Những chiếc xe thiết giáp và xe tăng trang bị vũ khí tham gia diễu hành trong lễ kỷ niệm 67 năm ngày độc lập của Myanmar tại Naypyidaw, ngày 4/1/2015. Nguồn ảnh: Gemunu Amarasinghe/AP

Cùng bị tẩy chay trở thành chiến hữu:
Nga tìm thấy đồng minh là chính phủ quân phiệt Myanmar

Mối quan hệ được hình thành trong thời kỳ Xô-viết giờ đây mang ý nghĩa mới khi hai quốc gia này đối diện với sự cô lập của quốc tế.


Bài viết của Luna Phạm cho RFA

Ngày 4/12/2023

Một tháng sau cuộc đảo chính tháng 2/2021 đã đưa Myanmar chìm vào một cuộc nội chiến đẫm máu, lãnh đạo quân đội, Thống tướng Min Aung Hlaing đã dành cho một tờ báo của Nga một cuộc phỏng vấn hiếm hoi. Trong cuộc phỏng vấn này, ông nhấn mạnh về sự coi trọng “hòa bình và an tịnh” của những đồng bào Myanmar theo Phật giáo. Ông cũng nói về sự trân quý của mình đối với “những người bạn cũ và thực sự” như nước Nga.

“Tình hữu nghị của chúng ta không phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài” – ông nói với tờ Moskovsky Komsomolets. “Tôi chắc chắn rằng tình hữu nghị của chúng ta sẽ trường tồn.”

Ít người có thể bị thuyết phục bởi lời viện dẫn đến tôn giáo của ông Min Aung Hlaing nhưng việc mô tả quan hệ Myanmar-Nga của ông có thể gần với sự thật hơn. Mối quan hệ được hình thành và hun đúc trong thời kỳ Chiến tranh lạnh sau khi Myanmar độc lập khỏi Anh quốc, đã và đang mang một tầm quan trọng mới khi chế độ độc tài ở hai quốc gia đứng trước sự cô lập của quốc tế.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô ba thập kỷ trước, Myanmar và Nga ít có các hoạt động trao đổi qua lại. Nhưng giờ đây, nhà cầm quyền của hai nước này đã trở nên đoàn kết vì cùng phải đối mặt với sự lên án của toàn cầu: Naypyidaw bị lên án vì cuộc đảo chính lật đổ chính quyền được bầu cử dân chủ của Myanmar, và Mátxcơva vì cuộc xâm lược Ukraine một năm sau đó.

“Làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước và cho thế giới thấy mối quan hệ này là một cách để giảm sự cô lập” – ông Michal Lubina, một nhà phân tích nổi tiếng về Myanmar từ Đại học Jagiellonian ở Ba Lan nói.

“Trung Quốc luôn là ưu tiên cao nhất trong chính sách ngoại giao của Myanmar nhưng Nga đang lên trong danh sách này một cách nguy hiểm. Thậm chí trên thực tế, quan hệ giữa hai nước [Myanmar và Nga] có thể không mạnh mẽ như đang được thể hiện”.

Cả hai quốc gia đã tìm cách thúc đẩy giao thương giữa hai nền kinh tế bị trừng phạt và họ đặc biệt quan tâm tới việc Nga bán trang thiết bị quân sự cho Myanmar. Hai bên cũng đã có các cuộc tiếp xúc cấp cao chính thức. Tổng thống Vladimir Putin đã gặp Thống tướng Aung Hlaing lần đầu tiên trong bối cảnh sau khi Nga xâm lược Ukraine và Chính phủ quân phiệt Myanmar biện hộ cho các hành động này của Nga.


minaunghlaing-putin2
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Nhà lãnh đạo Chính quyền quân trị Myanmar, ông Min Aung Hlaing, bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2022 tại Vladivostok ngày 7/9/2022. Nguồn ảnh: Valery Sharifulin/Sputnik/AFP

Khrushcheck bước chân trần vào chùa Shwedagon

Mối quan hệ giữa hai nước khởi nguồn từ những năm đầu sau khi Myanmar giành được độc lập từ Anh vào năm 1948. Bảy năm sau đó, lãnh đạo Liên Xô đã đến thăm Myanmar. Mátxcơva khi đó đang thúc đẩy quan hệ với các quốc gia nhỏ ở châu Á và châu Phi để đẩy họ ra khỏi sự phụ thuộc chính trị, kinh tế và quân sự vào phương Tây.

Trong năm 1955, Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Liên Xô, ông Nikita Khrushchev và cánh tay phải của ông, Thủ tướng Nikolai Bulganin, đã đến thăm thành phố Rangoon (nay gọi là Yangon) và được lãnh đạo Myanmar đón tiếp nồng nhiệt.

Trong một bộ phim tài liệu đương đại, ông Khrushchev vui vẻ rạng rỡ, rảo bước bên cạnh Thủ tướng Myanmar U Nu và ngồi một cách rất thoải mái trên ghế sofa cạnh Tướng Ne Win, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng Vũ trang Myanmar.

Tướng Ne Win, vài năm sau đó, đã lên cầm quyền thông qua một cuộc đảo chính và trở thành nhà độc tài Myanmar đầu tiên – người cô lập đất nước mình và kiểm soát chặt chẽ nó trong sự kìm kẹp của chính quyền quân sự suốt nhiều thập kỷ.

Bộ phim, “Trên Mảnh đất Hiếu khách Myanmar” do đạo diễn Xô-viết nổi tiếng Roman Karmen sản xuất, đã ghi lại cảnh nhà lãnh đạo Liên Xô chân trần bước vào Chùa Shwedagon, nơi thờ phượng Phật giáo nổi tiếng nhất của Myanmar ở Rangoon.

Vào cuối chuyến thăm kéo dài một tuần bao gồm cả các chuyến đi tới Mandalay và bang Shan, hai bên đã ký tuyên bố chung kêu gọi hợp tác Myanmar - Liên Xô trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật.

Một tháng sau đó, công hàm của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cho biết các nhà lãnh đạo Myanmar “đã bày tỏ ý kiến liên quan đến các vấn đề quan trọng (giải trừ quân bị, trong đó có việc cấm vũ khí nguyên tử, thái độ với các khối quân sự, đánh giá về các Hội nghị Geneva). Các ý kiến này tương ứng với hoặc gần với lập trường của chúng ta.”

“U Nu dành nhiều quan tâm tới vấn đề bán gạo của Myanmar cho chúng ta” – công hàm viết.

“Các đồng chí Khrushchev và Bulganin ... đã ngỏ ý tặng người dân Myanmar một món quà, đó là việc xây dựng và trang bị một trung tâm công nghệ ở Rangoon”.



Ông Khrushchev trở lại thăm Myanmar vào tháng 2/1960 và cũng đã gặp ông Ne Win, khi đó là Thủ tướng, và Chủ tịch U Min Maung.

Trong những thập kỷ tiếp theo, quan hệ Myanmar – Nga đã trải qua những thăng trầm của lịch sử của hai nước cho dù tầm quan trọng chiến lược của Myanmar đối với Nga đã giảm đi khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Nhưng giờ đây quan hệ song phương lại mang tầm quan trọng mới đối với cả Nga và Myanmar khi hai nước phải lèo lái vượt qua tình trạng bị tẩy chay, cô lập gần đây.

“Nga luôn duy trì một đại sứ quán lớn ở Yangon” – ông Ludwig Weber–Lortsch, Đại sứ Đức tại Myanmar thời kỳ 2011-2017 nói.

“Thậm chí trong những năm dưới thời Tướng Ne Win, khi Myanmar bị cô lập với thế giới bên ngoài thì cũng chưa từng có một sự gián đoạn nào trong quan hệ giữa hai nước” – Ông Weber-Lortsch nói.

“Về địa lý, Nga ở xa Myanmar nên không bao giờ dính líu vào các vấn đề nội bộ của Myanmar như bạo lực sắc tộc hoặc các căng thẳng biên giới. Trung Quốc có nhiều quyền lực và ảnh hưởng lớn hơn với Myanmar, nhưng là láng giềng của nhau nên quan hệ giữa hai nước này phức tạp hơn rất nhiều.”


russian-embassy-yangon.jpg
Những người biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Yangon ngày 20/2/2021. Nguồn ảnh: Ye Aung Thu/AFP

Bóng đá – Quyền lực mềm

Bóng đá đã trở thành một công cụ quyền lực mềm mà Liên Xô sử dụng trong những năm đầu thiết lập quan hệ với Myanmar.

Trong chuyến thăm năm 1955, các ông Khrushchev và Bulganin đã gặp các thành viên của đội bóng đá Lokomotiv Mátxcơva đang thăm Rangoon.

Vào thời điểm đó, đội Lokomotiv đang có chuyến thi đấu ở châu Á, chơi sáu trận ở Indonesia, hai trận ở Ấn Độ và hai trận ở Myanmar. Họ đã thắng tất cả các trận đấu, bao gồm cả hai trận ở Rangoon với tỷ số 7-1 và 10-0.

Những người hâm mộ bóng đá Myanmar vẫn còn nhớ hai huấn luyện viên người Liên Xô của đội tuyển quốc gia Myanmar: ông Mikhail Bozenenkov và German Zonin.

Ông Bozenenkov là huấn luyện viên của đội tuyển bóng đá quốc gia Myamar từ năm 1961 đến năm 1965. Dưới thời ông, đội Myanmar đã giành huy chương bạc tại Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á năm 1961 - một thành tích không dễ dàng vào thời điểm đó.

“Ông ấy có bằng tiến sĩ về thể thao ở Liên Xô và tham gia vào đội tuyển bóng đá quốc gia Nga. Ông ấy rất hoàn hảo” – cựu cầu thủ bóng đá Maung Maung của Myanmar hồi tưởng lại.

Sau Bozenenkov, ông German Zonin đã dẫn dắt đội tuyển quốc gia Myanmar từ năm 1964 đến năm 1968. Trong thời gian này, Myanmar đã đoạt chức vô địch tại Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á năm 1965 và 1967 đồng thời giành huy chương vàng tại Asian Cup (Cúp Châu Á) năm 1966 và đồng huy chương vàng tại giải Merdeka Cup - một cuộc thi bóng đá quốc tế được tổ chức tại Malaysia.

Một báo cáo nghiên cứu năm 2022 của Quỹ PeaceNexus tại Thụy Sĩ phát hiện ra rằng “Việc Nga triển khai quyền lực mềm thành công tại Myanmar phần lớn đã bị xem nhẹ”.

“Nó [quyền lực mềm này] đã được xây dựng trên cơ sở một số điểm tương đồng về quan điểm và giá trị cũng như không có lịch sử hỗ trợ các đối thủ vũ trang của quân đội Myanmar, không có các dự án đầu tư quy mô lớn gây tranh cãi, không can dự vào chính trị bản sắc phức tạp của Myanmar và không có nỗ lực bành trướng nào trước kia”.

Một cách ngạc nhiên, PeaceNexus nói rằng quyền lực mềm này đã mở rộng sang cả những gắn kết về tôn giáo. Mặc dù Thiên Chúa giáo chiếm ưu thế nhưng ở Nga vẫn có khoảng 700.000 đến 1,5 triệu người theo đạo Phật.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu xuất thân từ vùng Tuva ở nam Siberia – nơi đạo Phật là tôn giáo chính.

Sinh vào năm hai ông Khrushchev và Bulganin đến thăm Myanmar, bộ trưởng Shoigu không được biết đến như một người theo đạo Phật nhưng được cho là “biết về các tập tục và biểu tượng [của Đạo Phật] – báo cáo của PeaceNexus viết.

Điều này có lẽ đã giúp xây dựng quan hệ cá nhân giữa bộ trưởng quốc phòng Nga và các lãnh đạo quân đội Myanmar. Trong chuyến thăm Mátxcơva vào tháng 6/2021 của Thống tướng Min Aung Hlaing, Shoigu đã giới thiệu ông là “bạn thân thiết” và nhấn mạnh đóng góp cá nhân của ông Thống tướng trong mối quan hệ song phương Myanmar – Nga.


russia-myanmar07.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing duyệt đội danh dự trước các cuộc hội đàm tại Mátxcơva, ngày 22/6/2021. Nguồn ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/AFP

Tình anh em của các quốc gia bên lề?

Sau cuộc đàn áp giết chóc những người biểu tình dân chủ năm 1988, Myanmar đã bị trừng phạt bởi các nước phương Tây, và quân đội nước này phải đối diện với các lệnh cấm vận vũ khí và cô lập quốc tế.

Nga vẫn là một quốc gia nơi mà tầng lớp sĩ quan của Tatmadaw, hay còn gọi là quân đội Myanmar, có thể tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài. Một báo cáo của tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), cho biết Nga đã đào tạo ở bậc sau đại học cho hơn 7.000 sĩ quan Myanmar kể từ năm 2001.

Bản thân Thống tướng Min Aung Hlaing rõ ràng có cảm tình đặc biệt với Nga. Ông này đã đến Mátxcơva sáu lần và thậm chí có cả tài khoản trên V Kontakte – một mạng xã hội của Nga.

Nga đã hồi đáp với những ủng hộ về mặt ngoại giao. Mátxcơva đã giữ im lặng khi Myanmar bị quốc tế lên án vì đã khiến khoảng ¾ triệu người Hồi giáo Rohingya phải rời bỏ nhà cửa để trốn chạy vào năm 2017. Nga, đồng thời, cũng là một trong số ít quốc gia biện hộ cho chính quyền quân đội sau cuộc đảo chính năm 2021.

Về phần mình, Myanmar đã biện hộ cho việc Nga xâm lược Ukraine và nói rằng việc làm này là “để đảm bảo hòa bình thế giới”.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Chương trình tiếng Myanmar của Đài Á Châu Tự Do, người phát ngôn của chính quyền quân sự, Thiếu tướng Zaw Min Tun nói rằng ông nhìn nhận cuộc xâm lược này, trước tiên, là “một nỗ lực củng cố chủ quyền của Nga”.

“Thứ hai, điều này cho thấy Nga là một sức mạnh đáng gờm trong cân bằng quyền lực để đảm bảo hòa bình thế giới” – vị tướng này nói.

Theo chuyên gia phân tích tình hình Myanmar, ông Lubina, cuộc chiến tranh ở Ukraine là thời điểm có tính bước ngoặt trong quan hệ Nga – Myanmar.

“Sau cuộc đảo chính quân sự, Min Aung Hlaing đã đến Mátxcơva hai lần nhưng chưa bao giờ được Vladimir Putin tiếp đón”.

“Chỉ sau khi xâm lược Ukraine và bị phương Tây lên án và tẩy chay, Nga đã thấy mình ít nhiều trong tình cảnh giống với Myanmar” – ông Lubina, người đã từng viết sáu cuốn sách về Myanmar nói.

“Cuối cùng, vào năm 2022, ông Putin đã gặp ông Min Aung Hlaing bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok và chính quyền quân sự đã nhận được sự công nhận đầy đủ của Mátxcơva"

Kể từ cuộc gặp này, hai quốc gia đã tăng cường thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương.


russia-myanmar06.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin bước lên phát biểu trong khi khi người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing vỗ tay hoan nghênh tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, ngày 7/9/2022. Nguồn ảnh: Sergei Bobylev/TASS News Agency/Pool via AP

Các đại diện từ Quỹ RC-Investments, một nền tảng đầu tư của Quỹ Roscongress nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của ông Putin, đã đến thăm Myanmar hai lần kể từ tháng 11/2022.

Hai bên muốn gia tăng "hợp tác về du lịch, khai thác mỏ, năng lượng, nông nghiệp và chăn nuôi và các lĩnh vực tài chính, tiền tệ” – báo Irrawaddy đưa tin.

Kể từ 7/2023, công dân Nga không cần nộp hồ sơ visa trước mà có thể xin cấp visa du lịch “đặc biệt”, có giá trị trong 30 ngày, khi đặt chân đến ba sân bay quốc tế của Myanmar. Có hiệu lực trên cơ sở thử nghiệm đến tháng 7/2024, biện pháp này được đưa ra nhằm thu hút khách du lịch từ Nga – những người đang tìm kiếm các điểm đến mới do bị các quốc gia châu Âu áp dụng các quy định hạn chế đi lại.

Hãng hàng không quốc tế Myanmar Airways International cũng vừa khai trương đường bay trực thiếp tuần hai lần giữa Yangon-Mandalay và Novosibirk.

Vũ khí không đi kèm điều kiện ràng buộc

Thương mại song phương giữa Myanmar và Nga vẫn còn hạn chế. Trong năm 2021, Nga xuất khẩu khoảng 70 triệu đô la hàng hóa sang Myanmar, chủ yếu là thiết bị điều hướng, xe cộ và máy móc. Trong cùng năm này, Myanmar xuất khẩu 145 triệu đô la hàng may mặc sang Nga.

Nhưng phần trao đổi thương mại đáng kể nhất và không được công khai là hoạt động buôn bán vũ khí. Đây là lĩnh vực mà số liệu thương mại chính thức không thể hiện.


russia-myanmar-military
Thống tướng Min Aung Hlaing chào các quân nhân hải quân Nga trước một cuộc diễn tập hải quân chung tại cảng Thilawa ở Yangon, ngày 6/11/2023. Nguồn: AFP/Đội Thông tin Quân đội Myanmar

Ông Tom Andrews, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Myanmar, viết trong một báo cáo gửi Hội đồng Nhân quyền rằng phần lớn vũ khí và các thiết bị liên quan tới vũ khí khác mà chính quyền quân sự nhận được kể từ cuộc đảo chính hai năm trước đến từ Nga.

Báo cáo này xác định được 406 triệu đô la doanh số bán vũ khí từ 28 thể nhân của Nga, bao gồm cả các công ty quốc doanh và 267 triệu đô la từ các thể nhân ở Trung Quốc.

"Kể từ cuộc đảo chính, các thể nhân Nga, bao gồm các tổ chức quốc doanh, đã chuyển giao các máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa tiên tiến, máy bay do thám và tấn công không người lái (drones), và phụ tùng thay thế cho máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công và các hệ thống khác" - báo cáo này cho biết.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong những năm 1990, Trung Quốc, nước hàng xóm phương Bắc với nhiều ảnh hưởng, là nhà cung cấp vũ khí chủ đạo và đã bán khoảng 1,6 tỷ đô la tiền xe tăng, xe quân sự, máy bay và tàu bè cho Myanmar.

Nhưng trong thập kỷ sau đó, quân đội Myanmar bắt đầu mua nhiều vũ khí hơn từ Nga vì nước này cung cấp vũ khí “chất lượng tốt hơn và ít những tác động/hệ lụy chính trị hơn” – ông Lubina nói.

“Với vũ khí Trung Quốc, luôn có những ràng buộc chính trị đi kèm nhưng vũ khí Nga thì gần như không có phiền toái gì”.

Dữ liệu của SIPRI cho thấy trong giai đoạn từ năm 2000-2009, Myanmar đã mua 1,7 tỷ đô la tiền vũ khi từ Trung Quốc và 1,44 tỷ đô la từ Nga.

Trong khi đó, dữ liệu thương mại của Nga cho thấy các mặt hàng xuất khẩu có "mã bí mật" bao gồm vũ khí, thiết bị liên quan đến quân sự và vật liệu hạt nhân sang Myanmar đã tăng từ dưới tám triệu đô la trong năm 2014 lên hơn 115 triệu đô la vào năm 2020 và chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Myanmar.

“Quân đội của chúng tôi đã trở thành một trong những lực lượng hùng mạnh nhất khu vực nhờ vào Liên bang Nga” – Thống tướng Min Aung Hlaing nói trong một lần ở Mátxcơva.

Các nguồn thông tin báo chí cho biết kể từ đầu những năm 2000, Myanmar đã mua từ Nga 30 máy bay chiến đấu MiG-29, 12 máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130, 10 trực thăng Mi-24 và Mi-35P, và tám hệ thống tên lửa phòng không Pechora-2M.

Chính quyền quân sự cũng đã ký hợp đồng mua sáu máy bay chiến đấu Su-30 và trong chuyến thăm Myanmar năm 2021 của Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, Nga đã cam kết cung cấp cho Naypyidaw các hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1, các máy bay giám sát không người lái (drones) Orlan-10E và thiết bị radar.

Một trung tâm dịch vụ chung đã được thành lập ở Myanmar để cung cấp dịch vụ bảo trì cho các thiết bị quân sự do Nga sản xuất. Và đầu năm nay, chính quyền quân sự đã thiết lập Trung tâm Thông tin và Công nghệ Hạt nhân tại Yangon với sự hỗ trợ của Tập đoàn kinh tế quốc doanh Rosatom của Nga trong bối cảnh có những nghi ngờ rằng quân đội Myanmar có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các nhà vận động về quyền con người nói rằng máy bay do Nga sản xuất đã được sử dụng để tấn công các nhóm sắc tộc nổi dậy.


myanmar-russia-army.jpg
Thống tướng Min Aung Hlaing [người đang chỉ tay] chỉ cho Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin xem những vật dụng chính quyền quân đội tịch thu được sau khi được sử dụng trong các cuộc biểu tình phản đối lực lượng an ninh tại Naypydaw, ngày 26/3/2021. Nguồn ảnh: Handout/AFPTV/Myanmar Radio and Television

Mua bán vũ khí hai chiều?

Trong bối cảnh cuộc chiến tiếp diễn ở Ukraine, xuất hiện tin tức cho hay Nga đang mua lại một số vật tư quân sự trước kia đã bán cho Myanmar cũng như đạn dược do quân đội Myanmar sản xuất.

Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản đã phân tích dữ liệu thông quan và phát hiện ra rằng Nga có thể đang tái nhập khẩu các linh kiện xe tăng và tên lửa đã xuất sang Myanmar và Ấn Độ để nâng cấp, cải thiện các vũ khí cũ của mình.

Mỹ, Nhật Bản và các nước châu u đã cấm xuất khẩu hàng hóa có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự sang Nga kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine được bắt đầu vào tháng 2/2022.

Theo thông tin của Nikkei Asia, UralVagonZavod - nhà chế tạo xe tăng cho quân đội Nga, vào ngày 9/12/2022 đã nhập các sản phẩm quân sự trị giá 24 triệu đô la từ quân đội Myanmar.

UralVagonZavod đã xuất khẩu các sản phẩm quân sự cho quân đội Myanmar vào năm 2019.

“Mua lại các trang thiết bị đã xuất khẩu giúp cho Nga có thể nâng cấp vũ khí cũ hơn trong kho vũ khí của mình và đưa chúng vào chiến đấu” – tờ Nikkei Asia nhận định.

Dự án nghiên cứu độc lập Theo dõi Vũ khí Sử dụng ở Ukraine (Ukraine Weapons Tracker), vào tháng 7 năm nay đã cáo buộc rằng Quân đội Nga giờ đây đang sử dụng đạn dược do quân đội Myanmar sản xuất, trong đó có cả bom cối 120ER 120mm HE.

Bom cối đã được nhận diện bởi các đặc điểm như có các dấu hiệu riêng biệt ở đuôi, ngòi nổ và bộ phận nạp thuốc phóng – dự án này cho biết và bổ sung thêm rằng, các dấu hiệu đã cố tình bị xóa đi hoặc sơn phủ lên.

Trong khi đó, một số cơ quan báo chí ở Myanmar cho biết kế hoạch mua đạn dược do Myanmar sản xuất của Nga đã được thảo luận trong chuyến thăm Naypyidaw trong tháng 12/2022 của Thượng tướng Alexei Kim, Phó Tư lệnh thứ nhất Lực lượng Lục quân Nga.

Những hạn chế đối với các ngân hàng của Nga và Myanmar khiến cho quân đội hai nước gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản mua bán vũ khí cũng như các hàng hóa khác.

Ngân hàng nhà nước của hai quốc gia được đưa tin là đang hợp tác để thiết lập một cơ chế trao đổi trực tiếp giữa đồng rúp và đồng kyat để né tránh hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn còn trong giai đoạn triển khai.

Trong chuyến thăm Myanmar năm 1955 của ông Nikita Khrushchev, nhà lãnh đạo Xô-viết đã đồng ý mua gạo của Myanmar “với điều kiện rằng lô gạo này sẽ đủ chi trả cho giá trị hàng hóa mua từ Liên Xô”.

Gần 70 năm sau, liệu một thỏa thuận hàng đổi hàng tương tự sẽ đạt được giữa hai người anh em đồng chí?