Việt Nam có nguy cơ bị sóng thần?


2006.12.27

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Đài Loan vừa xảy ra một trận động đất mạnh, khiến người ta sợ có thể dẫn tới nạn sóng thần như hồi năm 2004 tại vùng biển Ấn Độ Dương; và giới khí tượng thủy văn thậm chí cảnh báo là thiên tai này có khả năng ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam từ Quảng Bình xuống tới Cà Mau.

Hôm 26-12-2006, một gia đình ở Ðà Nẵng tạm rời khỏi nhà để tránh cơn sóng thần có thể xảy ra. AFP PHOTO

Nguy cơ này hiện có thật sự qua chưa? Thanh Quang hỏi chuyện qua điện thọai, vào lúc trưa thứ Tư 12-27, với Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng, Giám đốc Kỹ thuật Lịên đòan Địa chất-Thủy văn 8 thuộc Địa chất Công trình Miền Nam Việt Nam, và được ông cho biết:

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng: Hiện nay theo thông báo mới nhất của chuyên gia Nhật, thì thiên tai này tập trung vào đất liền của Đài Loan thôi, nó không ảnh hưởng lớn tới Việt Nam.

Và theo thông báo mới nhất của cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam thì sinh hoạt của người dân cũng trở lại bình thường rồi. Hôm qua thì đúng là sau 19 giờ, giới chức Việt Nam đã thông báo liên tục, chuẩn bị tinh thần di dời dân ở vùng ven biển.

Thanh Quang: Thưa Tiến sĩ, nói chung thì nguy cơ động đất, sóng thần có thể đe dọa Việt Nam, nhất là vùng ven biển Việt Nam, như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng: Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi vì ở khu vực vành đai xung yếu TBD, cái ứng suất giải phóng lúc nào thì nó xảy ra lúc đó. Nhưng nó xảy ra khi nào, và ảnh hưởng tới nước nào là vấn đề còn tiếp tục theo dõi. Nó phải có biểu hiện rồi thì người ta mới có dự báo.

Thanh Quang: Theo kinh nghiệm và nghiên cứu của TS thì một cách cụ thể, những vùng ven biển nào, hay những khu vực nào của VN đang nằm trong vùng hoạt động của động đất, sóng thần?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng: Vấn đề như thế này: Động đất thì xảy ở đới xung yếu, đới dập vở của bề mặt vỏ trái đất. Năng lượng được tích tụ, đến một lúc nào đó nó giải phóng năng lượng đó thì nó xảy ra quá trình gọi là sóng động đất – sóng dọc và sóng ngang. Nguyên nhân động đất là như thế.

Và nếu là trên đất liền thì nó ảnh hưởng đến các công trình trên đất liền. Còn khi nó xảy ra dưới biển thì gây sóng thần. Theo nghiên cứu địa chất thì vành đai xung yếu ở ngoài Thái Bình Dương nó có một cái cung, như khu vực ở vùng Philippines.

Còn trong đất liền, thí dụ như ở Việt Nam mình, ở khu vực sông Hồng có một đới xung yếu. Cách đây một số năm động đất xảy ra ở vùng Lai Châu, Sơn La.

Thanh Quang: Thế còn miền Trung và miền Nam Việt Nam thì có nguy cơ như thế nào, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng: Ở xa xưa trong lịch sử thì có. Còn bây giờ thì vấn đề gọi là quan trắc chưa hòan chỉnh, nên không thể nói trước cái gì được.

Thanh Quang: Tiến sĩ vừa đề cập tới công tác quan trắc. Như vậy, cho tới giờ, Việt Nam có những bước chuẩn bị nào để kịp thời giảm thiểu ảnh hưởng một khi thiên tai như vậy xảy ra?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng: Thực ra trong giới khoa học thì vấn đề này đã được đề xuất rất nhiều. Nhưng vì kinh phí có hạn nên Việt Nam cũng chưa lập được những trạm quan trắc về lãnh vực này. Còn làm mà không tới nơi tới chốn, đưa tới báo động giả thì rất nguy hiểm.

Thanh Quang: Thưa Tiến sĩ, Việt Nam có rút tỉa bài học như thế nào về thiên tai sóng thần năm 2004 vừa qua từ các nước vùng vòng đai Ấn Độ Dương?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng: Đối với Việt Nam thì phải luôn luôn ở tư thế hết sức cảnh giác. Chẳng hạn hôm qua, do thông báo của khí tượng thủy văn của Nhật, thì Việt Nam tiếp thu ý kiến đó và cảnh báo trên tất cả phương tiện thông tin đại chúng, cảnh báo kịp thời.

Và khi kết luận của họ là thiên tai không vào Việt Nam thì mình cũng tiếp tục cảnh báo kịp thời, cho biết nó không ảnh hưởng lớn tới bờ biển Việt Nam. Và mọi sinh hoạt của người dân từ đó cũng trở lại bình thường.

Thanh Quang: Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.