Dư luận có tự do trước đại hội đảng?

Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Café Wifi, kỳ này café wifi sẽ cùng trò chuyện về vấn đề Dư luận trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ 11.
Khánh An, phóng viên RFA
2011.01.13
000_Hkg4435268-305b.jpg Biểu ngữ chào mừng Đại hội ĐCS VN lần thứ 11 treo dọc đường phố trung tâm thành phố Hà Nội hôm 11 tháng 1 năm 2011.
AFP PHOTO

Như đã hẹn kỳ trước, Khánh An và các bạn trẻ là Minh Đức ở Hà Nội, Dũng từ Phú Thọ, Thái Học và Hà Thanh từ Sài Gòn sẽ cùng trò chuyện về vấn đề Dư luận trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ 11.

Vẫn là vùng cấm

Trước tiên, mời quý vị theo dõi tiếp ý kiến của Dũng:

Các bác phải bổ sung công thức của Mác như thế nào để cho dân thấy là sáng láng, chứ còn mình nghĩ là các bác cứ nói oang oang mà dân chẳng hiểu gì.

Bạn Dũng

Dũng: Trong tình hình mới thì các bác phải bổ sung công thức của Mác như thế nào để cho dân thấy là sáng láng, chứ còn mình nghĩ là các bác cứ nói oang oang mà dân chẳng hiểu gì cả, mà mình cũng không hiểu các bác có hiểu thật không hay là vì cái cơ chế của đảng cộng sản mà các bác phải nói theo như thế. Mình nghĩ là có khi các bác cũng chẳng tin tưởng cái cộng sản, cái chủ nghĩa xã hội, tại vì các bác cũng thấy là, mình nghĩ là những người leo lên được những chức vụ cao như thế thì không phải là những người ấm ớ vớ vẩn đâu. Trí thông mình, trình độ, suy nghĩ của họ phải có một cái gì đấy cũng được phết chứ không phải thường đâu. Mình nói thật là ngay chuyện xã hội đen đấu đá nọ kia các thứ nhé, toàn là tay chân các thứ, cũng phải có thằng nó mưu lược thì mới lên được cao. Thế thì mình nghĩ là các bác thì trình độ cũng kém.

Học: Mình tham gia với bạn Dũng nghe. Thật ra thì nếu mà bàn cái chủ nghĩa Mác thì lý luận của nó bây giờ hết sắc bén rồi. Mình đi học thì bây giờ người ta lái qua là cũng những cái đó nhưng theo "tư tưởng Hồ Chí Minh", có nghĩa là vận dụng một cách sáng suốt theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Người ta lái sang cái từ đó để có thể làm khác đi một chút so với thuyết Mác cũ. Cho nên mới có nguyên một môn học là "tư tưởng Hồ Chí Minh". Nhưng mình thấy nếu mà lái theo cái đó thì mình thấy cũng mù mờ lắm. Nhưng gần đây mình cũng thấy có một điểm sáng, cũng từ cái bài hồi nãy mình nói của ông Nguyễn Văn An đó, bài đó rất là dài mà đọc trên Vietnamnet. Qua đó mình thấy tư tưởng của bài đó là hình như muốn thay đổi toàn bộ hệ thống, bởi vì ổng dùng từ là “lỗi hệ thống”, ổng phân tích từ điểm nhỏ, những cái đó hồi trước giờ mình vẫn gặp đâu đó trên blog hay trên lề trái gì đó thì cũng bình thường thôi...

Thanh: Mình cũng đọc cái bài đó. Những chuyện mà thường ngày mình thấy hầu như không có cái gì mới nhưng mà một vị cựu Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị nói thì nó trở nên một vấn đề thời sự.

000_Hkg4452342-200.jpg
Cửa hàng lưu niệm thiết lập bên trong địa điểm của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tại Hà Nội ngày 13 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Học: Ờ, đúng rồi. Thì cái mới ở đây mình thấy, hồi giờ, ví dụ như báo Tuổi Trẻ đi, Báo Tuổi Trẻ trước đó cũng hăng hái trong vấn đề tham gia vào phản biện xã hội lắm. Nhưng vừa phản biện đến PMU gì đó, mình đọc báo Tuổi Trẻ từ năm 2002 - 2003, mình cũng đoán là báo Tuổi Trẻ này thật là nóng, thế nào một hồi cũng đi đến chính phủ và đi đến Bộ Chính Trị, nhưng mà báo Tuổi Trẻ đi đến PMU18 là rớt rồi, mình thấy buồn. Mình nói: “Rồi, xong! Vậy là khu vực Bộ Chính Trị này là hồi trước tới giờ vẫn còn là vùng cấm”. Ở ngoài thì có quyền nói, nhưng mà nói đụng vô là chết liền. Nhưng mà đến giờ bác Nguyễn Văn An nói ra như vậy mình thấy mừng lắm, bởi vì nó xuất hiện trên báo chính thống. Mình thấy là cái khu vực cấm bây giờ không còn là cấm nữa mà được nhiều người đụng tới, mổ xẻ ra, chỉ ra đúng sai, mà một người nói được thì nhiều người nói được. Cái đó là điểm sáng mà mình nghĩ nếu là cá nhân của bác An. Còn mình nghĩ ra một điều nữa, có phải đây là một xu hướng, một cái mở mòi mà được ở trên cao đưa ra để rồi theo cái đó để mà thay đổi? Mớm mồi trước rồi sau đó người ta nói: “À, bác này nói đúng nên theo”. Đồng ý với các bạn là hiện giờ vẫn là tối tăm thôi nhưng mình nhìn thấy cái gì sáng thì mình cũng ráng nhận.

Dũng: Theo mình thì thật ra bạn nói về chuyện bác An, bạn bảo là bạn mừng, nhưng mà mình thấy mừng trước bạn từ lâu, từ trước khi bác An nói. Mình thấy càng ngày mọi cái dư luận càng được tự do xuất hiện trên báo chính thống rất là thoải mái. Mình thấy bây giờ những cái dư luận trái chiều thì thực sự rất là thoải mái mặc dù có sự ngăn chận chút chút. Mình nghĩ là cái sự độc tài ở Việt Nam nó rất là ít tại vì theo bản tính của người Việt Nam nói chung là cái văn hóa hiền hòa và dễ chấp nhận các ảnh hưởng đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, rồi Pháp, Mỹ thì dân mình đều chấp nhận hết, thế thì cái đáng mừng tất nhiên sẽ xảy ra.

Học: Nhưng mà bạn có đoán là bao lâu không?

Đức: Vấn đề các bài viết trên Vietnamnet, các bạn nói là bây giờ được phép nói nhưng mà mình nghĩ đó chỉ là một phần thôi, bởi vì có một bài trên Vietnamnet vừa rồi phải xóa đi hay là Vietnamnet phải kiểm điểm thế này thế kia đó. Thông tin vẫn bị thắt chặt. "Tự do trong khuôn khổ của pháp luật", như vậy là mình chẳng biết về pháp luật nên mình chẳng biết mình có tự do gì.

Minh bạch thông tin?

Khánh An: Vâng. Bạn Đức vừa mới đề cập đến một vấn đề mà dư luận xã hội rất quan tâm, đó là vấn đề thông tin ở trong xã hội, tại vì thực sự ra nếu trong bất cứ cuộc bầu cử hay trong một tổ chức nào mà thông tin càng được minh bạch thì tổ chức đó, cuộc bầu cử đó sẽ càng tốt hơn. Không biết các bạn có cùng quan niệm như thế không?

Khi công bố 3 văn bản đó thì Ban Tuyên Giáo Trung Ương ra chỉ thị cấm đăng trên báo chí những ý kiến phản bác về chủ trương đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bạn Thanh

Dũng: Có chứ.

Thanh: Về chuyện minh bạch về thông tin có dính dáng tới đại hội Đảng thì rõ ràng là Đảng Cộng Sản cũng khá là cầu thị khi mà trước đại hội Đảng khoảng 2 tháng thì đã tung ra 3 văn kiện cốt lõi, đó là văn kiện dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước này nọ... công bố trên những tờ báo lớn để lấy ý kiến đóng góp toàn dân, thành thử họ cũng khá là cầu thị khi mà công bố lấy ý kiến như thế này. Nhưng mặt khác, mình cũng hơi thất vọng vì ngay khi công bố 3 văn bản đó thì Ban Tuyên Giáo Trung Ương ra chỉ thị cấm đăng trên báo chí những ý kiến phản bác về chủ trương đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, phản bác vai trò lãnh đạo của đảng thì mình nghĩ rằng đã là góp ý, đã là muốn chấp nhận ý kiến của người ta mà tại sao một mặt mình nói chấp nhận, mặt khác mình lại cấm đoán, tức là mình không muốn nghe những ý kiến trái chiều. Mặt khác, mình nghĩ rằng chỉ thị này của Ban Tuyên Giáo Trung Ương xâm phạm rất trắng trợn, nó đã vi phạm luật báo chí vì theo mình biết ở trong Điều 2 Chương 1 của Luật Báo Chí nói quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì có câu là "không có tổ chức hay cá nhân nào có quyền chi phối báo chí hay là dùng báo chí để làm mục đích riêng và báo chí không bị kiểm duyệt khi đăng hoặc phát sóng”. Mình nghĩ chỉ thị này vi phạm trắng trợn những điều luật của Luật Báo Chí như vậy nhưng không ai lên tiếng phản bác chuyện này hết, đồng nghĩa là người ta đã quá quen thuộc với lại cái cách mà Đảng CSVN muốn báo chí đi theo ý muốn của mình.

Dũng: Mình thấy như thế này, Đảng Cộng Sản vừa rồi bảo là dân chúng rồi đảng viên này kia góp ý cho văn kiện Đại Hội Đảng lần thứ 11 kỳ này, thì sau đấy chính Đảng đã tổng kết và đăng trên một trang chính thống thì cái kết quả đấy mình thấy rất là hài hước. Mình không nhớ rõ số liệu cụ thể nhưng cái số liệu ấy chứng tỏ là mọi người, 80 triệu người Việt Nam và cả người nước ngoài nữa, đã đóng góp cho đảng rất ít. Đó là về mặt văn bản, còn về miệng thì mình không biết được, nhưng về văn bản đăng trên một trang chính thống thì mình thấy là rất buồn cười. Tại vì mình thấy là các phong trào vận động nọ kia các thứ thì nhiều lắm, nhiều bài viết lắm, thậm chí mình biết là ở rất nhiều cơ quan, kể cả anh không đóng góp ý kiến thì vẫn có một bài ở đấy, anh chỉ cần ký tên là được, thì số lượng cũng rất nhiều. Nhưng mà mình thấy là đại hội đảng sao lại lèo tèo như thế về mặt đóng góp văn bản. Mình nghĩ chắc là các bố trong các chương trình khác không quan trọng lắm thì cứ a-lô-xô tất cả, có khi là cơ quan làm bản trả lời chung rồi nộp lên lấy số lượng, mọi cái thì làm như thế thì tại sao chuyện quan trọng thế này tại sao không chú ý nâng số lượng lên, thì mình nghĩ là thật ra họ cũng có tự trọng tí chút. Đóng góp nọ kia thì không thể như những cuộc vận động. Bây giờ mà họ lại bảo đảng viên, cán bộ viên chức đóng góp theo một khuôn mẫu ấy thì họ cũng thấy là nó không hay ho gì cả. Mình thực sự ngạc nhiên về mặt số lượng. Thứ hai là cái hạn chế về lãnh vực đóng góp, dân gian có câu “cây ngay không sợ chết đứng”, tự nhiên lại giới hạn là phải đóng góp về những cái gì và thực ra là cái giới hạn đấy nghĩa là không nhận những cái đóng góp rất là cốt lõi, tức là chỉ toàn muốn những cái đóng góp râu ria thôi.

000_Hkg4452349-250.jpg
Bên ngoài địa điểm của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI tại Hà Nội ngày 13 Tháng 1 năm 2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Thanh: À, mình cũng đồng ý với bạn Dũng về điểm này. Chúng ta không thể nào đóng góp những cái râu ria trong khi những cái cốt lõi đã bị khủng hoảng về mặt lý luận như hồi trước mình đã từng nói. Chuyện đóng góp cho văn kiện đại hội lúc đầu mình có nghe bạn Học nói là bạn có nghe một đoạn ghi âm về cuộc hội thảo khoa học của Viện Khoa Học Kinh Tế Việt Nam đóng góp ý kiên cho đại hội Đảng, thì ông Trần Phương, nguyên phó Thủ tướng, ông ta đã nói là chúng ta có nhiệm vụ nói thì chúng ta cứ nói, nhưng mà chúng ta biết là họ không bao giờ nghe, dù là nghe một tí ti nào đó thôi thì cũng là mừng rồi. Nhưng ông ta nghĩ rằng những lãnh đạo đảng cộng sản họ không quan tâm tới những gì mà cuộc hội thảo này người ta khẳng định về những cốt lõi của lý luận mà người ta chỉ quan tâm về vấn đề nhân sự là chính trong mỗi kỳ đại hội thôi.

Có "đổi mới"?

Khánh An: Vâng. Đó là ý kiên của bạn Thanh. Minh Đức, không biết là bạn có giơ tay không ạ?

Đức: Có.

Khánh An: Vâng. Bây giờ thì mình mời bạn Minh Đức đi nào.

Đức: Đóng góp thì nhiều nhưng khổ cái là bây giờ phải hiểu thì mới đóng góp được, đúng không?

Dũng: Đúng.

Đức: Nhưng mà có ai dạy cho đâu mà hiểu. “Sống theo hiến pháp và pháp luật”, đúng không? Nhưng thực ra bây giờ hỏi 10 người thì 9 người không biết pháp luật là gì.

Dũng: Không. Mình nghĩ là có dạy đấy, nhưng mà mình được dạy mà mình không hiểu cái người ta dạy, tại vì tư duy của mình không nhìn ra được.

Khánh An: Vâng. Có một điều mà trong các kỳ đại hội Đảng mình đều nghe nói, đó là từ "đổi mới". Các bạn có thấy như vậy không?

Thanh: Thật ra thì từ "đổi mới' đó xuất hiện từ Đại Hội VI là để chấm dứt nền kinh tế tập trung bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường, mở cửa.

Khánh An: Vâng. Và các bạn có niềm tin vào cái việc đảng sẽ "đổi mới' trong những đường lối, chính sách hay là cách lãnh đạo không?

Nhưng mà có ai dạy cho đâu mà hiểu. “Sống theo hiến pháp và pháp luật”, đúng không? Nhưng thực ra bây giờ hỏi 10 người thì 9 người không biết pháp luật là gì.

Bạn Đức

Đức: Có. Mình tin.

Khánh An: Ai vậy? Ai mới nói.

Đức: Đức, Đức, Đức!

Dũng: Theo mình được tuyên truyền thì cái từ "đổi mới" là của ông Nguyễn Văn Linh - NVL, cái đấy nó thể hiện cái thay đổi của đảng cộng sản. Thật sự là họ muốn thay đổi, nhưng mà cuối cùng họ lại không thay đổi cái cốt lõi mà chỉ toàn thay đổi cái râu ria thôi.

Học: Ý kiến của mình về cái từ đó chỉ là cái từ ngữ đưa lên cũng để hợp thức hóa cho mọi người thấy là cũng có tham gia ý kiến, cũng dân chủ một tí thôi. Thật ra cũng chẳng có cái gì trong đó đâu, gần 5 năm sau nó cũng vậy thôi, cho nên mình không quan tâm. Có nghĩa là ai quan tâm tới từ "đổi mới' đó chứ mình không quan tâm. Mình chẳng tin gì ở cái đó hết.

Đức: Theo mình thì "đổi mới' là có đổi mới chứ sao không. Không đổi mới thì mình sẽ không được tự do như thế này. Mình nói là “như thế này” nhé, có nghĩa là nếu không có đổi mới thì sẽ không được tự do như thế này. Anh không có quyền lên mạng nêu ý kiến của anh, anh chửi cái thằng lãnh đạo đảng…

Khánh An: Quý vị vừa nghe ý kiến của Minh Đức hiện đang sống tại Hà Nội. Hẹn gặp lại quý vị trong kỳ cuối ở câu chuyện về vấn đề nhân sự của đảng. Xin kính chào tạm biệt .

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.