Hậu quả chiến tranh
“Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhất trí rằng việc tăng cường hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh làm sâu sắc sự tin cậy lẫn nhau, cho phép hai nước phát triển mối quan hệ hướng tới tương lai.” - tuyên bố chung hai nước vào năm 2013 mở đầu trong phần hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh.
Trong cột trụ này, hai nước cam kết hợp tác trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh; rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và giúp đỡ những nạn nhân của bom mìn; làm sạch các điểm nóng nhiễm chất độc da cam trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
Kể từ năm 1989, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam đã hợp tác cùng nhau để khắc phục các hậu quả chiến tranh với các chương trình xử lý ô nhiễm dioxin, hỗ trợ người khuyết tật và tháo dỡ bom mìn chưa nổ.
Theo số liệu của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), số bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,31% tổng diện tích cả nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, từ năm 2000 đến 2022, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 202,95 triệu đô la trong công tác dò phá bom mìn.
Từ năm 1988 đến nay, Hoa Kỳ và Việt Nam cũng phối hợp tìm kiếm hài cốt các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, tính đến tháng 6 năm 2023, đã có tổng cộng 733 bộ hài cốt người Mỹ tại Việt Nam đã được xác định. Hiện vẫn còn 1.240 trường hợp người Mỹ được coi là mất tích ở Việt Nam trong chiến tranh.
Vào tháng 7/2020, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) đã ký bản ghi nhớ ý định để Mỹ hỗ trợ phân tích DNA nhằm xác định danh tính hài cốt của hơn 200.000 quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Theo bản ghi nhớ, USAID sẽ phối hợp với VNOSMP để tài trợ một dự án mới kéo dài từ ba đến năm năm với ngân sách 2,4 triệu đô la. Đây là một phần trong nỗ lực của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhằm giúp Việt Nam trong việc tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Liên quan đến việc giải quyết hậu quả chất độc da cam, theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, từ năm 2007 đến năm 2021, Quốc hội Mỹ đã duyệt gần 390 triệu đô la giúp Việt Nam trong lĩnh vực làm sạch môi trường và chăm sóc sức khoẻ cho những người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam.
Trong tuyên bố chung năm 2013, lãnh đạo hai nước đề cập đến hai điểm nóng nhiễm chất độc da cam trong thời gian chiến tranh Việt Nam là sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hoà. Tại thời điểm đó, công tác làm sạch chất độc da cam ở sân bay Đà Nẵng mới được khởi động. Đến tháng 11/2018, việc làm sạch chất độc da cam ở Đà Nẵng hoàn tất với tổng chi phí là 116 triệu đô la.
Vào tháng 5/2018, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại cho dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, điểm nóng dioxit lớn thứ hai ở Việt Nam. Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hoà được khởi công vào tháng 4/2019 và dự kiến mất 10 năm để hoàn thành với tổng chi phí lên tới 450 triệu đô la. Đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp 163,25 triệu đô la trong tổng số 300 triệu đô la dự kiến sẽ đóng góp cho dự án này.