Cần đặt lại khuôn khổ cho tự do

Khánh An chào đón các bạn đến với chương trình Café Wifi.
Khánh An, phóng viên RFA
2010.12.07
000_HKG2004050779546-305.jpg Giới trẻ Việt Nam hôm nay
AFP photo

Mời quý vị đến với cuộc trò chuyện của các bạn Hải Di, hiện là sinh viên tại Na Uy, Vy – sinh viên đến từ Đà Nẵng, blogger Mẹ Nấm – tức Như Quỳnh - ở Nha Trang, Toàn – Kiến trúc sư và Xuân Dịu, hiện đang làm việc tại Sài Gòn trong chủ đề bàn về “khuôn khổ của tự do tại Việt Nam” thể hiện trong vấn đề viết blog và tham gia mạng xã hội.

Khái niệm tự do, dân chủ

Khánh An: Khánh An nghe các bạn nói khá nhiều đến khái niệm tự do, dân chủ cũng như quyền của người dân, thế thì Khánh An muốn hỏi các bạn, trở lại với vấn đề viết blog hay sử dụng những trang mạng xã hội, các bạn nghĩ rằng quyền của các bạn là như thế nào?

Dịu: Đối với Dịu thì Dịu thấy là mọi người vẫn tự do, được viết thoải mái, ví dụ như trang mạng Facebook bị chặn thì mọi người cho rằng do một số người viết có tư tưởng phản động cho nên nhà nước mình chặn. Nhưng mà Dịu thấy ví dụ như bên trang Yahoo trên trang Plus cũng có một số cá nhân họ cũng viết, họ cũng không thích một vài chế độ này nọ của đảng mình, họ cũng phê phán, cũng bài bác các thứ, nhưng mà mạng vẫn hoạt dộng rất bình thường, không hề có cấm, không hề có chặn. Mọi người vẫn viết rất là thoải mái.

cuhuyhavu-250.jpg
Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ chụp trước lúc bị bắt khoảng 1 tháng. Hình do ông Vũ cung cấp
Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ chụp trước lúc bị bắt khỏang 1 tháng. Hình do ông Vũ cung cấp
Theo quan điểm cá nhân của mình, Dịu thấy là mọi người viết rất tự do, rất bình thường, chứ còn Dịu thấy mọi người nói rằng nhà nước mình… nói chung là Dịu không thích mọi người nói tiêu cực bởi vì bất cứ thể chế nào cũng vậy thôi, nó đều có hai mặt hết và mọi thứ cũng đều vì lợi ích quốc gia hết mà thôi.

Như Quỳnh: Mình có ý kiến chút xíu về việc sử dụng mạng Yahoo!Plus. Cá nhân mình cũng đã sử dụng mạng Yahoo!Plus và mình viết một số bài về Hoàng Sa - Trường Sa, sau đó bị xóa và chỉ được thông báo là vi phạm điều khoản của Yahoo thôi. Mà mình tuyên bố thẳng thừng mình không phải là người chọn cách viết cực đoan, cho nên việc xóa các bài viết của mình với lý do là vi phạm điều khoản an ninh thì nó quá vô lý, bởi vì điều mình viết nó liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia. Đó là cái thứ nhất.

Cái thứ hai là Yahoo đã có tiền lệ rất xấu là giao nộp toàn bộ thông tin của người sử dụng cho chính phủ, mà điển hình là ở Trung Quốc. Cho nên đó là lý do tại sao Yahoo!Plus không được lòng người tiêu dùng ở Việt Nam. Yahoo!360 mất đi và bạn nên search trên Google để thấy thị phần người sử dụng Yahoo!Plus và bạn tìm hiểu lý do tại sao Yahoo!Plus nó không được lòng người sử dụng ở Việt Nam.

Còn Việt Nam thì rất đơn giản, không cấm, nhưng mà người ta nói bạn vi phạm thì lúc đó là bạn vi phạm, vậy thôi. Luật thì chỉ mang tính chất trang trí, tượng trưng thôi.

Bạn Toàn

Đúng! Đồng ý là một blogger thì tôi chấp nhận hết, tôi chấp nhận mọi thứ điều khoản, thậm chí bây giờ anh có ra luật cho blogger đi nữa thì tôi cũng chấp nhận, nhưng phải có quy định rõ ràng. Cái luật gọi là xâm phạm lợi ích quốc gia hay là lợi ích gì đó nó đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết hay là nhóm lợi ích của người cầm quyền? Đó là vấn đề phải được bàn bạc công khai, thậm chí nếu cần thì phải được bàn bạc trước quốc hội, để bảo đảm các quyền của dân.

Mà đến giờ phút này họ có thể vin ra một số, một đống luật để bắt người này, bắt người khác, nhưng đã làm gì có cái luật nào gọi những gì mà những người khác viết là vi phạm lợi ích quốc gia? Cho nên nếu vin vào cái gọi là lợi ích quốc gia để bảo vệ lợi ích quốc gia mà kêu người ta đừng viết hoặc phải như thế này phải như thế kia thì đó là vô lý bởi vì nó đi ngược lại nguyên tắc tự do thông tin, tự do ngôn luận mà nhà nước luôn luôn đề cao.

Khánh An: Các bạn khác có ý kiến như thế nào về vấn đề mà Dịu vừa mới đặt ra và ý kiến phản hồi của Quỳnh?

Hải Di: Cái chuyện Yahoo!Plus không bị chặn thì không có gì lạ vì đó là trang của Việt Nam, giống như chuyện Facebook bị chặn rồi sau đó báo chí mới nói mọi người kéo sang trang go.vn của Việt Nam thì trang này không bị chặn cũng đâu có gì lạ.

Khánh An: Vâng. Dịu, bạn nghĩ như thế nào về những điều mà các bạn vừa mới nói?

menam-dantocvietnam.com-250.jpg
Mẹ Nấm cùng con gái. Photo from dantocvietnam.com
Mẹ Nấm cùng con gái. Photo from dantocvietnam.com
Dịu: Như trường hợp nói là bài bị tự động xóa thì mình chưa gặp và thật sự mình không nắm, mình không rõ, nhưng mà thực sự Dịu thấy là, bởi vì Dịu đã từng đọc trên blog của Dịu có một bạn cũng hay nói về vấn đề tệ nạn tiêu cực của nhà nước, rồi ví dụ như mới gần đây chương trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, về những phí phạm tiền của của nhà nước thì người  bạn đó cũng viết đưa lên thì mình thấy bài cũng vẫn hiện lên rất là bình thường. Mọi người vẫn vào rất là thoải mái và không hề có chuyện xóa hay là bị chặn gì cả. Mình thấy là sự tự do vẫn có, tức là mọi người vẫn viết thoải mái.

Khánh An: Vâng. Như vậy thì các bạn khác, những bạn đã nói rằng là nó không được tự do, các bạn có thể nói cho Dịu biết rõ hơn những lãnh vực nào mà các bạn dễ bị chặn hay là các bạn bị xóa bài?

Toàn: Nói chung, khi bạn viết một vấn đề gì đó trên mạng, bạn là một người - có thể như ở ngoài Bắc hay nói "thiếu i-ốt" - hoặc là bạn rất là nhảm nhí, bạn nói những chuyện vớ vẩn, không sao hết. Bạn viết gì cũng được, không ai đá động gì bạn, không ai xóa những cái đó của bạn.

Nhưng bạn viết một cái gì đó mà bắt đầu manh nha, ảnh hưởng tới nhà cầm quyền thì đó là những vấn đề gọi là "nhạy cảm". Những cái bạn viết sẽ bị chú ý, bạn sẽ bị chú ý và những bài viết của bạn có thể sẽ bị xóa bất cứ lúc nào, không cần biết lý do gì cả, vì không có luật. Ở Việt Nam có một vấn đề là thường người ta ra luật, người ta đưa ra cái gì tức là cấm những cái đó, còn lại là làm được.

Còn Việt Nam thì rất đơn giản, không cấm, nhưng tới lúc bạn vi phạm, tức là không có trong luật luôn, nhưng mà người ta nói bạn vi phạm thì lúc đó là bạn vi phạm, vậy thôi. Còn luật thì chỉ mang tính chất trang trí, tượng trưng thôi.

Tự do có khuôn khổ nhưng mà còn tùy người làm ra cái khuôn nữa!

Bạn Quỳnh

Hải Di: Về chuyện bài viết trên mạng có bị chặn hay không thì cái đó còn tùy bạn viết cái gì, tức là nói về các vấn đề trong xã hội thì rất nhiều người viết, nhưng vấn đề họ viết là những vấn đề nào, viết với cấp độ như thế nào.

Ví dụ như nói về những chuyện như đường sá, giao thông, hoặc là đại lễ ngàn năm gì đó ở mức độ có thể chấp nhận được thì không sao cả. Các bạn viết không bị gì cả.

Nhưng nếu nâng bài viết lên, thí dụ như vấn đề bauxite, hoặc vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa có liên quan tới vấn đề ngoại giao hoặc vấn đề chủ quyền thì nó nhạy cảm hơn, nguy hiểm hơn, cho nên bị chặn nhiều hơn. Còn những vấn đề ở cấp thấp, dù có động tới nhà nước thì khả năng chặn cũng thấp hơn.

Vy: Cái việc chặn đó thì Vy thấy là có nhiều bài viết bị chặn và có nhiều bài viết không bị chặn, những bài viết mà Vy nói đến là bên "lề trái" đó, hay bị chặn nhất là "bauxite" hay là "Hoàng Sa - Trường Sa", tại vì các việc đó liên quan không phải chỉ có vấn đề chủ quyền mà là cái mối quan hệ "môi hở răng lạnh" của Việt Nam đối với đàn anh Trung Quốc.

Quan hệ này là một mối quan hệ sống còn, một mối quan hệ chiến lược mà người ta phải bảo vệ. Cho nên chỉ cần chúng ta động đến Hoàng Sa - Trường Sa, động đến bauxite là người ta bỏ bài đó ngay, hoặc người ta bắt chúng ta nữa, tại vì chúng ta nói trúng tim đen của họ. Người ta không muốn mất lòng đàn anh thì người ta phải đàn áp người dân nước mình thôi.

Tự do trong khuôn khổ

Khánh An: Theo như mình biết, bạn Dịu cũng là người rất thích viết và bạn cũng viết rất nhiều bài vở thì bạn có bao giờ đề cập đến hai vấn đề mà các bạn vừa mới nói không? Đó là vấn đề bauxite và vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa.

blogthangnongdan.comjpg-250.jpg
Logo "Ngày Blogger Viêt Nam"
Logo "Ngày Blogger Viêt Nam"
Dịu: Những vấn đề đó thì tôi chưa bao giờ viết cả.

Khánh An: Vâng. Như vậy thì với những cái mà các bạn vừa phản hồi thì Dịu nghĩ như thế nào? Dịu có nghĩ đó là một thực tế đang diễn ra không?

Dịu: Tôi thì tôi thấy là mọi người vẫn được thoải mái tự do ngôn luận và cái tự do ngôn luận đó tức là nó đặt trên sự lợi ích của quốc gia. Thực sự là tôi viết blog do nhu cầu cá nhân của mình. Tôi không có nghĩ là mọi người cảm thấy là đang bị mất tự do ngôn luận .

Như Quỳnh: Quỳnh có thể chia sẻ một chút với bạn Dịu về cái gọi là tự do mà Quỳnh được định nghĩa bởi những người điều hành luật pháp. Bởi vì khi Quỳnh đọc và Quỳnh chia sẻ một số ý kiến của Quỳnh về việc người dân Việt Nam bị bắt và bị giết ở ngay trên Hoàng Sa thì các anh an ninh là những người rất là chăm chỉ đọc blog của Quỳnh có nói như thế này :

- "Em ơi, anh cũng đau lòng lắm. Anh cũng xót lắm chứ. Nhưng mà những việc này nó ảnh hưởng tới ngoại giao. Nhà nước mình vẫn còn đang rất khéo léo để tìm cách giải quyết, em ơi. Cho nên chuyện này nó nhạy cảm lắm."

Quỳnh mới hỏi lại là:

- "Như vậy thì với anh cái chuyện em nói như thế này là em nói đúng hay em nói sai?"

- "Em ơi, em nói không có gì sai hết, nhưng mà... nhưng mà…"

Ảnh nói "nhưng mà" và ảnh không trả lời, và mình hỏi tiếp :

- "Nếu như vậy, anh muốn em không nói những chuyện này nữa thì anh có công nhận với em là nó không có tự do, phải không?"

Ảnh có nói với Quỳnh một câu mà đến bây giờ Quỳnh vẫn luôn luôn ghi nhớ, đó là :

- "Ở xã hội nào thì nó cũng có tự do nhưng tự do phải có khuôn khổ, em ơi."

Vì ảnh trả lời như vậy, vì cái chữ "tự do khuôn khổ" đó nên mình đặt ngược vấn đề với ảnh rằng:

- "Như vậy thì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc nó nằm ở đâu hả anh? Bởi vì nếu em cũng như những người khác, em quan tâm những chuyện khác như chẳng hạn hôm nay em mua được cái áo em khoe với bạn, hay hôm nay em đi coi phim và em khoe với bạn em thì chuyện đó nó không ảnh hưởng gì đến lợi ích quốc gia hết, đúng không anh? Nhưng mà nếu như người dân nào cũng thờ ơ hết như thế để người ta muốn làm gì thì làm, thì cái tự do đó có ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia không? Vậy thì cái nào mới gọi là nguy hại tới lợi ích quốc gia?" thì ảnh chưa bao giờ trả lời.

Dĩ nhiên tự do có khuôn khổ nhất định, tức là để cái tự do của mình nó không ảnh hưởng đến người khác thì phải có luật pháp cụ thể.

Bạn Hải Di

Vì vậy cho nên mình muốn bạn biết rằng, đúng, mình không nói mình mất tự do, bằng chứng là bây giờ mình vẫn viết được đó thôi, mình vẫn tiếp tục viết đó thôi, nhưng mà đó là tự do có khuôn khổ chứ không phải là tự do!

Hải Di: Tôi có một người bạn ở Bosnia, nó nói là khi tự do có giới hạn, có khuôn khổ thì nó không còn là tự do nữa.

Toàn: Nếu mà tự do gọi là tự do tuyệt đối, tức là mình muốn làm gì cũng được, mình muốn cái gì cũng được, thì tự do của người này sẽ ảnh hưởng tới tự do của người khác. Đó là lý do tại sao tự do lại có khuôn khổ. Vấn đề Quỳnh nói ở đây tức là cái khuôn khổ nó sai. Khuôn khổ là cần phải có, nhưng cái khuôn khổ mình đang bị gò lại là sai. Khuôn khổ tức là tự do của mình không ảnh hưởng tới tự do của người khác, không ảnh hưởng tới quyền lợi, đến cái gì đó lớn.

1852_04-250.jpg
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy cùng con gái. RFA file
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy cùng con gái. RFA file
Vậy thì cái mình đang làm là đúng, nhưng người ta nói như vậy là sai, tức là người ta không giải thích được là "tôi ảnh hưởng tới ai?" Tôi chẳng ảnh hưởng tới ai cả, đúng không? Đó là (do) cái khuôn khổ nó sai chứ không phải là không có khuôn khổ. Tự do phải có khuôn khổ, nhưng cái khuôn khổ ở đây bị sai. Hết.

Như Quỳnh: Hồi nãy mình nói tự do có khuôn khổ nhưng mà còn tùy người làm ra cái khuôn nữa.

Toàn: Đúng rồi. Cái khuôn nó sai.

Hải Di: Dĩ nhiên tự do có khuôn khổ nhất định, tức là để cái tự do của mình nó không ảnh hưởng đến người khác thì phải có luật pháp cụ thể. Thí dụ như vấn đề tự do báo chí, báo chí muốn viết cái gì cũng được, nhưng người ta có quyền kiện lại báo chí nếu tờ báo đó hay người viết đó viết sai. Nhưng ở nước mình nhiều khi báo viết gì cũng được, viết tào lao gì cũng được miễn là vấn đề không dính tới chính trị, viết xâm phạm đời tư người ta, sỉ nhục người ta ngay trên báo chí nhưng người ta kiện lại không được. Ở nước khác người ta có quyền kiện lại, nhưng ở Việt Nam nhiều người kiện thấy không tới đâu nên người ta không kiện.

Khánh An: Quý vị và các bạn vừa nghe ý kiến của bạn Hải Di tại Na Uy. Ý kiến của Hải Di cũng mở ra vấn đề liên quan đến quyền của người cầm bút. Đây cũng là chủ đề mà Khánh An sẽ mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi trong chương trình Cafe Wifi kỳ sau. Xin kính chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.