"Chiếm phố Wall" có lan đến VN?

Khánh An rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong Chương Trình Café Wifi.
Khánh An, phóng viên RFA
2011.11.01
000_Hkg5532866-305.jpg "Chiếm phố Wall" trong trang phục lễ hội Halloween ở New York hôm 31 tháng 10 năm 2011.
AFP photo

Kỳ trước, các bạn trẻ gồm Vy ở Đà Nẵng, blogger Mẹ Nấm tức Như Quỳnh ở Nha Trang, Thành ở Sài Gòn và Hoàng đến từ Pháp, đã thảo luận về phong trào biểu tình “Chiếm Phố Wall” ở Mỹ và phong trào biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam.

Điểm khác biệt ở VN

Kỳ này các bạn thảo luận về bản chất của hai cuộc biểu tình và đánh giá về khả năng xuất hiện một phong trào tương tự như phong trào “Chiếm Phố Wall” tại Việt Nam.

Hoàng: Bên đây, lúc em mới qua đi làm thẻ lưu trú thì có một buổi họ giới thiệu cho mình về những giá trị cơ bản của nền Cộng Hòa Pháp, trong đó giá trị đầu tiên mà họ giới thiệu là quyền biểu tình. Tất cả mọi người, cho dù là người Pháp hay là người nhập cư từ các nước khác vào Pháp một cách hợp pháp thì đều được quyền biểu tình.

Họ nhấn mạnh giá trị cơ bản của nền cộng hòa là như vậy và bất cứ cuộc biểu tình nào cũng phải được phía cơ quan an ninh bảo đảm. Biểu tình thì hoặc anh phải đăng ký hoặc biểu tình phải ôn hòa. Khi nào hai bên không thương lượng được, bên này cũng quá đáng, bên kia cũng quá đáng thì lúc đó người ta sẽ có biện pháp, nhưng mà quyền biểu tình được luật pháp bảo vệ.

Ở bên đây biểu tình xảy ra hàng năm, biểu tình giống như nghỉ hè, năm nào cũng có. Chị nghe nói biểu tình thì không có gì bất ngờ hết. Năm nào mà không có biểu tình mới là lạ. (Mọi người cùng cười). Ví dụ như biểu tình mà chị Khánh An nói ở bên Mỹ đó thì ở bên đây em thấy rất nhiều, biểu tình suốt. Đừng nói gì bây giờ em thấy trong trường, ví dụ mùa đó thi sớm quá hoặc thi nhiều quá mà rơi vào những dịp nghỉ thì sinh viên lại biểu tình, đâu có cần liên quan gì tới công ăn việc làm đâu.

Nhưng mà thật ra có cái khó ở mình là ở bên đây có nhiều đảng và họ phải dành quyền cầm quyền qua tranh cử. Thành thử ra biểu tình nó gần như là một biện pháp chế tài đối với đảng cầm quyền. Ví dụ nếu đảng cầm quyền điều hành đất nước mà hiệu quả thấp quá thì dân người ta biểu tình rần rần trong năm. Như vậy, chắc chắn nhiệm kỳ sau thì anh rớt vì người ta không ủng hộ anh, bởi vì mắc mớ gì người ta lại đi bỏ phiếu cho một kẻ làm cho người khổ sở trong vòng mấy năm trời, phải không?


Bởi vì bên mình chỉ có một đảng thì cũng hệ thống đó, cũng cơ chế vận hành như vậy thôi, cho nên biểu tình ở mình tác dụng nó thấp hơn.

Hoàng từ Pháp

Nhưng mà bên mình lại trong một tình trạng khác. Bên mình bất cứ cuộc biểu tình nào cũng bị gán cho màu sắc chính trị hết, mà thực ra không phải vậy. Biểu tình là biểu lộ cái mình không hài lòng. Ví dụ tôi không hài lòng chuyện Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam thì tôi xuống đường để đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải có một thái độ rõ ràng. Bởi vì bên mình chỉ có một đảng thì cũng hệ thống đó, cũng cơ chế vận hành như vậy thôi, cho nên biểu tình ở mình tác dụng nó thấp hơn. Hóa ra bên này em thấy là mặc dầu người dân được quyền biểu tình nhưng mà giới cầm quyền họ rất sợ biểu tình vì biểu tình chắc chắn sẽ làm cho họ bị rớt.

000_Was4323034-250.jpg
Một gia đình tham gia "Chiếm DC" tại một công viên ở Washington DC, ngày 12 tháng 10 năm 2011. AFP photo
Một gia đình tham gia "Chiếm DC" tại một công viên ở Washington DC, ngày 12 tháng 10 năm 2011. AFP photo
Khánh An: Điểm này không biết các bạn có thấy giống ở Việt Nam hay không?

Vy: Em nghĩ việc này khác hẳn ạ. Biểu tình ở bên đó là một biểu hiện rõ rệt của một nền dân chủ. Còn qua các cuộc biểu tình ở Việt Nam thì lại càng thấy biểu tình ở Việt Nam là một cái trường hợp cá biệt và khi người dân biểu tình thì cái bộ mặt độc tài của chế độ lại càng lộ rõ hơn.

Hoàng: Có một cái Hoàng cũng thấy lạ là tại sao mới ban đầu khi mà nói về biểu tình thì Vy lại nói chế độ tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa? Hoàng thấy biểu tình là một phản ứng của người dân chứ nó đâu có gì liên quan tới học thuyết lãnh đạo xã hội nào đâu.

Vy: Không! Ý em là thế này. Tại vì biểu tình chiếm phố Wall là gần như là cuộc biểu tình chống chủ nghĩa tư bản để bảo vệ cho một nhà nước phúc lợi…

Hoàng: Đâu, không, Hoàng lại…

Vy: Không! Thực sự là như vậy mà. Em muốn nói cho những người nghĩ rằng người dân Mỹ đang biểu tình để chống chính quyền, chống chủ nghĩa tư bản, thì thực ra cuộc biểu tình đó chỉ là một hiện tượng bình thường và nó không liên quan gì tới việc người dân chống chính quyền hết mà có thể người ta đang chống chủ nghĩa tư bản đó chứ. Nhưng chủ nghĩa tư bản nó không liên quan gì đến nền dân chủ. Chủ nghĩa tư bản là một chủ thuyết về kinh tế, dân chủ tự do mới là chủ thuyết về chính trị cơ mà. Đó là tại vì em thấy có nhiều người ở Việt Nam nhập nhằng chuyện này. Họ cứ nói là người dân Mỹ đang chống chủ nghĩa tư bản, đang thực hiện phong trào “Chiếm Phố Wall”, cho nên họ nói chủ nghĩa tư bản thế này thế kia và nói là chúng ta đang ở trong chủ nghĩa xã hội là tốt. Đó là việc mà em muốn nói.

Hoàng: Hoàng thấy nó cũng không rõ ràng. Thực ra tư bản chỉ là hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa, đúng không? Có nghĩa là có ông chủ và có người làm công. Còn hình thái kinh tế xã hội chủ nghĩa là tất cả của cải là của chung hết. Thực ra cái này rất là bình thường là trong hiến pháp quy định là tôi cũng phải có chừng đó chừng đó phúc lợi mà sao tôi thấy năm nay phúc lợi của tôi rớt quá, lương của tôi thấp quá, lương của tôi không đủ sống trong thời này nữa mà không thấy nhà nước cải cách gì hết cho nên tôi biểu tình. Chỉ có vậy thôi, chứ tư bản hay xã hội chủ nghĩa, xã hội nào cũng bị như vậy hết.

Vy: Em nghĩ những nhà nghiên cứu về xã hội và chính trị đang bị đặt trước vấn đề - đây là em đang nói ở Mỹ - đó là chúng ta nên chú trọng vào cạnh tranh tự do về kinh tế hay chú trọng vào sự bình đẳng xã hội. Đó là hai vấn đề lớn mà một chính phủ, chính phủ Hoa Kỳ hay bất cứ chính phủ dân chủ nào người ta phải đối mặt, đó là làm thế nào để cân bằng được cạnh tranh kinh tế và bình đẳng xã hội. Khi mà người ta chống lại sự tham lam của các lãnh đạo kinh tế - tài chính thì người ta đang lên tiếng với nhà cầm quyền rằng các ông phải làm sao đó để mà cân bằng, vừa cho phát triển kinh tế theo chủ nghĩa tư bản mà vừa có thể bảo đảm được nhà nước phúc lợi và bình đẳng xã hội, mà đó là một vấn đề khó đối với tất cả mọi quốc gia.

Quyền biểu tình

Như Quỳnh: Thực ra bản chất của vấn đề nó như thế này: Tôi không đồng ý cái chuyện này và tôi biểu tình. Cần nhìn nhận ở đây là tôi không đồng ý với chuyện này thì tôi biểu tình để bày tỏ thái độ của tôi là tôi không đồng ý. Nhưng mà khổ nỗi là ở Việt Nam, mặc dù hiến pháp quy định là công dân có quyền biểu tình, nhưng mà khi người dân xuống đường thì lại vướng chân vào các nghị định cấm tập trung đông người và các thứ nữa. Cho nên vấn đề ở đây là cho dù mọi người, các bạn “hồng vệ binh” và các bạn mở ra các cuộc tranh cãi về biểu tình ở Phố Wall và sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản gì đó đi chăng nữa thì các bạn đều cố tránh xa vấn đề này: đó là ở Mỹ người ta được quyền biểu tình, còn ở Việt Nam thì không được quyền biểu tình, vấn đề chỉ có vậy thôi!

000_Hkg5073315-250.jpg
Một lần biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 03/7/20114. AFP photo
Một lần biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 03/7/20114. AFP photo
Khi mà các bạn đưa ra so sánh ở Mỹ biểu tình cũng bị bắt mấy trăm người thì ở Việt Nam bị bắt cũng chẳng có chi là lạ hết. Nhưng mà nó khác nhau chứ! Ở Mỹ người ta cho anh biểu tình nhưng mà có luật lệ, cụ thể là khi anh biểu tình thì anh phải tuân theo đúng những gì anh đưa ra, hoặc là anh không được phá hoại như hủy hoại tài sản hoặc là làm ảnh hưởng tới trật tự chung thì đương nhiên là anh vi phạm luật và bị giam giữ là đúng. Nhưng ở Việt Nam thì không phải như vậy. Tất cả các thông tin và các giả thuyết đưa ra đều có sự so sánh là ở Mỹ biểu tình bị bắt thì ở Việt Nam đi biểu tình cũng bị bắt. Đó là một sự nhìn nhận hết sức sai lầm về phong trào này.

Thật sự thì mình thấy vấn đề nó chỉ rõ ràng là ở chỗ dân Mỹ họ không đồng ý với chính sách kinh tế như thế và họ đòi sự công bằng hơn thì họ đi biểu tình mà thôi. Còn ở Việt Nam mình người ta nhìn thấy chuyện lớn hơn, người ta không đồng ý với vấn đề giải quyết trên biển ở Hoàng Sa – Trường Sa, người ta bức xúc với việc ngư dân bị bắt, bị giết nên người ta đi biểu tình thì lại bị bắt. Đó, bản chất của vấn đề là nó nằm ở quyền biểu tình: biểu tình là cái quyền của con người thôi.

Hoàng: Mà thật ra mình thấy dân Việt Nam mình hiền vô cùng. Ví dụ như biểu tình về Hoàng Sa – Trường Sa là họ thể hiện lòng yêu nước, đó là chưa nói tới biểu tình nói thẳng về hệ thống lãnh đạo của mình. Ở đây là chỉ, thứ nhất là cũng đòi hỏi nhà nước mình phải có một định kiến rõ ràng, thứ hai nữa là gửi một thông điệp cho Trung Quốc để họ biết rõ ràng là không phải muốn làm cái gì riêng với nhau cũng được. Em thấy biểu tình đó là còn hiền hậu đó, còn những biểu tình khác như là biểu tình và đình công của công nhân hãng này hàng kia thì đó chỉ là những dạng tức nước vỡ bờ. Em thấy người mình còn hiền chán!

Nhưng mà khổ nỗi là ở Việt Nam, mặc dù hiến pháp quy định là công dân có quyền biểu tình, nhưng mà khi người dân xuống đường thì lại vướng chân vào các nghị định cấm tập trung đông người và các thứ nữa.

Như Quỳnh ở Nha Trang

Như Quỳnh: Thôi em ơi, mới có biểu tình hiền như vậy mà đã bị đạp vào mặt, rồi bị tống giam vào nhà tù.

Hoàng: Em nghĩ câu trả lời rất đơn giản thôi, nhà nước này đã giành được chính quyền nhờ biểu tình thì nó biết rằng biểu tình là con dao nguy hiểm vô cùng vì một nhà nước tiêu đi cũng chỉ vì biểu tình, cho nên bây giờ nó triệt ngay biểu tình, nó đâu dám chơi. Trong khi đó, nếu để cho người dân biểu tình thì lúc đó cái đòi hỏi của một nhà nước khó hơn rất nhiều.

Như Quỳnh: Mình là thí dụ sống động nhất về quyền biểu tình. Mình mới tuyên bố là “với trách nhiệm của một công dân tôi sẽ đi biểu tình”, thế là mình bị bắt luôn. Mới tuyên bố thôi là “tôi đi biểu tình” là đã bị bắt rồi. Cho nên (cười) ở Việt Nam đi biểu tình thì cứ âm thầm mà đi thôi, chứ đừng tuyên bố gì.

Hoàng: Có hai cách, chị ơi. Có hai cách để duy trì một hệ thống chính trị: Hoặc là chị phải làm cho hệ thống chính trị của chị hoạt động hiệu quả hơn để người dân hài lòng, hoặc là chị triệt ngay trong trứng nước những cái bất bình. Đó, chỉ có hai cách đó thôi chị ơi. Cách thứ nhất là của một nhà nước dân chủ, cách thứ hai là của một nhà nước độc tài.

Như Quỳnh: Ừ, đúng. Chính xác. Chúng ta đang sống trong một chế độ độc tài.

Khánh An: Như các bạn vừa nói, điều đó cho thấy là các bạn không nhìn thấy có khả năng xuất hiện một phong trào tương tự như “Chiếm Phố Wall” ở Việt Nam hay sao?

Như Quỳnh: Mình nghĩ là không đâu.

Vy: Dạ, em cũng nghĩ là không đâu.

Khánh An: Như vậy, cả Quỳnh và Vy đều cho rằng không thể xuất hiện một phong trào tương tự như biểu tình “Chiếm Phố Wall” tại Việt Nam được. Lý do vì sao các bạn trẻ lại khẳng định như thế? Mời quý vị đón nghe câu trả lời ở chương trình Café Wifi kỳ sau.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.