khoa là người không bình thường, đang dạy lại đi bỏ dạy.

Nhà giáo Phạm Toàn: Nhân thể đây mình nói luôn quan điểm của mình về chuyện anh Khoa.

Khánh An: Dạ.

Đừng nghĩ đến thắng lợi

Nhà giáo Phạm Toàn: Nay tôi muốn đặt một câu mà lúc nãy tôi đã nói công việc của tôi đấy là chúng tôi làm ra một cái tích cực thì là chống tiêu cực. Bây giờ chúng tôi không nói là họ không biết cách dạy học nữa mà chúng tôi tạo ra cái cách dạy học như thế nào. Chúng tôi không nói là tại sao lại cứ chấm bài, cho diểm vớ vẩn, đánh giá trẻ con một cách áp đặt mà chúng tôi phải tạo ra một hệ thống học để dạy cách học như thế nào. Mình phải làm ra một cái mẫu cho họ, không có thì họ không biết, họ dốt. Bây giờ mình phải hiểu là họ dốt chứ đừng có nghĩ là cái gì họ cũng biết để cho họ góp ý kiến, bình đẳng quá không được. Mình phải làm người lớn, mình hơn họ mình mới giải quyết được vấn đề.

Trong thời gian vừa rồi, tôi cũng có đấu tranh với những vấn đề tiêu cực tại trường tôi, không ngờ lại bị cái tiêu cực nó khỏe, nó mạnh, nó đánh lại tôi tơi tả.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa

Thế thì anh Khoa anh là người rất chất phác và chân thật cho nên anh hay cáu. Bây giờ hôm nay nhân thể đây tôi được gặp anh Khoa vì ở Hà Nội thì không gặp, mà nhờ Khánh An cho nên hôm nay gặp anh Khoa, tôi muốn nhắn anh Khoa đồng thời tôi muốn nhắc những bạn nào hay cáu là hãy coi mình lớn hơn cái thực tại xấu xí, thế thì lúc đó sẽ bớt cáu đi. Tức là mình phải đứng lên hơn, mình phải làm giỏi hơn và mình chỉ làm những cái mẫu đẹp đẽ hơn thì mình sẽ bớt cáu và đừng bao giờ nghĩ tới thắng lợi cả. Hễ mà anh nghĩ đến thắng lợi thì thể nào anh cũng cáu.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Vâng ạ. Cảm ơn Bác Toàn ạ.

Nhà giáo Phạm Toàn: Lịch sử thì dài, đời con người thì ngắn, cho nên đừng bao giờ nghĩ đến thắng lợi cả, thế thì sẽ bớt cáu đi. Thế mà tôi khuyên anh Khoa bây giờ hãy ngôi yên, họ làm gì kệ họ, cho họ đấm, đấm xuống nước thì làm gì! Đấm vào đá còn có thể làm tan được hòn đá, nhưng giờ mình mềm như là nước để cho họ: đấy, đấm đi! Cho lấy dao chém xuống nước: Chém đi! Phải không nào?

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Vâng. Thế cháu cảm ơn Bác Toàn, các thầy cô giáo và các độc giả. Bây giờ cháu xin khai triển cái tâm sự như thế này. Trong thời gian vừa rồi, sau vụ tiêu cực thi cử năm 2006 thì ông hiệu trưởng cũ chuyển đi nơi khác, Sở GDĐT cử ông hiệu trưởng mới là Lê Tấn Trung về trường THPT Vân Tảo.

Trong quá trình về thì ông Trung xuất hiện rất nhiều sai phạm lớn, cháu có góp ý với ổng hai ba bận, gặp riêng góp ý thôi là không được làm như thế, ví dụ 7 giờ 30 vào lớp thì 7 giờ 25 ổng đóng cổng, khóa cổng chặt, ông ấy đuổi cả giáo viên học sinh về cả buổi luôn không cho một người nào vào. Cháu tưởng ổng chỉ kéo dài như thế trong vòng một vài tháng hoặc là một học kỳ thôi để chấn chỉnh tình hình cho các em nó nghiêm, nhưng không ngờ ông ấy kéo dài vài năm liên tiếp. Một việc ấy thôi nó đã là đi ngược lại quyền được học tập của học sinh, của nền giáo dục của chúng ta. Cháu thống kê trong một năm có khỏang một vạn em bị đuổi học như thế, dẫn đến hậu quả là học sinh thất học, bỏ học đi lang thang ngoài đường.

Một lớp học trong Trường Đại học văn hóa Hà Nội, ảnh chụp 26-04-2010. Photo by Tyler Chapman/RFA.
Một lớp học trong Trường Đại học văn hóa Hà Nội, ảnh chụp 26-04-2010. Photo by Tyler Chapman/RFA.
Có hôm 27 tháng 2 năm 2007 trời mưa lúc 7 giờ sáng rất là lớn, học sinh cùng với giáo viên đến muộn, khoảng 200 em học sinh đến muộn bu đầy cổng trường, mà tôi đề nghị họ mở cổng hôm nay coi như phá lệ nhưng họ vẫn nhất định để học sinh đứng đó rét run dưới trời mưa và đuổi các em về. Tôi không hiểu sao lòng người lại như vậy, đâu còn tính giáo dục nữa! Là người thầy thì phải biết trắc trở, phải biết đặt quyền lợi học sinh lên trên, nhưng không ngờ tình hình lại như vậy.

Sau đó thì, thưa với các bác, thưa với Bác Toàn là cháu đã góp ý với hiệu trưởng như thế thì ảnh không nghe, ảnh quay sang ảnh bổ vào mặt luôn, ảnh bảo "mày cấm vô trường của tao, tao diệt, tao dẹp, mày phải thương mấy đứa con mày". Sau đấy ảnh chửi cả Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, đe dọa sẽ làm thịt cháu và các giáo viên ủng hộ cháu tận gốc. Cháu có đầy đủ băng nhựa gởi các cấp nhưng mà không cấp nào xử lý cả, cấp nào cũng bao che cả.

Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi xin phép nhắc anh Khoa một tí nhé.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Vâng ạ.

Phải tập chịu thua

Nhà giáo Phạm Toàn: Anh chắc là giỏi toán hơn tôi, nhưng mà tôi nhớ cái luật này là trong một không gian hình cầu chỉ có những đường cong thôi. Thế thì mình phải nhớ cái luật đấy mà mình làm cho nó phù hợp. Anh đánh động cho các báo nhưng các báo nó hèn nó không làm gì thì anh một mình anh, anh làm sao làm được. Trong một không gian hình cầu chỉ có những đường cong thôi, phải không nào? Thế bây giờ những vấn đề của ông hiệu trưởng đấy thì anh chỉ đánh động cho một hay hai tờ báo, thế họ giúp anh họ giúp dân, họ giúp học sinh, họ giúp mọi người, thế mà họ im tiếng thì mình chịu thua, phải tập chịu thua nữa, nhé? Anh phải tập chịu thua.

Phải hiểu là họ dốt chứ đừng có nghĩ là cái gì họ cũng biết để cho họ góp ý kiến, bình đẳng quá không được. Mình phải làm người lớn, mình hơn họ mình mới giải quyết được vấn đề.

Nhà giáo Phạm Toàn

Này, tôi nói lại nhé, một trận bão đến thì những cây to đổ, nhưng không bao giờ cỏ đổ cả. Anh tập làm cỏ. Anh hãy chống lại cái xấu theo cái cách của cây cỏ, bởi vì một trận bão Katrina thì cỏ vẫn còn, chứ còn tất cả nhà cửa bê tông cốt sắt, cây cối đổ hết. Phải không nào? Nhé!

Khánh An: Nói như thế thì không biết thầy Khoa nghĩ như thế nào bây giờ? Thầy Khoa có cảm thấy là có một sự thay đổi gì không trong vấn đề thầy đấu tranh với tiêu cực không ạ?

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Cảm ơn chị. Thực ra tôi cũng vừa rồi kế hoạch của tôi là chào thua với tiêu cực để dành toàn bộ thời gian vào chuyên môn, cho nên tôi thông báo là tôi xin thôi việc, tại vì nếu mà môi trường khác thì tôi chỉ dạy học, nhưng nhiều người lại tưởng tôi muốn khua khoắng làm một cái gì đó to tát .

Nhà giáo Phạm Toàn: Thèm vào! Này! Khoa, thèm vào!

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Thưa Bác, như vậy là cháu quyết định đầu hàng với tiêu cực.

Nhà giáo Phạm Toàn: Không! Không đầu hàng! Mình làm một cái tích cực khác. Còn thì không thèm nói nữa.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Vâng ạ. Thế nhưng cháu xin nói thêm mấy ý này. Tuy thấy ý tưởng của Bác Phạm Toàn hay của các nhà sư phạm có thể là ý tưởng rất hiện đại nhưng mà thực tế chúng cháu bị kiềm hãm bởi những chương trình, sự giám sát của ban giám hiệu, đặc biệt là đầu ra của học sinh của cháu bị khoán, nghĩa là học xong phải để thi cái này thì cái kia và các cháu phải làm thế nào giải được bài thi tốt nghiệp này, giải được bài thi đại học này mà có ngần này dạng thôi nên cuối cùng nó sinh ra bị gò bó, không thoát được, cho nên những cải cách rất là khó và chúng ta trở thành một cái mẫu chung từ hàng chục năm nay rồi. Mọi người rất khó mà thoát ra được kiểu đó!

Khánh An: Thưa quý vị và các bạn, vừa rồi là ý kiến của thầy Đỗ Việt Khoa. Cafe Wifi đã đến lúc phải chia tay với quý vị rồi, chúng ta sẽ gặp lại nhau trong kỳ tới để tiếp tục trò chuyện về những vấn đề hiện nay của giáo dục Việt Nam với sự hiện diện của thêm hai thầy cô trẻ khác cũng đang hàng ngày đứng trên bục giảng với rất nhiều trăn trở cho một nền giáo dục tốt hơn.

Khánh An mong nhận được những ý kiến đóng góp và sự tham gia của quý vị và các bạn vào Cafe Wifi. Xin quý vị và các bạn để lại ý kiến và số điện thoại ở địa chỉ email wificoffee.rfa@gmail.com hoặc vietweb@rfa.org . Khánh An xin kính chào.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.